Đề thi thử đánh giá năng lực Hà Nội - phần Tư duy định tính (số 9)

Cập nhật mới nhất đề thi thử đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội phần Tư duy định tính (số 9), đề thi gồm 50 câu hỏi với thời gian làm bài 60 phút.

>>> TẢI ĐỀ THI THỬ ĐGNL HN PHẦN ĐỊNH TÍNH TẠI ĐÂY

ĐỀ THI THỬ ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐHQGHN PHẦN DUY ĐỊNH TÍNH

(50 câu hỏi – 60 phút)


Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ 51 đến 55:

(1)  Không chỉ trong những ngôi nhà của chúng ta mà trong từng lớp học và nhiều nơi chốn khác, chúng ta không được nhìn thấy bóng dáng và giọng nói của những người gieo những hạt giống của giấc mơ vào những đứa trẻ và vào chính chúng ta. Nếu bạn để ý, bạn sẽ thấy không ít những đứa trẻ khi bắt đầu tập nói đã ngày ngày phải phát âm hoặc phải nghe những lời từ vựng chỉ vật chất, chỉ tính sở hữu và của chủ nghĩa thực dụng. Chúng ta mới chỉ lo sợ đến sự đau ốm sinh học của những đứa trẻ và bỏ ra tất cả tiền của để chữa chạy sự đau ốm này trong khi đó lại quá ít lo sợ những cơn đau ốm tâm hồn của chúng. Và nếu chúng ta có lờ mờ nhận ra những cơn đau ốm tâm hồn của những đứa trẻ thì chúng ta cũng không biết phải chữa chạy như thế nào.

(2)  Bởi chúng ta đã lãng quên những giấc mơ của chính mình. Và khi chúng ta xoè bàn tay của tâm hồn chúng ta ra, chúng ta chẳng thấy một hạt giống nào của giấc mơ trong cả hai lòng bàn tay ấy. Chúng ta không biết lấy gì để chữa chạy cơn đau ốm ấy tâm hồn của chính chúng ta và của những đứa trẻ, những chủ nhân tương lai của thế gian này. Cho đến lúc đó, chúng ta mới nhận ra rằng: chúng ta thực sự là những kẻ vô cùng nghèo đói và tội nghiệp.

(Trích Những hạt giống của giấc mơ, Nguyễn Quang Thiều, Có một kẻ rời bỏ thành phố, NXB Hội Nhà văn, 2012)

Câu 51. Phương thức biểu đạt chính nào được sử dụng trong đoạn trích trên?

A. Nghị luận

B. Tự sự

C. Thuyết minh

D. Biểu cảm

Câu 52. Phương án nào chỉ ra chính xác các phép liên kết được sử dụng trong đoạn (1)?

A.  Phép lặp, phép thế

B.  Phép thế, phép nối

C.  Phép liên tưởng, phép nối, phép lặp

D.  Phép lặp, phép nối, phép thế

Câu 53. Đoạn trích đã chỉ ra sai lầm nào của chúng ta khi nuôi dạy những đứa trẻ?

A. Chúng ta đã quá bao bọc những đứa trẻ để rồi biến chúng thành những kẻ ỷ lại vào người khác.

B. Chúng ta đã đem đến cho những đứa trẻ những giá trị tốt nhất nhưng lại không dạy chúng sự trân trọng và biết ơn.

C. Chúng ta mải mê theo đuổi những khát vọng của riêng mình mà lãng quên đi giấc mơ nhỏ bé của những đứa trẻ.

D. Chúng ta quá chăm lo đến đời sống vật chất của những đứa trẻ trong khi lại không quan tâm đến đời sống tinh thần của chúng.

Câu 54. Phương án nào sau đây làm rõ ý nghĩa của cụm từ “sự đau ốm sinh học” được in đậm trong đoạn trích trên?

A. Sức khỏe tinh thần

B. Bản năng sinh tồn

C. Sức khỏe thể chất

D. Nguồn lực vật chất

Câu 55. Phương án nào KHÔNG giải thích chính xác cho ý: chúng ta là “những kẻ vô cùng nghèo đói và tội nghiệp”?

A. Vì chúng ta đã lãng quên đi những giấc mơ của mình, chúng ta sẽ quên mất mình là ai, đánh mất ý nghĩa của sự tồn tại.

B. Vì ngay cả khi nhận ra tâm hồn mình cỗi cằn, chúng ta cũng không biết cách nào làm sống dậy những giấc mơ đã mất, những khát khao từ lâu đã lụi tắt trong tâm hồn.

C. Vì khi tước bỏ đi mọi ánh hào quang của vật chất, chúng ta nhận ra mọi niềm hạnh phúc mà mình theo đuổi chỉ là ảo ảnh.

D. Vì không chỉ tâm hồn chúng ta cằn cỗi vì vắng đi những giấc mơ mà điều đáng sợ hơn chúng ta đã tước đoạt cả những giấc mơ đẹp đẽ trong tâm hồn mỗi đứa trẻ.

 

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ 56 đến 60:

Chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc với những người xung quanh là một liều thuốc diệu kỳ giúp con người lấy lại cân bằng mỗi khi gặp khó khăn. Tuy nhiên, đôi lúc người ta lại nhầm lẫn giữa chia sẻ suy nghĩ với người khác với suy nghĩ theo người khác.

Trong mối quan hệ sẻ chia bình đẳng, ta có suy nghĩ độc lập, biết cách làm chủ nó và chia sẻ cởi mở những suy nghĩ đó. Tuy nhiên, trong mối quan hệ sẻ chia một chiều, ta thường để bản thân choáng ngợp bởi những suy nghĩ của người khác. Thay vì đưa ra chính kiến và cảm nhận của riêng mình, ta lại bị cuốn theo lối suy nghĩ của họ để rồi không còn giữ được lập trường của mình.

