Đề thi thử đánh giá năng lực Hà Nội số 8 - Phần tư duy định tính

Đề ôn luyện thi đánh giá năng lực ĐHQGHN Hà Nội số 8 phần Tư duy định tính mới nhất, các em cùng tham khảo và thử sức.

NỘI DUNG BÀI THI

BIÊN SOẠN: BAN CHUYÊN MÔN TUYENSINH247.COM


Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi từ 51 đến 55:

[1] Sau hai mươi năm đổi mới, chúng ta đã giành được những thành tựu hết sức quan trọng về kinh tế và xã hội. Đã qua rồi thời kì đói kém, phải chạy gạo, phải nhập những hàng hoá thiết yếu nhất cho cuộc sống hằng ngày. Đến nay, chúng ta đã xuất khẩu được gạo và nhiều hàng hoá ra thế giới,... Kinh tế nước ta tăng trưởng với nhịp độ khá. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn là nước rất nghèo, tụt hậu so với nhiều nước xung quanh (Việt Nam thu nhập 600 USD / đầu người / năm. Thái Lan: 2 000 USD / đầu người / năm, Ma-lai-xi-a (Malaysia): 5 000 USD / đầu người / năm, Hàn Quốc năm 1950 mới 100 USD / đầu người / năm đến nay đã lên đến trên 19 000 USD / đầu người / năm,...). Trong khi đó, lại có nhiều tệ nạn xã hội, nhất là tham nhũng và lãng phí.

[2] Nhìn ra thế giới, quá trình toàn cầu hoá đang diễn ra sôi động, mạnh mẽ, nhanh chóng. Các nước cạnh tranh nhau quyết liệt về kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hoá,... Trước tình hình này, Việt Nam không co mình lại, không né tránh mà chấp nhận cuộc đấu tranh, hội nhập quốc tế, tham gia WTO,... Phải nhận thức đây là cuộc đấu tranh khó khăn và phức tạp đối với các dân tộc, nhất là các nước còn nghèo như Việt Nam của chúng ta, là một cuộc đấu tranh quyết liệt, tuy không có tiếng súng.

Dân tộc Việt Nam một lần nữa đứng trước những thử thách to lớn.

Sứ mệnh lịch sử này đến nay ở trong tay thế hệ trẻ các em.

[3] Các em muốn Việt Nam nhỏ hay không nhỏ? Muốn là công dân của một nước tiên tiến, sánh vai cùng với các nước năm châu hay lụn bại trong những tư duy lạc hậu, lỗi thời, trong những toan tính cá nhân vị kỉ? Chắc nhiều em đã từng suy nghĩ trước những nhiệm vụ nặng nề của đất nước?

[4] Theo tôi, bài học xuyên suốt trước hết là phải biết giữ vững và phát huy tinh thần yêu nước. Đó là sức mạnh, là truyền thống của dân tộc ta. Khi tất cả đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết, đoàn kết lại thành một khối, chúng ta có sức mạnh vô địch. Chúng ta cần có một vũ khí có tính quyết định nữa, đó là tri thức. Phải có sức mạnh của trí tuệ, chúng ta mới có thể khắc phục những yếu kém, nhược điểm để có thể cạnh tranh với các nước, tiến về phía trước. Và nếu ta chậm rãi từng bước thì chúng ta sẽ mãi mãi tụt hậu. Cho nên, truyền thống yêu nước của Việt Nam phải đi đôi với tri thức, trí thông minh và sự khôn ngoan của con người Việt Nam.

[5] Ta còn nhiều khó khăn nhưng mọi người đều thấy hiện nay ta có vận hội lớn, có những điều kiện cơ bản để bứt lên. Nhưng vấn đề là mọi người và trước hết là thế hệ trẻ cần có quyết tâm lớn và phải biết hành động, mọi người phải hành động cùng một mục tiêu. Học sinh, sinh viên, thức trẻ phải biết cách học để trở thành những công nhân, chuyên viên giỏi, những kĩ sư, bác sĩ, cán bộ giảng dạy xuất sắc, cung cấp cho Nhà nước những cán bộ lãnh đạo, quản lí liêm khiết có trình độ cao, có tầm nhìn xa. Bản thân học sinh và sinh viên phải tự mình khắc phục những suy nghĩ lệch lạc, những tiêu cực của mình cũng như những tệ nạn xã hội đang diễn ra trên đất nước làm cho mọi người, kể cả thanh niên hết sức bất bình, căm giận. Thái độ đúng đắn của mỗi thanh niên là phải biết đấu tranh để vượt qua những yếu kém, tiêu cực đó bằng những hành động tích cực và bản lĩnh của người chủ xứng đáng của đất nước. Đó là trách nhiệm và sứ mạng của giới trẻ.

