Đề thi thử đánh giá năng lực ĐHQG Hà Nội - phần Tư duy định tính (số 10)

Mới nhất đề thi thử đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội phần Tư duy định tính (số 10) được cập nhật bên dưới kèm file PDF tải về, các em cùng tham khảo!

>>> TẢI ĐỀ ÔN THI ĐGNL PHẦN ĐỊNH TÍNH TẠI ĐÂY

PHẦN 2: TƯ DUY ĐỊNH TÍNH

Lĩnh vực: Ngữ văn – Ngôn ngữ

50 câu hỏi – 60 phút

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ 51 đến 55:

Một số những người hạnh phúc nhất là những người có ít của cải nhất. Liệu chúng ra có hạnh phúc với iphone, nhà to cửa rộng hay những chiếc xe hơi sành điệu? Chúng ta đã bị mất kết nối. Chúng ta thần tượng những người mình chưa bao giờ gặp. Chúng ta chứng kiến những điều phi thường trên màn hình, nhưng không nhận thấy những điều bình dị ở ngay xung quanh mình. Chúng ta trông chờ ai đó tạo ra sự thay đổi mà không bao giờ nghĩ sẽ thay đổi chính mình. […] Chúng ta cần những nhà lãnh đạo, chứ không cần những chính trị gia. Nhưng trong thế giới phụ thuộc này, chúng ta đã quên mất việc tự lãnh đạo chính mình. Hãy thôi trông chờ sự thay đổi từ bên ngoài và hãy biến mình thành sự thay đổi mà bạn muốn thấy trong thế giới. Chúng ta không thể làm được việc này bằng cách ngồi trên đống của cải. Loài người tồn tại không phải vì chúng ta là loài mạnh nhất hay nhanh nhất, mà bởi vì chúng ta đoàn kết.

(Trích thuyết minh phim tài liệu Sự thật cuộc đời chúng ta đang sống, Spencer Cathart, Dẫn theo Tại sao chúng ta không hạnh phúc?, Phi Tuyết, NXB Thế giới, 2018, tr.20)

Câu 51. Phương thức biểu đạt chính nào được sử dụng trong đoạn trích trên?

A. Biểu cảm

B. Thuyết minh

C. Tự sự

D. Nghị luận

Câu 52. Theo tác giả đoạn trích, đâu là điều khiến cho loài người tồn tại?

A. Vì chúng ta là loài nhanh nhất.

B. Vì chúng ta đoàn kết.

C. Vì chúng ta là loài thông minh nhất.

D. Vì chúng ta là loài mạnh nhất. 

Câu 53. Câu văn “Liệu chúng ra có hạnh phúc với iphone, nhà to cửa rộng hay những chiếc xe hơi sành điệu?” sử dụng các biện pháp tu từ nào?

A. Hoán dụ, câu hỏi tu từ

B. So sánh, liệt kê

C. Hoán dụ, liệt kê

D. Câu hỏi tu từ, liệt kê

Câu 54. Theo tác giả, đâu là sự thay đổi mà chúng ta thực sự cần?

A. Thay đổi hệ thống chính trị.

B. Thay đổi từ thế giới bên ngoài.

C. Thay đổi từ chính mỗi cá nhân.

D. Thay đổi trong quan niệm về của cải và hạnh phúc.

Câu 55. Thông điệp nào sau đây có thể rút ra từ ý kiến: “Chúng ta chứng kiến những điều phi thường trên màn hình, nhưng không nhận thấy những điều bình dị ở ngay xung quanh mình.”?

A. Hãy trân trọng những người thân yêu bên cạnh mình thay vì say mê những thần tượng.

B. Hãy nuôi những giấc mơ lớn từ những điều bình thường nhỏ bé, giản dị xung quanh mình.

C. Hãy trân trọng và vun đắp cho những điều giản dị, những giá trị gần gũi trong đời sống của chúng ta.

D. Hãy can đảm dấn thân trên con đường thực hiện những khát vọng phi thường.

 

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ 56 đến 60:

