Tham gia chương trình gồm các chuyên gia:
- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM
- Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM
- Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM
- Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM
- Thạc sĩ Nguyễn Phước Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kinh tế TP.HCM
- Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM.
Nhiều TS chưa trúng tuyển còn đang loay hoay chưa biết nộp hồ sơ vào đâu để có cơ hội thành công cao. Kinh nghiệm cho thấy nếu chúng ta có nhiều thông tin thì cơ hội đó càng cao. Hôm nay, đại diện một số trường sẽ nói về những điều cần lưu ý khi xét tuyển vào trường mình để cung cấp thêm thông tin cho các TS".
- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cho biết: Trường chúng tôi có nhiều ngành xét NV2, chẳng hạn cơ khí nông lâm, cơ khí bảo quản thực phẩm, cơ điện tử, công nghiệp kỹ thuật ô tô, những ngành này còn rất nhiều chỉ tiêu. Đây cũng là những ngành mà năm ngoái có điểm xét tuyển bằng điểm sàn nhưng không có TS nộp hồ sơ. Cần nhớ là những ngành này nhu cầu việc làm rất lớn nhưng không hiểu tại sao SV không thích học ngành này. Chẳng hạn ngành chế biến lâm sản thì học đến năm thứ 4 là đã có việc làm rồi.
Nếu không cẩn thận trong khâu nộp đơn xét tuyển NV2, các em dễ rớt lần thứ hai. Tôi có 2 lưu ý. Thứ nhất là các em phải xem chỉ tiêu của các trường có nhiều hay không, đồng thời phải căn cứ vào mốc thời gian các trường xét tuyển. Riêng ĐH Nông lâm là ngày 10.9 kết thúc.
Thứ hai là cần xem xét hồ sơ xét tuyển các trường yêu cầu là bản photo hay bản gốc. Riêng ĐH Nông lâm là bản gốc.
- Đối với Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo cho biết, trường có 21 ngành đào tạo, chỉ tiêu ĐH là 3.500. NV1 đã tuyển được 3.000 chỉ tiêu. Còn lại 500 chỉ tiêu cho NV2, ngoài ra là khoảng 220 NV2 của bậc CĐ. Thời gian xét tuyển từ ngày 15.8 - 25.8.
Thầy Dũng cho biết đến trưa nay trường đã nhận được 1.500 hồ sơ. Cách thức nhận hồ sơ của trường là chỉ cần nộp bản photo chứ không cần bản chính. Công tác xét tuyển không phụ thuộc thời gian thí sinh nộp hồ sơ trước hay sau mà căn cứ đúng thời hạn nộp.
|
Cũng theo tiến sĩ Dũng, bậc ĐH, trường xét tuyển NV2 chương trình bình thường khoảng 230 chỉ tiêu, và còn lại là chương trình chất lương cao. Điểm giống nhau giữa hai chương trình này là điểm xét tuyển như nhau, còn khác nhau là khác số ngành xét tuyển bình thường là 9 ngành còn chương trình chất lượng cao là 16 ngành. Ngoài ra học phí cũng khác nhau, ngành chất lượng cao thì tiền học phí cao hơn.
Bí quyết để tăng cơ hội xét tuyển, thầy Dũng khuyên: Thí sinh phải phân biết thật rõ cái chúng ta muốn và cái chúng ta cần. Cái muốn là được vào học ĐH, còn cái cần là học ngành nghề để sau này đi làm nên thí sinh phải phân biệt rõ để tự lượng sức mình mà tăng cơ hội trúng tuyển. Theo chương trình khung của Bộ GD-ĐT thì các trường giống nhau đến hơn 70% chương trình đào tạo, chỉ hơn 20% là có khác nhau mà thôi nên việc chọn trường các thí sinh cần cân nhắc kỹ.
- Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cho biết năm nay trường xét tuyển bổ sung từ ngày 20.8 đến 10.9. Yêu cầu hồ sơ là thí sinh phải nộp bản chính giấy chứng nhận và trưòng chỉ nhận hồ sơ xét tuyển khối A.
