12/05/2023 14:36 pm
>>> TẢI ĐỀ THI THỬ ĐGTD PHẦN ĐỌC HIỂU TẠI ĐÂY ĐỀ THI THỬ ĐÁNH GIÁ TƯ DUY BÁCH KHOA PHẦN TƯ DUY ĐỌC HIỂU Mã đề: TL085, Thời gian làm bài: 30 phút Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ 1 đến 7: CÁC “ỐNG TIÊM” VI KHUẨN CHỞ CÁC PROTEIN VÀO TẾ BÀO NGƯỜI [0] Các nhà nghiên cứu đã khai thác một “ống tiêm” phân tử mà một số virus và vi khuẩn sử dụng để lây nhiễm cho vật chủ và đặt nó vào các protein có tiềm năng chữa bệnh vào các tế bào người được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. [1] “Đó là một việc đáng kinh ngạc”, Feng Jiang, một nhà vi sinh vật tại Viện nghiên cứu Sinh học các mầm bệnh của Viện Hàn lâm Khoa học y học ở Bắc Kinh, nhận xét. “Đó là một đột phá thực sự”. [2] Kỹ thuật này, xuất bản trên Nature vào ngày 29/3/2023, có thể đề xuất một cách mới để tạo ra các loại thuốc chứa protein, tuy nhiên vẫn cần kiểm tra kỹ trước khi sử dụng trên người. Khi được tối ưu, cách tiếp cận này có thể được sử dụng để phân phối các thành phần cần thiết cho công cụ chỉnh sửa hệ gene CRISPR–Cas9. Khó phân phối [3] Các ứng dụng y học của CRISPR hiện đang bị giới hạn bởi thách thức khi đưa thêm các chất phản ứng vào – enzyme Cas9 cắt DNA và một đoạn ngắn RNA dẫn đường cho Cas9 đến một vùng cụ thể trong hệ gene – vào các tế bào. “Một trong những nút thắt chính của chỉnh sửa gene là phân phối”, đồng tác giả Feng Zhang, một nhà sinh học phân tử tại Viện MIT và Harvard ở Cambridge, Massachusetts, và một người sớm nghiên cứu về kỹ thuật CRISPR–Cas9 ở thuở bình minh của nó. Phần lớn các ca thử nghiệm lâm sàng để chỉnh sửa các hệ gene trong các tế bào gan, mắt, máu, bởi vì các phương pháp vận chuyện hiện tại phù hợp với những tế bào đó, ông nói. “Chúng tôi hiện không thể áp dụng kỹ thuật này với bệnh não hay bệnh về thận bởi vì chúng tôi không có các hệ thống vận chuyển đủ tốt”. [4] Trong khi Zhang và đồng nghiệp đã tìm kiếm nhiều cách chuyển các protein vào tế bào người, các nhà vi trùng học đang nghiên cứu về một nhóm vi khuẩn thông thường vẫn sử dụng các gai phân tử để đâm xuyên thành một lỗ trên màng của tế bào vật chủ. Vi khuẩn này sau đó vận chuyển các protein xuyên qua lỗ vào tế bào, khai thác các chức năng sinh lý của vật chủ theo ý của mình. [5] Năm ngoái, Jiang và cộng sự đã báo cáo là họ có thể thao tác hệ thống giống ống tiêm đó trong vi khuẩn phát quang sinh học Photorhabdus asymbiotica, tải các protein mà chúng chọn từ các loài động vật có vú, thực vật và nấm vào trong ống tiêm này. Thông thường, vi khuẩn này sống bên trong giun tròn và sử dụng ống tiêm của mình để vận chuyển độc chất vào trong các tế bào của côn trùng bị nhiễm giun tròn. Độc chất này đủ sức giết côn trùng và giun tròn ăn xác chúng. “Loài vi khuẩn này có thể được xem như một khẩu súng được thuê để giết côn trùng”, đồng tác giả Joseph Kreitz, một nhà sinh học phân tử tại Viện Công nghệ Massachusetts ở Cambridge, nói. [6] Trong phòng thí nghiệm của Zhang, Kreitz và cộng sự nghiên cứu cách điều chỉnh ống tiêm phân tử P. asymbiotica để ghi nhận được các tế bào người. Họ tập trung vào một vùng của “ống tiêm” được gọi là sợi đuôi, vốn gắn kết một cách thông thường với một protein tìm thấy trên các tế bào côn trùng. Sử dụng chương trình AI AlphaFold, vốn có thể dự đoán các cấu trúc protein, nhóm nghiên cứu thiết lập các cách biến đổi sợi đuôi để nó có thể ghi nhận tế bào người. “Một khi chúng tôi có được hình ảnh, sẽ dễ dàng biến đổi nó theo cách phù hợp với nhu cầu sử dụng của chúng tôi”, Kreitz nói. “Đó là khoảnh khắc tất cả cùng ập đến một lúc”. [7] Sau