Cuộc cách tân hùng hậu trong nghệ thuật của Thơ Mới bắt nguồn từ một cuộc đổi thay vĩ đại trong quan niệm nhân sinh và thẩm mĩ. "Đầu têu" là ý thức cá nhân. Điều này không có gì mới nữa. Tôi sẽ không lí giải sự ra đời của ý thức này. Đó là việc đã được luận giải ở nhiều công trình khác. Có điều là, nói đến ý thức này, nhiều khi chúng ta cứ yên chí với sự chung chung. Đúng là thời đại Thơ Mới là thời đại của cái Tôi. Nhưng điều cốt yếu của cái Ta và cái Tôi là gì? Tiếng nói thường trực của chúng là gì? Những câu hỏi ấy không phải lúc nào cũng có những lời đáp cho thật rành mạch. Thực tế, trong mỗi con người, về căn bản, nếu ý thức cộng đồng là tiếng nói của Bổn phận, thì ý thức cá nhân về căn bản là tiếng nói của Khát vọng. Chúng song hành theo tương quan vừa chuyển hoá, vừa tương tranh nhau. Nếu Bổn phận lấy hi sinh bản thân làm hạnh phúc, thì Khát vọng lấy việc được là mình làm hạnh phúC. Trước đó, trong đời sống tư tưởng của con người Việt Nam, ý thức cá nhân luôn bị che khuất, bị chèn ép đến cớm nắng, còi cọC. Nó èo uột đến tưởng chừng không có. Lúc này, nó trỗi dậy. Nó đòi sống. Đòi được sống và được đi đến tận cùng những quan niệm riêng, những sở trường, những khao khát riêng của mình.

(Trích Xuân Diệu - tù nhân của chữ tình, Chu Văn Sơn)

Câu 56. Các phép liên kết câu nào được sử dụng trong đoạn trích trên?

A. Phép thế, phép nối, phép lặp

B. Phép thế, phép lặp, phép liên tưởng

C. Phép nối, phép liên tưởng, phép lặp

D. Phép nối, phép thế, phép liên tưởng

Câu 57. Phương án nào sau đây chỉ ra chính xác bản chất của “ý thức cá nhân” được nhắc đến trong đoạn trích trên?

A. Ý thức cá nhân gắn liền với khát vọng được là chính mình, được sống với những sở trường riêng, quan niệm riêng.

B. Ý thức cá nhân gắn liền với bổn phận và trách nhiệm, sự hi sinh cho những giá trị bền vững của cộng đồng.

C. Ý thức cá nhân gắn liền với khát vọng được trao gửi và dâng hiến, góp phần nhỏ bé làm nên những điều tốt đẹp trong cuộc đời.

D. Ý thức cá nhân gắn liền với khát vọng kiếm tìm hạnh phúc trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn và đầy bất trắc.

Câu 58. Từ nào sau đây có thể thay thế cho từ “tương tranh” được in đậm trong đoạn trích trên?

A. Đấu tranh

B. Cạnh tranh

C. Tương tác

D. Tương tự

Câu 59. Phương án nào sau đây chỉ ra chính xác hiệu quả biểu đạt của các từ “cớm nắng”, “còi cọc”, “èo uột” trong đoạn trích trên?

A. Khẳng định ý thức cá nhân trong Thơ Mới là sản phẩm của văn minh ngoại lai, hoàn toàn không có gốc rễ từ nền văn hóa Việt Nam.

B. Nhấn mạnh sự phát triển mạnh mẽ của ý thức cá nhân trong phong trào Thơ Mới.

C. Nhấn mạnh sự lấn át của ý thức cộng đồng đối với ý thức cá nhân trong đời sống tư tưởng của con người Việt Nam trung đại.

D. Khẳng định sự lấn át của ý thức cá nhân đối với ý thức cộng đồng trong phong trào Thơ Mới.

Câu 60. Câu thơ nào sau đây thể hiện tinh thần của Thơ mới được nhắc đến trong đoạn trích trên: “Nó đòi sống. Đòi được sống và được đi đến tận cùng những quan niệm riêng, những sở trường, những khao khát riêng của mình”?

A. Sống toàn tim, toàn trí, sống toàn hồn

Sống toàn thân và thức nhọn giác quan

(Xuân Diệu)

B. Nắng xuống, trời lên sâu chót vót

Sông dài, trời rộng bến cô liêu.

(Huy Cận)

C. Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua

Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất

(Xuân Diệu)

D. Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lí chói qua tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim.

(Tố Hữu)

 

Đọc đoạn trích sau và trả lời từ câu 61 đến câu 65:

Trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến, hình như chỉ sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất. Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó đã là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng. Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại. Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng. Nhưng chính rừng già nơi đây, với cấu trúc đặc biệt có thể lí giải được về mặt khoa học, đã chế ngự sức mạnh bản năng ở người con gái của mình để khi ra khỏi rừng, sông Hương nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở. Nếu chỉ mải mê nhìn ngắm khuôn mặt kinh thành của nó, tôi nghĩ rằng người ta sẽ không hiểu một cách đầy đủ bản chất của sông Hương với cuộc hành trình đầy gian truân mà nó đã vượt qua, không hiểu thấu phần tâm hồn sâu thẳm của nó mà dòng sông hình như không muốn bộc lộ, đã đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng.

(Trích Ai đã đặt tên cho dòng sông, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục)

Câu 61. Đáp án nào chỉ ra chính xác nhất tên thể loại của đoạn trích trên? 

A. Kí sự

B. Hồi kí

C. Tùy bút

D. Bút kí

Câu 62. Đoạn trích trên khắc họa vẻ đẹp của sông Hương ở chặng nào trong thủy trình của dòng chảy này?

