Đề thi học kì 1 môn Ngữ Văn lớp 12 năm 2014 TP Cần Thơ

Đề thi học kì 1 môn Ngữ Văn lớp 12 năm học 2013 -2014 thành phố Cần Thơ, các em tham khảo dưới đây:

Đề thi học kì 1 môn Ngữ Văn lớp 12 thành phố Cần Thơ Năm học 2013 -2014 

I.  PHẦN CHUNG CHO THÍ SINH CÁC BAN (5,0 điểm)

Câu 1:(2,0 điểm)

           Trong tùy bút “Người lái đò Sông Đà”, nhà văn Nguyễn Tuân đã đặc tả tiếng nước thác Sông Đà với những hình ảnh so sánh nào ? Nhận xét ngắn gọn hiệu quả nghệ thuật của những hình ảnh so sánh đó.

Câu 2:  (3,0 điểm)

           Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của em về ý kiến sau: Lòng ghen tị là nỗi bất hạnh lớn nhất của con người.     

    

II.  PHẦN RIÊNG (5,0 điểm)                                                    

Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu 3.a hoặc 3.b)

Câu 3.a  Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)

              Phân tích vẻ đẹp của đoạn thơ sau:

      “Con sóng dưới lòng sâu

        Con sóng trên mặt nước

        Ôi con sóng nhớ bờ

        Ngày đêm không ngủ được

        Lòng em nhớ đến anh

        Cả trong mơ còn thức

 

        Dẫu xuôi về phương bắc

        Dẫu ngược về phương nam

        Nơi nào em cũng nghĩ                                                      

        Hướng về anh một phương”

                                                                (“Sóng”  – Xuân Quỳnh,

                                    Ngữ văn 12, Tập một, tr.155-156 – NXB Giáo dục, 2011)                                                                                  

Câu 3.b  Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm)

           Phân tích vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên sông Hương gắn với thủy trình sông Hương qua bài bút kí ”Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (phần trích trong Ngữ văn 12 Nâng cao, Tập một, NXB Giáo dục – 2011).

                                                                                 

----HẾT----

Các bạn xem đáp án tham khảo tại đây:

http://tuyensinh247.com/de-kiem-tra-hki-mon-ngu-van-lop-12-tp-can-tho-nam-2013-2014-ec2035.html 

Đáp án đề thi học kì 1 môn Ngữ Văn lớp 12 thành phố Cần Thơ Năm học 2013 - 2014              

Câu 1  ((2,0 điểm)

Ý 1 (1,0 điểm): Nguyễn Tuân đã đặc tả tiếng nước thác sông Đà với bốn hình ảnh so sánh:

Tiếng nước thác nghe:

- như là oán trách;

- như là van xin;

- như là khiêu khích;

- như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu, rừng tre nứa

nổ lửa,...

Ý 2 (1,0 điểm): Nhận xét ngắn gọn hiệu quả nghệ thuật của những hình ảnh so sánh

 Trong những hình ảnh so sánh ấy, có tới ba hình ảnh đầu là những động từ và cụm động từ thường chỉ hoạt động của con người khiến người đọc có cảm giác thác Sông Đà không phải là vật vô tri vô giác mà nó cũng có tính cách, cũng mang tâm trạng; qua đó góp phần tô đậm thêm vẻ hung bạo của dòng sông có diện mạo và tâm địa như một thứ “kẻ thù số một” của con người.

Câu 2 (3,0 điểm)

Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội; kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp. Học sinh cần phải biết phối hợp các thao tác lập luận cho phù hợp: giải thích, chứng minh, phân tích, bình luận, phản bác,…

Yêu cầu về kiến thức:

Thí sinh có thể đưa ra những ý kiến riêng và trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần chân thành, thiết thực, hợp lí, chặt chẽ và thuyết phục. Cần nêu bật được các ý chính sau:

1: GIỚI THIỆU VẤN ĐỀ CẦN NGHỊ LUẬN (0,5 điểm)

 Lòng ghen tị là nỗi bất hạnh của con người.

 2: GIẢI THÍCH NỘI DUNG Ý KIẾN (0,5 điểm)

 + “Lòng ghen tị” là gì ? Đó là thái độ không bằng lòng, không chấp nhận khi thấy người khác có những điểm hơn mình.

+ Cách nói trên đã khẳng định lòng ghen tị chính là nỗi bất hạnh, khốn khổ nhất của con người.

3: BÀN LUẬN: (1,5 điểm)

-          Tại sao lòng ghen tị lại là nỗi bất hạnh lớn nhất của con người ? Biểu hiện: Bản thân người ghen tị phải nếm trải những cảm giác gì khi thấy người khác đạt được những điều mà mình không có ? (Dẫn chứng cụ thể).

Gợi ý: Khi phải sống trong cảm giác ghen tị, cuộc sống của con người sẽ không thanh thản, bình yên, luôn lo âu, trăn trở,...

-          Tác hại của lòng ghen tị: Sự ghen tị còn dẫn dắt con người đến những suy nghĩ, hành động lầm lạc,... (Dẫn chứng cụ thể).