Trong mọi mối quan hệ, sự tương trợ là điều rất cần thiết. Ta có thể nhờ người khác giúp đỡ nhưng không được để mình trở thành cái bóng của họ bởi cuộc sống của ta là do chính ta quyết định. Khi khoác lên mình chiếc mặt nạ hòng thu hút tình cảm và sự quan tâm của người khác, ta sẽ đánh mất điều quan trọng nhất, đó là con người thật của mình.

Hãy sống thật với chính mình, bởi đó là chìa khóa đưa ta đến hạnh phúc. Hãy làm bất cứ điều gì ta cho là nên làm, vì chính ta mới là người quyết định cuộc sống của bản thân. Bên cạnh đó, cũng không cần bào chữa hay giải thích về mình; không cần sự cho phép của bất cứ ai để được là chính ta. Ta có thể sống hạnh phúc với con người thực của mình và hãy nghĩ tốt về bản thân, bất kể người khác nhìn nhận thế nào chăng nữa.

(Trích Quên hôm nay để sống cho ngày mai, Tian Dayton)

Câu 56. Theo tác giả đoạn trích, “chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc với những người xung quanh là một liều thuốc diệu kỳ giúp con người lấy lại cân bằng mỗi khi gặp khó khăn” “trong mọi mối quan hệ, sự tương trợ là điều rất cần thiết”. Nhưng tại sao sự chia sẻ và tương trợ lại có thể khiến chúng ta “đánh mất con người thật của mình”?

A. Khi chia sẻ với người khác chúng ta dễ bị cuốn theo suy nghĩ, cách nhìn nhận vấn đề của họ; khi quá quen với sự tương trợ giúp đỡ, chúng ta sẽ có tâm lý ỷ lại, lúc nào cũng mang mặt nạ đáng thương, cần được giúp đỡ mà quên mất rằng bản thân mình cũng có thể tự vượt qua khó khăn.

B. Việc chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của mình với người khác cũng như nhận sự tương trợ, giúp đỡ thường đẩy chúng ta vào cảm giác mắc nợ những người xung quanh, chúng ta không còn đủ tự tin và kiêu hãnh về chính bản thân mình.

C. Khi chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của mình với những người xung quanh, chúng ta vô cùng thành thực nhưng những hiểu lầm trong sự diễn giải của những người đó có thể bóp méo diện mạo diện mạo tinh thần của chúng ta.

D. Khi tìm kiếm sự chia sẻ, tương trợ từ những người xung quanh, chúng ta đã tự định nghĩa mình là con người ỷ lại, thụ động, dựa dẫm, thiếu ý chí và bản lĩnh, không có khả năng đương đầu với khó khăn trong cuộc sống.

Câu 57. Từ nào sau đây gần nghĩa nhất với từ “tương trợ” được in đậm trong đoạn trích?

A. giúp đỡ

B. trợ giúp

C. hỗ trợ

D. viện trợ

Câu 58. Phương án nào chỉ ra chính xác sự khác biệt giữa việc chúng ta chia sẻ suy nghĩ với người khác và suy nghĩ theo người khác?

A. Cả việc chia sẻ suy nghĩ với người khác và suy nghĩ theo người khác đều đặt chúng ta trước nguy cơ đánh mất cái tôi của mình, điểm khác biệt là ở chỗ: chia sẻ suy nghĩ với người khác, những ý tưởng sáng tạo không còn là của riêng ta còn suy nghĩ theo người khác chúng ta không bao giờ có được sự độc lập trong tư tưởng.

B. Chia sẻ suy nghĩ với người khác là thuyết phục những người xung quanh tin theo quan điểm của mình. Suy nghĩ theo người khác là chúng ta lựa chọn tin tưởng và hành động theo quan điểm của người khác.

C. Chia sẻ suy nghĩ với người khác là tham khảo ý kiến của những người xung quanh và đưa ra quyết định dựa trên quan điểm của số đông. Suy nghĩ theo người khác là đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để hình dung được quan điểm, tư tưởng của họ.

D. Suy nghĩ theo người khác là lắng nghe ý kiến của những người xung quanh, chịu ảnh hưởng, làm theo những lời khuyên ấy và vô tình ngộ nhận đó là quan điểm của bản thân. Chia sẻ suy nghĩ của bản thân cũng gắn với tinh thần tích cực lắng nghe nhưng tiếp nhận mang tính chất tham khảo, dựa trên ý thức sâu sắc về quan điểm cá nhân, kiên định với chính kiến của mình.

Câu 59. Để làm rõ sự nhầm lẫn giữa chia sẻ suy nghĩ với người khác với suy nghĩ theo người khác, tác giả đã sử dụng thao tác lập luận nào?

A. Bình luận

B. Giải thích

C. Phân tích

D. Chứng minh

Câu 60. Làm cách nào chúng ta có thể sống là chính mình mà “không cần bào chữa hay giải thích gì về mình”, “bất kể người khác nhìn nhận thế nào đi chăng nữa”? Phương án nào KHÔNG trả lời cho câu hỏi trên?

A. Chúng ta cần ý thức được sâu sắc giá trị của bản thân cũng như niềm hạnh phúc mình theo đuổi trong cuộc đời.

B. Chúng ta cần kiên định bảo vệ suy nghĩ, quan điểm của mình trong mọi tình huống, từ chối lắng nghe những ý kiến nhận xét, đánh giá của những người xung quanh.

C. Chúng ta cần hiểu rằng mọi đánh giá, phán xét mà những người xung quanh dành cho mình đều dựa trên những thước đo của riêng, bị giới hạn trong trải nghiệm của riêng họ, cuộc sống của chúng ta chỉ chúng ta là người có quyền lựa chọn.

