ĐỀ THI THỬ ĐẠI HỌC MÔN ĐỊA LÝ KHỐI C NĂM 2014 - THPT LÊ QUÝ ĐÔN, HẢI PHÒNGA.Phần chung cho tất cả các thí sinh (8,0 điểm) Câu I (2,0 điểm) 1. Trình bày các bộ phận hợp thành vùng biển nước ta? Vì sao phải tăng cường hợp tác với các nước láng giềng trong giải quyết các vấn đề về biển và thềm lục địa? 2. Trình bày các phương hướng giải quyết việc làm nhằm sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn lao động ở nước ta hiện nay?Việc mở rộng đa dạng hóa các loại hình đào tạo có ý nghĩa như thế nào đối với vấn đề giải quyết việc làm ở nước ta? Câu II (3,0 điểm) 1.Tại sao công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm là ngành công nghiệp trọng điểm của nước ta hiện nay? 2. Giải thích tại sao Đông Nam Bộ có nền kinh tế phát triển mạnh nhất nước ta? Câu III (3,0 điểm) Cho bảng số liệu : GIÁ TRỊ XUẤT KHẨU VÀ NHẬP KHẨU CỦA NƯỚC TA (Đơn vị: triệu USD)
Năm
|
1999
|
2003
|
2007
|
2011
|
Giá trị xuất khẩu
|
11541,4
|
20149,3
|
48561,4
|
96905,7
|
Giá trị nhập khẩu
|
11742,1
|
25255,8
|
62764,7
|
106749,8
|
Tổng số
|
23283,5
|
45405,1
|
111326,1
|
203655,5
|
1.Tính cơ cấu xuất nhập khẩu của nước ta qua các năm. 2.Vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện sự thay đổi cơ cấu giá trị xuất nhập khẩu của nước ta giai đoạn 1999 – 2011 3. Dựa vào biểu đồ và bảng số liệu, hãy rút ra nhận xét và giải thích. B.Phần riêng (2,0 điểm) Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (IV.a hoặc IV.b) Câu IV.a. Theo chương trình Chuẩn (2,0 điểm) Phân tích những điều kiện phát triển ngành giao thông vận tải ở nước ta? Cho biết ý nghĩa của tuyến giao thông đường bộ xuyên quốc gia quan trọng nhất ở nước ta?
Câu IV.b. Theo chương trình Nâng cao (2,0 điểm) Tại sao phải khai thác tổng hợp các nguồn tài nguyên biển, hải đảo ở nước ta? Vấn đề khai thác tổng hợp và bảo vệ tài nguyên biển, hải đảo ở nước ta hiện nay như thế nào? …Hết…… ĐÁP ÁN ĐỀ THI THỬ ĐẠI HỌC MÔN ĐỊA LÝ KHỐI C NĂM 2014 - THPT LÊ QUÝ ĐÔN, HẢI PHÒNG
Câu I:
|
1)Trình bày các bộ phận hợp thành vùng biển nước ta?Vì sao phải tăng cường hợp tác với các nước láng giềng trong giải quyết các vấn đề về biển và thềm lục địa?
a) Các bộ phận của vùng biển nước ta bao gồm:
+ Nội thủy là vùng nước tiếp giáp với đất liền, ở phía trong đường cơ sở.
+Lãnh hải là vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia trên biển, cách đều đường cơ sở 12 hải lí.
+ Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển được quy định nhằm đảm bảo cho việc thực hiện chủ quyền của các nước ven biển( bảo vệ an ninh quốc phòng, kiểm soát thuế quan, các quy định về y tế, môi trường, nhập cư…)vùng này cách lãnh hải 12 hải lí.
+ Vùng đặc quyền kinh tế biển là vùng nhà nước ta có chủ quyềm hoàn toàn về mặc kinh tế nhưng vẫn để các nước khác đặt ống dẫn dầu, dây cáp ngầm và tàu thuyền máy bay của nước ngoài vẫn đi lại theo công ước quốc tế. Vùng này có chiều rộng 200 hải lí.
+Thềm lục địa là phần ngầm dưới đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển thuộc phần lục địa kéo dài mở rộng ra ngoài lãnh hải cho đến bờ ngoài của lục địa, có độ sâu 200m hoặc sâu hơn nữa. Nhà nước ta có quyền thăm dò, khai thác, bảo vệ, quản lí các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa VN.
b) Phải tăng cường hợp tác với các nước láng giềng trong giải quyết các vấn đề về biển và thềm lục địa vì:
- Trong các vấn đề về biên giới, về đảo, về vùng biển đăc quyền kinh tế, do nhiều nguyên nhân và hoàn cảnh lịch sử để lại nên giữa các nước trong khu vực còn nhiều tranh chấp, phức tạp, đòi hỏi cần phải ổn định để đối thoại, đàm phán giải quyết một cách hòa bình.