A. Ở thượng nguồn

B. Ở trong lòng thành phố Huế

C. Ở vùng đồi trung du

D. Ở đồng bằng châu thổ

Câu 63. Trong đoạn trích, tác giả đã sử dụng các thủ pháp nghệ thuật nào để làm nổi bật vẻ đẹp của hình tượng sông Hương?

A. Đối lập, nhân hóa, ẩn dụ

B. Đối lập, nhân hóa, so sánh 

C. Ẩn dụ, so sánh, nhân hóa

D. Ẩn dụ, nhân hóa, hoán dụ

Câu 64. Dòng sông được hiện lên như thế nào qua đoạn văn?

A. Dòng sông với vẻ đẹp vừa mạnh mẽ vừa dịu dàng vừa cổ kính, trầm mặc đậm chất Huế

B. Dòng mang vẻ đẹp nữ tính, e ấp, kín đáo với phần tâm hồn sâu thẳm.

C. Dòng sông mang vẻ đẹp phong phú: hùng vĩ, nguyên sơ, mãnh liệt và đầy đắm say.

D. Dòng sông hiện lên như một sinh thể, có đời sống nội tâm hết sức phong phú.

Câu 65. Đặc điểm Sông Hương ở đoạn này có tương đồng với đặc điểm sông Đà ở thượng nguồn trong Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân?

A. Hùng vĩ

B. Nhỏ bé

C. Dịu dàng

D. Cổ kính

 

Đọc đoạn trích sau và trả lời từ câu 66 đến câu 70:

Biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền, từ những ngày nào, cái sở nguyện của viên quan coi ngục này là có một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết. Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm. Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ. Có được chữ ông Huấn mà treo là có một vật báu trên đời. Viên quản ngục khổ tâm nhất là có một ông Huấn Cao trong tay mình, dưới quyền mình mà không biết làm thế nào mà xin được chữ. Không can đảm giáp lại mặt một người cách xa y nhiều quá, y chỉ lo mai mốt đây, ông Huấn bị hành hình mà không kịp xin được mấy chữ, thì ân hận suốt đời mất.

(Trích Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân, Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục, 2007, tr.29)

Câu 66. Phương án nào sau đây nhận xét chính xác về đặc điểm của ngôn ngữ kể chuyện trong đoạn trích trên?

A. Đoạn trích được kể ở ngôi thứ ba, lời kể được đặt ở điểm nhìn của nhân vật quản ngục.

B. Đoạn trích được kể ở ngôi thứ nhất, người kể chuyện là nhân vật Huấn Cao.

C. Đoạn trích được kể ở ngôi thứ ba, lời kể được đặt ở điểm nhìn của nhân vật Huấn Cao.

D. Đoạn trích được kể ở ngôi thứ nhất, người kể chuyện là nhân vật quản ngục.

Câu 67. Phương án nào sau đây chỉ ra chính xác ý nghĩa của từ “khoảnh” trong đoạn trích trên.

A. Cao ngạo, phách lối, khó chịu

B. Kiêu căng, ngạo mạn, khó tính

C. Kiêu ngạo, khó tính hay làm bộ làm tịch

D. Khó tính, kiêu kì trong giao tiếp 

Câu 68. Câu văn “Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ.” thể hiện vẻ đẹp nào trong nhân cách Huấn Cao?

A. Huấn Cao là người có tài năng xuất chúng, người có thể sáng tạo ra cái đẹp ngay cả ở chốn lao tù tối tăm, tội lỗi.

B. Huấn Cao là người có bản lĩnh, khí phách hơn đời, dám một mình đứng lên làm kẻ phản nghịch, chống lại triều đình.

C. Huấn Cao là người coi trọng nhân cách, biết giữ gìn thiên lương, không dễ hạ mình ngang hàng với cái tầm thường.

D. Huấn Cao là kẻ tự mãn, đặt mình cao hơn hết thảy đời sống xung quanh, nhìn đời bằng con mắt khinh bạc.

Câu 69. Nỗi khổ tâm của quản ngục đã nói lên điều gì về nhân vật này?

A. Quản ngục là một kẻ tầm thường, quen làm cái nghề bạc ác nhưng lại bất lực trước tù nhân là Huấn Cao.

B. Quản ngục tự ý thức sâu sắc về sự tha hóa của mình ở chốn lao tù vì vậy mà xảy ra mâu thuẫn nội tâm trong quyết định nên đối xử thế nào với Huấn Cao.

C. Quản ngục day dứt vì đã thỏa hiệp với sự tầm thường của hoàn cảnh nên không dám xin chữ Huấn Cao dù rất ngưỡng chữ của ông.