D. Chúng ta cần kiên định với đam mê, niềm tin và hệ giá trị mà mình lựa chọn theo đuổi.

 

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ 61 đến 65:

Lần lần mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết. Nhưng Mị cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa. Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Bây giờ thì Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa nhà này đến cái tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết việc ăn cỏ, việc đi làm mà thôi. Mị cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa, mà lúc nào cũng chỉ nhớ đi nhớ lại những việc giống nhau, tiếp nhau vẽ ra trước mặt, mỗi năm mỗi mùa, mỗi tháng lại đi làm lại: Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp, và dù lúc đi hái củi, lúc bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm suốt đời như thế. Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái trong nhà này thì vùi vào làm việc cả đêm cả ngày.

(Trích Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016)

Câu 61. Phương án nào chỉ ra chính xác tác dụng của phép liệt kê trong đoạn văn trên?

A. Khắc họa chân thực cuộc sống vất vả của người phụ nữ, người lao động miền núi, thể hiện sự trân trọng của tác giả đối với sức chịu đựng bền bỉ và nghị lực vượt lên trên nghịch cảnh của họ.

B. Khắc họa những hoạt động lao động đặc trưng của con người miền núi Tây Bắc, thể hiện dấu ấn phong tục đậm nét trong các sáng tác của nhà văn Tô Hoài.

C. Nhấn mạnh cuộc sống lao động vất vả triền miên của nhân vật, thể hiện sự đồng cảm của nhà văn đối với nỗi khổ của người phụ nữ miền núi trước sự áp chế của cường quyền và thần quyền.

D. Nhấn mạnh sự cần mẫn, chăm chỉ, mộc mạc của con người lao động miền núi, từ đó ca ngợi phẩm chất truyền thống của người lao động Việt Nam.

Câu 62. Đặc điểm của yếu tố thời gian có ý nghĩa như thế nào trong việc thể hiện chủ đề của đoạn trích?

A. Thời gian có tính chất rời rạc, khắc họa nỗi khổ ở những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời nhân vật, thể hiện nỗ lực của tác giả trong việc khám phá sự thật về thân phận người phụ nữ, người lao động miền núi Tây Bắc.

B. Thời gian gắn liền với chiều dài cuộc đời nhân vật từ lúc sinh ra đến khi về làm dâu nhà thống lý, nhấn mạnh bóng đen của nỗi khổ đeo bám, ôm trùm lên thân phận, khẳng định tinh thần nhân đạo sâu sắc của tác phẩm.

C. Thời gian đi theo quy luật bốn mùa, mùa nào việc ấy, đều đặn, nhịp nhàng, nhấn mạnh sự gắn bó, hài hòa của cuộc sống con người với nhịp điệu của thiên nhiên, thể hiện sự am hiểu phong tục và đời sống đồng bào miền núi của tác giả.

D. Thời gian vừa có tính chất nối tiếp và vừa có tính chất lặp lại, tuần hoàn nhấn mạnh nỗi vất vả triền miên, dai dẳng và cuộc đời quẩn quanh, bế tắc trong vòng tròn của sự khổ đau, từ đó thể hiện giá trị hiện thực và tinh thần nhân đạo của tác phẩm.

Câu 63. Phương án nào sau đây chỉ ra hiệu quả biểu đạt của biện pháp tu từ trong câu văn: “Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”?

A. Biện pháp tu từ so sánh nhấn mạnh sự lầm lũi, vô tri, vô cảm, chai sạn vì khổ đau của nhân vật, thể hiện sự xót thương của tác giả với một kiếp người bị rẻ rúng, đọa đày.

B. Biện pháp tu từ ẩn dụ nhấn mạnh sự bé nhỏ tội nghiệp của những người lao động thấp cổ bé họng, bị áp bức, bóc lột, đối xử bất công và tinh thần nhân đạo của tác giả.

C. Biện pháp tu từ so sánh thể hiện năng lực khám phá hiện thực của tác giả: lật tẩy bộ mặt tàn bạo của các thế lực phong kiến miền núi khi đối xử với con người như một thứ công cụ lao động.

D. Biện pháp tu từ ẩn dụ lên án, tố cáo sự tàn bạo, rẻ rúng con người của các thế lực phong kiến miền núi, góp phần khẳng định giá trị hiện thực và tinh thần nhân đạo của tác phẩm.

Câu 64. Câu thành ngữ nào sau đây phù hợp nhất để diễn tả lại hoàn cảnh của nhân vật Mị trong đoạn trích trên?

A. Cá chậu chim lồng

B. Nước ấm nấu ếch

C. Nằm gai nếm mật

D. Nhũn như chi chi

Câu 65. Từ nào có thể thay thế cho từ “lần lần” được in đậm trong đoạn trích trên?

A. Chầm chậm

B. Từ từ

C. Dần dần

D. ròng rã

 

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ 66 đến 70:

(1)  Thế giới như chúng ta vốn biết đã thay đổi. Chỉ trong vài tháng, COVID-19 đã lan nhanh với tốc độ đáng báo động trên tất cả các quốc gia và châu lục. Ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, nơi sinh sống của 2,2 tỷ người, COVID-19 làm cho nhiều gia đình lâm vào tình trạng khó khăn hơn khi mà họ đang phải vật lộn để mưu sinh và giáo dục con cái. COVID-19 đã làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người, những người đã bị mất việc làm, mất nguồn thu nhập, làm gia tăng bất bình đẳng. COVID-19 chồng chất thêm khó khăn lên một khu vực có nhiều thiên tai và bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. COVID-19 làm cho việc vi phạm quyền trở nên phổ biến hơn. COVID-19 là khủng hoảng về nhân quyền, khủng hoảng về y tế và khủng hoảng về kinh tế.

(2)  Mặc dù trẻ em không phải là đối tượng chính của đại dịch, nhưng các em là một trong những đối tượng bị tác động nặng nề nhất.