(Theo Nguyễn Thị Bình, in trong Nước Việt Nam nhỏ hay không nhỏ?, NXB Thông tấn, Hà Nội)

Câu 51: Mục đích của bài viết trên là gì? 

A. Thuyết phục mọi người dân phải có quyết tâm và hành động vì mục tiêu phát triển đất nước hùng cường.

B. Thuyết phục các bạn trẻ phải có quyết tâm và hành động xứng đáng để xây dựng đất nước hùng mạnh.

C. Khẳng định truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân ta trong lịch sử chống giặc ngoại xâm.

D. Khẳng định những cơ hội và thách thức lớn đối với đất nước ta trong thời kì hội nhập quốc tế.

Câu 52:  Với việc dẫn ra các số liệu (Việt Nam thu nhập 600 USD / đầu người / năm. Thái Lan: 2 000 USD / đầu người / năm, Ma-lai-xi-a: 5 000 USD / đầu người / năm, Hàn Quốc năm 1950 mới 100 USD / đầu người / năm đến nay đã lên đến trên 19 000 USD/ đầu người / năm,...), tác giả muốn làm rõ điều gì?

A. Việt Nam đã xuất khẩu được gạo và nhiều hàng hoá ra các nước trên thế giới.

B. Việt Nam là quốc gia phát triển, có tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối tốt.

C. Việt Nam vẫn còn là nước rất nghèo, tụt hậu so với nhiều nước xung quanh.

D. Việt Nam có mức thu nhập tính trên đầu người thuộc nhóm thấp ở Đông Nam Á.

Câu 53: Phương án nào thể hiện đúng và đầy đủ nhất những mong muốn của tác giả đối với thế hệ trẻ?

(1) Phải đứng dậy, không né tránh mà chấp nhận cuộc đấu tranh, hội nhập quốc tế, tham gia WTO

(2) Phải biết đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết để đoàn kết lại thành một khối, từ đó tạo ra sức mạnh

(3) Phải giúp mọi người dân tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập để sánh vai với các nước trong khu vực

(4) Phải biết cách học để trở thành những người có chuyên môn giỏi, có năng lực tốt và tầm nhìn xa

(5) Phải biết đấu tranh và vượt qua những yếu kém, tiêu cực đang làm cho mọi người bất bình, căm giận

A. (1) - (2) - (3)

B. (1) - (3) - (5)

C. (2) - (3) - (4)

D. (2) - (4) - (5)

Câu 54: Hàng loạt câu hỏi tu từ được sử dụng trong đoạn [3] có tác dụng gì? 

A. Làm cho văn bản có nhịp điệu, giàu giá trị biểu đạt.

B. Thể hiện niềm tự hào của tác giả về dân tộc Việt Nam.

C. Khích lệ mạnh mẽ tinh thần yêu nước của giới trẻ đối với dân tộc.

D. Tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các câu.

Câu 55: Cho quan điểm dưới đây?:

“Phải có sức mạnh của trí tuệ, chúng ta mới có thể khắc phục những yếu kém, nhược điểm, để có thể cạnh tranh với các nước, tiến về phía trước.”

Đâu là cách hiểu đúng về quan điểm trên của tác giả?

A. Phải biết cách học để trở thành người có chuyên môn giỏi, năng lực tốt, từ đó mới có thể khắc phục được những hạn chế mà đưa đất nước đi lên.

B. Tri thức làm nên sức mạnh của con người và làm cho người đó có ích hơn đối với cộng đồng, xã hội.

C. Một trong những yếu tố cần có của dân tộc là những con người giàu lòng nhân ái, chan hòa tình yêu thương.

D. Chỉ khi rèn luyện đạo đức và tài năng, chúng ta mới có thể đưa đất nước tiến về phía trước, sánh vai với các cường quốc năm châu.

 

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi từ 56 đến 60

VÌ SAO CHIM BỒ CÂU KHÔNG BỊ LẠC ĐƯỜNG?