D. Quản ngục có một tình yêu lớn lao dành cho cái đẹp và sự trân trọng đặc biệt đối với người tài.

Câu 70. Điểm giống nhau nổi bật nhất của viên quản ngục trong đoạn trích và nhân vật Đan Thiềm trong vở kịch Vũ Như Tô (đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài) là gì?

A. Luôn giữ vững được thiên lương trong sáng dù sống trong cảnh nhơ nhuốc.

B. Mang tấm lòng trân trọng cái đẹp và tài năng vượt qua những định kiến xã hội. 

C. Sẵn sàng bảo vệ cái đẹp và cái tài dù phải hi sinh tiền tài, danh vọng thậm chí cả mạng sống.

D. Có sự tự ý thức về bản thân, luôn biết mình cần gì, nên trân trọng điều gì, không bị danh lợi và quyền thế làm mờ mắt.

Câu 71. Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp/ hoặc ngữ nghĩa/ logic/ phong cách

Trong đầu con người sẽ hầu như chỉ còn lại các mảnh vỡ thông tin, các từ khóa thay vì những “kiến thức sâu sắc”. Có lẽ chỉ cần tĩnh tâm nhìn quanh quan sát là chúng ta đã có thể thấy Google đang khiến ngày càng nhiều người tin vào những “chân lí giả tạo” do Google dựng lên một cách vô tình.

A. vô tình

B.  tĩnh tâm

C. chân lí giả tạo

D. mảnh vỡ

Câu 72. Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp/ hoặc ngữ nghĩa/ logic/ phong cách

Ngày nay, chúng ta cũng có quan niệm với ông cha ta ngày xưa: lấy đạo đức, tài năng làm trọng.

A. Ngày nay

B. với

C. quan niệm

D. làm trọng

Câu 73. Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp/ hoặc ngữ nghĩa/ logic/ phong cách

Năm đó, ông ngoại đã ngoài tám mươi tuổi, trước lúc lâm chung, ông lưu luyến cầm tay bà, xoa đầu bà dặn dò: “Tôi đi rồi bà đừng khóc, con cháu sẽ thay tôi chăm sóc bà.”

A. chăm sóc

B. trước lúc lâm chung

C. dặn dò

D. lưu luyến cầm tay

Câu 74. Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp/ hoặc ngữ nghĩa/ logic/ phong cách

Loài người đã khôn dần lên, đã bành trướng để xác lập thế lực với thiên nhiên. Các tác động vào thiên nhiên thuận theo quy luật tự nhiên sẽ tạo ra lợi ích cho con người, nhưng làm trái với quy luật tự nhiên tất yếu phải nhận lại lời đáp uất hận của sự trả thù.

A. bành trướng

B. thế lực

C. lợi ích

D. uất hận

Câu 75. Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp/ hoặc ngữ nghĩa/ logic/ phong cách

Tự học là bắt đầu quá trình tự chủ trong cuộc đời của mình, để bạn sáng tạo nên cuộc đời của riêng mình, chứ không phải là dụng cụ của xã hội.

A. tự học

B. sáng tạo

C. dụng cụ

D. tự chủ

Câu 76. Chọn một từ mà nghĩa của nó KHÔNG cùng nhóm với các từ còn lại

A. cau có

B. sưng sỉa

C. nhăn nhó

D. soi mói

Câu 77. Chọn một từ mà nghĩa của nó KHÔNG cùng nhóm với các từ còn lại

A. diêm dân

B. ngư dân

C. giáo dân

D. nông dân

Câu 78. Chọn một từ mà nghĩa của nó KHÔNG cùng nhóm với các từ còn lại

A. lướt thướt

B. lượt thượt

C. lượt bượt

D. là lượt

Câu 79. Tác phẩm nào sau đây KHÔNG ra đời trong cùng giai đoạn với các tác phẩm còn lại?

A. Vang bóng một thời - Nguyễn Tuân

B. Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu

C. Số đỏ - Vũ Trọng Phụng

D. Lão Hạc - Nam Cao

Câu 80. Phương án nào sau đây KHÔNG thể hiện đặc điểm của văn học Việt Nam từ 1975 đến hết thế kỉ XX?

A. Văn học có tính chất hướng nội, quan tâm đến số phận cá nhân trong hoàn cảnh phức tạp đời thường.

B. Tinh thần lạc quan, bay bổng, lãng mạn; giọng điệu tha thiết, say sưa.

C. Đổi mới trong cái nhìn nghệ thuật, khám phá bản chất của con người và đời sống trong sự bất toàn.

D. Văn học chuyển từ cảm hứng sử thi - lãng mạn sang cảm hứng thế sự, đời tư.

Câu 81. Chọn từ/ cụm từ thích hợp để điền vào chỗ trống dưới đây:

Tác phẩm “Sóng” là cuộc hành trình khởi đầu với sự                cái chật chội, nhỏ hẹp để tìm đến một tình yêu bao la rộng lớn, cuối cùng là khát vọng được sống hết mình trong tình yêu, muốn                vĩnh viễn thành tình yêu muôn thuở.