(3)  Trẻ em ở khu vực Đông Á Thái Bình Dương bị ảnh hưởng theo ba cách chính sau: Đầu tiên, trẻ bị lây nhiễm COVID-19, hoặc người chăm sóc trẻ bị lây nhiễm; thứ hai, bị ảnh hưởng bởi các hành động nhằm ngăn chặn đại dịch, ví dụ như việc đóng cửa trường học, việc gián đoạn các dịch vụ y tế thiết yếu và tiêm chủng; và thứ ba là vì cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội có nguy cơ xóa đi những thành tựu phát triển dài hạn. Tất cả những thành tựu về quyền trẻ em phải khó khăn mới đạt được được trong nhiều năm nếu không phải là hàng thập kỷ, có nguy cơ bị xóa bỏ.

(4)  Chúng ta không thể để điều này xảy ra.

(https://www.unicef.org/vietnam/media)

Câu 66. Đoạn trích trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào?

A. Phong cách ngôn ngữ chính luận

B. Phong cách ngôn ngữ báo chí

C. Phong cách ngôn ngữ khoa học

D. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật

Câu 67. Dựa vào nội dung đoạn trích, tác giả đồng tình nhất với ý kiến nào nhất sau đây?

A. Covid-19 là căn bệnh có tính lây lan nhanh tới mức đáng báo động, nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn thế giới đặc biệt là khu vực Châu Á và Thái Bình Dương.

B. Chỉ trong vài tháng, COVID-19 đã lan nhanh với tốc độ đáng báo động trên tất cả các quốc gia và châu lục, trẻ em là đối tượng chịu tác động nặng nề nhất trong đại dịch này.

C. Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương - nơi có nhiều thiên tai và bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu sẽ càng khó khăn hơn khi phải chịu thêm tác động của Covid-19.

D. Những thành tựu về quyền trẻ em phải rất khó khăn và lâu dài mới đạt được đã bị xóa bỏ bởi sự hoành hành của đại dịch Covid-19.

Câu 68. Đáp án nào sau đây KHÔNG PHẢI là cách trẻ em Đông Á và Thái Bình Dương bị ảnh hưởng bởi Covid-19?

A. Người chăm sóc trẻ bị lây nhiễm covid-19.

B. Những thành tựu phát triển dài hạn về quyền trẻ em có nguy cơ bị xóa bỏ.

C. Các dịch vụ thiết yếu như: dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục,... ngưng hoạt động.

D. Sức khỏe bị suy giảm vì chưa tới độ tuổi có thể tiêm vaccine.

Câu 69. Cách diễn giải nào sau đây là chính xác cho câu “Chúng ta không thể để điều này xảy ra.”?

A. Chúng ta không thể để những thành tựu phát triển dài hạn về quyền trẻ em phải tốn nhiều thời gian mới giành được bị xóa bỏ.

B. Chúng ta không thể để trẻ em ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tiếp tục phải chịu những ảnh hưởng nặng nề của Covid-19.

C. Chúng ta không thể để khu vực Đông Á và Thái Bình Dương - nơi có nhiều thiên tai và bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu phải gánh chịu thêm hậu quả của Covid-19.

D. Chúng ta không thể để đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành về gây thêm những hậu quả nghiêm trọng.

Câu 70. Từ “Mặc dù” trong câu “Mặc dù trẻ em không phải là đối tượng chính của đại dịch, nhưng các em là một trong những đối tượng bị tác động nặng nề nhất.” thể hiện mối quan hệ gì?

A. quan  hệ nhân - quả

B. quan hệ tăng tiến

C. điều kiện - giả thuyết

D. quan hệ tương phản

Câu 71. Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp/ hoặc ngữ nghĩa/ logic/ phong cách

Cuộc sống là do chúng ta lựa chọn chứ không phải do may mắn. Bản chất của sự việc xảy đến không quan trọng bằng cách chúng ta đối phó với nó.

A. lựa chọn

B. may mắn

C. bản chất

D. đối phó

Câu 72. Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp/ hoặc ngữ nghĩa/ logic/ phong cách

Hãy sống thật với chính mình, bởi đó là chìa khóa đưa ta đến hạnh phúc. Hãy làm bất cứ điều gì ta cho là nên làm, vì chính ta mới là người quyết định cuộc sống của bản thân. Bên cạnh đó, cũng không cần bào chữa hay giải thích về mình; không cần sự xin phép của bất cứ ai để được là chính ta.

A. quyết định

B. bào chữa

C. giải thích

D. xin phép

Câu 73. Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp/ hoặc ngữ nghĩa/ logic/ phong cách

Giữa đồng cỏ xanh đầy gió mát, chú mục đồng chậm rãi tiến về phía đống rơm, úp cái mũ lên mặt, nằm xuống ngủ một giấc cho đến chiều.

A. đầy gió mát

B. tiến về phía đống rơm

C. chú mục đồng

D. úp cái mũ lên mặt

Câu 74. Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp/ hoặc ngữ nghĩa/ logic/ phong cách

Thế mà bây giờ đa số chúng ta có ý nghĩ rằng hạnh phúc là phải ở giữa mọi người; và chúng ta tìm kiếm hạnh phúc trong đám đông, các phòng tiệc ồn ào. Chúng ta không biết rằng chúng ta thiếu cái phẩm chất duy nhất để có hạnh phúc thực sự: đó là sống tự túc (về tư tưởng). Không có sự sống tự túc, mọi thứ khác đều chỉ là ước lệ ảo ảnh.

A. tự túc

B. tư tưởng

C. ước lệ

D. ảo ảnh

Câu 75. Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp/ hoặc ngữ nghĩa/ logic/ phong cách

Qua truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ", nhà văn Tô Hoài đã tố cáo sâu sắc giai cấp thống trị thối nát đương thời ở vùng Tây Bắc Việt Nam, cụ thể là: chế độ phong kiến, thần quyền và cường quyền, những thủ tục lạc hậu.

