Đáp án đề thi môn Sử khối C năm 2014 của Bộ GD&ĐT

Các em theo dõi đáp án chính xác 100% của Bộ Giáo dục và Đào tạo môn Sử khối C năm 2014 dưới đây.

Chiều tối ngày 10/7/2014 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố đáp án đề thi đại học môn Sử khối C năm 2014.

Đề thi đại học môn Sử khối C năm 2014

Đang cập nhật

Đáp án đề thi môn Sử khối C năm 2014 chính xác của Bộ GD&ĐT

Câu I(2,0 điểm)

a. Những cuộc khởi nghĩa và kháng chiến in đậm dấu ấn Việt Nam trong thế kỷ XX

Thí sinh có thể đề cập đến nhiều cuộc khởi nghĩa và kháng chiến trong thế kỷ XX, nhưng phải kể được tên những cuộc khởi nghĩa và kháng chiến có ý nghĩa thời đại của dân tộc Việt Nam (không yêu cầu giải thích): 1- Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, 2- Kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) và 3- Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).

b. Trình bày suy nghĩ về vai trò của nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc

Thí sinh cần căn cứ vào thực tiễn lịch sử để bày tỏ suy nghĩ của bản thân về vai trò của nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Bài làm có thể đề cập đến vai trò chung, hoặc một trong những vai trò trên những mặt cụ thể (chẳng hạn như: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; tham gia khởi nghĩa toàn dân và chiến tranh nhân dân; xây dựng căn cứ địa, hậu phương và chi viện cho tiền tuyến...), nhưng phải khẳng định được nhân dân là cội nguồn sức mạnh để làm nên thắng lợi. Thí sinh có thể trình bày bằng nhiều cách khác nhau, nhưng phải lập luận chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc.

Câu II. (3,0 điểmHãy làm sáng tỏ biện pháp hòa bình của Việt Nam trong quan hệ với Pháp từ ngày 6-3-1946 đến trước ngày 19-12-1946 và nêu tác dụng của biện pháp ấy.

a. Làm sáng tỏ biện pháp hòa bình của Việt Nam trong quan hệ với Pháp từ ngày 6-3-1946 đến trước ngày 19-12-1946

Thực hiện “Hòa để tiến”, Chính phủ Việt Nam nỗ lực dùng biện pháp hòa bình để giải quyết xung đột. Biểu hiện cụ thể như sau:

- Ký Hiệp định Sơ bộ (6-3-1946): công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do..., hai bên ngừng bắn ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ để tạo điều kiện thuận lợi cho một cuộc đàm phán chính thức giữa Việt Nam và Pháp...

- Đàm phán chính thức tại Phôngtennơblô với Chính phủ Pháp. Cuộc đàm phán không thành công do Pháp ngoan cố, không chịu công nhận độc lập và thống nhất của nước Việt Nam. Trong lúc đó, tại Đông Dương, quân Pháp tăng cường những hoạt động khiêu khích.

- Ký Tạm ước ngày 14-9-1946: Do quan hệ Việt Nam và Pháp ngày càng căng thẳng, có nguy cơ nổ ra chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với đại diện Chính phủ Pháp bản Tạm ước này, tiếp tục nhân nhượng cho Pháp một số quyền lợi về kinh tế và văn hoá, nhằm kéo dài thêm thời gian hòa hoãn.

Những nỗ lực trên thể hiện rõ thiện chí hòa bình và chính nghĩa của Việt Nam; nhân nhượng nhưng vẫn kiên quyết giữ vững chủ quyền dân tộc.

b. Tác dụng

- Tránh được tình thế phải chiến đấu với nhiều kẻ thù cùng một lúc...

- Tạo ra thời gian hòa bình để xây dựng, củng cố lực lượng, chuẩn bị

bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc...

Câu III (2,0 điểm

Trình bày hoàn cảnh lịch sử của việc hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước ở Việt Nam (1975-1976).


- Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi; Bắc, Nam sum họp một nhà; hoàn thành cơ bản việc thống nhất đất nước về mặt lãnh thổ, tạo điều kiện thuận lợi để thống nhất đất nước về mặt nhà nước.

- Ở hai miền vẫn tồn tại hai hình thức chính quyền nhà nước. Hậu quả chiến tranh hết sức nặng nề... Tình hình đó đòi hỏi phải thống nhất sức mạnh của cả nước để giải quyết.

- Nguyện vọng của nhân dân hai miền Bắc, Nam là có một chính phủ thống nhất, một cơ quan đại diện quyền lực chung, phù hợp với thực tế lịch sử: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.

- Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đề ra nhiệm vụ hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước.

Câu IV(3,0 điểmTừ những dữ liệu trong bảng dưới đây, hãy xác định những biến đổi to lớn ở Đông Nam Á sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Hiện nay, Hiệp hội các quốc gia cần làm gì  để bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực?

a. Những biến đổi to lớn ở khu vực Đông Nam Á sau Chiến tranh thế giới thứ hai

- Về chính trị: Từ chỗ hầu hết là các nước thuộc địa, trở thành các quốc gia độc lập...

- Về kinh tế: Từ chỗ là các quốc gia có nền kinh tế còn khó khăn, đã vươn lên đạt được nhiều thành tựu đáng kể (trong đó một số nước có tốc độ tăng trưởng cao)...

- Về quan hệ giữa các nước trong khu vực: từng bước tiến hành hợp tác và hội nhập; Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) hình thành và mở rộng...

b. Hiện nay, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cần làm gì để bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực?

Thí sinh vận dụng mục tiêu của ASEAN, các nguyên tắc trong Hiệp ước Bali và liên hệ với tình hình thực tế để trình bày suy nghĩ của bản thân về một trong những việc mà Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cần làm để bảo đảm hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực nói chung, ở Biển Đông nói riêng (chẳng hạn như Đoàn kết và thể hiện trách nhiệm chung đối với các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực; thể hiện vai trò trung tâm trong vấn đề Biển Đông; lên án mạnh mẽ hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế...). Thí sinh có thể trình bày bằng nhiều cách khác nhau, nhưng phải lập luận chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc.

Theo Thethaohangngay

3 bình luận: Đáp án đề thi môn Sử khối C năm 2014 của Bộ GD&ĐT

  •  
Khoá học lớp 1-12 - Tuyensinh247