Do nhu cầu đảm bảo nhân lực cho một số ngành, nhu cầu và chính sách của nhà nuớc nhằm chuẩn bị nhân lực cho ngành vận tải, hoạt động hàng hải nên trường dành chỉ tiêu lớn cho các nhóm ngành này. Cụ thể, trường dành hơn 400 chỉ tiêu đại học và 350 chỉ tiêu cao đẳng cho các chuyên ngành Kỹ thuật Hàng hải, Điều khiển tàu biển, Khai thác tàu thủy và Kỹ thuật Điện - điện tử - viễn thông.
|
- Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: Trường tuyển sinh 13 ngành trong đó có ngành xã hội và ngôn ngữ (khối C và D1)
Trường đã tuyển 3.000 TS vào NV1 năm 2012. Số TS chọn các ngành ngôn ngữ nhiều hơn những thí sinh chọn các ngành xã hội, trong khi đó các ngành xã hội như triết học, văn hóa, thư viện… cũng tuyển khối D1.
Tôi khuyên TS nộp vào ngành xã hội để xét tuyển nguyện vọng 2 sẽ có cơ hội trúng tuyển cao hơn.
- Nói về cơ hội nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường CĐ, Thạc sĩ Nguyễn Phước Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kinh tế TP.HCM nói: Trước hết các em nên cân nhắc điểm thi ĐH của mình vừa rồi, nếu mức điểm của em dưới sàn ĐH thì các em không thể xin xét vào ĐH rồi, nên nếu các em xét vào CĐ thì có thể vào được.
Các trường ĐH có đào tạo bậc CĐ các khối ngành kinh tế thì các em cứ mạnh dạn xin xét tuyển vào.
Các điểm cần lưu ý là chỉ tiêu ngành của trường đó là bao nhiêu, thời gian xét tuyển NVBS, khối xét tuyển thế nào, vùng tuyển... Riêng Trường CĐ Kinh tế xét khối A, A1 và D1.
- Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM thông tin thêm: Năm nay Bộ GD-ĐT có một số điểm mới trong tuyển sinh ĐH-CĐ như cho phép các trường tự chủ trong công tác xét tuyển, căn cứ chỉ tiêu đào tạo thực tế của các trường. Các trường tự xây dựng phương án xét tuyển các NV bổ sung. Không quy định điểm trúng tuyển lần sau bằng hoặc cao hơn diểm sàn trước đó. Thời hạn xét tuyển NV2 chậm nhất là ngày 30.11.
|
Theo thầy Cường, học sinh trúng tuyển thì nhận giấy báo nhập học, còn không trúng tuyển mà có điểm cao hơn điểm sàn thì nhận 2 giấy chứng nhận kết quả thi để đang ký xét tuyển NV2. Hiện cả nước còn lại 73.800 chỉ tiêu xét tuyển NV2 trong các trường ĐH, trong khi đó, có đến hơn 195 ngàn thí sinh muốn xét tuyển vào NV2. Vì vậy cơ hội trúng tuyển vào NV2 cũng rất khó khăn.
Hiện các trường có mốc thời gian xét tuyển NV2 khác nhau và điểm sàn khác nhau nên thí sinh cần nắm thông tin mỗi trường thật kỹ, mức điểm sàn xét tuyển ra sao...
Theo kinh nghiệm của thầy Cường thì các thí sinh thi điểm cao muốn vào các nhóm ngành kinh tế thì điểm thi phải cao hơn điểm sàn xét tuyển NV2 từ 2 đến 3 điểm trở lên thì cơ hội trúng tuyển cao, còn thấp hơn mức trên thì nên vào nhóm ngành kỹ thuật hoặc trường ngoài công lập.
Việc chọn trường là chọn nghề nghiệp cho bản thân mình nên thầy Cường khuyên các thí sinh không nhất thiết phải bắt đầu từ con đường ĐH vì khi điểm thi thấp thì khả năng trúng tuyển không cao.
|
* Một bạn đọc ở quận 12, TP.HCM đặt câu hỏi qua điện thoại với đại diện của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật rằng trường có xét tuyển nguyện vọng 2 ngành Sư phạm tiếng Anh hay không?
- Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM: Năm nay trường không xét tuyển bổ sung nguyện vọng 2 ngành Sư phạm tiếng Anh.
* Một phụ huynh tại hội trường cho biết hầu hết các TS dự thi khối D6 đạt trên điểm sàn nhưng cơ hội đăng ký nguyện vọng bổ sung gần như khép lại với nhóm TS này.
Theo vị phụ huynh này, nếu khối D1 có cơ hội xét tuyển nguyện vọng bổ sung cho nhiều ngành khác thì khối D6 (học ngành tiếng Nhật) lại không có.