- Biển Đông là biển chung giữa VN và nhiều nước láng giềng. vì vậy việc tăng cường đối thoại, hợp tác giữa VN và các nước có liên quan sẽ là nhân tố tạo ra sự phát triển ổn định trong khu vực , bảo vệ được lợi ích chính đáng của nhà nước và nhân dân ta, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta.
- Việt Nam là nước ĐNÁ lục địa, có nhiều lợi ích ở biển Đông, vì vậy mỗi công dân VN đều có bổn phận bảo vệ vùng biển hải đảo của đất nước cho hôm nay và cho cá thế hệ mai sau.
---------------------------------------------------------------------------------------------------
2) Trình bày các phương hướng giải quyết việc làm nhằm sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn lao động ở nước ta hiện nay?Việc mở rộng đa dạng hóa các loại hình đào tạo có ý nghĩa như thế nào đối với vấn đề giải quyết việc làm ở nước ta?
a.Phương hướng giải quyết việc làm nhằm sử dụng hợp lý hiệu quả nguồn lao động ở nước ta hiện nay.
- Phân bố lại dân cư và nguồn lao động giữa các vùng,các ngành cho hợp lý.
- Đẩy mạnh xuất khẩu lao động
- Thực hiện tốt chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình
- Thực hiện đa dạng hóa các hoạt động sản xuất, chú ý phát triển các ngành dịch vụ.
- Tăng cường hợp tác liên kết quốc tế, mở rộng sản xuất hàng xuất khẩu
- Mở rộng, đa dạng hóa các loại hình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ lao động.
b.Ý nghĩa của việc mở rộng, đa dạng hóa các loại hình đào tạo đối với vấn đề giải quyết việc làm
- Giúp nâng cao trình độ lao động, đa dạng hóa ngành nghề cho người lao động, tạo điều kiện cho họ đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế đang trong quá trình CNH, HĐH.
=> tạo điều kiện cho người lao động có khả năng tự tạo ra việc làm hay khả năng tự kiếm việc làm trong và ngoài nước. Mặt khác cũng giúp tận dụng triệt để nguồn lao động trong nước.
|
Câu II
|
1)Công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm là ngành công nghiệp trọng điểm của nước ta hiện nay vì:
- Có thế mạnh lâu dài:
+ Có nguồn nguyên liệu phong phú dồi dào tại chỗ: nguyên liệu từ ngành trồng trọt (cây lương thực, cây công nghiệp, rau quả…), nguyên liệu từ ngành chăn nuôi, nguyên liệu từ ngành đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản…
+ Có thị trường tiêu thụ rộng lớn: trong nước là thị trường của trên 80 triệu dân với mức sống ngày càng tăng, thị trường xuất khẩu cũng ngày càng được mở rộng với nhu cầu rất lớn.
+ Cơ sở vật chất kỹ thuật khá phát triển với các xí nghiệp chế biến, các nhà máy…
- Đem lại hiệu quả cao:
+ Về mặt kinh tế:
Công nghiệp chế biến lương thực , thực phẩm có nhiều ưu thế: vốn đầu tư ít, thời gian xây dựng nhanh, sử dụng nhiều lao động, hiệu quả kinh tế cao, thu hồi vốn nhanh.
Hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu các ngành công nghiệp của cả nước.
Đóng góp nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đem lại nguồn thu ngoại tệ quan trọng. Năm 2005 xuất khẩu 5,2 triệu tấn gạo đạt 1,4 tỉ USD, 885 nghìn tấn cà phê đạt 725 triệu USD và 2,8 tỉ USD hàng thuỷ sản.
+ Về mặt xã hội:
Góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.
Tạo điều kiện công nghiệp hoá nông thôn.
- Có tác động mạnh mẽ đến các ngành kinh tế khác.
+ Thúc đẩy sự hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp, gia súc lớn.
+ Đẩy mạnh sự phát triển các ngành côlng nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng.