[1] Chim bồ câu có khả năng nhớ đường trở về tổ cực kì tốt, dù bị đưa tới một nơi rất xa xôi, chúng vẫn có thể tự tìm đường về nhà. Từ thời La Mã cổ đại, con người đã ý thức được khả năng này của loài bồ câu và dùng chúng làm chim đưa thư. Vì sao bồ câu lại sở hữu khả năng tuyệt diệu này?

[2] Khi bị đưa tới một nơi mới, thông thường bồ câu phải bay lượn vài vòng mới nhận biết được vị trí ấy, sau đó, nó sẽ bay về hướng đã xuất phát theo con đường gần như chính xác. Mấu chốt của khả năng tìm được đường về nhà là trong não bộ của bồ câu có một hệ thống chỉ đường tinh vi. Hiện có ba giả thuyết về hệ thống chỉ đường này là định hướng bằng Mặt Trời, bằng từ trường Trái Đất và bằng khứu giác. Cả ba giả thuyết này đều đã được kiểm chứng ở mức độ nhất định.

[3] Ban ngày, bồ câu chủ yếu xác định phương hướng nhờ vị trí của Mặt Trời. Nhưng vào ngày trời râm không có Mặt Trời hoặc buổi tối, chúng chủ yếu định hướng bằng từ trường Trái Đất. Mỏ trên và trong não bồ câu đều tồn tại vật chất mang từ tính, giống như một chiếc la bàn nhỏ, có thể cảm nhận được sự thay đổi của từ trường. Thực nghiệm cũng chứng tỏ khứu giác đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng của loài bồ câu, nhưng không hoàn toàn chứng minh được

bồ câu chỉ dựa vào khứu giác mà có thể tìm được đường về tổ ở một cự li xa.

[4] Các nhà khoa học ở Đại học O-xphớt (Oxford) phát hiện ra rằng thông qua đường bay, bồ câu có thể nhớ được các kiến trúc tiêu biểu để tìm được đường về. Nói tóm lại, bồ câu có thể dựa vào nhiều cách để tìm được đường về nhà. Ngoài ra, chúng còn có thể sử dụng những cách khác, nhưng điều đó cần chờ đợi những phát hiện và kiểm chứng sau này.

(Theo HOÀNG TẦN, TRẦN THUỶ HOA, 10 vạn câu hỏi vì sao, tập Động vật, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016)

Câu 56: Mục đích chính của văn bản trên là gì?

A. Giải thích hiện tượng chim bồ câu có khả năng nhớ đường trở về tổ cực kì tốt

B. Giới thiệu về hiện tượng chim bồ câu có trí thông minh tuyệt vời

C. Thuyết minh cách thức đưa thư bằng việc sử dụng chim bồ câu

D. Giới thiệu về kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học ở Đại học O-xphớt về chim bồ câu

Câu 57: Văn bản trên sử dụng phong cách ngôn ngữ nào?

A. Phong cách ngôn ngữ báo chí.

B. Phong cách ngôn ngữ khoa học.

C. Phong cách ngôn ngữ chính luận.

D. Phong cách ngôn ngữ hành chính - công vụ.

Câu 58: Câu văn nào giải thích khái quát về trí nhớ tuyệt vời của bồ câu?

A. Ban ngày, bồ câu chủ yếu xác định phương hướng nhờ vị trí của Mặt Trời.

B. Mấu chốt của khả năng tìm được đường về nhà là trong não bộ của bồ câu có một hệ thống chỉ đường tinh vi.

C. Nhưng vào ngày trời râm không có Mặt Trời hoặc buổi tối, chúng chủ yếu định hướng bằng từ trường Trái Đất.

D. Các nhà khoa học ở Đại học O-xphớt phát hiện ra rằng thông qua đường bay, bồ câu có thể nhớ được các kiến trúc tiêu biểu để tìm được đường về.

Câu 59: Đoạn [3] được trình bày theo cách nào?

A. Diễn dịch

B. Quy nạp

C. Song hành

D. Tổng phân hợp

Câu 60: Thông tin nào KHÔNG được suy ra từ bài đọc trên?