đó họ tải “ống tiêm” này nhiều loại protein, bao gồm cả Cas9 và các độc chất có thể giết chết được tế bào ung thư, và chuyển chúng vào tế bào người được nuôi trong phòng thí nghiệm và vào trong não chuột. Hệ thống linh hoạt [8] Hệ thống này không thể vận chuyển hướng dẫn mRNA cần thiết cho chỉnh sửa hệ gene CRISPR–Cas9 nhưng nhóm nghiên cứu đang phát triển các cách làm điều đó, Kreitz nói. Sự thật là hệ thống có thể chuyên chở được Cas9 vào các tế bào rất linh hoạt, ông cho biết thêm, vì protein Cas9 lớn hơn “ống tiêm”. [9] Câu chuyện về “ống tiêm” gợi lại cách các nhà nghiên cứu như Zhang phát triển CRISPR–Cas9 – một hệ thống nhiều vi sinh vật dựa vào tự nhiên để phòng vệ lại các viruse và các mầm bệnh khác – để sử dụng như một kỹ thuật chỉnh sửa gene, theo Asaf Levy, một nhà vi sinh vật tính toán tại ĐH Hebrew Jerusalem. Tương tự với những ngày đầu nghiên cứu CRISPR–Cas9, các ống tiêm vi khuẩn đã được nghiên cứu trong nhiều phòng thí nghiệm nhưng những vai trò của chúng trong hệ sinh thái vi khuẩn mới chỉ bắt đầu được hiểu. [10] Nhưng rõ ràng là chúng có khả năng vận chuyển thuốc, Levy nói. “Sự tiến hóa của điều này hoàn toàn đáng kinh ngạc. Sự thật là việc có thể thiết kế được cả lưu lượng tải và độ đặc hiệu là điều vô cùng lý thú”. (Thanh Phương tổng hợp, https://tiasang.com.vn/doi-moi-sang-tao/cac-ong-tiem-vi-khuan-cho-cac-protein-vao-te-bao-nguoi/) Câu 1: Ý chính của bài viết là gì? A. Khám phá ra cách đưa protein thông qua “ống tiêm” vào tế ở một số vi khuẩn và virut, và những ứng dụng trên lâm sàng. B. Phát hiện ra các “ống tiêm” chuyên trở protein vào tế bào người ở vi khuẩn từ đó mở ra hướng cải thiện những hạn chế trong việc phân phối các thành phần cần thiết cho công cụ chỉnh sửa hệ gene CRISPR–Cas9. C. Các ứng dụng y học của CRISPR thông qua “ống tiêm” chuyên trở protein vào tế bào người. D. Các ứng dụng trên lâm sàng của công cụ chỉnh sửa hệ gene CRISPR–Cas9 và phương thức đưa protein qua “ống tiêm” vào tế bào người của vi sinh vật Câu 2: Hoàn thành câu hỏi bằng cách chọn đáp án Đúng hoặc Sai. Theo đoạn [3] hiện không thể áp dụng kỹ thuật CRISPR–Cas9 với bệnh não hay bệnh về thận bởi gặp trở ngại về các hệ thống vận chuyển đủ tốt đúng hay sai? A. Đúng B. Sai Câu 3: Từ thông tin của đoạn [6] và [7], hãy hoàn thành câu sau bằng cách kéo thả các từ vào đúng vị trí
Trong phòng thí nghiệm của Zhang, Kreitz và cộng sự nghiên cứu sự điều chỉnh ống tiêm phân tử P. asymbiotica để ghi nhận được các tế bào người bằng cách: Tập trung vào một vùng của ...................... được gọi là sợi đuôi. Sử dụng chương trình AI AlphaFold, để thiết lập các cách ....................... sợi đuôi từ đó nó có thể ghi nhận tế bào người. Tải “ống tiêm” này nhiều loại protein và chuyển chúng vào .......................... được nuôi trong phòng thí nghiệm và vào trong não chuột. Câu 4: Hoàn thành câu hỏi bằng cách chọn đáp án Đúng hoặc Sai. Theo đoạn [8] vì protein Cas9 lớn hơn “ống tiêm” nên hệ thống chuyên chở Cas9 vào các tế bào rất rất khó khăn đúng hay sai? A. Đúng B. Sai Câu 5: Hãy hoàn thành các câu sau bằng cách kéo thả các từ vào đúng vị trí:
Các “ống tiêm” gợi lại cách các nhà nghiên cứu như Zhang phát triển CRISPR–Cas9 – một hệ thống nhiều ......................... dựa vào tự nhiên để ........................ lại các viruse và các mầm bệnh khác. Tuy các “ống tiêm” vi khuẩn được nghiên cứu trong nhiều phòng thí nghiệm nhưng những vai trò của chúng trong ........................... vi khuẩn mới chỉ bắt đầu được hiểu. Câu 6: Hãy tìm một cụm từ không quá ba tiếng trong văn bản để hoàn thành nhận định sau: Levy nhận định rằng những “ống tiêm” vi khuẩn có khả năng ______ và việc có thể thiết kế được cả lưu lượng tải và độ đặc hiệu là điều vô cùng thú vị. Câu 7: Theo đoạn [4] vi khuẩn có thể vận chuyển protein vào tế bào vật chủ bằng cách: A. Sử dụng các gai phân tử để đâm xuyên thành một lỗ trên màng của tế bào vật chủ. B. Sử dụng các gai phân tử để đâm xuyên thành một lỗ trên màng của tế bào vật chủ và đưa protein vào tế bào qua lỗ này. C. Sử dụng “ống tiêm” bơi trực tiếp protein qua màng vào tế bào. D. Vận chuyển bằng cách thẩm thấu qua hệ thống CRISPR–Cas9.
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ 8 đến 14 VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ [0] Tư tưởng Hồ Chí Minh về thu hút ngoại lực để phát huy nội lực trên lĩnh vực kinh tế là cơ sở lý luận để Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với thế giới. [1] Chiến sĩ cộng sản lỗi lạc Hồ Chí Minh là một trong số không nhiều nhà lãnh tụ cách mạng đã đi, quan sát, tìm hiểu, học hỏi ở nhiều nước trên nhiều châu lục. Hơn nữa Người còn là một trong những học trò xuất sắc trong việc vận dụng và sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin. Vì thế, tư tưởng của người trên nhiều lĩnh vực mang tầm nhân loại và có tính chất dự báo xu hướng thời đại. Một trong những tư tưởng cấp tiến vượt thời đại đó của Người là chính sách kinh tế mở cửa, hội nhập nhằm thu hút ngoại lực để phát huy nội lực mà Đảng ta đã vận dụng thành công trong công cuộc đổi mới, mở cửa hội nhập với quan điểm "xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế", “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” một cách sâu rộng. Thời kỳ ra đi tìm đường cứu nước [2] Ngay từ năm 1919, khi tố cáo thực dân Pháp cấu kết, nhân nhượng bọn phát xít Nhật, để cho chúng cùng vào khai thác Đông Dương, Hồ Chí Minh đã có những nhận xét có ý nghĩa đặt nền móng cho việc mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại sau này: “Xét về nguyên tắc, tiến bộ chung phụ thuộc vào việc phát triển chủ nghĩa quốc tế và văn minh chỉ có lợi khi các quan hệ quốc tế được mở rộng và tăng cường”. Bên cạnh đó người còn nhận định “là phi lý nếu nghĩ rằng hai dân tộc láng giềng như dân tộc An Nam và dân tộc Nhật Bản lại có thể cứ tồn tại biệt lập đối với nhau”. [3] Như vậy, khi mà thực dân, phát-xít đang đô hộ nước nhà, vượt lên nỗi đau riêng, hướng tới tinh thần quốc tế trong sáng, Người đã khuyến khích các dân tộc phải mở cửa giao lưu, quan hệ bình đẳng, cùng có lợi, kịch liệt phê phán tư tưởng bóc lột, biệt lập giữa dân tộc này với dân tộc khác. [4] Cùng với tinh thần ấy trong một lần trả lời phỏng vấn của nhà báo Mỹ Oantơ Brit, Hồ Chí Minh khẳng định: “Một khi đã độc lập, Việt Nam sẽ đứng với tất cả các nước bầu bạn” hoặc khi trả lời phỏng vấn của nhà báo Mỹ Standley Harrison, Người nói về ngoại thương: “Việt Nam sẽ giao dịch với tất cả các nước nào trên thế giới muốn giao dịch với Việt Nam một cách thật thà”. Thời kỳ sau khi giành được chính quyền [5] Ngay sau khi Việt Nam giành được độc lập Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ ngay đến mở rộng quan hệ quốc tế, ngỏ ý muốn cử thanh niên sang Mỹ học tập khoa học - kỹ thuật để về phát triển kinh tế nước nhà. Trong bức thư gửi Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ ngày 1/11/1945, Người đã nêu nguyện vọng gửi 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ để mở rộng quan hệ hữu nghị và xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác, với lý do những thành tựu kỹ thuật hiện