Phụ huynh này cho biết thêm hiện chỉ có Đại học Sư phạm TP.HCM và Đại học Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM (HUFLIT) tuyển sinh khối D1, 4, 6 nhưng cũng không nhiều cơ hội cho các TS khối này.
Phụ huynh này đề nghị nếu có thể xin được kiến nghị Bộ GĐ-ĐT cho phép TS khối D6 có cơ hội công bằng như các khối thi khác.
|
- Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết trường có tuyển sinh khối D6, và có rất ít TS lựa chọn khối thi này.
Tôi xin tiếp nhận ý kiến của phụ huynh về TS dự thi khối D6 và báo cáo với thầy hiệu trưởng. Nếu thầy hiệu trưởng (Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh) có quyết định chính thức sẽ tuyển nguyện vọng bổ sung đối với khối D6, chúng tôi sẽ thông báo rộng rãi trên website của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.
- Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, cho biết: Đối với khối D6 thì nhu cầu thật sự không nhiều lắm nên chỉ tiêu tuyển sinh cũng không nhiều.
Tôi sẽ ghi nhận trăn trở của phụ huynh và học sinh, đồng thời trình cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo.
Theo ông Cường, Đại học Mở TP.HCM, Đại học Hồng Bàng, Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có tuyển khối D6.
* Một bạn đọc lớn tuổi gọi điện đến chương trình cho biết có con thi ĐH Ngoại thương đạt 20,5 điểm (khối D1), hiện muốn xét tuyển NV2 vào ĐH Luật, vậy cơ hội trúng tuyển như thế nào?
- Trả lời câu hỏi này, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ gợi ý, điểm sàn xét tuyển NV2 của Trường ĐH Luật khá cao nên hiện vẫn chưa thể chắc chắn được khả năng trúng tuyển của thí sinh, vì vậy phu huynh và thí sinh cần theo dõi kỹ thông tin của trường để khả năng trúng tuyển cao. Ngoài ra khối thi D1 hiện có rất nhiều ngành của các trường khác để lựa chọn nên thí sinh cần cân nhắc.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Cường thì Trường ĐH Luật nhận hồ sơ từ ngày 25.8 và kết thúc xét tuyển vào ngày 10.9. Với điểm số trên điểm sàn từ 1,5 điểm đến 2 điểm như của bạn đọc hỏi thì thí sinh cũng có cơ hội khá nhiều trúng tuyển. Ngoài ra Trường ĐH Mở TP.HCM cũng có xét tuyển ngành luật với điểm sàn tương đối thấp do vậy cơ hội trúng tuyển của thí sinh cao hơn.
|
* Một TS đặt câu hỏi ngay tại hội trường: "Em thi ĐH khối A được 18 điểm, em muốn học ngành kế toán thì nộp vào trường nào của trường công lập cho dễ trúng tuyển?".
- Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM giải đáp: Em được 18 điểm khối A thì có khả năng nộp xét tuyển vào một số trường có ngành kinh tế như ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Công nghiệp thực phẩm, điểm sàn xét tuyển trong khối ngành kinh tế của các trường này là khá là thấp.
- Tiếp theo, Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, bổ sung thêm: "Em có thể vào website ĐH Tôn Đức Thắng để tham khảo ngành tài chính ngân hàng, kế toán. Hai ngành này chỉ xét tuyển có 16 điểm. Ngoài ra, em cũng có thể xin xét vào ĐH Marketing. Nói chung điểm của em phù hợp với nhiều trường.
- Trả lời tiếp cho thắc mắc trên, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cho biết: "Điểm của em khá cao, khả năng trúng tuyển cao, cao hơn điểm sàn 5 điểm là tốt, em cứ mạnh dạn lựa chọn".
- Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM góp ý thêm: Thi 18 điểm thì em hoàn toàn có thể vào được nhiều trường. Có điều tôi có cảm giác là hình như các em chưa biết cách tìm thông tin. Hiện nay thông tin trên mạng các trường rất nhiều. Cứ gõ mã tuyển sinh của các trường là có ngay thông tin. Nếu ngồi máy tính, các em bớt đi 5 phút chơi game là các em có khối thông tin về các trường, các em tha hồ tìm kiếm.
|
* Một phụ huynh ở Bảo Lộc hỏi qua điện thoại: Con tôi thi vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, ngay trước khi thi trường có phát cho một giấy ghi nguyện vọng có muốn học tại cơ sở ở Đà Lạt hay không. Con tôi không ghi nguyện vọng về học tại Đà Lạt và đạt được 17 điểm. Vậy không biết liệu con tôi có thể xin xét tuyển nguyện vọng 2 tại Đà Lạt hay không vì điểm chuẩn của cơ sở ở Đà Lạt chỉ có 13 điểm.
- Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM: Tại trường ĐH Kiến trúc TP.HCM thì khi vào phòng thi, trường sẽ phát cho các em một phiếu ghi nguyện vọng về học tại các cơ sở của trường tại Cần Thơ và Đà Lạt.
Với các em ở Đồng bằng sông Cửu Long thì sẽ có nguyện vọng về Cần Thơ và các em ở Tây Nguyên, Đông Nam bộ sẽ có nguyện vọng về Đà Lạt.
Sau đó, trường sẽ lấy danh sách các thí sinh đăng ký về cơ sở, ấn định mức điểm chuẩn riêng cho từng cơ sở. Điểm chuẩn này chắc chắn thấp hơn tại cơ sở chính. Theo tôi biết, Trường Kiến trúc không xét nguyện vọng hai. Việc thí sinh không đăng ký mà xin chuyển về là không được vì đã đủ chỉ tiêu. Trường hợp này rất đáng tiếc song nguyên tắc là phải đăng ký ngay từ đầu.
* Câu hỏi của một số bạn đọc: TS trúng tuyển NV2 tại một trường đại học có được xem là sinh viên hệ chính quy hay không? Nếu TS không trúng tuyển NV1, có hai bảng điểm, muốn nộp hồ sơ xét tuyển NV2 vào 2 khoa khác nhau cùng một trường thì nộp mấy bảng điểm?
- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM: Khi các trường đại học không tuyển sinh đủ chỉ tiêu NV1 thì mới tuyển NVBS. Cả TS trúng tuyển NV1, và cả TS trúng tuyển NV2 đều được đào tạo theo hệ chính quy như nhau.
TS có hai bảng điểm trên điểm sàn, có thể nộp xét tuyển NV2 vào hai khoa khác nhau ở cùng một trường đại học hoặc hai trường đại học khác nhau. Và nếu trúng tuyển cả hai ngành học, chúng ta chỉ được chọn học một ngành tại một trường.
Cùng lúc học hai ngành thì không được phép trừ những sinh viên thật sự xuất sắc và được hiệu trưởng chấp thuận.
|
* Bạn đọc Thanh Tuyền gửi câu hỏi đến chương trình hỏi, việc xét tuyển bổ sung của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có ưu tiên thí sinh thi vào trường của mình hay không?
- Trả lời câu hỏi này, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng khẳng định trường không ưu tiên xét tuyển mà lấy điểm từ trên xuống bất kể thí sinh thi vào trường nào. Hiện trường có 2 chương trình đào tạo, kỹ sư 4 năm, sư phạm kỹ thuật là 4 năm rưỡi. Thí sinh tốt nghiệp sư phạm kỹ thuật được cấp bằng kỹ sư và giấy chứng nhận chứng chỉ sư phạm. Theo ngành sư phạm thì được miễn học phí.
- Tiếp tục chương trình, thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM trả lời câu hỏi của bạn đọc về việc chuyển ngành học, cho biết: Về quy chế tuyển sinh, với những trường tuyển sinh theo ngành thì thí sinh phải theo ngành đó trong suốt khóa học. Tuy nhiên một số trường có linh động cho phép chuyển ngành. Còn tại ĐH GTVT TP.HCM thì thí sinh đã trúng tuyển ngành nào thì phải học theo ngành đó.
* Một TS đặt câu hỏi tại hội trường: Em thi ĐH khối D1 được 16,5 điểm, em đăng ký NV2 là ngành CNTT Trường ĐH Nông lâm. Không biết khả năng trúng tuyển có cao không?
- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM trả lời: Ngành CNTT xét khối A và D1, ngành này còn thiếu chỉ tiêu. Khối A là 13 điểm, D1 là 13,5 điểm. Em 16,5 điểm thì chênh nhau 3 điểm, khả năng đậu rất cao.