A. chối bỏ/biến đổi

B. từ bỏ/dấn thân

C. rời bỏ/hóa thân

D. từ chối/hóa thân

Câu 82. Chọn từ/ cụm từ thích hợp để điền vào chỗ trống dưới đây:

Nhưng mà, tiếc gì một lời xin lỗi nhỉ. Xin lỗi đúng lúc, đúng việc thì đâu phải sự               , bạc nhược? Xin lỗi đúng lúc thể hiện mình là người trưởng thành, văn minh và có ý thức.

A. hèn kém

B. hèn nhát

C. hèn hạ

D. nhút nhát

Câu 83. Chọn từ/ cụm từ thích hợp để điền vào chỗ trống dưới đây:

Bản chất của con người chứa đựng cả cái tích cực lẫn cái tiêu cực. Tuy nhiên, con người cũng có khả năng tạo nên và làm mạnh thêm những cái tích cực và làm giảm đến mức thấp nhất hay       những cái tiêu cực.

A. hài hòa

B. trung bình

C. trung hòa

D. trung tính

Câu 84. Chọn từ/ cụm từ thích hợp để điền vào chỗ trống dưới đây: 

Ngay cả nếu chúng ta không đạt được hòa bình hoàn hảo, bởi vì hòa bình hoàn hảo là thứ không có trên Trái đất này thì những nỗ lực chung để giành lấy hòa bình cũng sẽ đoàn kết mọi cá nhân và mọi quốc gia trong lòng tin, tình              và giúp tạo ra một cộng đồng người an toàn và tử tế hơn.

A. thân hữu

B. bằng hữu

C. hữu nghị

D. hợp tác

Câu 85. Chọn từ/ cụm từ thích hợp để điền vào chỗ trống dưới đây:

Sự trưởng thành của con người luôn song hành cùng những vấp ngã và sai lầm. Khi trẻ học nói, học đi hay bất cứ điều gì, chúng đều phải nếm trải những va vấp. Chúng ta cũng vậy, có thể đằng sau những tư tưởng vừa lĩnh hội, hoặc sau sự chín chắn rèn giũa được là một thất bại, hay một bước lùi nào đó. Tuy nhiên, đừng              những sai lầm ấy với việc ta không thể trưởng thành.

A. đánh đồng

B. đánh giá

C. ngụy biện

D. ngộ nhận

Câu 86. Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi:

Ôi con sóng ngày xưa Và ngày sau vẫn thế Nỗi khát vọng tình yêu Bồi hồi trong ngực trẻ

(Trích “Sóng”, Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục) Đoạn thơ thể hiện những cảm xúc, suy ngẫm gì của nhân vật trữ tình về tình yêu?

A. Khát vọng vượt lên trên mọi hoàn cảnh để tìm thấy tình yêu đích thực của đời mình.

B. Tình yêu mãi là khát vọng muôn thuở của trái tim con người.

C. Tâm trạng mâu thuẫn và thống nhất, xung đột và hài hoà của người con gái trong tình yêu.

D. Khẳng định về sự tồn tại bất diệt của khát vọng tình yêu trong trái tim người con gái.

Câu 87. Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi:

Anh biết tình yêu không phải vô biên

Như tia nắng, chúng mình không sống mãi

Như câu thơ, chắc gì ai đọc lại

Ai biết ngày mai sẽ có những gì?

(Trích Và anh tồn tại, Lưu Quang Vũ, Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, NXB Hội Nhà văn, 2017)

Điều hôm nay ta nói, ngày mai

Người khác lại nói lời yêu thuở trước

Đời sống chẳng vô cùng, em biết

Câu thơ đâu còn mãi ngày sau.

(Trích Nói cùng anh, Xuân Quỳnh, Không bao giờ là cuối, NXB Hội Nhà văn, 2011)

Hình ảnh “câu thơ” được sử dụng trong hai đoạn thơ trên thể hiện sự tương đồng nào trong suy tư và xúc cảm của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ?

A. Sự mong manh của tình yêu trong kiếp sống hữu hạn của con người.

B. Niềm an ủi và sức mạnh mà tình yêu đem đến cho tâm hồn con người.

C. Niềm tin ở sự trường tồn của tình yêu bất chấp sự hữu hạn của kiếp người.

D. Sự lãng mạn, bay bổng của tình yêu làm nên một phần vẻ đẹp của cuộc sống.

Câu 88. Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Một người chín nhớ mười mong một người

Gió mưa là bệnh của trời

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng

(Trích Tương tư, Nguyễn Bính, Nguyễn Bính toàn tập, Tập một, NXB Hội Nhà văn 2017)

Dấu ấn ca dao trong thơ Nguyễn Bính được thể hiện như thế nào qua đoạn thơ trên?