đại của họ có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với giới trí thức Việt Nam. Trong bối cảnh chiến tranh thế giới thứ hai vừa kết thúc và trong bối cảnh bộn bề của một đất nước mới giành được độc lập, ý tưởng trên của Người thể hiện tư duy của một lãnh tụ thiên tài, có tầm nhìn xa trông rộng. [6] Trong Thư gửi Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ ngày 16/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tư cách người đứng đầu nhà nước, đã thể hiện thiện chí của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới”. [7] Tư tưởng thực hiện chiến lược chủ động mở cửa, tích cực hội nhập thu hút ngoại lực được Người đề cập tập trung, đầy đủ và rõ ràng nhất trong bức thư gửi Liên hợp quốc tháng 12/1946. Trong bức thư ấy có những nội dung đặc biệt chú ý như “đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực: [8] a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, các nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình. [9] b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế. [10] c) Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của tổ chức Liên hợp quốc”. [11] Với những phương châm chỉ đạo có tính nguyên tắc hết sức đúng đắn: “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”; làm sao cho đất nước có nhiều bạn đồng minh, ít kẻ thù hơn hết, là “thân thiện với tất cả các nước”. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam sớm biết về lợi ích của mở cửa và mở rộng giao lưu quốc tế. Dù trong hoàn cảnh nào Người vẫn kiên trì quan điểm mở rộng quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa, các nước láng giềng và các nước có chế độ chính trị khác nhau. Với tư tưởng này, Hồ Chí Minh đã đặt cơ sở lý luận đặt nền móng cho quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam tham gia vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. [12] Như vậy, chính nhờ những nền tảng tư tưởng trên mà đến thập kỷ 90 của thế kỷ XX, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu tan giã, quan hệ kinh tế thế giới có sự biến đổi căn bản và có nhiều đảo ngược; kiên định với nền tảng tư tưởng đã lựa chọn, Đảng ta đã căn cứ vào các nguyên lý, lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực tiễn cách mạng nước ta và tình hình thế giới hiện thời để định ra những đường lối đúng đắn và sáng tạo trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại, mà cụ thể là hội nhập kinh tế quốc tế, tạo điều kiện mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại với các nước trên thế giới nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa nước ta thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên quá độ để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản. Nguyễn Thị Cường Câu 8: Mục đích chính của bài viết là gì? A. Chỉ ra tầm nhìn vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc mở cửa hợp tác quốc tế. B. Chỉ ra tư tưởng mở rộng quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa, các nước láng giềng, các nước có chế độ chính trị khác nhau của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự vận dụng tư tưởng này trong kinh tế, đối ngoại của Đảng trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa. C. Nêu quá trình mở rộng hợp tác quốc tế của đất nước ta ngay sau khi giành được độc lập. D. Vai trò, ý nghĩa to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh về thu hút ngoại lực để phát huy nội lực; mở cửa, mở rộng giao lưu quốc tế trong công tác đối ngoại và phát triển kinh tế. Câu 9: Hãy kéo từ trong các ô dưới đây thả vào vị trí phù hợp.