* Một TS hỏi qua điện thoại: "Em thi khối D1 vào ĐH Sài Gòn, 17 điểm, em muốn xét vào ngành ngôn ngữ Pháp ĐH Khoa học xã hội nhân văn TP.HCM có được không?
- Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho biết: Điểm xét tuyển ngành ngôn ngữ Pháp là 19 (x2 điểm ngoại ngữ), còn em 17 điểm mà chưa nhân hệ số thì khả năng đậu rất cao, còn trúng tuyển hay không tôi rất khó nói.
* Một thí sinh ở TP.HCM đặt câu hỏi: Theo quy định, việc chấm điểm phúc khảo muộn nhất là ngày 31.8. Nếu đợi đến 31.8 mới biết kết quả phúc khảo thì em mới nhận được giấy báo điểm và như vậy em có mất cơ hội xin xét tuyển bổ sung không?
- Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM: Sau khi có kết quả trúng tuyển thì các trường sẽ thông báo về thời gian nhận phúc khảo, sau đó tổ chức chấm và thông báo kết quả cho thí sinh.
Tuy nhiên, thí sinh không cần phải chờ đến khi có kết quả phúc khảo mới có thể nộp đơn xét tuyển bởi các thí sinh đều được cấp giấy chứng nhận kết quả điểm. Nếu kết quả thay đổi, và điểm thay đổi thí sinh sẽ được xác nhận đủ điểm và sẽ được chuyển đến ngành trúng tuyển theo nguyện vọng.
* Một số TS có hỏi, giấy báo điểm sẽ được gửi về nhà hay trường THPT? Có điểm thi tổng cộng là 13 điểm thì có thể xin xét tuyển NV2 vào các trường cao đẳng ở TP.HCM và địa phương hay không?
- Thạc sĩ Nguyễn Phước Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kinh tế TP.HCM cho biết: TS nộp hồ sơ dự thi tại đâu thì liên hệ trực với nơi nộp hồ để nhận giấy báo điểm.
TS có điểm thi 13 thì có thể nộp đơn xét tuyển NV2 vào các trường cao đẳng ở TP.HCM và địa phương. Thủ tục chỉ cần lấy một phiếu báo điểm nộp vào các trường cao đẳng và đại học để xét tuyển NV2. Tùy theo yêu cầu của mỗi trường, TS có thể nộp giấy báo điểm gốc hoặc bản sao có công chứng.
|
* Một thí sinh ở Lai Châu hỏi có cha là người Kinh, còn mẹ là người dân tộc vậy có được điểm ưu tiên như thế nào?
- Theo thầy Nguyễn Quốc Cường thì quy chế tuyển sinh quy định thí sinh có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số thì được cộng 2 điểm.
Ngoài ra, thầy Cường còn cho biết, hiện hầu hết các trường CĐ đã gửi các loại giấy như giấy trúng tuyển, giấy báo kết quả đến các ban tuyển sinh ở các sở, và từ đó đưa về các trường phổ thông nên thời gian thí sinh nhận được có thể chậm trễ vài ngày. Thí sinh nộp hồ sơ ở đâu thì đến trực tiếp nơi đó nhận các loại giấy trên.
* Một phụ huynh ở Yên Bái đặt câu hỏi qua điện thoại: "Con tôi thi khối A ĐH Ngoại thương cơ sở miền Bắc được 21 điểm. Giờ muốn chuyển qua ĐH Ngân hàng thì có khả năng trúng tuyển không?"
- Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM cho biết: ĐH Ngân hàng có ngành hệ thống thông tin quản lý kế toán xét 16 điểm nên điểm của TS có cơ hội trúng tuyển rất cao.
* Một TS thắc mắc quan điện thoại, em thi khối D1 được 17 điểm và điểm đã nhân hệ số là 23, vậy em có thể xét tuyển NV2 vào ngành ngôn ngữ Ý tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM có được hay không?
- Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM: Vi 23 điểm, em có thể nộp đơn xét tuyển NV2 vào ngành ngôn ngữ Ý của trường.
Ngôn ngữ Ý là ngành mới của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nên chỉ tiêu cũng tương đối nhiều, với 23 điểm có khoảng cách xa điểm sàn, cơ hội trúng tuyển của em cũng khá cao.
SV theo học các ngành ngôn ngữ tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM phải học thêm 1 ngôn ngữ phụ (bắt buộc), và ngôn ngữ chính quyết định cơ hội việc làm của mình nhiều hơn.
