Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn 2023

Cùng tham khảo cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn mới nhất được cô giáo Phạm Thị Thu Phương - GV Tuyensinh247.com định hướng cho các em học sinh 2K5 dưới đây.

1. Nhận xét chung

Đề thi TN THPT môn Ngữ Văn năm 2022 (07/07/2022) giữ nguyên cấu trúc của đề thi minh họa kỳ thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn do Bộ GD&ĐT công bố ngày 01/04/2022, cũng là cấu trúc của đề thi chính thức môn Ngữ văn trong kì thi TN THPT năm 2021. 

2. Phân tích cấu trúc đề thi chính thức 2022.

Cấu trúc đề thi và nội dung kiến thức trong đề thi chính 2022 gồm 2 phần:

Phần I: Đọc hiểu (3 điểm)

Đề cung cấp 01 văn bản đọc hiểu với dung lượng vừa phải và đưa ra 4 câu hỏi đọc hiểu ở các mức độ từ nhận biết (câu 1 - xác định thể thơ của đoạn trích; câu 2 - chỉ ra những tính từ miêu tả vẻ đẹp của tuổi trẻ trong đoạn thơ “Tuổi trẻ của tôi - mười tám, hai mươi - trong và tinh khiết như nước suối đá - khỏe và mơn mởn như mầm lá”) đến thông hiểu (câu 3 - nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong đoạn thơ “Tuổi trẻ như sao trời mát mắt- khi yên bình hạnh phúc ngước nhìn lên - và cháy bùng như lửa thiêng liêng - khi giặc giã đụng vào bờ cõi”), rồi đến vận dụng (câu 4 - nhận xét những suy ngẫm của tác giả về ý nghĩa sự hi sinh của tuổi trẻ được thể hiện trong đoạn trích).

Dù ở các mức độ của tư duy, nhưng các câu hỏi đều không khó, đặc biệt là hết sức quen thuộc, nên học sinh có thể trả lời dễ dàng. Phổ điểm cho phần này sẽ là 2 đến 2,5 điểm.

Phần II: Làm văn (7 điểm)

Phần II gồm 2 câu: Câu 1 (2 điểm) yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội - giới hạn dung lượng khoảng 200 chữ, câu 2 (5 điểm) yêu cầu viết bài văn nghị luận văn học - không giới hạn dung lượng.

Câu 1

Đưa ra vấn đề “trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước” liên quan đến nội dung của văn bản đọc hiểu trong phần I. Để hoàn thành đoạn văn nghị luận xã hội, học sinh cần bắt đầu từ việc trình bày cách hiểu về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước là gì, phân tích được những những biểu hiện và ý nghĩa của những trách nhiệm đó, lấy những dẫn chứng đời sống để minh họa, biết phê phán những biểu hiện trái ngược và những cách hiểu chưa chính xác về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước. Cuối cùng, học sinh phải biết liên hệ bản thân để nhận ra những bài học nhận thức và bài học hành động ý nghĩa, thiết thực. Học sinh cũng cần biết kết hợp các thao tác lập luận để tạo lập văn bản. Cần chú ý đảm bảo chuẩn dung lượng bài viết mà đề bài yêu cầu. Đây là một vấn đề gần gũi, quen thuộc, không xa lạ với học sinh nên cũng không “làm khó” các em. Phổ điểm của câu 1 sẽ là 1,5 điểm.

Câu 2:

Yêu cầu học sinh phân tích một đoạn trích trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu, từ đó liên hệ hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá được miêu tả trong truyện để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.

Đề bài đòi hỏi học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức về tác giả, tác phẩm; thành thạo kỹ năng phân tích văn bản văn xuôi mà còn phải thực sự hiểu về nội dung tư tưởng của tác phẩm nói chung và đoạn trích nói riêng. Học sinh cần tập trung làm nổi bật “cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh” - hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa qua phát hiện đầu tiên - phát hiện ngoài bãi biển của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng; cảm nhận được những cảm xúc thăng hoa của người nghệ sĩ trước cái đẹp toàn bích - hiện thân của nghệ thuật. Đặc biệt, học sinh cần biết liên hệ với hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió - là một chi tiết nghệ thuật đắt giá trong tác phẩm, là hiện thân của cuộc đời. Từ đó nhận ra thông điệp mà tác giả muốn truyền tải về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống. Yêu cầu đặt ra với học sinh hoàn toàn nằm trong phần kiến thức cơ bản đã được học của chương trình Ngữ văn 12, nên phổ điểm sẽ khoảng 3 điểm. Những học sinh khá giỏi, có năng lực phân tích và khả năng diễn đạt tốt sẽ dễ dàng đạt được 4,0 điểm trở lên cho câu này. 

Nhìn chung, đề thi Tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn năm 2022 của Bộ Giáo dục & Đào tạo ngày 07/07/2022 là một đề hay, bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức, có tính phân loại học sinh cao. Vì vậy, học sinh cần phải nắm chắc kiến thức và thuần thục các kĩ năng làm các dạng bài mới có thể đạt được điểm khá, giỏi.