Mục đích của đoạn [2] nhằm chứng minh Chủ tích Hồ Chí Minh là người có tư tưởng vượt thời đại về việc .................. quan hệ kinh tế ........................ Câu 10: Hoàn thành câu hỏi bằng cách chọn đáp án Đúng hoặc Sai. Khi mà thực dân, phát-xít đang đô hộ nước nhà, trước nỗi đau của nhân dân Người đã ra sức kêu gọi các dân tộc bài trừ các nước theo chủ nghĩa tư bản đúng hay sai? A. Đúng B. Sai Câu 11: Hãy điền một cụm từ không quá ba tiếng vào chỗ trống để hoàn thành nhận định sau: Hồ Chí Minh khẳng định rằng, khi đã giành _______ về tay nhân dân, Việt Nam sẵn sàng bầu bạn và giao dịch với tất cả các nước nào trên thế giới muốn bầu bạn, giao dịch với Việt Nam một cách thật thà. Câu 12: Phát biểu nào dưới đây KHÔNG đúng với nội dung của đoạn [5]? A. Ngay sau khi thống nhất đất nước Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ngỏ ý muốn cử thanh niên sang Mỹ học tập khoa học - kỹ thuật để về phát triển kinh tế nước nhà. B. Những ý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hợp tác quốc tế đã thể hiện Người là một nhà lãnh đạo thiên tài có tư duy vượt thời đại. C. Trong bức thư gửi Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ ngày 1/11/1945, Người đã nêu nguyện vọng gửi 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ để mở rộng quan hệ hữu nghị. D. Chủ Tịch Hồ Chí Minh gười đã nêu nguyện vọng gửi 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ với lý do những thành tựu kỹ thuật hiện đại của họ có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với giới trí thức Việt Nam. Câu 13: Hoàn thành câu hỏi bằng cách chọn đáp án Đúng hoặc Sai. Trong bức thư gửi Liên hợp quốc tháng 12/1946 có nội dung đáng chú ý là đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực đặc biệt là khoa học – kĩ thuật đúng hay sai? A. Đúng B. Sai Câu 14: Hãy điền một cụm từ không quá bốn tiếng để hoàn thành đoạn sau: Nhờ những nền tảng tư tưởng của Hồ Chí Minh mà đến thập kỷ 90 của thế kỷ XX, Đảng ta đã định ra những đường lối đúng đắn và sáng tạo trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại, tạo điều kiện ________kinh tế đối ngoại với các nước trên thế giới nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa nước ta thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu và tiến lên quá độ để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ 15 đến 19: BỐ CHO CON CÁI GÌ? [1] "Con không đi cái xe đấy đâu, xấu hổ lắm, bạn bè con toàn đi xe ga, mẹ mua xe ga con mới đi….” [2] Câu chuyện của hai mẹ con cự nự nhau sau lưng trong quán cafe trưa nay làm tôi bất giác có một chút buồn, nhưng rồi lại chợt cảm thấy ấm lên một niềm vui khi nghĩ về một câu chuyện tương tự của bố con tôi hơn 10 năm về trước. [3] "Bố cho con cái gì?" - Nhớ một thời trẻ trâu, tôi đã có đủ "dũng cảm" hỏi cha mình câu đó, lần đầu tiên và cũng là duy nhất. Đó là một ngày không lâu sau khi nhận tin đỗ vào đại học. Một cuộc trò chuyện rất nghiêm túc và thẳng thắn giữa hai người đàn ông. [4] Bố tôi trả lời một cách không thể bình thản hơn "Bố mẹ bố cho bố cái gì, bố sẽ cho lại con cái đó: một lý lịch trong sạch để con không bao giờ phải xấu hổ về bố và một sự giáo dục tốt nhất trong khả năng của mình. Con có khả năng học đến đâu bố sẽ hỗ trợ đến đó. Hết" [5] Tôi, hơi sốc, nhưng vẫn nghĩ đó chỉ là câu nói "lên dây cót" cho chàng sinh viên mới. Và rất tiếc là bố tôi chẳng đùa, bố hành động rất thật theo đúng