A. Chim bồ câu từ lâu đã được dùng làm phương tiện liên lạc cho đến tận bây giờ.

B. Não bộ của bồ câu có hệ thống chỉ đường tinh vi.

C. Buổi tối, bồ câu chủ yếu định hướng bằng từ trường Trái Đất. 

D. Bồ câu dựa vào nhiều cách để tìm được đường về nhà.

 

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi từ 61 đến 65:

[1] Người Việt Nam ngày nay có lí do đầy đủ và vững chắc để tự hào với tiếng nói của mình. Và để tin tưởng hơn nữa vào tương lai của nó.

Tiếng Việt có những đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay. Nói thế có nghĩa là nói rằng: tiếng Việt là một thứ tiếng hài hoà về mặt âm hưởng, thanh điệu mà cũng rất tế nhị, uyển chuyển trong cách đặt câu. Nói thế cũng có nghĩa là nói rằng: tiếng Việt có đầy đủ khả năng để diễn đạt tình cảm, tư tưởng của người Việt Nam và để thoả mãn cho yêu cầu của đời sống văn hoá nước nhà qua các thời kỳ lịch sử.

[2] Tiếng Việt, trong cấu tạo của nó, thật sự có những đặc sắc của một thứ tiếng khá đẹp. Nhiều người ngoại quốc sang thăm nước ta và có dịp nghe tiếng nói của quần chúng nhân dân ta, đã có thể nhận xét rằng: tiếng Việt là một thứ tiếng giàu chất nhạc. Họ không hiểu tiếng ta, và đó là một ấn tượng, ấn tượng của người “nghe” và chỉ nghe thôi. Tuy vậy lời bình phẩm của họ có phần chắc không phải chỉ là một lời khen xã giao. Những nhân chứng có đủ thẩm quyền hơn về mặt này cũng không hiếm. Một giáo sĩ nước ngoài (chúng ta biết rằng nhiều nhà truyền đạo Thiên Chúa nước ngoài cũng là những người rất thạo tiếng Việt), đã có thể nói đến tiếng Việt như là một thứ tiếng “đẹp” và “rất rành mạch trong lối nói, rất uyển chuyển trong câu kéo, rất ngon lành trong những câu tục ngữ”. Tiếng Việt chúng ta gồm có một hệ thống nguyên âm và phụ âm khá phong phú. Tiếng ta lại giàu về thanh điệu. Giọng nói của người Việt Nam, ngoài hai thanh bằng (âm bình và dương bình) còn có bốn thanh trắc. Do đó, tiếng Việt có thể kể vào những thứ tiếng giàu hình tượng ngữ âm như những âm giai trong bản nhạc trầm bổng. […] Giá trị của một tiếng nói cố nhiên không phải chỉ là câu chuyện chất nhạc. Là một phương tiện trao đổi tình cảm ý nghĩ giữa người với người, một thứ tiếng hay trước hết phải thoả mãn được nhu cầu ấy của xã hội. Về phương diện này, tiếng Việt có những khả năng dồi dào về phần cấu tạo từ ngữ cũng như về hình thức diễn đạt. Từ vựng tiếng Việt qua các thời kỳ diễn biến của nó tăng lên mỗi ngày một nhiều. Ngữ pháp cũng dần dần trở nên uyển chuyển hơn, chính xác hơn. Dựa vào đặc tính ngữ âm của bản thân mình, tiếng Việt đã không ngừng đặt ra những từ mới, những cách nói mới hoặc Việt hoá những từ và những cách nói của các dân tộc anh em và các dân tộc láng giềng, để biểu hiện những khái niệm mới, để thoả mãn yêu cầu của đời sống văn hoá ngày một phức tạp về mọi mặt kinh tế, chính trị, khoa học, kĩ thuật, văn nghệ…

[3] Chúng ta có thể khẳng định rằng: cấu tạo của tiếng Việt, với khả năng thích ứng với hoàn cảnh lịch sử như chúng ta vừa nói trên đây, là một chứng cớ khá rõ về sức sống của nó.

(Đặng Thai Mai, Tiếng Việt, một biểu hiện hùng hồn của sức sống dân tộc, trong Tuyển tập Đặng Thai Mai, tập II, NXB Văn học, Hà Nội, 1984)

Câu 61: Nội dung chính của bài đọc này là gì?

A. Trình bày sự đánh giá của người nước ngoài về tiếng Việt

B. Khẳng định tầm quan trọng của tiếng Việt

C. Trình bày sự giàu đẹp của tiếng Việt

D. Nêu lên ý nghĩa của việc học tiếng Việt

Câu 62: Câu nào dưới đây là bằng chứng làm rõ cho ý kiến: Tiếng Việt rất đẹp về tính nhạc?