* Một bạn đọc ở Đồng Tháp đặt câu hỏi cho chương trình qua điện thoại cho biết có con thi đậu Trường ĐH Tôn Đức Thắng với 17 điểm và trúng tuyển. Tuy nhiên cháu muốn chuyển sang ngành quản trị kinh doanh cũng của Trường Tôn Đức Thắng, vậy có được hay không?
- Trả lời câu hỏi trên, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng nói, theo quy chế thì thí sinh thi ngành nào thì nhập học ngành đó, sau đó khi vào học nhập thì có thể xin chuyển ngành tùy thuộc vào quy chế của từng trường. Vì vậy tiến sĩ Dũng khuyên thí sinh cứ nhập học trường Tôn Đức Thắng rồi sau đó liên hệ nhà trường xin chuyển ngành.
* Một bạn đọc ở TP.HCM hỏi: Em thi khối A, được 14 điểm và khối D1 được 16,5 điểm. Em có thể nộp vào ngành CNTT của trường nào tại TP.HCM?
Bạn đọc ở Vũng Tàu: Em thi khối B, được 21,5 điểm, đã có điểm khu vực, em có thể nộp nguyện vọng 2 vào các trường nào?
Bạn đọc ở Bình Định: Em thi khối B được 17 điểm, vậy em có cơ hội vào học trường nào?
- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM: Đối với thí sinh 16,5 điểm khối D1 muốn vào ngành CNTT thì trường còn một số chỉ tiêu tuyển khối A và khối D1. Đối với thi sinh thi khối B, trường còn rất nhiều chỉ tiêu, như các ngành Quản lý Tài nguyên rừng, Chế biến Lâm sản, Chăn nuôi, Nuôi trồng Thủy sản, Sư phạm Kỹ thuật Nông nghiệp hoặc Kỹ thuật Hoa viên thuộc ngành Nghề vườn.
Các ngành này có điểm xét tuyển khối A là 13 điểm, khối B là 14 điểm. Theo kinh nghiệm, điểm xét tuyển với điểm thi chênh nhau khoảng 3 điểm là có khả năng đậu.
Với thí sinh ở Bình Định, có thể nộp đơn vào phân hiệu ở Gia Lai của trường. Tại đây có xét tuyển một số ngành khối B như Môi trường, Nông học, Công nghệ Thực phẩm.
- Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM: Đối với khối B, nếu là nữ có thể nộp xét tuyển vào ngành Kinh tế Gia đình. Với em khối B được 21,5 điểm có thể xin vào học hệ chất lượng cao của trường với hai ngành là Công nghệ Kỹ thuật Môi trường (điểm xét tuyển: 18 điểm) hoặc Công nghệ Thực phẩm (19,5 điểm).
* Bạn đọc ở Đồng Nai: Nghe nói năm nay các sinh viên học cao đẳng tại trường không có hệ đại học thì chỉ có thể học liên thông theo hệ tại chức có đúng không ạ?
- Thạc sĩ Nguyễn Phước Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kinh tế TP.HCM: Hiện nay, với cơ chế liên thông hoặc tại chức thì bộ chưa có văn bản chính thức. Vì vậy, các trường vẫn áp dụng theo quy chế cũ. Nên các thí sinh không có điều kiện học đại học thì có thể học cao đẳng rồi học liên thông theo quy chế hiện nay. Khi nào có văn bản mới của bộ thì các trường mới phải áp dụng theo văn bản mới.
* Một TS ở Bến Tre thi khối C được 18 điểm, không trúng tuyển trường Đại học Luật, thì nên chọn vào ngành nào khi xin xét tuyển NV2 vào Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM?
- Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM: Với 18 điểm, em có thể chọn các ngành ít thí sinh nộp hồ sơ như: triết học, lịch sử, xã hội học, giáo dục học, thư viện thông tin, văn hóa học.
* Một bạn đọc gửi câu hỏi cho biết thi vào Trường ĐH Nông lâm TP.HCM với 12 điểm khối D1 ngành kế toán, vậy có cơ hội trúng tuyển vào CĐ hay không?
- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng cho biết, ngành kế toán hệ CĐ có điểm sàn xét tuyển là 10 điểm khối A và 10,5 điểm khối D. Với điểm cách 2 điểm như của thí sinh thì khả năng đâu khá cao.
