Đề thi thử đại học môn Sử khối C năm 2014 (P3)

Cập nhật đề thi thử đại học môn Lịch Sử khối C năm 2014 - phần 3 chỉ tiết đề thi và đáp án các em theo dõi dưới đây.

ĐỀ THI THỬ ĐẠI HỌC MÔN LỊCH SỬ KHỐI C NĂM 2014

A - Phần Lịch Sử Việt Nam   (7 điểm)

Câu 1: (2.5đ)

Sự khác nhau về điều kiện lịch sử và khuynh hướng chủ yếu trong phong trào yêu nước Việt Nam cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX?

Câu 2: (2.5đ)

Năm 1920 Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn con đường giải phóng dân tộc theo khuynh hướng nào?

Nêu những điều kiện chủ quan và khách quan tác động đến sự lựa chọn ấy?

Câu 3: (2.0đ)

Trình bày ý nghĩa lịch sử và ảnh hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với nước ta và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới?

B - Phần Lịch Sử Thế giới   (3 điểm)

Câu 1: (3.0đ)

Những điểm giống nhau và khác nhau trong trật tự thế giới theo hệ thống Vécxai-Oasinhtơn & Trật tự hai cực Ianta? 

ĐÁP ÁN ĐỀ THI THỬ ĐẠI HỌC MÔN LỊCH SỬ KHỐI C NĂM 2014

A - Phần Lịch Sử Việt Nam   (7 điểm) 

Câu 1:

Sự khác nhau về điều kiện lịch sử và khuynh hướng chủ yếu

trong phong trào yêu nước Việt Nam cuối thế kỷ XIX và đầu thế  kỷ XX. 

- Điều kiện lịch sử khác nhau (về cơ sở giai cấp và hệ tư tưởng)

+ Cuối thế kỷ XIX: Giai cấp tư sản chưa ra đời, hệ tư tưởng phong kiến vẫn tồn tại và chi phối phong trào yêu nước chống Pháp… 

+ Đầu thế kỷ XX: Tầng lớp tư sản còn nhỏ bé; hệ tư tưởng tư sản ảnh hưởng vào Việt Nam (từ Phương Tây, Nhật Bản, Trung Quốc), được các trí thức phong kiến tiếp thu, làm dấy lên một phong trào yêu nước sôi nổi…

- Hai khuynh hướng chính trị khác nhau:

+ Cuối thế kỷ XIX: Theo khuynh hướng phong kiến, biểu hiện qua phong trào Cần Vương và cuộc khởi nghĩa Yên Thế.

+ Đầu thế kỷ XX: Theo khuynh hướng tư sản, biểu hiện ở các xu hướng bạo động (Phan Bội Châu) và cải cách (Phan Châu Trinh)…

Câu 2: Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn con đường giải phóng dân tộc.

- Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn con đường giải phóng dân tộc theo khuynh hướng vô sản (khác với những con đường cũ: Giải phóng dân tộc theo các khuynh hướng phong kiến hoặc tư sản)

Những điều kiện khách quan và chủ quan:

- Tác động của thời đại mới: Thời đại đế quốc chủ nghĩa và cách mạng vô sản. Các mâu thuẫn trong lòng chủ nghĩa đế quốc và phát triển gay gắt…; Cách mạng Tháng Mười Nga thành công…; Quốc tế Cộng sản được thành lập… Thời đại đó giúp cho Nguyễn Ái Quốc tìm hiểu lý luận và thực tiễn để lựa chọn một con đường cứu nước đúng đắn.

- Sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam diễn ra liên tục và anh dũng. Các con đường cứu nước theo khuynh hướng phong kiến và tư sản đều không thành công. Đất nước lâm vào “ tình hình đen tối tưởng như không có đường ra”, đặt ra yêu cầu tìm một con đường mới.

- Do trí tuệ và nhãn quan chính trị của Nguyễn Ái Quốc: Thấy được hạn chế trong con đường cứu nước của ông cha…, thấy các cuộc cách mạng tư sản là “chưa đến nơi”; phân biệt rõ bạn và thù của cách mạng Việt Nam trên phạm vi quốc tế; phát hiện thấy trong Luận cương của Lênin “con đường giải phóng cho chúng ta”.