A. thủ tục lạc hậu

B. truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”

C. chế độ phong kiến

D. vùng Tây Bắc Việt Nam

Câu 76. Chọn một từ mà nghĩa của nó KHÔNG cùng nhóm với các từ còn lại

A. Lung lay

B. Rung rinh

C. Phất phơ

D. Lung linh

Câu 77. Chọn một từ mà nghĩa của nó KHÔNG cùng nhóm với các từ còn lại

A. Dư đồ

B. Dưa âm

C. Dư địa

D. Dư luận

Câu 78. Chọn một từ mà nghĩa của nó KHÔNG cùng nhóm với các từ còn lại

A. Phù trợ

B. Phù dâu

C. Phù phép

D. Phù hộ

Câu 79. Nguyễn Tuân là nhà văn có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của thể loại nào trong văn học hiện đại Việt Nam?

A. Tiểu thuyết

B. Tùy bút

C. Thơ

D. Kịch

Câu 80. “Nếu chúng ta là kẻ không có tài chí lắm, không viết được điều gì to tát, thì cũng sẽ viết được những trang sách về những năm tháng ta sống, về những cay đắng và những niềm yêu thương đơn giản của con người”. Đây là tâm sự của nhà văn nào?

A. Vũ Trọng Phụng

B. Lưu Quang Vũ

C. Nguyễn Minh Châu

D. Nam Cao

Câu 81. Chọn từ/cụm từ thích hợp nhất để điền vào chỗ trống dưới đây:

Đừng giữ thái độ cầu toàn trong mọi sự. Dĩ nhiên, để đạt được điều mình mong muốn, ta phải không ngừng nỗ lực. Nhưng đừng yêu cầu cuộc đời phải […] thì ta mới hài lòng và cũng đừng đòi hỏi mọi mối quan hệ phải hoàn hảo thì ta mới nâng niu trân trọng. Hoàn hảo là một điều không tưởng. Trên đời, chẳng có gì là hoàn thiện, hoàn mĩ cả.

A. viên mãn

B. mãn nhãn

C. mãn nguyện

D. thỏa mãn

Câu 82. Chọn từ/cụm từ thích hợp nhất để điền vào chỗ trống dưới đây:

Ta muốn có một cuộc sống bình thường thì sẽ gặp phải những khó khăn bình thường; ta muốn có cuộc sống tốt đẹp thì sẽ gặp phải những khó khăn lớn hơn. Đây chính là sự […] của cuộc đời, nếu vượt qua được thì ta sẽ là người chiến thắng; nếu không vượt qua được thì hãy ngoan ngoãn quay về cuộc sống trước đó.

A. công tâm

B. xứng đáng

C. thử thách

D. công bằng

Câu 83. Chọn từ/cụm từ thích hợp nhất để điền vào chỗ trống dưới đây:

Ta có thể biến ước mơ thành hiện thực hay không điều quan trọng chính là khi đứng trước cơ hội, thái độ của ta là lo sợ trước sau, bão tàn thủ khuyết, hay là dùng sức mạnh vũ bão để chiến thắng khó khăn nơi đầu sóng, ngọn gió. Đối với người biết mỉm cười đối diện với khó khăn và luôn giữ nụ cười đến phút cuối cùng thì những gì họ đạt được là điều […].

A. đương nhiên

B. thản nhiên

C. điềm nhiên

D. tự nhiên

Câu 84. Chọn từ/cụm từ thích hợp nhất để điền vào chỗ trống dưới đây:

Những người suy sụp tinh thần hay thất bại, thường đưa ra những lí do như là: do không có tiền, không có thời gian, do kém may mắn, do quá mệt mỏi hay tâm trạng chán nản… để […] cho việc bỏ qua những cơ hội thuận lợi trong cuộc sống. Nhưng sự thực chỉ là do họ không biết sử dụng quyền được lựa chọn của mình.

A. minh họa

B. thanh minh

C. chứng minh

D. biện minh

Câu 85. Chọn từ/cụm từ thích hợp nhất để điền vào chỗ trống dưới đây:

Các bạn không thể hiểu được bản thân mình hay bản chất những mối quan hệ của mình cho đến khi chúng được thử thách trong […].

A. hoàn cảnh

B. nghịch cảnh

C. ngoại cảnh

D. nội tâm

Câu 86. Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

Tôi định viết một số truyện ngắn nhưng với ý khác là khi đói, người ta không nghĩ đến con đường chết mà chỉ nghĩ đến con đường sống. Dù ở trong tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết, vẫn khao khát hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và vẫn hy vọng ở tương lai, vẫn muốn sống, sống cho ra người.”

Đây là lời chia sẻ của Kim Lân trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Báo Văn nghệ về mục đích sáng tác truyện ngắn “Vợ nhặt”. Qua lời chia sẻ trên, tư tưởng của Kim Lân có sự gặp gỡ với quan điểm nghệ thuật nào trong sau đây?

A. “Đối với con người, sự thực đôi khi nghiệt ngã, nhưng bao giờ cũng dũng cảm củng cố trong lòng người đọc niềm tin ở tương lai. Tôi mong muốn những tác tác phẩm của tôi sẽ làm cho con người tốt hơn, tâm hồn trong sạch hơn, thức tỉnh tình yêu đối với con người và khát vọng tích cực đấu tranh cho lí tưởng nhân đạo và tiến bộ của loài người.” (Sô-lô-khốp)

B. “Viết văn là một quá trình đấu tranh để nói ra sự thật. Đã là sự thật thì không tầm thường, cho dù phải đập vỡ những thần tượng trong lòng người đọc” (Tô Hoài)

C. “Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thật ở đời” (Vũ Trọng Phụng)

D. “Nếu tác giả không có lối nói riêng của mình thì người đó không bao giờ là nhà văn cả. Nếu anh ta không có giọng riêng, anh ta khó trở thành nhà văn thực thụ.” (Sê-khốp)

Câu 87. Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Thời gian qua kẽ tay

Làm khô những chiếc lá

Kỷ niệm trong tôi

Rơi

như tiếng sỏi

trong lòng giếng cạn.