* Một bạn đọc ở Khánh Hòa hỏi: Thi vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM ngành Công nghệ kỹ thuật công trình đạt 16,5 điểm và có giấy báo vào ngành truyền thông chất lượng cao của trường, nhưng muốn chuyển học ngành công nghệ ô tô thì làm như thế nào?
- Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng khẳng định thí sinh cứ đến trường làm thủ tục nhập học và trường sẽ làm thủ tục chuyển ngành cho thi sinh.
* Chương trình nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến ĐH GTVT TP.HCM:
Câu hỏi 1: Em thi 13 điểm khoa kinh tế vận tải, vậy có thể nộp NV2 ngành nào?
Câu hỏi 2: Em ở Đà Nẵng, thi vào ngành điện công nghiệp ĐH GTVT. Cho em hỏi ngành này chuyên lĩnh vực gì, cơ hội việc làm ra sao? Em thi 15 điểm thì có vào NV2 được không?
Câu hỏi 3: Em thi 16 điểm, ngành điều khiển tàu biển, ngành này đòi hỏi sức khỏe cao, vậy đặc thù công việc ngành này là gì, tương lai ra trường ra sao?
- Trả lời 3 câu hỏi này Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cho biết: Trường hợp TS thi kinh tế vận tải biển không trúng tuyển thì tôi không dám nói khả năng trúng tuyển NV2 vào ngành nào. Vì nó phụ thuộc lượng hồ sơ đăng ký bổ sung, rất nhiều yếu tố, cần cân nhắc dựa vào mức điểm cá nhân so với mức các trường thông báo xét tuyển, đồng thời căn cứ vào thông tin tham khảo các năm trước, lượng chỉ tiêu nhà trường lấy bổ sung là nhiều hay ít. Các em cũng nên thường xuyên theo dõi thông tin lượng hồ sơ nộp vào mỗi ngày.
Trong đợt xét tuyển bổ sung của trường thì lượng chỉ tiêu khá nhiều, mức điểm để được nộp hồ sơ chỉ bằng mức điểm sàn thôi nên cơ hội trúng tuyển tương đối thoải mái chứ không khó khăn
Câu 2: Em thi vào ngành điện công nghiệp thì ngành này không có xét tuyển riêng mà nó là chuyên ngành thuộc ngành kỹ thuật điện điện tử. Các em có thể học theo ngành kỹ thuật điện điện tử trước rồi sau 2 năm mới phân ra chuyên ngành. Riêng chuyên ngành điện công nghiệp thì trường đào tạo có kiến thức điện, khí nén, vận hành bảo trì xí nghiệp nhà máy, khu công nghiệp... nắm vững lý thuyết lẫn thực hành.
Câu 3: Ngành điều khiển tàu biển thuộc ngành khoa học hàng hải. Học ngành này thì phải bảo đảm sức khỏe tốt. Tuy nhiên không hẳn lúc nào cũng làm việc trên tàu. Hiện nhu cầu của ngành này của quốc tế lẫn Việt Nam rất cao chứ không phải thấp như cảm giác của mọi người. Đây là ngành được xét vào ngành độc hại nên được giảm 70% học phí.
* Một thí sinh ở Đắk Lắk hỏi: Trong quá trình đăng ký, một số trường chỉ nhận bản photo kết quả điểm trong khi một số trường yêu cầu bản chính. Thí sinh chỉ nhận được hai bản chính vậy lúc nhập học thí sinh có phải nộp bản điểm gốc hay không. Và trong trường hợp thí sinh rút lại hồ sơ thì mặt sau của bảng điểm đã có ghi tên trường trước, vậy bảng điểm có hợp lệ không?
- Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM: Trên nguyên tắc sau khi nhập học, tất cả các thí sinh đều phải nộp bảng điểm chính. Cho nên các em phải hết sức cân nhắc vì chỉ có hai bảng điểm để xét nguyện vọng. Một số trường có cho rút hồ sơ song có trường chỉ cho rút sau khi hết thời hạn nộp nguyện vọng bổ sung nên các em sẽ mất đi cơ hội.
Tuy nhiên, PGS - TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM bổ sung rằng các trường không nhất thiết phải đòi bảng điểm sau khi nhập học mà trường sẽ tự mình xác minh nên các em chưa đủ tự tin có thể photo bảng điểm để nộp vào nhiều trường.
Theo TN