Câu 3 :Trình bày ý nghĩa lịch sử và ảnh hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với nước ta và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

- Ý nghĩa lịch sử:

+ Là thắng lợi lớn nhất, vĩ đại nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, như một “Bạch Đằng, Chi Lăng, Xương Giang, Đống Đa” của thế kỷ XX.

+ Là nhân tố quyết định buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ thừa nhận nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Đông Dương.

+ Bảo vệ và phát triển những thành quả của Cách mạng tháng Tám năm 1945, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp trong gần một thế kỷ.

+ Giáng một đòn mạnh mẽ vào hệ thống thực dân, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ.

- Ảnh hưởng:

+ Cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới trước hết là ở châu Á, châu Phi, góp phần thu hẹp trận địa của chủ nghĩa đế quốc.

+ Nêu tấm gương về chống chủ nghĩa thực, một dân tộc đất không rộng người không đông nếu quyết tâm chiến đấu vì độc lập tự do, có đường lối quận sự chính trị đúng đắn, được sự ủng hộ quốc tế thì hoàn toàn có khả năng đánh bại một đế quốc hùng mạnh.

+ Phong trào giải phóng dân tộc dâng cao sau chiến thắng Điện Biên Phủ. 

B - Phần Lịch Sử Thế giới   (3 điểm)

Câu 1 : Những điểm giống nhau và khác nhau trong trật tự thế giới theo hệ thống Vecxai-Oasinhtơn & Trật tự hai cực Ianta.

- Những điểm giống nhau:

+ Cả hệ thống Vecsxai - Oasinhtơn và Trật tự hai cực Ianta đều là kết quả của những cuộc chiến tranh thế giới đẫm máu trong lịch sử nhân loại.

+ Đều do các cường quốc thắng trận thiết lập để phục vụ những lợi ích cao nhất của họ.

+ Đều có các tổ chức quốc tế được thành lập để giám sát và duy trì trật tự thế giới (Hội Quốc Liên và Liên Hiệp Quốc).

- Những điểm khác nhau:

+ Trật tự hai cực Ianta có điểm khác biệt cơ bản so với trật tự thế giới theo hệ thống Vecsxai - Oasinhtơn là sự hiện diện của cực Liên Xô.

+ Trật tự hai cực Ianta đó là sự đối lập giữa hai hệ tư tưởng đại diện cho hệ thống Xã hội Chủ nghĩa và hệ thống Tư bản Chủ nghĩa mà đại diện là cực Liên Xô và cực Mỹ. Mặt khác, nó có vai trò tích cực đối với phong trào cách mạng thế giới.

+ Trật tự theo hệ thống Vécxai - Oasinhtơn không có sự khác biệt hay đối lập về hệ tư tưởng và cũng không có vai trò tích cực đối với phong trào cách mạng thế giới, trật tự đó chỉ vì quyền lợi của các nước lớn.

+ Về cơ cấu tổ chức và duy trì hòa bình cũng như việc kí kết các hòa ước với các nước bại trận hoàn toàn khác nhau. Trật tự hai cực Ianta thể hiện sự tiến bộ và tích cực hơn hẳn.

+ Liên Hợp Quốc với vai trò là tổ chức đa phương toàn cầu mang tính toàn diện và tiến bộ hơn hẳn so với Hội Quốc Liên (Hội Quốc Liên là tổ chức của các nước lớn, Liên Hợp Quốc là tổ chức mà tất cả các nước đều có quyền tham gia, dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu,...).

+ Trong trật tự hai cực Ianta diễn ra cuộc đối đầu gay gắt và kéo dài hơn 40 năm giữa Liên Xô và Mỹ làm cho tình hình thế giới luôn căng thẳng đưa thế giới đến bên bờ vực của cuộc chiến tranh.

+ Sự sụp đổ của hai trật tự thế giới dẫn đến những hệ quả khác nhau.Hệ thống Vécxai - Oasinhtơn sụp đổ dẫn đến chiến tranh thế giới thứ hai, còn trật tự hai cực Ianta sụp đổ dẫn tới sự tan rã của Liên Xô và kết thúc thời kì chiến tranh lạnh và hình thành xu thế thế giới mới.

 Các em chú ý thường xuyên theo dõi các đề thi thử đại học tiếp theo trên Tuyensinh247.com nhé!

Tuyensinh247 tổng hợp

 


1 bình luận: Đề thi thử đại học môn Sử khối C năm 2014 (P3)

  •  
Khoá học lớp 2-12 - Tuyensinh247