Riêng những câu thơ

còn xanh

Riêng những bài hát

còn xanh

Và đôi mắt em

như hai giếng nước.

(Thời gian, Văn Cao, Lá, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, 1998)

 

Phương án nào chỉ ra giá trị biểu đạt của từ “xanh” được sử dụng trong bài thơ trên?

A. Sắc “xanh” tươi mới của lá non thể hiện sức sống mãnh liệt, khẳng định sự trường tồn của tự nhiên trong vòng tuần hoàn vĩnh cửu của thời gian bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông.

B. Sắc “xanh” tươi non gắn liền với tuổi xuân, sức sống, những xúc cảm lãng mạn và mãnh liệt của tình yêu - nguồn cảm hứng dào dạt cho thi ca và âm nhạc muôn đời.

C. Từ “xanh” được đặt trong tương quan với hình ảnh những chiếc lá khô và thanh âm của kỉ niệm nhằm khẳng định giá trị của nghệ thuật: làm hồi sinh cái đẹp từ trong những tàn phai của thời gian và trí nhớ.

D. Từ “xanh” biểu tượng cho mùa xuân và tuổi trẻ, đặt trong sự đối lập với những chiếc lá khô nhằm nhấn mạnh niềm nuối tiếc tuổi trẻ và tình yêu say đắm một thời đã qua đi.

Câu 88. Đọc hai đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Một người chín nhớ mười mong một người

Gió mưa là bệnh của trời

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”

(Trích Tương tư, Nguyễn Bính, Nguyễn Bính toàn tập, Tập một, NXB Hội Nhà văn. 2017)

và:

“Bữa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm

Anh nhớ em, em hỡi! Anh nhớ em.

[…]

Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh.

Anh nhớ em, anh nhớ lắm! Em ơi!”

(Trích Tương tư chiều, Xuân Diệu, Thơ Xuân Diệu, NXB Văn học, 2013)

Dấu ấn riêng của hồn thơ Nguyễn Bính và Xuân Diệu được thể hiện như thế nào qua ngôn ngữ, giọng điệu của đoạn thơ trên?

A. Xuân Diệu là hồn thơ dào dạt tình yêu với những xúc cảm bồng bột, mãnh liệt còn Nguyễn Bính là hồn thơ mộc mạc, chân quê với sự bộc lộ xúc cảm rụt rè, kín đáo.

B. Hồn thơ Xuân Diệu khát khao giao cảm mãnh liệt với cuộc đời trần thế bằng tất cả các giác quan còn hồn thơ Nguyễn Bính man mác nỗi niềm hoài cổ, luyến tiếc những giá trị chân quê.

C. Xuân Diệu là hồn thơ đắm đuối trong tình yêu đôi lứa còn Nguyễn Bính là hồn thơ chan chứa tình yêu quê hương, đất nước, con người mộc mạc và đằm thắm.

D. Hồn thơ Xuân Diệu khắc khoải trong nỗi cô đơn của một tình yêu đầy say mê nhưng tuyệt vọng còn hồn thơ Nguyễn Bính dịu dàng, đằm thắm trong mối chân tình nên nghĩa trầu cau.

Câu 89. Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại, réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu, rừng tre nứa nổ lửa,đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng. Tới cái thác rồi. Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt đã trắng xóa cả chân trời đá. Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền. Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này.”

(Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục) Phương án nào sau đây chỉ ra chính xác nội dung của đoạn trích trên?

A. Khắc họa vẻ đẹp hoang sơ, tĩnh lặng của bờ bãi sông Đà.

B. Miêu tả sự dữ dội, hoang sơ, nguyên thủy của thác nước và trận địa đá ở sông Đà.

C. Miêu tả vẻ đẹp nguyên thủy và sức sống mãnh liệt của thiên nhiên sông Đà.

D. Khắc họa vẻ đẹp lãng mạn, bay bổng, trữ tình của thác, đá sông Đà.

 

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi từ 90 đến 92:

“Trong  rừng  ít  có  loại  cây  sinh  sôi  nảy  nở  khỏe  như   vậy.  Cạnh  một  cây  xà  nu  mới  ngã  gục,    đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Cũng có ít loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng. Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người lại bị đại bác chặt đứt làm đôi. Ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không lành được, cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết. Nhưng cũng có những cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum sê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã... Cứ thế, hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng…”

(Trích Rừng xà nu, Nguyễn Trung Thành, Ngữ văn 12, Tập Hai, NXB Giáo Dục)

Câu 90. Đoạn trích trên sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt nào?

A. Biểu cảm, miêu tả và nghị luận

B. Tự sự, miêu tả và biểu cảm

C. Biểu cảm, thuyết minh và miêu tả

D. Tự sự, nghị luận và miêu tả

Câu 91. Phương án nào sau đây nhận xét chính xác về bút pháp miêu tả hình ảnh rừng xà nu trong đoạn văn trên?

A. Miêu tả cây xà nu, nhà văn đã dùng lối nhân hoá; hình tượng xà nu và dân làng Xô Man luôn khăng khít, soi chiếu vào nhau, tạo nên sự hòa nhập, tương ứng giữa con người và thiên nhiên thấm đẫm cảm xúc trữ tình.

B. Miêu tả cây xà nu, nhà văn đã dùng lối so sánh, nhân hóa; hình tượng xà nu và dân làng Xô Man luôn khăng khít, soi chiếu vào nhau, tạo nên sự hòa nhập, tương ứng giữa con người và thiên nhiên trong một không khí hào hùng tráng lệ.

C. Miêu tả cây xà nu, nhà văn đã dùng lối so sánh, điệp ngữ; ẩn dụ hình tượng xà nu và dân làng Xô Man luôn khăng khít, soi chiếu vào nhau, tạo nên sự hòa nhập, tương ứng giữa con người và thiên nhiên trong một chất thơ hào hùng tráng lệ.

