Cách nhận biết và phòng tránh khi gặp những kẻ "cuồng yêu"

Thời gian gần đây, xã hội xảy ra rất nhiều vụ việc không yêu thì giết, những kẻ sát nhân này đều được liệt vào danh sách những kẻ cuồng yêu. Vậy làm thế nào để nhận biết và cách xử lí những kẻ cuồng yêu này như thế nào các bạn cùng tham khảo dưới đây nhé!

Chỉ trong vòng 1 tuần lễ, nhiều vụ việc giết người yêu rồi tự vẫn xảy ra trên địa bàn cả nước khiến dư luận chấn động. Chưa bao giờ nhận thức và đạo đức giới trẻ bị đánh giá là xuống cấp trầm trọng như hiện nay.

Chứng cuồng yêu, không yêu thì giết càng cho thấy sự manh động, liều lĩnh, không tôn trọng mạng sống của chính mình và người khác của một bộ phận người trẻ. Trước vấn nạn này, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với PGS.TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn để tìm hiểu kĩ hơn về hội chứng cuồng yêu.

Thế nào là kẻ cuồng yêu?

Hiểu một cách đơn giản theo nghĩa thông thường thì cuồng yêu là hiện tượng một cá nhân mong muốn sở hữu người mình yêu một cách quá mức dù chưa hẳn là người ấy yêu hay chính thức yêu hoặc có những hứa hẹn, cam kết, hẹn thề.

Nhu cầu chiếm lĩnh, quản lý, sở hữu và thậm chí là giám sát, giam lỏng người mình yêu trở thành suy nghĩ chính đáng. Khi cảm thấy mệt mỏi và quá bó buộc, người được theo đuổi rút lui, từ chối, bỏ chạy thì người cuồng yêu sẵn sàng làm mọi thứ kể cả vi phạm đạo đức – pháp luật để quyết tâm theo đuổi hay sở hữu.

Cach nhan biet va phong tranh khi gap nhung ke \

Hiện tường không yêu thì giết xảy ra ngày càng nhiều 

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cuồng yêu

Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Ngoài những giả định thuộc về nguyên nhân mang tính bẩm sinh thì kiểu khí chất ưu tư hoặc nóng nảy là một trong những giả định cần quan tâm.

Tuy vậy, quan trọng hơn vẫn là những nguyên nhân về tâm lý: sự hụt hẫng trong đời sống gia đình với những ám ảnh thời thơ ấu; sự mất tự tin về cái tôi tình yêu; sự sang chấn sau một cú sốc về tình cảm hoặc những thất bại hay đổ vỡ không hẳn về tình yêu; sự nhận thức lệch lạc với quan điểm về tình yêu ích kỷ và sự quá đáng,…

Cấp độ cuồng yêu

Có thể chia những mức độ của cuồng yêu thành ba dạng cơ bản:

Dạng 1: Ghen tuông một cách quá đáng trong tình yêu, kiểm soát gắt gao, sở hữu và chiếm đoạt người mình quen hay có mối quan hệ.

Dạng 2: Tưởng rằng mình được yêu và mặc định đó là tình yêu. Đeo đuổi, chinh phục và cam kết với mối quan hệ mình mặc định. Dùng đủ mọi hành vi và thái độ để níu kéo tình yêu, duy trì quan hệ và cho rằng mình rất đáng được thương cảm.

Dạng 3: Dùng đủ mọi hành vì để níu giữ thậm chí là sở hữu người mình yêu thích kể cả giữ cái xác đã xử tử. Nhu cầu chiếm đoạt, nhu cầu khống chế và phá nát để sở hữu chút cuối cùng trở thành lựa chọn được thực thi…

Ở hai dạng cuối, hành vi cuồng yêu trở thành hành vi bệnh lý. Đó là kiểu dạng hành vi không kiểm soát bản thân. Kiểu hành vi này có những biểu hiện liên quan đến chứng trầm cảm và cả một số rối loạn tâm thần có liên đới.

Cách nhận biết kẻ cuồng yêu

Chỉ cần một người con gái nhoẻn miệng cười, hoặc quan tâm chút ít đến "kẻ cuồng yêu" hay ngay cả việc bày tỏ thái độ thương cảm vì sự ga lăng hay theo đuổi thành tâm, kiên trì thì ngay lập tức hắn nghĩ rằng cô gái đã yêu mình! Nhu cầu chiếm đoạt, ích kỷ… dễ dàng xuất hiện vì hắn luôn nhìn cuộc sống này theo quan niệm của hắn.

Bên cạnh đó, những biểu hiện rất hình thức sau có thể chú ý:

+ Lầm lì, ít nói, không biết xấu hổ khi làm quen, chinh phục

+ Tưởng tượng, lãng mạn trong tình yêu thái quá

+ Ích kỷ, luôn nhìn thế giới theo cách của mình và hành động chủ quan, thành kiến

+ Ghen một cách thô bạo, ngay cả khi chia tay vẫn ghen tức

+ Thương yêu quá đáng bằng những hành vi và lời nói mang tính cam kết nhưng có màu sắc hăm dọa

+ Có những cử chỉ sở hữu và những biểu hiện tức tối kiểm soát dù rằng mang tính bộc phát hay kiểm soát… 

"Thầy có đồng ý rằng giới trẻ ngày nay đang manh động hơn khi yêu bởi họ có thể ra tay man rợ với người mình dành rất nhiều tình cảm?"