--------------------------------------------------------------------------------------------------
2) ĐNB có nền kinh tế phát triển nhất so với các vùng khác vì ĐNB đã hội tụ được các thế mạnh chủ yếu sau đây:
*Vị trí địa lý:
- Kề với ĐBSCL( vùng lương thực thực thực phẩm lớn nhất cả nước),giáp duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Cămpuchia vừa là thị trường vừa là nơi cung cấp nguyên liệu.
- Có vùng biển với các cảng lớn,thuận lợi cho giao lưu với các vùng khác trong nước và quốc tế.
* Tự nhiên:
- Địa hình tương đối bằng phẳng, đất bazan khá màu mỡ chiếm khoảng 40% diện tích của vùng, ngoài ra còn có đất xám bạc màu trên phù sa cổ tập trung thành vùng lớn, thuận lợi cho việc hình thành vùng chuyên canh cây CN quy mô lớn.
- Khí hậu mang tính chất cận xích đạo,lượng nhiệt lượng ánh sáng dồi dào,là vùng khuất gió thích hợp cho sự phát triển của cây trồng vật nuôi ( đặc biệt là cây CN).
- Có nguồn nước ngầm và nước mặt phong phú ( hệ thống sông Đồng Nai có giá trị lớn về thuỷ điện, thuỷ lợi và giao thông...)
- Khoáng sản: Dầu khí thềm lục địa có trữ lượng lớn,có khả năng phát triển thành ngành công nghiệp mũi nhọn. Ngoài ra còn có sét cao lanh.
- Sinh vật : có diện tích rừng ở Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Cần Giờ, cung cấp củi, gỗ cho các tỉnh và làm nguyên liệu giấy cho liên hiệp giấy Đồng Nai. Có vườn quốc gia Cát Tiên.Có các ngư trường lớn liền kề (Ninh Thuận-Bình Thuận-Bà Rịa VT, Cà Mau-Kiên Giang) có ý nghĩa đối với pt ngành thuỷ hải sản.
* KTXH
- Nguồn lao động dồi dào,tập trung nhiều lao động có trình độ cao
- Cơ sở hạ tầng phát triển nhất nước và đang được hoàn thiện
- Mạng lưới đô thị, trung tâm công nghiệp : có các trung tâm công nghiệp lớn như: Thành phố HCM, Biên Hoà, Vũng Tầu, nhiều cơ sở chế biến..
- Các thế mạnh khác như: (sự năng động, sự thu hút đầu tư với nước ngoài,chính sách của nhà nước...)
|
Câu III:
|
a)Xử lý số liệu (Đơn vị: % )
Năm
|
1999
|
2003
|
2007
|
2011
|
Giá trị xuất khẩu
|
49,6
|
44,4
|
43,6
|
47,6
|
Giá trị nhập khẩu
|
50,4
|
55,6
|
56,4
|
52,4
|
Tổng số
|
100
|
100
|
100
|
100
|
b)Vẽ biểu đồ miền, đúng, đẹp
c) Nhận xét và giải thích:
* Nhận xét:
-Tổng giá trị xuất nhập khẩu tăng( 8,7 lần), giá trị nhập nhẩu luôn cao hơn giá trị xuất khẩu
- Giá trị xuất và nhập đều tăng nhưng nhập khẩu tăng(9 lần) nhanh hơn giá trị xuất khẩu (giá trị XK tăng 8,4 lần)
- Cơ cấu giá tri xuất nhập khẩu có sự thay đổi về tỷ trọng :
+ Tỷ trọng xuất khẩu giảm nhưng không đều: Từ năm 1999- 2007 giảm, từ 2007- 2011 tăng.
+ Tỷ trọng nhập khẩu tăng nhưng không đều: Từ năm 1999- 2007 tăng, từ 2007- 2011 giảm.
- Về cán cân XNK: cơ bản là nhập siêu, tuy nhiên nhập siêu ở giai đoạn sau về bản chất khác với giai đoạn truớc.
* Giải thích:
- Tổng giá trị XNK tăng vì: nhờ đổi mới kinh tế đối ngoại, tăng cường liên kết và mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế. Thị trường buôn bán ngày càng mở rộng.
- Nước ta luôn nhập siêu vì tiềm lực kinh tế nước ta chưa lớn, ngoại thương còn gặp nhiều khó khăn. Cơ cấu xuất nhập khẩu không ổn định vì phụ thuộc vào thị trường bên ngoài.
|
Câu IV.
|
Câu IV.a Theo chương trình chuẩn
1. Phân tích những điều kiện thuận lợi và khó khăn trong phát triển ngành giao thông vận tải ở nước ta? Cho biết ý nghĩa của tuyến giao thông đường bộ xuyên quốc gia quan trọng nhất ở nước ta?
a)Điều kiện phát triển ngành GTVT
-Thuận lợi:
+ Nước ta nằm trên ngã tư đường hàng hải, hàng không quốc tế quan trọng, thuận lợi để giao lưu với các nước trên thế giới.