A. Thể thơ lục bát, âm hưởng dìu dặt của lời ru, sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình- tả cảnh thiên nhiên, kín đáo gửi gắm tâm trạng.

B. Thể thơ lục bát biến thể, âm hưởng da diết, khắc khoải, sử dụng lối nói cường điệu để bộc lộ cảm xúc mãnh liệt.

C. Thể thơ lục bát biến thể, âm hưởng da diết, khắc khoải, sử dụng lối nói cường điệu để bộc lộ cảm xúc mãnh liệt.

D. Thể thơ lục bát, âm hưởng thiết tha, sử dụng cách nói bóng gió xa xôi, thể hiện cảm xúc một cách ý nhị, tinh tế.

Câu 89. Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi:

Lần thứ hai, Tràng vừa trả hàng xong, ngồi uống nước ở ngoài cổng chợ tỉnh thì thị ở đâu sầm sập chạy đến. Thị đứng trước mặt hắn, sưng sỉa nói:

- Điêu! Người thế mà điêu!

Hắn giương mắt nhìn thị, không hiểu. Thật ra lúc ấy hắn vẫn chưa nhận ra thị là ai. Hôm nay thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt.

- Hôm ấy leo lẻo cái mồm hẹn xuống, thế mà mất mặt. À, hắn nhớ ra rồi, hắn toét miệng cười.

- Chả hôm ấy thì hôm nay vậy. Nào hẵng ngồi xuống ăn miếng giầu cái đã.

- Có ăn gì thì ăn, chả ăn giầu.

Thị vẫn đứng cong cớn trước mặt hắn.

- Đấy, muốn ăn gì thì ăn. Hắn vỗ vào túi:

- Rích bố cu, hở!

Hai con mắt trũng hoáy của thị tức thì sáng lên, thì đon đả:

- Ăn thật nhá! Ừ ăn thì ăn sợ gì.

Thế là thị ngồi sà xuống, ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì. Ăn xong thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng thở:

- Hà, ngon! Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố.

(Trích Vợ nhặt, Kim Lân, Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.27)

Phương án nào sau đây thể hiện chính xác ấn tượng về nhân vật người vợ nhặt mà tác giả muốn thể hiện trong đoạn trích trên?

A. Một người phụ nữ vô duyên, cong cớn, đanh đá cùng bức chân dung thảm hại trong nạn đói năm 1945.

B. Một người đàn bà xấu xí với bức chân dung thảm hại trong nạn đói nhưng để lại ấn tượng đẹp đẽ về cách ứng xử mẫu mực.

C. Một người đàn bà có vẻ ngoài xấu xí nhưng tâm hồn bên trong lại vô cùng đẹp đẽ.

D. Một người đàn bà tham lam, ích kỷ, vụ lợi, toan tính.

Câu 90. Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song

Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;

Củi một cành khô lạc mấy dòng.

(Trích Tràng giang, Huy Cận, Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục)

Phương án nào sau đây chỉ ra chính xác cảm xúc của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ trên?

A. Nỗi buồn man mác, lạc lõng cô đơn khi ý thức về thân phận bé nhỏ, phù du.

B. Nỗi niềm cô đơn của người con tha hương lữ thứ trong buổi chiều hoàng hôn trên sông.

C. Cảm giác sợ hãi trước không gian mênh mông đến rợm ngợp của không gian tràng giang.

D. Cảm giác hoang mang, trống trải khi đối diện với mênh mông tràng giang.

Câu 91. Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi:

Gió theo lối gió mây đường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?

(Trích Đây thôn Vĩ Dạ, Hàn Mặc Tử, Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục)

Từ “kịp” trong đoạn trích trên gợi nên điều gì rõ nét nhất đang ẩn chứa trong tâm tư tác giả?

A. Một lời khẩn cầu, hi vọng được gặp lại người thương. 

B. Một niềm mong ngóng, trông đợi đối với người thương.

C. Một niềm khao khát, một thúc bách chạy đua với thời gian.

D. Một nỗi buồn nhớ xa xăm đối với người thương.

Câu 92. Đọc văn bản sau đây và trả lời câu hỏi:

Hôm nay có một nửa trăng thôi

Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi

Ta nhớ mình xa thương đứt ruột

Gió làm nên tội buổi chia phôi.

(Một nửa trăng, Hàn Mặc Tử, Hàn Mặc Tử - danh tác thơ, NXB Hội Nhà văn, 2014)

Phương án nào chỉ ra giá trị biểu đạt của các cụm từ “cắn vỡ”, “thương đứt ruột” trong bài thơ trên?