D. Miêu tả cây xà nu, nhà văn đã dùng lối so sánh, nhân hoá; điệp ngữ, hình tượng ẩn dụ mang tính biểu tượng, xà nu và dân làng Xô Man luôn khăng khít, soi chiếu vào nhau, tạo nên sự hoà nhập, tương ứng giữa con người và thiên nhiên trong một chất thơ hào hùng tráng lệ.

Câu 92. Phương án nào sau đây chỉ ra chính xác ý nghĩa tượng trưng của câu văn “Cạnh một cây xà nu mới ngã gục có tới bốn năm cây con đã mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên trời”?

A. Khẳng  định  lòng  yêu  tự   do,  tinh  thần  kiên  cường,  bất   khuất   của  người   dân  Tây   Nguyên,   họ sẵn sàng hi sinh cho đất nước với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trong kháng chiến chống Pháp.

B. Khẳng định tinh thần kiên cường, bất khuất của người dân Tây Nguyên, nối tiếp nhau làm Cách mạng, sẵn sàng hi sinh cho đất nước với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trong những năm chống Pháp.

C. Khẳng định lòng căm thù giặc sâu sắc, tinh thần kiên cường, bất khuất của người dân Tây Nguyên, họ sẵn sàng hi sinh cho đất nước với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trong kháng chiến chống Pháp.

D. Khẳng định tinh thần kiên cường, bất khuất của người dân Tây Nguyên, nối tiếp nhau làm Cách mạng, sẵn sàng hi sinh cho đất nước với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trong kháng chiến chống Mỹ.

Đọc đoạn thơ sau và trả lời từ câu 93 đến câu 95:

“Bao giờ cho tới mùa thu

Trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm

Bao giờ cho tới tháng năm

Mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao.

Ngân Hà chảy ngược lên cao

Quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng Bờm...

Bờ ao đom đóm chập chờn

Trong leo lẻo những vui buồn xa xôi.

Mẹ ru cái lẽ ở đời

Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn

Bà ru mẹ... Mẹ ru con

Liệu mai sau các con còn nhớ chăng.”

(Trích Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Nguyễn Duy, Mẹ và em, NXB Thanh Hóa, 1987)

Câu 93. Dòng nào thể hiện chính xác và đầy đủ nhất nội dung chính của đoạn thơ?

A. Niềm nhớ thương dành cho người mẹ đã đi xa.

B. Kỉ niệm về những ngày tháng tuổi thơ êm đềm, ngọt ngào trong vòng tay và lời ru của mẹ.

C. Hoài niệm về những kỉ niệm tuổi thơ êm đềm; ca ngợi ý nghĩa những lời ru của các thế hệ bà và mẹ.

D. Hồi tưởng về tuổi ấu thơ bên mẹ; đồng thời cho thấy công lao cũng như ý nghĩa lời ru của mẹ và nhắn nhủ thế hệ sau phải ghi nhớ công lao ấy.

Câu 94. Phương án nào thể hiện đúng nhất thông điệp của tác giả trong hai dòng thơ sau:

“Mẹ ru cái lẽ ở đời

Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”

A. Ca ngợi công ơn to lớn của mẹ - người không chỉ nuôi dưỡng thể xác chúng ta mà còn ru dưỡng tâm hồn ta bằng lời ca sâu sắc.

B. Lời ru của mẹ chứa đựng những điều hay lẽ phải, những kinh nghiệm về cách ứng xử, cách sống đẹp ở đời, có giá trị giáo dục to lớn đối với đứa con.

C. Sữa mẹ nuôi dưỡng thể xác, lời ru của mẹ nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta.

D. Ơn nghĩa to lớn của mẹ đối với cuộc đời mỗi con người.

Câu 95. Hai câu thơ sau của tác giả Nguyễn Duy gợi suy ngẫm gì về lời ru và tình mẹ?

“Bà ru mẹ... Mẹ ru con

Liệu mai sau các con còn nhớ chăng.”

A. Sự tiếp nối của lời ru qua nhiều thế hệ chính là biểu hiện của dòng yêu thương không bao giờ vơi cạn của tình mẹ con trên trái đất này.

B. Sự chảy trôi của thời gian hiện diện trong chính sự đổi thay trong lời ru của người mẹ qua bao nhiêu thế hệ.

C. Lời ru và tình yêu thương của mẹ đã tạo nên một nguồn sức sống bất diệt nuôi dưỡng tâm hồn người Việt qua bao nhiêu thế hệ.

D. Dù trải qua bao nhiêu thế hệ, lời ru vẫn là biểu hiện đẹp đẽ nhất của tình mẫu tử thiêng liêng, cao cả.

 

Đọc đoạn trích và trả lời từ câu 96 đến câu 97:

“Ông ta khóc quá, muốn lặng đi thì may có Xuân đỡ khỏi ngã. Nó chật vật mãi cũng không làm cho ông đứng hẳn lên được. Dưới cái khăn trắng to tướng, cái áo thụng trắng loè xòe, ông phán cứ oặt người đi, khóc mãi không thôi.

- Hứt!... Hứt!... Hứt!...

Xuân Tóc Ðỏ muốn bỏ quách ra chợt thấy ông Phán dúi vào tay nó một cái giấy bạc năm đồng gấp tư... Nó nắm tay cho khỏi có người nom thấy, rồi đi tìm cụ Tăng Phú lạc trong đám ba trăm người đương buồn rầu và đau đớn về những điều sơ suất của khổ chủ.”

(Trích Hạnh phúc của một tang gia, Vũ Trọng Phụng, Ngữ văn 11, tập một, NXB Giáo dục)

Câu 96. Tiếng cười châm biếm trong đoạn trích trên được tạo ra từ những yếu tố nghệ thuật nào sau đây?

A. Sử dụng nghệ thuật phóng đại, thổi phồng sự kệch cỡm, lố bịch của đám tang, lật tẩy bộ mặt thật của đám con cháu bất hiếu

B. Kết hợp nghệ thuật đối lập, thủ pháp giễu nhại, phóng đại, sáng tạo chi tiết đặc sắc để lật tẩy bản chất của xã hội đương thời.