+ Bờ biển nước ta dài, có nhiều vũng vịnh, thuận lợi cho việc xây dựng các cảng, ngoài khơi có nhiều đảo, quần đảo là nơi trú ngụ cho tàu thuyền khi gặp bão.
+ Có các hệ thống sông lớn có giá trị GTVT. Khí hậu nóng quanh năm thuận lợi cho giao thông hoạt động thường xuyên liên tục.
+ Dải đồng bằng kéo dài, chạy dọc ven biển là điều kiện thuận lợi xây dựng giao thông nối liền Bắc-Nam. Trên đất liền có các sông, các thung lũng chạy theo hướng đông-tây, tây bắc-đông nam thuận lợi cho xây dựng các tuyến đường ngang đan chéo.
+ Hiện nay kinh tế phát triển, nhu cầu trao đổi hàng hóa ngày càng lớn, giao lưu ngày càng lớn, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông.
+ Việc áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào ngành GTVT ngày càng được chú trọng.
+ Nhà nước có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư xây dựng giao thông.
-Khó khăn:
+ Địa hình đồi núi chiếm ¾ diện tích, nhiều dãy núi lan ra sát biển, địa hình hiểm trở nên xây dựng mạng lưới giao thông khó khăn tốn kém, đòi hỏi trình độ cao, vốn lớn.
+ Các thiên tai như bảo, lũ lụt làm ảnh hưởng lớn đến mạng lưới đường giao thông.
+ Mạng lưới sông ngòi dày đặc nên cần phải xây dựng nhiều cầu cống rất tốn kém.
+ Trình độ KHKT của nước ta còn hạn chế, đội ngũ cán bộ kỹ thuật có chuyên môn còn ít.
+ Vốn đầu tư thiếu, cơ sở hạ tầng chưa phát triển.
+ Trình độ quản lý yếu.
+ Sự phát triển kinh tế chênh lệch giữa các vùng.
b)Ý nghĩa của tuyến giao thông đường bộ xuyên quốc gia quan trọng nhất ở nước ta
- Tuyến giao thông đường bộ xuyên quốc gia quan trọng nhất ở nước ta là quốc lộ 1. Tuyến này bắt đầu từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn ) đến Nam Căn Cà Mau, chạy từ Bắc xuống Nam qua 6/7 vùng kinh tế quan trọng và qua hầu hết các trung tâm kinh tế lớn của đất nước.
- Đảm bảo trung chuyển điều hòa hàng hóa nguyên nhiên liệu của các miền. Qua đó tạo điều kiện để thúc đẩy phân công lao động trên lãnh thổ, phát huy thế mạnh của mỗi vùng miền.
- Đáp ứng nhu cầu giao thông đi lại, giao lưu văn hóa của người dân ở các miền đất nước.
- Kết nối các đầu mối giao thông quan trọng, cùng các tuyến GT khác, kết nối các địa phương trong cả nước, tạo điều kiện tăng cường quá trình chuyên môn hóa, hợp tác hóa kinh tế giữa các vùng.
- Là con đường có ý nghĩa chiến lược về an ninh quốc phòng.
|
Câu IV.b. Theo chương trình Nâng cao
a) Phải khai thác tổng hợp tài nguyên biển, hải đảo ở nước ta vì:
- Vùng biển, hải đảo nước ta giàu tiềm năng cho phép phát triển nhiều hoạt động kinh tế biển khác nhau (khai thác, nuôi trồng thuỷ hải sản, khai thác dầu khí, giao thông vận tải biển, du lịch biển, đảo).
- Môi trường biển, hải đảo là một bộ phận lãnh thổ không thể chia cắt được vì vậy cần được khai thác tổng hợp mới đem lại hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.
- Môi trường biển, hải đảo có tính biệt lập với các môi trường xung quanh lại do có diện tích nhỏ nên rất nhạy cảm trước tác động của con người, do khai thác chưa hợp lí nên hiện nay đang có nguy cơ suy thoái, ô nhiễm.