những tuyên bố đấy. Bố tính toán rất kỹ và cho tôi một khoản tiền trợ cấp 300 nghìn/ tháng trong suốt những năm học đại học. Tiền học phí học kỳ đầu tiên được cho, từ học kỳ thứ 2 tôi tự kiếm được nên tự động không xin nữa. Bất kể những năm sau khi tôi kiếm được nhiều tiền hơn gấp nhiều lần thì khoản trợ cấp đấy vẫn được duy trì cho đến khi tốt nghiệp, nhận bằng là cắt tiền. [6] 6 năm tôi đi học ở nước ngoài, bố không phải lo cho tôi một đồng nào. Với tôi, bố luôn là Napoleon còn tôi chỉ là một anh binh nhì. Nhưng ít nhất tôi luôn coi đó như một chiến công nho nhỏ của riêng mình. [7] Bố tôi rất hay, luôn phân định rất rõ ràng: "Đây là nhà của bố nhé, đây là xe của bố nhé. Và con đang... ở nhờ và đi nhờ. Không hài lòng hả, quyền đi bộ... luôn thuộc về con". [8] Nếu nhờ tôi giúp việc gì không nằm trong trách nhiệm của con cái, thay vì thuê người ngoài, bố sẽ thuê tôi làm và trả tiền rất sòng phẳng, không quên thể hiện là một khách hàng khó tính. Không tự ái, không phiền lòng, tôi biết rõ mình chỉ có một con đường nếu muốn có ngôi nhà riêng của mình: tự mua. Cũng có người nghe thấy và thắc mắc cái kiểu nói ấy: "Nhà của bác thì sau này không của nó thì của ai, sao bác lại nói thế...". Và bố tôi chỉnh ngay: "Của tôi chứ, nếu nó không cố gắng, tôi sẽ cho từ thiện". Bố tôi thì chẳng giàu như Bill Gates, nhưng dám làm như Bill Gates thì tôi tin là làm thật. [9] Bữa ăn ít người của nhà tôi luôn có những câu chuyện về các loài vật, những câu chuyện được lặp đi lặp lại, được kể lúc này lúc khác. [10] Bố hay nói chuyện: Con gà con đến tuổi tự kiếm ăn, gà mẹ sẽ đuổi chạy chí chết nếu gà con cố đến gần hoặc đi theo. Hay câu chuyện về loài đại bàng: Đại bàng con sẽ được mẹ nuôi mớm trong tổ đến khi đủ lông đủ cánh, và sau đó nó sẽ cắp con bay lên đỉnh núi thật cao và thả xuống. Con nào chịu đập cánh vào không trung và bay đi thì sống và bắt đầu cuộc đời mới, con nào không tự bay được thì sẽ tự rớt xuống và vực thẳm sẽ chờ ở dưới. Quy luật tự nhiên là vậy, và con người là một phần của tự nhiên, nên cũng không là ngoại lệ. Mùi răn đe trong những câu chuyện thơm nức suốt những năm tháng tuổi thơ tôi. [11] Sự hào phóng không đúng chỗ của bố mẹ khiến con trở thành đứa trẻ yếu ớt, ỷ lại. [12] Những điều tôi kể trên đây với nhiều người, nhiều ông bố bà mẹ có lẽ là những điều ngược đời, tuy nhiên, bước một bước ra bên ngoài thế giới, tôi thấy mình hóa ra không phải ngoại lệ. Phần đông các gia đình phương Tây đều như vậy, trái ngược hoàn toàn với những gì chúng ta thấy ở phương Đông. Sự phân định rất rõ ràng giữa trách nhiệm, tình thương, và sự nuông chiều làm cho con người ta không thể tìm thấy nổi một khoảnh khắc của sự ỷ lại hay trông chờ vô lý ngay từ khi bước vào đời. [13] Bạn không có tiền học đại học? Được thôi, hãy vay đi rồi sau này tự trả. Các bạn nước ngoài của tôi rất nhiều người chọn giải pháp như vậy, mặc dù rất nhiều bạn có bố mẹ trên cả giàu và luôn sẵn sàng tài trợ. [14] Sự hào phóng không đúng chỗ của rất đông các ông bố bà mẹ Việt giống như bà mẹ trong câu chuyện lúc đầu của tôi đang để lại cho đất nước những thế hệ yếu ớt, không có khả năng sống độc lập và tự trọng với chính người thân của mình. [15] Họ nghiễm nhiên cho mình cái quyền được xin xỏ, được vòi vĩnh, được lạm dụng vô hạn tình yêu thương của cha mẹ……và các vị phụ huynh thì vẫn cứ tin tưởng trong sai lầm rằng để cho con kém bạn kém bè ngay cả khi chúng