3. Nội dung đổi mới (tiếp cận với chương trình GDPT 2018).

- Về cấu trúc: Cấu trúc bài thi Tốt nghiệp 2022 môn Ngữ Văn có cấu trúc tương tự như bài thi Tốt nghiệp từ trước tới nay bao gồm 2 phần chính: Đọc hiểu và Làm văn (nghị luận xã hội và nghị luận văn học). Trong đó: 

+ Phần Đọc hiểu: Gồm 4 câu hỏi với các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng.

+ Phần Nghị luận xã hội: Bàn về một sự việc hiện tượng đời sống hoặc một quan điểm, nhận định.

+ Phần Nghị luận văn học: Phân tích đoạn trích trong chương trình học. Liên hệ mở rộng.

-> Về cấu trúc, đề thi không có sự thay đổi so với các năm trước.

- Về nội dung:

+ Phần Đọc hiểu: Dữ liệu đọc hiểu là một đoạn trích nằm ngoài (hoặc nằm trong) sách giáo khoa. Học sinh sẽ phải sử dụng kĩ năng đọc hiểu, cảm thụ, phân tích, kiến thức ngữ pháp để giải quyết.

+ Phần Nghị luận xã hội: Nội dung nghị luận xoay quay các vấn đề trong xã hội hoặc một tư tưởng, quan niệm đạo lý, yêu cầu học sinh vận dụng cách thức làm một bài văn nghị luận xã hội.

+ Phần Nghị luận văn học: Nội dung nằm trong các tác phẩm đã học trong chương trình lớp 12. Phần liên hệ mở rộng luôn có sự kết nối với nội dung phân tích.

-> Về nội dung, đề thi không có sự thay đổi giữa các năm nhưng vẫn nằm trong khối lượng kết thức như thế. Không có sự khác biệt.

=> Như vậy, đối với môn Ngữ Văn, cả về cấu trúc và nội dung kiến thức đều không có sự thay đổi nào khác so với cấu trúc và nội dung kiến thức của những năm trước.

4. Một số gợi ý cho học sinh để ôn tập hiệu quả cho kì thi TN THPT và Đại học năm 2023.

Như vậy, đề thi không những có thể kiểm tra, đánh giá được thực lực của đại trà học sinh chương trình phổ thông mà vẫn có thể dùng cho mục tiêu xét tuyển vào các trường Đại học. Trên cơ sở đó Tuyensinh247 đưa ra một số gợi ý để các bạn sinh năm 2005 ôn thi tốt kỳ thi Tốt nghiệp THPT và Đại học năm 2023 như sau:

- Đối với phần đọc hiểu, các em cần xem lại toàn bộ các kiến thức về phương thức biểu đạt, biện pháp tu từ, phong cách ngôn ngữ, thao tác lập luận, đặc điểm đặc trưng của các thể thơ (còn gọi là “luật thơ”)… để có thể vận dụng trả lời các dạng câu hỏi đọc hiểu. Ngoài ra cần tham khảo thêm đề thi của Bộ GD&ĐT các năm trước, đề thi thử của các trường THPT chuyên và các trường nổi tiếng khác để rèn luyện, củng cố kĩ năng xử lí dạng bài một cách hiệu quả và khoa học.

- Đối với nghị luận xã hội, để làm bài được hiệu quả nhất, ngoài việc rèn kĩ năng viết các em cần phải đọc thêm các thông tin về văn hóa - xã hội để mở rộng vùng hiểu biết của mình; đồng thời đó cũng là cách để trau dồi vốn từ.

- Đối với phần nghị luận văn học, các em cần nắm chắc các kiến thức cơ bản về tác giả, tác phẩm. Sau khi có kiến thức nền tảng, cần vận dụng để rèn luyện kĩ năng tạo lập các văn bản nghị luận văn học. Trên cơ sở đó các em vừa ôn lại kiến thức vững chắc, vừa có kĩ năng xử lý thành thạo các dạng bài nghị luận văn học.

- Một phần quan trọng nữa là chúng ta cần phân bố thời gian hợp lý để làm bài. Thời gian luôn tỉ lệ thuận với dung lượng viết và điểm số từng câu. Phần đọc hiểu, chúng ta cần dành khoảng 15 đến 20 phút để làm; câu 1 phần Làm văn cần dùng 20 đến 25 phút và còn lại câu nghị luận văn học nên dành cho 80 phút. Phân bố thời gian hợp lý cũng là một trong những bí quyết để có một bài làm tốt!

- Cần có kế hoạch tự ôn tập khoa học và thực hiện một cách nghiêm túc, tự giác. Xác định mục tiêu của mình, học đúng trọng tâm và chất lượng. Tăng cường luyện tập các dạng bài: đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

- Làm thật nhiều đề thi thử bám sát cấu trúc của đề thi để có sự chuẩn bị tâm lý tốt nhất.


>> Luyện thi TN THPT & ĐH năm 2024 trên trang trực tuyến Tuyensinh247.com. Học mọi lúc, mọi nơi với Thầy Cô giáo giỏi, đầy đủ các khoá: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng; Tổng ôn chọn lọc.

Viết bình luận: Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn 2023

  •  
Điểm chuẩn tất cả các trường ĐH