A. Thể hiện tâm trạng hoang mang, hụt hẫng của nhân vật trữ tình trước sự bạc bẽo của tình đời.

B. Thể hiện tâm trạng đau khổ, dằn vặt, nuối tiếc khi để tuột mất những yêu thương trong cuộc đời.

C. Thể hiện tâm trạng đau đớn đến tột cùng của nhân vật trữ tình trước những ân tình tan vỡ.

D. Thể hiện tâm trạng cô đơn, nỗi ám ảnh mất mát, chia lìa và sự khắc khoải níu giữ những ân tình.

Câu 93. Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi:

[…] Và hắn nghĩ đến câu nói hùng hồn của một nhà triết học kia: "Phải biết ác, biết tàn nhẫn để sống cho mạnh mẽ". Nhưng hắn lại nghĩ thêm rằng: Từ rất đáng yêu, rất đáng thương, hắn có thể hy sinh tình yêu, thứ tình yêu vị kỷ đi; nhưng hắn không thể bỏ lòng thương; có lẽ hắn nhu nhược, hèn nhát, tầm thường, nhưng hắn vẫn còn được là người: hắn là người chứ không phải là một thứ quái vật bị sai khiến bởi lòng tự ái. Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình.

(Trích Đời thừa, Nam Cao, Tuyển tập Nam Cao, Tập 2, NXB Văn học, 2002, tr.10)

Tính đa thanh của ngôn ngữ kể chuyện có giá trị như thế nào trong việc thể hiện chủ đề tư tưởng của đoạn trích trên?

A. Tạo nên tính đối thoại, thúc đẩy những xung đột của nhân vật với chính mình, đẩy xung đột của nhân vật với hoàn cảnh đến mức không thể thỏa hiệp.

B. Thể hiện cuộc đấu tranh của nhân vật trong việc chấp nhận, thích nghi với sự ích kỷ của con người và sự tầm thường của hoàn cảnh sống.

C. Thể hiện sự do dự của nhân vật trong việc lựa chọn lí tưởng sống cho riêng mình giữa muôn vàn quan điểm đối lập: sống yêu thương hay tàn nhẫn, yếu đuối hay mạnh mẽ, ích kỷ hay vị tha…

D. Thể hiện cuộc đấu tranh nội tâm để khẳng định triết lý sống xem tình thương, sự vi tha là gốc rễ của hành động, là cốt lõi nhân tính, đồng thời tạo nên tính đối thoại về quan niệm sống cho tác phẩm.

Câu 94. Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

(Trích Tây Tiến, Quang Dũng, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016)

Phương án nào sau đây nhận xét chính xác về giọng điệu của câu thơ: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc”?

A. Chủ động, ngang tàng, mạnh mẽ

B. Gấp gáp, dồn dập, thôi thúc

C. Tự tin, kiêu hãnh, khinh bạc

D. Nhẹ nhàng, thiết tha, bay bổng

Câu 95. Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi:

“- Từ nhỏ tôi đã là một đứa con gái xấu xí, lại rỗ mặt, sau một bận lên đậu mùa. Hồi bấy giờ nhà tôi còn khá giả, nhà tôi trước ở trong cái phố này. Cũng vì xấu, trong phố không ai lấy, tôi có mang với một anh con trai một nhà hàng chài giữa phá hay đến nhà tôi mua bả về đan lưới. Lão chồng tôi khi ấy là một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập tôi.”

(Trích Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu)

Phương án nào chỉ ra sự tương đồng trong cái nhìn của người đàn bà dành cho người đàn ông hàng chài với cái nhìn của nhân vật ông giáo dành cho vợ mình trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao: “Vợ tôi không ác nhưng thị khổ quá rồi.”?

A. Đó là cái nhìn đầy sự bao dung và thấu hiểu bản chất của con người, thấu hiểu nguồn cơn của sự tàn nhẫn và nghiệt ngã đến từ sự khốn cùng và khổ đau.

B. Đó là cái nhìn chứa đựng định kiến và sự thương hại đối với những con người khốn khổ, bị cuộc đời dồn đẩy đến bước đường cùng.

C. Đó là cái nhìn chứa đựng sự xót xa, thương cảm, bênh vực cho những con người tha hóa trước tác động tiêu cực của đời sống.

D. Đó là cái nhìn chứa đựng tinh thần lạc quan, niềm tin tưởng ở bản chất tốt đẹp của con người.

Câu 96. Đọc văn bản sau đây và trả lời câu hỏi:

1. Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,

2. Cô vân mạn mạn độ thiên không,

3. Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,

4. Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.

(Hồ Chí Minh, Mộ (Chiều tối), NV11, T2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020)

Những câu thơ nào trong văn bản trên sử dụng thi liệu cổ điển?

A. Câu (3), (4)

B. Câu (1), (2)

C. Câu (1), (4)

D. Câu (2), (3)

Câu 97. Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi:

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,

Tin sương luống những rày trông mai chờ.

Bên trời góc bể bơ vơ,

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.