-          Cuối cùng, bản thân người có tính ghen tị sẽ trở thành nạn nhân khốn khổ nhất do luôn sống trong dằn vặt, bất an.

-          Phản đề: Đề cao những người có cuộc sống thanh thản, bình yên; luôn vì cái chung, vì tập thể,... bởi đó sẽ là một cuộc sống giàu có, ấm áp, hạnh phúc;...

 

4: BÀI HỌC NHẬN THỨC VÀ HÀNH ĐỘNG: (0,5 điểm)

      - Ý kiến trên giúp mọi người tự nhìn lại bản thân mình để có cách sống đúng đắn, phù hợp với cộng đồng.

        - Muốn tránh cho mình thoát khỏi nỗi bất hạnh, bản thân phải biết tránh xa sự đố kị, ganh ghét; biết bằng lòng với những gì mình có; biết chia sẻ niềm vui và sự thành công của người khác bằng tấm lòng chân thành;… 

Câu 3.a

Yêu cầu về kĩ năng:

Biết cách làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ. Kết cấu bài viết chặt chẽ, bố cục rõ ràng, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp. Chữ viết rõ ràng, cẩn thận.

Yêu cầu về kiến thức:    

Trên cơ sở những hiểu biết về bài thơ “Sóng” của nhà thơ Xuân Quỳnh, thí sinh có thể phân tích, sắp xếp theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần làm bật được giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ. Cụ thể: 

1: KHÁI QUÁT

Giới thiệu khái quát về tác giả, bài thơ “Sóng”, nội dung, vị trí đoạn trích.  (0,5 điểm) 

2:  PHÂN TÍCH

a.NỘI DUNG (3,0 điểm)

“Sóng” và em có nét tương đồng: Luôn trăn trở, nhớ nhung và bao giờ cũng thủy chung son sắt.

 + Tình yêu bao giờ cũng đi liền với nỗi nhớ. Con sóng thơ Xuân Quỳnh tìm đến nỗi nhớ và trải nỗi nhớ theo các chiều không gian và thời gian.

+ Nỗi nhớ tình yêu đi vào cả trong mơ, trong tiềm thức của người phụ nữ. Thức trong lúc mơ, đó chính là nhịp sóng của tình yêu, lúc nào cũng da diết, cháy bỏng trong trái tim người con gái đang yêu.

+ Khẳng định tiếng nói thủy chung trong tình yêu: dù ở nơi nào đi chăng nữa, tâm hồn người phụ nữ cũng chỉ hướng về một phương duy nhất – “phương anh”. Tiếng nói thủy chung ấy cất lên thật mạnh mẽ, dứt khoát, chân thành và cháy bỏng.   

b.NGHỆ THUẬT (1,0 điểm)

 + Thể thơ năm chữ truyền thống; nhịp điệu tự nhiên, gieo vần độc đáo, giàu sức liên tưởng.

 + Kết cấu tương đồng, hòa hợp giữa “sóng” và em.

 + Xây dựng hình tượng ẩn dụ; giọng thơ tha thiết.

   + Sử dụng điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc; phép đối lập “trên”“dưới”, “thức”“ngủ”, “xuôi”“ngược”,...; kiểu giãi bày tình cảm bộc trực “Lòng em nhớ đến anh / Cả trong mơ còn thức” đã diễn tả một cách sâu sắc tình yêu và nỗi nhớ, cùng lòng thủy chung vô hạn của một trái tim khao khát yêu đương,...    

  - “Sóng” góp thêm một tiếng nói, một cách diễn tả độc đáo về đề tài muôn thuở của con người – đề tài tình yêu. 

3, ĐÁNH GIÁ CHUNG:  (0,5 điểm)

 - Đoạn thơ thể hiện vẻ đẹp của hồn thơ Xuân Quỳnh, tình yêu thiết tha, chân thành của một trái tim đôn hậu, nhạy cảm, vị tha; với cách sáng tạo hình ảnh đẹp, gợi cảm, cách diễn đạt tự nhiên mà vẫn đầy chất thơ. Bài thơ “Sóng” hội tụ nhiều nét tiêu biểu phong cách thơ Xuân Quỳnh.

 - Vẻ đẹp của hình tượng “Sóng” là vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ đam mê sống, đam mê yêu trong thơ Xuân Quỳnh.

LƯU Ý: Trong quá trình làm bài, thí sinh cần phân tích các yếu tố nghệ thuật để làm nổi bật giá trị nội dung của đoạn thơ. 

Câu 3.b

Yêu cầu về kĩ năng:

Biết cách làm bài nghị luận về một đoạn trích, một tác phẩm văn xuôi. Kết cấu bài viết chặt chẽ, bố cục rõ ràng, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp. Chữ viết rõ ràng, cẩn thận.

Yêu cầu về kiến thức:

Trên cơ sở những hiểu biết về Hoàng Phủ Ngọc Tường và bài bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông?, thí sinh có thể phân tích vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên sông Hương gắn với thủy trình sông Hương theo nhiều cách, nhưng cần làm rõ các ý cơ bản sau: 

1/ KHÁI QUÁT (3,0 điểm)

- Giới thiệu nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và bài bút kí ”Ai đã đặt tên cho dòng sông?