- Việc khai thác biển, hải đảo ở nước ta chưa đủ mạnh, chưa tương xứng với tiềm năng của vùng
- Các đảo và quần đảo tạo thành hệ thống tiền tiêu bảo vệ đất liền, hệ thống căn cứ để nước ta tiến ra biển và đại dương trong thời đại mới, khai thác có hiệu quả các nguồn lợi vùng biển, hải đảo và thềm lục địa.
b) Vấn đề khai thác tổng hợp và bảo vệ tài nguyên biển, hải đảo ở nước ta hiện nay:
* Khai thác tài nguyên sinh vật biển đi đôi với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản., Sản lượng thủy sản khai thác TB từ 1,2 - 1,4 triệu tấn/năm. Với 4 ngư trường lớn Cà Mau- Kiên Giang, Ninh Thuận- Bình Thuận- Bà Rịa- Vũng Tàu, Hải Phòng- Quảng Ninh, Hoàng Sa- Trường Sa.
- Biện pháp để bảo vệ nguồn lợi thủy sản hiện nay là:
+Tránh khai thác quá mức các loại có giá trị kinh tế cao, cấm sử dụng phương tiện đánh bắt có tính chất hủy diệt nguồn lợi.
- Đấu tranh chống tàu nước ngoài vi phạm vùng biển nước ta để khai thác hải sản.
- Khai thác hợp lý nguồn lợi yến sào trên các đảo đá.
- Đẩy mạnh đánh bắt xa bờ.
*Khai thác tài nguyên khoáng sản vùng thềm lục địa:
- Khai thác dầu khí ngày càng được đẩy mạnh thăm dò và khai thác với quy mô ngày càng lớn. Trong tương lai CN lọc dầu hóa dầu, tổ hợp khí điện đạm sẽ làm thay đổi đáng kể sự phát triển kt và phân hóa lãnh thổ.
- Cần tránh không để không xảy ra sự cố môi trường trong quá trình thăm dò, khai thác, vận chuyển và chế biến dầu khí.
- Ngoài ra đang đẩy mạnh khai thác các tài nguyên khác như muối, cát… đem lại kết quả cao.
* Phát triển du lịch biển:
- Đây là một trong những nguồn đóng góp khá lớn vào kinh tế đất nước trong những năm gần đây. Các trung tâm du lịch biển đã được nâng cấp, nhiều bãi tắm đẹp đã được đưa vào khai thác, ngày càng đáp ứng được nhu cầu.
- Cần chú ý bảo vệ cảnh quan môi trường, trú trọng phát triển cơ sở hạ tầng để khai thác du lịch lâu dài, bền vững.
* Phát triển GTVT biển:
- Có nhiều đk thuận lợi để xd cảng nước sâu, mở cửa nền kt: Cái Lân, Nghi Sơn, Dung Quất, tích cực cải tạo, nâng cấp các cảng hiện có như Hải Phòng, Vinh, Đà Nẵng..
- Đối với các đảo: cần phát triển các tuyến hàng hải nối với đất liền, xây dựng cầu cảng, trạm viến thông..
|
Tuyensinh247 sẽ tiếp tục cập nhật các đề thi thử đại học môn Địa lý khối C năm 2014 các em chú ý them khảo nhé! Theo Dethi.Violet
NẮM CHẮC KIẾN THỨC, BỨT PHÁ ĐIỂM 9,10 LỚP 1 - LỚP 12 CÙNG TUYENSINH247!
- 100% chương trình mới đầy đủ theo ba đầu sách
- Học tập thông minh, mọi lúc mọi nơi, bứt phá điểm số nhanh chóng
- Top giáo viên hàng đầu cả nước với hơn 10 năm kinh nghiệm
Xem ngay lộ trình học tập: Tại đây
NẮM CHẮC KIẾN THỨC, BỨT PHÁ ĐIỂM 9,10 LỚP 1 - LỚP 12 CÙNG TUYENSINH247!
Nếu em đang:
- Mong muốn bứt phá điểm số học tập nhanh chóng
- Tìm kiếm một lộ trình học tập để luyện thi: TN THPT, ĐGNL, ĐGTD, Vào lớp 10
- Được học tập với Top giáo viên hàng đầu cả nước
Tuyensinh247 giúp em:
- Đạt mục tiêu điểm số chỉ sau 3 tháng học tập với Top giáo viên giỏi
- Học tập với chi phí tiết kiệm, đầy đủ theo ba đầu sách
- Luyện thi bám sát cấu trúc từng kì thi theo định hướng của BGD&ĐT
Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY
|