A. Họ không hiểu tiếng ta, và đó là một ấn tượng, ấn tượng của người “nghe” và chỉ nghe thôi.

B. Từ vựng tiếng Việt qua các thời kì diễn biến của nó tăng lên mỗi ngày một nhiều.

C. Về phương diện này, tiếng Việt có những khả năng dồi dào về phần cấu tạo từ ngữ cũng như về hình thức diễn đạt.

D. Do đó, tiếng Việt có thể kể vào những thứ tiếng giàu hình tượng ngữ âm như những âm giai trong bản nhạc trầm bổng.

Câu 63: Phép liên kết chủ yếu nào được sử dụng để liên kết văn bản ở đoạn [2]?

A. Phép đồng nghĩa, trái nghĩa

B. Phép lặp từ vựng

C. Phép thế

D. Phép nối

Câu 64:Bốn thanh trắc” trong tiếng Việt được tác giả nhắc đến trong văn bản trên là những thanh nào dưới đây?

A. Thanh ngang, huyền, ngã, nặng.

B. Thanh sắc, hỏi, ngã, nặng.

C. Thanh sắc, hỏi, ngã, ngang.

D. Thanh huyền, hỏi, ngã, nặng.

Câu 65: Thái độ của tác giả trong bài đọc trên là gì?

A. Trung lập

B. Phê phán

C. Bác bỏ

D. Khách quan

 

Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi từ 66 đến 70:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,

Con thuyền xuôi mái nước song song.

Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;

Củi một cành khô lạc mấy dòng.

 

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.

Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

 

Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;

Mênh mông không một chuyến đò ngang.

Không cầu gợi chút niềm thân mật.

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.

 

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,

Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.

Lòng quê dợn dợn vời con nước,

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

(Huy Cận, Lửa thiêng, NXB Đời nay, Hà Nội, 1940)

Câu 66: Phương án nào thể hiện đúng và đầy đủ nhất ý nghĩa nhan đề “Tràng giang”?

A. Tên riêng của dòng sông

B. Dòng sông dài

C. Dòng sông rộng

D. Dòng sông dài và rộng

Câu 67: Phương án nào sau đây diễn tả đúng ý nghĩa của các cụm từ “không một chuyến đò ngang”, “không cầu” ở khổ thơ thứ ba?

A. Diễn tả mối giao cảm của nhân vật trữ tình với thế giới bên ngoài

B. Diễn tả một thế giới bị phân cách, chia lìa

C. Diễn tả vẻ đẹp của dòng sông với những chuyến đò và cây cầu

D. Diễn tả sự mở rộng liên tục, không cùng của bầu trời và dòng sông

Câu 68: Câu thơ Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả có mối liên hệ với câu thơ nào dưới đây?

A. Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi (Vội vàng - Xuân Diệu)

B. Gió theo lối gió, mây đường mây (Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử)

C. Xao xác gà trưa gáy não nùng (Nắng mới - Lưu Trọng Lư)

D. Sao mà cách biệt, quá xa xôi (Nhớ đồng - Tố Hữu)

 

DÀNH CHO 2K7 – LỘ TRÌNH ÔN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC 2025!

Bạn đang không biết bài thi ĐGNL theo chương trình GDPT mới sẽ như thế nào?

Bạn cần lộ trình ôn thi bài bản từ những người am hiểu về kì thi và đề thi?

Bạn cần thầy cô đồng hành suốt quá trình ôn luyện?

Vậy thì hãy xem ngay lộ trình ôn thi bài bản tại ON.TUYENSINH247:

  • Học live, luyện đề cùng giáo viên và Thủ khoa ĐGNL
  • Tổng ôn toàn diện, trang bị phương pháp làm bài hiệu quả
  • Bộ 20+ đề thi thử chuẩn cấu trúc theo chương trình GDPT mới

Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

>> Luyện thi TN THPT & ĐH năm 2024 trên trang trực tuyến Tuyensinh247.com. Học mọi lúc, mọi nơi với Thầy Cô giáo giỏi, đầy đủ các khoá: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng; Tổng ôn chọn lọc.

Viết bình luận: Đề thi thử đánh giá năng lực Hà Nội số 8 - Phần tư duy định tính

  •  
Đăng ký tư vấn khóa ĐGNL!