C. Bút pháp tả thực phản ánh chân thực và sâu sắc thực trạng xã hội đô thị trưởng giả đương thời

D. Sử dụng nghệ thuật đối lập, tương phản nhấn mạnh khoảng cách giàu nghèo trong xã hội

Câu 97. Đoạn trích trên đã lật tẩy bản chất của nhân vật Phán mọc sừng nói riêng và cả xã hội nói chung. Điều đó là gì?

A. Đạo đức giả, văn minh rởm, phi nhân tính.

B. Trưởng giả, tham lam, háo danh, hám lợi.

C.   Vô cảm, tàn nhẫn, bóc lột nhân dân đến xương tủy.

D.   Lạnh lùng, vô cảm, lươn lẹo, trơ tráo.

 

Đọc đoạn trích sau và trả lời từ câu 98 đến câu 99:

“Thế mà hắn đã làm gì để cho Từ khỏi khổ? Nước mắt hắn bật ra như một quả chanh mà người ta bóp mạnh. Và hắn khóc… Ôi chao! Hắn khóc. Hắn khóc nức nở, khóc như thể không ra tiếng khóc. Hắn ôm chặt lấy cái bàn tay bé nhỏ của Từ vào ngực mà khóc. Từ thức dậy, Từ hiểu ngay, không cần hỏi một câu nào cũng hiểu. Và Từ cảm động, mắt Từ giàn giụa nước. Từ khẽ rút tay ra, vòng lên cổ chồng, nhẹ nhàng níu hắn vào, để hắn gục đầu bên cạnh ngực Từ. Hắn lại càng khóc to hơn và cố nói qua tiếng khóc.

Anh… anh… chỉ là… một thằng… khốn nạn!

Không!... anh chỉ là một người khổ sở!... Chính vì em mà anh khổ.”

(Trích Đời thừa, Nam Cao, Tuyển tập Nam Cao, tập 2, NXB Văn học, 2002, tr.20)

Câu 98. Từ “khổ sở” được sử dụng trong lời của nhân vật Từ có ý nghĩa như thế nào đối với sự “khốn nạn” trong lời tự thú nhận của nhân vật Hộ?

A. Sự khổ sở là lời ngụy biện cho sự khốn nạn của Hộ.

B. Sự khổ sở là lời giải thích đầy bao dung cho sự khốn nạn của Hộ.

C. Sự khổ sở là lời phán xét nghiêm khắc đối với sự khốn nạn của Hộ.

D. Sự khổ sở là lời an ủi, vỗ về cho nỗi dằn vặt về sự khốn nạn của Hộ.

Câu 99. Việc sử dụng hai từ “khốn nạn” và “khổ sở” trong đoạn văn trên đã thể hiện triết lý nào trong sáng tác Nam Cao?

A. Triết lý tình thương: cái nhìn đầy bao dung, thương cảm dành cho sự tự ý thức của những con người vì quá khổ sở mà trở nên tầm thường, xấu xa, đánh mất bản chất tốt đẹp vốn có.

B. Triết lý về sự lựa chọn: tính cách của con người chịu sự tác động sâu sắc từ hoàn cảnh nhưng con người có quyền lựa chọn cam chịu sự “khổ sở” hay sẵn sàng “khốn nạn” để trở nên mạnh mẽ.

C. Triết lý về sự tồn tại: cuộc sống của con người luôn là cuộc đấu tranh để vượt lên trên hoàn cảnh “khổ sở” và chiến thắng chính sự tầm thường, “khốn nạn” có trong bản chất của mỗi người.

D. Triết lý về căn nguyên của sự tha hóa, trân trọng, bênh vực cho những con người bị hoàn cảnh dồn đẩy đến bước đường cùng, phải từ bỏ những giá trị tốt đẹp của bản thân để tồn tại.

Câu 100. Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

(Trích Tây Tiến – Quang Dũng, Ngữ văn lớp 12, tập một, NXB Giáo dục)

Phương án nào chỉ ra chính xác ý nghĩa tu từ của cách diễn đạt “anh về đất” trong đoạn thơ trên?

A. Biện pháp tu từ ẩn dụ có tác dụng nhấn mạnh vẻ đẹp hào hùng của người lính Tây Tiến.

B. Biện pháp tu từ phóng đại nhấn mạnh khí phách, bản lĩnh ngang tàng của những chàng trai Tây Tiến.

C. Biện pháp nói giảm, nói tránh làm giảm đi sắc thái đau thương đồng thời bất tử hóa sự hi sinh của người lính Tây Tiến.

D. Cách diễn đạt ước lệ tượng trưng tạo không khí cổ kính, trang nghiêm cho cái chết đồng thời nhấn mạnh sự hóa thân vĩnh viễn của người lính nơi sông núi quê hương.

-------------HẾT-------------

DÀNH CHO 2K7 – LỘ TRÌNH ÔN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC 2025!

Bạn đang không biết bài thi ĐGNL theo chương trình GDPT mới sẽ như thế nào?

Bạn cần lộ trình ôn thi bài bản từ những người am hiểu về kì thi và đề thi?

Bạn cần thầy cô đồng hành suốt quá trình ôn luyện?

Vậy thì hãy xem ngay lộ trình ôn thi bài bản tại ON.TUYENSINH247.COM:

  • Học live, luyện đề cùng giáo viên và Thủ khoa ĐGNL
  • Tổng ôn toàn diện, trang bị phương pháp làm bài hiệu quả
  • Bộ 20+ đề thi thử chuẩn cấu trúc theo chương trình GDPT mới

Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

Viết bình luận: Đề thi thử đánh giá năng lực Hà Nội - phần Tư duy định tính (số 9)

  •  
Đăng ký tư vấn khóa ĐGNL!