Xót người tựa cửa hôm mai,

Quạt nồng ấp lạnh, những ai đó giờ?

Sân Lai cách mấy nắng mưa,

Có khi gốc tử đã vừa người ôm?

(Trích Truyện Kiều, Nguyễn Du)

Đối tượng mà Kiều nghĩ đến trong câu: “Xót người tựa cửa hôm mai/Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ” là ai?

A. Kim Trọng

B. Từ Hải

C. Bố mẹ Kiều

D. Thúy Vân và Kim Trọng

Câu 98. Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi:

Thế mà hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.

Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.

Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở trung, nam, bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.

Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.

Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.

Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.

Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều.

Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.

Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng.

Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.

(Trích Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam)

Để làm nổi bật tội ác, bác bỏ những luận điệu xảo trá của kẻ thù, tác giả đã sử dụng thao tác lập luận chính nào trong đoạn trích trên?

A. Chứng minh

B. Bình luận

C. Phân tích

D. Bác bỏ

Câu 99. Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi:

Tiếng địch thổi nghe chừng đồng vọng

Hàng cờ bay trong gió phất phơ.

Dấu chàng theo lớp mây đưa

Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà.

(Trích Chinh phụ ngâm, Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm)

Nghĩa của từ “Tiếng địch” trong đoạn thơ trên là

A. Tiếng tù và của quân địch

B. Tiếng kèn gọi quân ra trận

C. Tiếng gió thổi trên đường hành quân

D. Tiếng sáo lúc đưa tiễn

Câu 100. Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi:

Xác hàng thịt: Hãy công bằng hơn, ông Trương Ba ạ! Từ nãy tới giờ chỉ có ông nặng lời với tôi, chứ tôi thì vẫn nhã nhặn với ông đấy chứ. (thì thầm) Tôi rất biết cách chiều chuộng linh hồn.

Hồn Trương Ba: Chiều chuộng?

Xác hàng thịt: Chứ sao? Tôi thông cảm với những “trò chơi tâm hồn của ông”. Nghĩa là: Những lúc một mình một bóng, ông cứ việc nghĩ rằng ông có một tâm hồn bên trong cao khiết, chẳng qua vì hoàn cảnh, vì để sống mà không phải nhân nhượng tôi. Làm xong điều xấu gì ông cứ việc đổ tội cho tôi, để ông được thanh thản. Tôi biết: Cần phải để cho tính tự ái của ông được ve vuốt. Tâm hồn là thứ lắm sĩ diện! Hà hà, miễn là… ông vẫn làm đủ mọi việc để thỏa mãn những thèm khát của tôi!

Hồn Trương Ba: Lí lẽ của anh thật ti tiện!

(Trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lưu Quang Vũ, Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam)

Tại sao Hồn Trương Ba lại cho rằng “trò chơi tâm hồn” của Xác hàng thịt là thứ lí lẽ “ti tiện”?

A. Vì đó là thứ lí lẽ cho phép Trương Ba tha hóa mà vẫn tiếp tục ngụy biện cho sự tầm thường của mình bằng bộ mặt đạo đức giả, bằng ảo tưởng thanh cao.

B. Vì đó là thứ lí lẽ được đưa ra bởi Xác hàng thịt mà tất cả những gì thuộc về thân xác, thuộc về bản năng đều là tầm thường, tội lỗi.

C. Vì đó là thứ lí lẽ hạ thấp vị trí độc tôn và sự cao khiết của linh hồn trước xác thịt tầm thường, tội lỗi.

D. Vì đây là một thỏa hiệp mà cả Hồn Trương Ba và Xác hàng thịt đều đạt được mục đích của mình, nó giúp cho hồn và xác chung sống hài hòa, trở thành một thực thể thống nhất.

------------------HẾT------------------

DÀNH CHO 2K7 – ÔN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC 2025!

Bài thi Đánh giá năng lực 2025 thay đổi toàn bộ từ cấu trúc bài thi, các dạng câu hỏi,.... mà bạn chưa biết phải ôn tập như thế nào cho hiệu quả? không học môn đó thì làm bài ra sao?

Bạn cần phương pháp ôn tập và làm bài thi từ những người am hiểu về kì thi và đề thi?

Bạn cần thầy cô đồng hành suốt quá trình ôn luyện?

Vậy thì hãy xem ngay lộ trình ôn thi bài bản tại ON.TUYENSINH247.COM:

  • Học live, luyện đề cùng giáo viên và Thủ khoa ĐGNL
  • Trang bị phương pháp làm bài suy luận khoa học
  • Bộ 15+ đề thi thử chuẩn cấu trúc mới bài thi ĐGNL

Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

Viết bình luận: Đề thi thử đánh giá năng lực ĐHQG Hà Nội - phần Tư duy định tính (số 10)

  •  
Đăng ký tư vấn khóa ĐGNL!