Nhận định trên có phần hợp lý vì dường như mọi chuyện ngày nay được giải quyết theo xu hướng cấp tốc, tức thời, thẳng thắn, mạnh mẽ. Bên cạnh đó, khuynh hướng sử dụng sức mạnh không loại trừ bạo lực cũng là sự lựa chọn của một nhóm khá nhiều bạn trẻ.

Việc yêu và dùng vũ lực vì không hài lòng, vì ghen tuông, bực tức, tranh cãi, xung đột,… có thể trở thành cách ứng xử của khá nhiều cặp đôi. Đó là biểu hiện của sự vụng về trong cảm xúc, sự lúng túng cùng thái độ bế tắc trong hành vi ứng xử.

Ở một góc độ nhất định, những bạn trẻ này chưa nhận ra giá trị cao cả của tình yêu là sự dung hòa hay hòa hợp. Bên cạnh đó, việc chưa nhận ra giá trị sống, kỹ năng sống để giải quyết tình cảm hay mối quan hệ tình cảm cũng là vấn đề quan trọng ở đây.

Ngoài ra như đã nói, xã hội càng phức tạp thì chứng cuồng yêu không thể “lây” bằng đường không khí nhưng lại có thể “lây” trên góc nhìn nhận thức, quan điểm nhờ vào “truyền thông” tiêu cực theo mặt trái của nó. Vấn đề này là trách nhiệm của toàn xã hội.

"Khi biết người đang theo đuổi hay nửa kia của mình có biểu hiện cuồng yêu, chúng ta nên xử lí thế nào, thưa thầy?"

Ngay sau khi nhận dạng người cuồng yêu đang là người theo đuổi hay đang yêu mình, cần thực hiện:

- Tỏ rõ thái độ lạnh nhạt. Nhất thiết không nói chuyện hoặc nhìn kẻ cuồng yêu.

- Nếu giấu được địa chỉ, điện thoại và cắt đứt mối quan hệ nhanh chóng càng tốt.

- Nếu cần nói chuyện, hãy khẳng định mạnh mẽ rằng những gì người ấy hỏi là sự tưởng tượng hoang đường. Đây là cách “đánh” triệt tiêu các mầm mống man dại hay sự cuồng dại của kẻ có dấu hiệu cuồng yêu.

- Khi thấy hắn bắt đầu có biểu hiện sự đeo bám, dai dẳng, trơ trẽn, lì lợm, thiếu tế nhị… thì ngay lập tức cần sự “phản kháng” quyết liệt. Đó là thái độ mạnh mẽ, quyết chí từ chối, tỏ ra không sợ sệt thậm chí ương ngạnh sẽ có hiệu quả hơn là sự nhũn nhặn, nhẹ nhàng. Có thể nhờ thêm sự can thiệp của bạn bè, người thân.

- Không nên dùng nguyên tắc lịch sự hay tế nhị với kiểu người cuồng yêu. Cần mạnh mẽ và bản lĩnh với thái độ kiên định tứ chối rạch ròi. 

"Nhiều bạn nữ biết người kia của mình cuồng yêu nhưng vì sợ đối phương ra tay tàn độc nên không dám nói lời chia tay mà âm thầm chịu đựng những ngày tháng yêu đương như tra tấn. Thầy có lời khuyên gì cho những bạn nữ đang lâm vào tình huống này?"

Đó không phải là cách thức hợp lý hay ứng xử phù hợp. Cần nhận thức rằng chỉ có chia tay mới là lối thoát. Sự chia tay có văn hóa hay có tình người chưa hẳn là sự lựa chọn phù hợp trong trường hợp này. Cho nên, cần hướng đến sự an toàn cho chính mình là lựa chọn ưu tiên.

Cần nhất là sự giúp sức của chuyên gia tham vấn, của người thân và đặc biệt cùng với sự giúp sức của lực lượng cảnh sát hay công an nhân dân bằng những sự mạnh mẽ và thẳng thắn.

Ngoài ra, việc cắt đứt liên lạc, kiên quyết không nhượng bộ, thoát khỏi áp lực, thoát khỏi sự đeo bám… là điều cần làm. Tạm tránh một thời gian, chuyển địa bàn hay thậm chí tạm hoãn học là điều có thể lựa chọn nếu tình hình được dự báo là căng thẳng.

Làm thế nào để ngăn chặn tối đa hiện tượng cuồng yêu trong giới trẻ?

Mỗi gia đình cần tạo ra hành lang tâm lý phát triển an toàn cho con cái, tránh những khủng hoảng không đáng có hay sang chấn ảnh hưởng đến đời sống của con cái. Bên cạnh đó phải thường xuyên giáo dục giới tính, giáo dục tình cảm và giá trị sống, kỹ năng sống đặc biệt là ứng xử trong tình yêu

Riêng các bạn nữ cần có bản lĩnh để tìm tình yêu đích thực. Không quá thụ động, không quá e lệ để biến mình thành mồi lửa của kẻ cuồng yêu.

Cần có những sự quan tâm đích thực và có sự can thiệp hỗ trợ từ bộ phận tham vấn.

Cần có những nghiên cứu chuyên biệt về vấn đề này ở nhiều góc độ để hướng đến sự can thiệp trên bình diện cá nhân và xã hội có cơ sở.

Theo Thethaohangngay

Viết bình luận: Cách nhận biết và phòng tránh khi gặp những kẻ "cuồng yêu"

  •  
Khoá học lớp 1-12 - Tuyensinh247