Đề thi giữa học kì 1 lớp 9 môn Văn 2017 - Vĩnh Tường

Đề kiểm tra 8 tuần học kì 1 môn Văn lớp 9 của phòng giáo dục Vĩnh Tường năm học 2016 - 2017 có đáp án phía dưới đây.

Đề thi giữa kì 1 lớp 9 môn Văn 2017 - Vĩnh Tường

Câu 1 (2,0 đ): Đọc các tổ hợp từ sau và trả lời theo yêu cầu bên dưới:

          - Người sống đống vàng.

          - Còn người còn của.

          - Gan vàng dạ sắt.

          - Quý hơn vàng.

a) Tổ hợp từ nào là thành ngữ?

b) Cho biết nghĩa của thành ngữ đã tìm được?

c) Đặt một câu có sử dụng thành ngữ đó?

Câu 2 (2,0đ):

Viết đoạn văn trình bày cảm nhận của em về cái hay của khổ thơ kết thúc bài “Đồng chí” của Chính Hữu:

                   Đêm nay rừng hoang sương muối

                   Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

                   Đầu súng trăng treo.

Câu 3 (6,0đ):

Phân tích diễn biến tâm trạng của Thúy Kiều thể hiện qua đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích “Truyện Kiều” của Nguyễn Du).

Đáp án đề thi giữa học kì 1 lớp 9 môn Văn 2017 - Vĩnh Tường

Câu 1: (2,0 điểm) Cần trả lời các ý sau:

a)     Tổ hợp từ gan vàng dạ sắt là thành ngữ (0.5đ)

b)    Nghĩa của thành ngữ này là: biểu thị tinh thần kiên định, vững vàng (0.5đ).

c)     Đặt được câu sử dụng đúng thành ngữ trên, có dấu kết thúc câu (1,0đ).

Ví dụ: Chiến sĩ ta gan vàng dạ sắt.

Câu 2 (2,0 điểm): yêu cầu:

- Học sinh viết đúng hình thức đoạn văn cho (0,5đ)

- Về nội dung đảm bảo những ý sau (1,5đ)

+ Đây là đoạn kết bài thơ Đồng chí của Chính Hữu.

+ Trong cảnh “rừng hoang sương muối”, các anh bộ đội “đứng cạnh bên nhau” phục kích, chờ giặc. Trăng như đang treo trên đầu ngọn súng của các anh. Hình ảnh “Đầu súng trăng treo” lung linh trong cảm hứng kết hòa hiện thực và lãng mạn, gợi lên bao liên tưởng và cảm nhận lí thú cho người đọc về: súng và trăng, gần và xa, thực tại và thơ mộng, chất chiến đấu và chất trữ tình, chiến sĩ và thi sĩ… khổ thơ cho thấy bức tranh đẹp về tình đồng chí, đồng đội trong chiến đấu, đồng thời cho thấy vẻ đẹp lãng mạn trong tâm hồn anh bộ đội cụ Hồ thời kì đầu kháng chiến chống Pháp.

Câu 3 (6 điểm):

- Yêu cầu chung: HS viết bài văn nghị luận đủ 3 phần. Trong khi phân tích phải dẫn thơ và phân tích cả nội dung và nghệ thuật. Nếu không dẫn thơ mà chỉ kể chung chung trừ nửa số điểm của bài. Giáo viên khi chấm chỉ coi đây là định hướng chấm, cần linh hoạt cho điểm hợp lý.

- Yều cầu cụ thể:

a. Mở bài (0,5đ)

- Giới thiệu Nguyễn Du và “Truyện Kiều”.

- Giới thiệu đoạn trích và vấn đề cần nghị luận: diễn biến tâm trạng của Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích.

b. Thân bài (5,0đ)

* Vị trí đoạn trích (0,5đ):  Nằm ở phần 2 của “Truyện Kiều”, Tú Bà đưa Kiều ra sống một mình ở lầu Ngưng Bích thực chất là giam lỏng Kiều, rắp tâm chuẩn bị một âm mưu mới.

* Cửa bể chiều hôm, trước lầu Ngưng Bích, một mình Kiều trơ trọi, cô đơn (1,0đ): HS trích dẫn thơ và phân tích cả nội dung và nghệ thuật.

Không gian mênh mang (bốn bề bát ngát), cảnh tình tan tác, chia lìa (non xa - trăng ngần; cát vàng cồn nọ - dặm hồng bụi kia), lòng người phụ bạc đã đẩy Kiều sa vào cảm xúc bẽ bàng, bơ vơ.

* Nỗi nhớ của Kiều (1,0đ)

- Nàng xót xa, thương nhớ người yêu, thương nhớ cha mẹ.

Nàng xót thương cho người yêu trước (Xót người… đó giờ), xót thương cho cha mẹ sau (Sân Lai… người ôm). Điều đó rất hợp với logic tâm trạng của nàng. Bởi vì để cứu nguy cho gia đình, nàng đã phải lỗi thề với người yêu. Mặc cảm tội lỗi cứ đau đáu, đeo đẳng mãi trong tâm hồn nàng. Với ngôn ngữ độc thoại nội tâm, ta thấu hiểu nỗi nhớ của Kiều và càng trân trọng tấm lòng vị tha, hiếu nghĩa chung tình của nàng.

* Nỗi buồn của Kiều (2,0đ)

- Sau cảm xúc nhớ người yêu, cha mẹ, lòng Kiều lại hụt hẫng và nỗi buồn điệp điệp (Buồn trông… ghế ngồi). Cảnh như khơi như vẽ từng biến thái tinh tế trong điệu buồn riêng của nàng. (HS phân tích từng cặp câu thơ để làm nổi bật diễn biến tâm trạng của Kiều, đó là nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, là nỗi buồn lênh đênh trôi dạt vô định như cánh hoa, là nỗi chán ngán triền miên mịt mờ, là nỗi lo  sợ, hãi hùng như báo trước dông bão của số phận sẽ nổi lên, xô đẩy vùi dập cuộc đời Kiều)

* Khái quát (0,5đ)

Với bút phát nghệ thuật tả cảnh ngụ tình tinh diệu, Nguyễn Du đã khắc họa thật rõ nét từng biến thái tâm trạng nỗi buồn đau đáu của nàng Kiều trước lầu Ngưng Bích, đồng thời cũng làm sáng lên tấm lòng thuỷ chung, đức tính hiếu thảo, rất đáng được trân trọng ở Thuý Kiều.

c. Kết bài (0,5đ)

- Suy nghĩ bản thân về tác giả và nhân vật.

- Liên hệ thực tế.

Theo TTHN


Viết bình luận: Đề thi giữa học kì 1 lớp 9 môn Văn 2017 - Vĩnh Tường

  •  
Khoá học lớp 2-12 - Tuyensinh247