- Giới thiệu vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên sông Hương gắn với thủy trình sông Hương. 

2/ PHÂN TÍCH

a.NỘI DUNG: (3,0 điểm)

Vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên sông Hương gắn với thủy trình sông Hương:

- Ở thượng lưu:

 + Khởi nguồn của dòng chảy, giữa lòng Trường Sơn hùng vĩ, con sông có vẻ đẹp hoang dại, “phóng khoáng” đầy cá tính.

 + Ra khỏi rừng, sông Hương mang một sắc đẹp “dịu dàng và trí tuệ” như “người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở”.

-Ở ngoại vi thành Huế: sông Hương đã thay đổi tính cách:

+ Giữa cánh đồng Châu Hoá đầy hoa dại: Sông Hương là “cô gái đẹp ngủ mơ màng” được người tình mong đợi đến đánh thức.

+ Uốn mình theo những “đường cong thật mềm”, màu nước như biến ảo, phản quang “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” lúc qua những dãy đồi núi phía Tây Nam thành phố.

+ Có lúc mang vẻ đẹp “trầm mặc”, lúc lại mang vẻ đẹp “như triết lí, như cổ thi” khi qua bao lăng tẩm đền đài,  … 

-Giữa lòng thành phố Huế:

+ Sông Hương “vui tươi hẳn lên giữa những biển bãi xanh biếc của ngoại ô Kim Long” rồi “kéo một nét thẳng thực yên tâm theo hướng tây nam – đông bắc”, rồi “uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến Cồn Hến” khiến “dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu”.

+ Sông Hương chảy chậm, điệu chảy lững lờ với đường nét tinh tế, đẹp như “điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế”, như “người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya” vì quá yêu và không muốn rời xa thành phố thân thương.

- Trước khi từ biệt Huế: Sông Hương “lưu luyến” đổi dòng gặp lại thành phố như nỗi vương vấn, “lẳng lơ kín đáo của tình yêu”… 

  b. NGHỆ THUẬT (1,0 điểm)

- Sáng tạo những trang văn đẹp được tạo bởi kho từ vựng phong phú, uyển chuyển và giàu hình ảnh.

- Biện pháp ẩn dụ, nhân hóa, so sánh,… gắn liền với những liên tưởng bất ngờ, thú vị.

- Kết hợp nhuần nhuyễn bút pháp kể và tả làm nổi bật vẻ đẹp của dòng sông.

3. ĐÁNH GIÁ CHUNG (0,5 điểm)

- Bài bút kí nói chung và đoạn trích nói riêng là kết tinh và tổng hòa đẹp đẽ tình yêu say đắm đối với dòng sông, với quê hương xứ sở và tài năng của một cây bút giàu trí tuệ, am hiểu sâu rộng về văn hóa, lịch sử, địa lý và văn chương cùng một sức liên tưởng, tưởng tượng phong phú, độc đáo.

- Hình tượng sông Hương trong bài bút kí in đậm dấu ấn phong cách Hoàng Phủ Ngọc Tường: sự kết hợp giữa chất trí tuệ và chất trữ tình, giữa khả năng nghị luận sắc bén với những suy tư đa chiều; cùng lối hành văn hướng nội phóng túng, lời văn thật đẹp,... 

(Trong quá trình phân tích, thí sinh cần chọn những dẫn chứng chính xác, cụ thể để làm nổi bật vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên sông Hương)

Tuyensinh247 tiếp tục cập nhật đề thi học kì 1 môn Ngữ Văn lớp 12 năm 2014 của các trường trong cả nước, các em thường xuyên theo dõi .

Tuyensinh247 tổng hợp.


DÀNH CHO BẠN – LỘ TRÌNH LUYỆN THI TỐT NGHIỆP THPT - ĐGNL - ĐGTD!

  • Bạn cần lộ trình luyện thi Tốt Nghiệp THPT theo chương trình mới?
  • Bạn đang muốn vừa ôn thi TN THPT vừa ôn thi ĐGNL hoặc ĐGTD?
  • Bạn muốn luyện thật nhiều đề thi thử bám cực sát đề minh hoạ?

Xem ngay lộ trình luyện thi 3 trong 1 tại Tuyensinh247: Luyện thi TN THPT - ĐGNL - ĐGTD ngay trong 1 lộ trình.

  • Trọng tâm theo 3 giai đoạn: Nền tảng - Luyện Thi - luyện Đề
  • Giáo viên nổi tiếng Top đầu luyện thi đồng hành
  • Bộ đề thi thử bám sát, phòng luyện đề online, thi thử toàn quốc

Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY


Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

>> Lộ Trình Sun 2025 - 3IN1 - 1 lộ trình ôn 3 kì thi (Luyện thi TN THPT & ĐGNL; ĐGTD) tại Tuyensinh247.com. Đầy đủ theo 3 đầu sách, Thầy Cô giáo giỏi, 3 bước chi tiết: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng đáp ứng mọi kì thi.

Viết bình luận: Đề thi học kì 1 môn Ngữ Văn lớp 12 năm 2014 TP Cần Thơ

  •  
Điểm chuẩn tất cả các trường ĐH