đã trưởng thành là không tròn trách nhiệm cha mẹ. [16] Ở nước mình, cái vòng luẩn quẩn ấy biết khi nào mới thôi? Cố gắng có của cải để mà cho con đã là khó, nhưng cố gắng để có của cải mà vẫn không cho thì còn khó gấp vạn lần. Nghe có vẻ trái với quy luật của tình cảm con người, nhưng đó là một sự ngược chiều cần thiết. Điều đó có lẽ thuộc về bản lĩnh của nghề làm cha mẹ. [17] Rất nhiều lúc tôi đã tự hỏi mình “Vậy sau cùng, bố sẽ cho mình cái gì nhỉ?” Và mười năm sau cuộc nói chuyện sòng phẳng đấy, vào lúc tôi tự mua được căn nhà và chiếc xe hơi đầu tiên của riêng mình mà chẳng phải xin xỏ gì bố, tôi mới thấu hiểu hết tình thương vô bờ bến và gia tài vô giá mà Bố đã để dành cho riêng tôi mấy chục năm nay. [18] Cho lòng tự trọng và tinh thần tự lực đã là cho tất cả rồi. (Hoàng Huy) Câu 15: Hoàn thành câu hỏi bằng cách chọn đáp án Đúng hoặc Sai. Nhân vật tôi sau khi chứng kiến câu chuyện của hai mẹ con trong quán cafe đã cảm thấy buồn bã và xấu hổ khi nghĩ về chuyện của mình trong quá khứ. A. Đúng B. Sai Câu 16: Lí do khiến nhân vật “tôi” bất giác có một chút buồn là gì? A. Vì nghĩ về câu chuyện của chính hơn 10 năm trước. B. Vì chứng kiến câu chuyện của hai mẹ con trong quán cafe. C. Vì trong quá khứ bố nhân vật “tôi” là một người quá khắt khe. D. Vì bố nhân vật “tôi” đã mang căn nhà đi từ thiện. Câu 17: Hoàn thành câu hỏi bằng cách chọn đáp án Đúng hoặc Sai. Đối với nhân vật tôi, bố luôn là người tài giỏi và có uy quyền còn mình chỉ là một người bình thường và không có gì nổi bật. Đúng hay sai? A. Sai B. Đúng Câu 18: Ở đoạn [4], [5] vì sao nhân vật “tôi” lại cảm thấy sốc? (Chọn hai đáp án đúng) A. Vì người bố nói sẽ cho nhân vật “tôi” sự tự lập. B. Vì người bố nói sẽ cho nhân vật “tôi” một lý lịch trong sạch. C. Vì người bố nói sẽ cho nhân vật “tôi” một sự giáo dục tốt nhất trong khả năng của mình. D. Vì người bố nói sẽ trợ cấp đầy đủ tiền học không để nhân vật “tôi” phải đi làm thêm. Câu 19: Dòng nào sau đây nêu KHÔNG đúng thông điệp mà văn bản mang lại cho người đọc? A. Cha mẹ không nên nuông chiều con cái hay hào phóng không cần thiết vì điều đó có thể khiến những đứa trẻ trở nên yếu đuối và ỷ nại. B. Cha mẹ nên cứng rắn trong nuôi dạy con cái để rèn cho con tính tự lực. C. Sự khắt khe của cha mẹ hôm nay sẽ trở thành hành trang vào đời cho con ngày mai. D. Hãy luôn yêu thương cha mẹ vì họ đã hi sinh tất cả cho những đứa con. Câu 20: Hãy điền cụm từ phù hợp (không quá bốn tiếng) vào chỗ trống để có một nhan đề khác cho văn bản này. Dựa vào chi tiết “Và mười năm sau cuộc nói chuyện sòng phẳng đấy, vào lúc tôi tự mua được căn nhà và chiếc xe hơi đầu tiên của riêng mình mà chẳng phải xin xỏ gì bố, tôi mới thấu hiểu hết tình thương vô bờ bến và gia tài vô giá mà Bố đã để dành cho riêng tôi mấy chục năm nay.” “_______vô giá” ------------HẾT--------------- Tuyensinh247.com - Ôn thi đánh giá năng lực DÀNH CHO 2K7 – ÔN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC 2025!Bài thi Đánh giá năng lực 2025 thay đổi toàn bộ từ cấu trúc bài thi, các dạng câu hỏi,.... mà bạn chưa biết phải ôn tập như thế nào cho hiệu quả? không học môn đó thì làm bài ra sao? Bạn cần phương pháp ôn tập và làm bài thi từ những người am hiểu về kì thi và đề thi? Bạn cần thầy cô đồng hành suốt quá trình ôn luyện? Vậy thì hãy xem ngay lộ trình ôn thi bài bản tại ON.TUYENSINH247.COM:
Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY |