Đề thi thử đánh giá tư duy ĐH Bách khoa HN 2025 - Phần Tư duy đọc hiểu (đề 2)

Đề thi thử đánh giá tư duy Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2025 phần Tư duy đọc hiểu (đề 2) của Tuyensinh247.com, các em cùng tham khảo và ôn luyện.

Đề thi thử đánh giá tư duy ĐH Bách khoa HN 2025 - Phần Tư duy đọc hiểu (đề 2)

BIÊN SOẠN: BAN CHUYÊN MÔN TUYENSINH247.COM

Trả lời cho câu hỏi: 1-10

RƠI

[1] Nó lồm cồm ngồi dậy, len lén mở cửa sổ nhìn sang khu vườn phía sau. Bên đó vợ chồng chú Tâm đang cuốc đất. Chị Mi và thằng Bo tíu tít hái mè. Những luống mè già hạt lắm rồi. Nó ngây người nhìn, thật lâu, đến khi nắng lên cao, rọi vào gương mặt còn lem luốc của nó. Nó sực tỉnh, chợt nhớ mình chưa ăn gì, nó trèo xuống giường, giở lồng bàn. Một bát cơm với mấy con cá kho bố để phần.

Nó ăn, lặng lẽ...

[2] Nó ra vườn. Vẫn là những trò chơi quen thuộc. Con voi gỗ bố đẽo gọt cho riêng nó, nó ôm khư khư trong lòng. Nó thích một con búp bê hơn. Bố hứa sẽ mua cho nó nhưng hai năm rồi nó chẳng thấy đâu. Cũng lâu rồi nó không còn chờ đợi nữa. Nó đã có con voi này làm bạn rồi đấy thôi! Ngày ngày nó bày trò chơi. Nó làm mẹ, voi làm con. Nó bế voi. Nó dỗ dành. Nó đút voi ăn. Nó ru voi ngủ. Nó làm mọi thứ, thuần thục như một người lớn. […

[3] Thật ra, nó cũng thèm được đến trường mẫu giáo như chị Mi, thằng Bo nhà chú Tâm lắm. Chiều nào chị Mi và thằng Bo cũng được ba mẹ đón về. Về đến nhà, chị Mi hát líu lo, còn thằng Bo đọc thơ cho cô chú Tâm nghe. Nó toàn canh chừng giờ chị Mi và thằng Bo từ trường trở về. Nó len lén mở cửa sổ nhìn sang để xem chị Mi múa, để nghe thằng Bo kể chuyện. Nó há hốc miệng ra nghe. Những bài hát xa lạ với nó quá. Nó thèm! […]

[4] Ai gặp nó một lần cũng khen nó xinh. Nó sợ những lời khen đó. Vì sau những lời khen người ta lại tỏ ra thương hại. Nào là “Tội nghiệp, mới chừng này tuổi đầu...” “Con bé gầy quá, bệnh hen suyễn này khó chữa!”. Những lúc như vậy, nó lảng ra xa. Hình như nó không biết cười mà cũng không biết khóc, vì suốt ngày thui thủi trong nhà một mình thì khóc và cười với ai đây? Nó nhớ lại. Có chứ! Thỉnh thoảng nó cũng khóc mỗi khi nó ốm. Những lúc nó ốm, có một ông thầy thuốc già luôn đến tiêm thuốc cho nó, rất đau. Nó cũng biết cười, nhưng là cười với mẹ qua bức ảnh to bố đặt trên bàn thờ. Mỗi khi nó hát hay bắt chước những điệu múa học lén được của chị Mi, nó thấy rõ ràng trên bàn thờ mẹ nó nhoẻn miệng cười. […]

[5] Hoàng hôn buông xuống, sương trên núi bao phủ, mờ mờ xa, xung quanh đã lên đèn là lúc bố nó sắp về. Bao giờ ông cũng gọi từ cổng “Con ơi...” Chỉ chờ có vậy, nó chạy ra nhảy tót lên người bố, khúc khích cười. Bố vào nhà, nấu cơm rồi cùng ăn với nó. Bố nấu gì nó ăn cũng thấy ngon. Nó ăn lặng lẽ như một bà cụ già.

Đêm đêm bố thường bế nó ra vườn, ru nó ngủ. Bố hát hay lắm. Nó trôi theo lời bài hát, miên man “...Ôi tóc em dài đêm thần thoại, vùng tương lai, chợt xa xôi. Tuổi thơ ơi sao nặng dòng máu trong người...” rồi lại đến “Thôi thì em chẳng còn yêu tôi, leo lên cành bưởi khóc người rưng rưng. Thôi thì thôi, mộ người Tà Dương...” […]

[6] Công việc ở Đài truyền hình làm bố nó luôn bận rộn. Bố nó còn viết văn, làm thơ. Dạo này bố thường đi xa, những chuyến đi thực tế dài đằng đẵng làm nó nhớ bố quắt quay. Bố gửi nó sang nhà bà Năm trong xóm, bà cho nó ăn nhờ. Có đêm nó thức dậy, thấy mình đang nằm dưới nền xi măng lạnh ngắt. Bên cạnh là con chó Mực ư ử vẫy đuôi. Những lúc như thế, nó thèm có một người mẹ biết bao. Nó sợ, những chuyến đi thực tế của bố cứ dài ra, nhưng khi bố trở về nó không than thở một lời. Nó sợ bố buồn. […

[7] Nó yêu những buổi sáng Chủ Nhật, bố luôn ở nhà với nó. Hôm ấy cũng là sáng Chủ Nhật, thức dậy chẳng thấy bố đâu, nó chạy tìm quanh. Ngoài vườn, bố nó đang ngồi với một người đàn bà lạ mặt. Nó ngây người đứng nhìn. Linh tính, người đàn bà quay lại, bắt gặp ánh nhìn của nó. Bà lại gần, nâng gương mặt nó lên ngắm thật lâu, rồi bà hôn lên má nó, cũng thật lâu. Nó tự nhủ, trong lòng rộn ràng, sung sướng: Mẹ mới của mình đây chăng? Người mà cô Út nói với mình hôm nọ đây chăng

Từ ngày đó, người đàn bà thường xuyên đến với bố con nó. Có hôm bà ở lại. Những đêm bố bận làm việc, bà đưa nó đi lang thang về hướng núi rồi kể chuyện cổ tích. Chuyện “Hoàng tử Ếch”, “Cô bé quàng khăn đỏ”, chuyện “Chú mèo đi hia”. Đã bao giờ nó được nghe những câu chuyện đó đâu! Nó sung sướng, ngất ngây, một niềm hạnh phúc tạm bợ mà nó đâu hay...

[8] Người đàn bà về với bố con nó. Nó gọi bà là mẹ vì nó thèm có “Mẹ”.

Mẹ nó sinh em bé, gia đình vất vả hơn. Bố nó quyết định bán mảnh vườn rộng và ngôi nhà, dọn đi nơi khác. Đến một nơi xa lạ, nó ngơ ngác quá đỗi. Cái xóm lao động nghèo suốt ngày phát ra những âm thanh hỗn độn. Năm nay nó đã lên lớp ba nhưng trông như đứa mới vào lớp một vậy. Thân hình gầy nhẳng nhưng gương mặt nó trong trẻo, đáng yêu. Ngoài giờ học, nó quanh quẩn chơi với em. Em trai nó được bố mẹ cưng chiều lắm. Nó phải bế em suốt ngày trên tay, như con mèo tha dưa cải vậy. Nó cũng bắt đầu tập nấu cơm và làm việc nhà. Nó vụng về, tay chân còn lóng ngóng nên suốt ngày tai nó toàn nghe lời chì chiết của mẹ. Nó buồn, nhưng cố làm vui.

[9] Từ khi có mẹ, có em bố gần như chẳng còn nhìn đến nó. Còn nó, luôn nhìn bố bằng ánh mắt chờ đợi. Nó biết thân phận mình, nhưng trong lòng nó đắng cay vì bố đã quên nó rồi, dù nó đang sống cùng một nhà với ông. Ông quên rằng ông còn một đứa con gái bé bỏng, tội nghiệp.

Đêm ngủ nó thường mơ. Bao giờ trong giấc mơ cũng có hình bóng mẹ, người đã sinh ra nó. Có hôm mẹ về mặc chiếc áo dài tím mà có lần nó thấy bố cất thật sâu trong ngăn tủ. Tóc mẹ buông lơi trên vai, hờ hững nhìn nó. Nó chạy lại, càng đến gần, mẹ nó càng xa. Nó bật khóc nức nở. Có tiếng réo gọi tên nó, nó choàng tỉnh. Sáng rồi! Dậy quét nhà, tưới cây rồi cho heo ăn nữa. Bao nhiêu là việc đang đợi nó. Chỉ là giấc mơ thôi...!

[10] Lên cấp hai, nó phổng phao hơn một chút, nhưng gương mặt đầy ưu tư, lặng lẽ. Ai nhìn nó cũng ái ngại. Vào kỳ nghỉ hè, bố gửi nó sang nhà cô Út học may vá. Nó thích lắm, dù cũng quần quật giúp cô làm việc nhà suốt ngày, nhưng đêm đến nó được ra thăm mộ mẹ. Nhà cô Út cách nghĩa trang không xa. Lạ kỳ! Một đứa con gái rụt rè, nhút nhát như nó ra nghĩa trang vào ban đêm lại dạn dĩ hẳn lên. Cứ bốn, năm hôm nó lại ra đấy một lần. Nghĩa trang tối đen, sâu hun hút. Từng đàn đom đóm lập lòe trong bụi cỏ.

(Vũ Ngọc Giao, Rơi)

Câu 1: Truyện được kể theo ngôi kể nào?

Truyện được kể theo ____________.

Câu 2: Hoàn thành câu hỏi bằng cách chọn đáp án Đúng hoặc Sai.

Nhân vật “nó” trong truyện là đứa trẻ đáng thương, từ nhỏ đã mồ côi mẹ và luôn sống trong sự lạnh nhạt của cha.

Câu 3: Từ thông tin của bài đọc, hãy hoàn thành câu sau bằng cách kéo thả các từ vào đúng vị trí.

[Ô kéo 1] tủi hờn

[Ô kéo 2] đau khổ

[Ô kéo 3] phấn khích

[Ô kéo 4] cảm động

[Ô kéo 5] sợ hãi

1. Tâm trạng của nhân vật “nó” khi được người lạ ngợi khen: [Vị trí thả 1]

2. Tâm trạng của nhân vật “nó” mỗi khi bố đi làm về: [Vị trí thả 2]

3. Tâm trạng của nhân vật “nó” từ khi bố mẹ có em bé: [Vị trí thả 3]

Câu 4: Hoàn thành câu hỏi bằng cách chọn đáp án Đúng hoặc Sai.

1. Bố luôn bên cạnh chăm sóc “nó” kể từ khi mẹ mất

2. Bố hát rất hay và thường ru “nó” vào mỗi tối

3. Từ khi có em trai, bố cưng chiều em trai và không còn quan tâm đến “nó”

Câu 5: Theo đoạn [1], “nó” thường lặp lại những trò chơi quen thuộc, vì sao? Chọn các đáp án đúng:

1. Vì nó rất thích các trò chơi này.

2. Vì bố quên mua đồ chơi mới cho nó.

3. Vì nó không có ai chơi cùng.

4. Vì các trò chơi này giúp nó nhớ về mẹ.

Câu 6: Điền một (cụm) từ không quá một tiếng có trong bài đọc vào chỗ trống.

Cuộc sống buồn tủi, cô đơn khiến cho cô bé trong câu chuyện quên đi những cảm xúc cơ bản của một con người. Nhưng có đôi khi cô bé vẫn khóc, cô bé khóc mỗi khi bị ______ và cười vào lúc cô nhìn thấy hình ảnh của ______.

Câu 7: Từ thông tin của câu chuyện, hãy hoàn thành câu sau bằng cách kéo thả các từ vào đúng vị trí.

[Ô kéo 1] nóng nảy

[Ô kéo 2] bận rộn

[Ô kéo 3] xa xỉ

[Ô kéo 4] mỉm cười

Số phận không [Vị trí thả 1] với cô bé trong câu chuyện. Cô mồ côi mẹ, bản thân lại mang bệnh tật và sống cùng người cha [Vị trí thả 2]. Cô bé có những điều ước vô cùng nhỏ bé nhưng đối với em lại quá [Vị trí thả 3]: thèm được đến trường mẫu giáo, đợi được bố mua cho một con búp bê, ước có mẹ để được yêu thương, bảo vệ.

Câu 8: Đâu là nội dung không được suy ra từ câu chuyện?

1. Tình cảm gia đình thiêng liêng.

2. Trân trọng những mơ ước của trẻ thơ.

3. Phân biệt đối xử trong gia đình sẽ khiến con cái dễ bị trầm cảm.

4. Đấu tranh giữa cái ác và cái thiện, cái đẹp và cái xấu.

Câu 9: Theo văn bản, nhân vật “nó” hiện lên với những phẩm chất gì? Chọn các đáp án đúng:

1. Ngoan ngoãn, nhân hậu

2. Học hành giỏi giang

3. Hoạt bát vui vẻ

4. Siêng năng, tháo vát

Câu 10: Đâu là giọng điệu nổi bật trong văn bản trên?

1. Giọng điệu nhẹ nhàng nhưng buồn thương day dứt.

2. Giọng điệu đôn hậu, ấm áp, chân tình.

3. Giọng điệu thủ thỉ tâm tình, đằm thắm và giàu tính nhân văn.

4. Giọng điệu thiết tha và gợi mở trong tâm hồn người đọc những rung động êm dịu tinh tế.

Trả lời cho câu hỏi: 11-20

CÁCH MẠNG THỜI TRANG VÌ MÔI TRƯỜNG

Những hệ lụy của thời trang nhanh đối với môi trường

[1] Thời trang nhanh là thuật ngữ được sử dụng để mô tả những món quần áo bắt kịp xu hướng nhanh; chúng lấy ý tưởng từ những món đồ trong các buổi trình diễn thời trang và được sản xuất rất nhanh để chuyển đến các cửa hàng. Những năm trở lại đây, thời trang nhanh ngày càng trở nên phổ biến vì giá cả phải chăng, đa dạng về mẫu mã, được cập nhật liên tục và thịnh hành. Người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ, ngày càng ưa chuộng những phong cách mới, từ đó kích thích sức mua, khiến ngành công nghiệp thời trang nhanh ngày càng phát triển và có chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng, đặc biệt trong thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 khi người trẻ dành nhiều thời gian để mua sắm quần áo giá rẻ trên các sàn thương mại điện tử. Sự ra đời của thời trang nhanh đi kèm với giá cả phải chăng đã thu hút khách hàng chi tiêu một lượng tiền lớn để có thể sử dụng chúng…

[2] Tại Hoa Kỳ, trong hơn 20 năm qua (2002-2022), số lượng quần áo bị vứt đi của người Mỹ đã tăng gấp đôi từ 7 triệu tấn lên 14 triệu tấn/năm. Điều đó có nghĩa là trung bình một người vứt đi khoảng 36 kg quần áo mỗi năm. Phần lớn số quần áo đó được đưa tới châu Phi và phần không sử dụng được sẽ chất thành đống tại những bãi phế liệu. Tại thủ đô Accra của quốc gia Ghana (một phần của sa mạc Atacama) có bãi rác khổng lồ, trong đó 60% trong bãi rác này là quần áo và được mệnh danh là “bãi rác quần áo của thế giới”. Mỗi tuần nơi đây nhận được 15 triệu chiếc quần áo cũ, trong đó có cả đồ từ thiện từ khắp nơi trên thế giới gửi về và 40% trong số đó có chất liệu kém, bị đem vứt ra các bãi rác. Mỗi năm có đến khoảng 39.000 tấn quần áo bị thải bỏ được tập kết ở sa mạc này. Cũng tại Chile, từ lâu nơi đây đã là một trung tâm tập trung quần áo cũ và không bán được. Những bộ quần áo này được sản xuất tại Trung Quốc hoặc Bangladesh, sau đó được vận chuyển đến châu Âu, châu Á hoặc Mỹ trước khi đến Chile, nơi những mặt hàng này được bán lại trên khắp châu Mỹ La tinh. Ước tính, mỗi năm có khoảng 59.000 tấn quần áo cập cảng Iquique ở thành phố Alto Hospicio, miền Bắc Chile. […]

[3] Sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của thời trang nói chung và thời trang nhanh nói riêng đã tàn phá môi trường theo rất nhiều cách. Để có được sản phẩm quần áo màu sắc rực rỡ, chất liệu bắt mắt, phần lớn các công ty phải nhờ vào hóa chất độc hại. Nước nhuộm vải chính là thứ gây ô nhiễm nguồn nước nhiều thứ hai toàn cầu. Chất liệu polyester là loại vải được sử dụng phổ biến nhất trong ngành công nghiệp may mặc. Loại vải này được giặt trong máy giặt gia đình tạo nên những sợi vải siêu nhỏ (microfiber), dễ dàng đi qua nhà máy xử lý nước thải vào các tuyến đường thủy, không phân hủy được, làm gia tăng lượng nhựa trong nước biển, chúng chính là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sinh vật dưới nước. Công nghiệp thời trang được xem là ngành gây ô nhiễm lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau ngành dầu mỏ. Nó chiếm 8-10% lượng khí thải các-bon toàn cầu do năng lượng được sử dụng trong sản xuất, chế tạo và vận chuyển. Vì vậy, để bảo vệ trái đất, hãy trở thành một người tiêu dùng thông thái bằng cách lựa chọn thời trang bền vững, ưu tiên chất lượng hơn số lượng.

Cách mạng thời trang vì môi trường

[4] Sau giai đoạn Covid-19, người tiêu dùng có xu hướng hướng tới thời trang bền vững. Điều này đã khiến những người sáng tạo thời trang như nhà thiết kế, nhà phát triển sản phẩm, người mua và người bán hàng lựa chọn các sản phẩm thay thế thời trang bền vững và thân thiện với môi trường. Việc tái sử dụng, tái chế hàng may mặc và phụ kiện sẽ trở nên phổ biến hơn trong tương lai. Vì hiện tại trên thị trường dệt may có chưa đến 10% nguyên liệu tái chế, nên các khoản đầu tư trong toàn ngành sẽ được yêu cầu để mở rộng quy trình và công nghệ tái chế theo chu trình khép kín để giảm thiểu tác động đến môi trường.

[5] Bên cạnh đó, các nhà thiết kế đang chuyển từ việc tạo ra nhiều dòng sản phẩm theo mùa xuyên suốt cả năm sang thiết kế có thể ở lại với người tiêu dùng trong nhiều năm, giúp giảm áp lực lên sản xuất, gia công, vận chuyển hàng hóa khi quá trình sản xuất nhanh tạo ra nhiều chất thải dệt may, quần áo dư thừa được tiêu hủy gây hại đến sức khỏe công nhân và môi trường. Đây cũng là lý do tại sao ngày càng nhiều người tiêu dùng và các nhãn hàng thời trang đang dần chuyển sang “thời trang chậm” với các giải pháp, quy trình sản xuất được rút ngắn và tiết kiệm hơn, thân thiện hơn với môi trường như thuộc da không độc hại, thuốc nhuộm được lấy từ trái cây và chất thải…

[6] Từ xưa, các sản phẩm da thuộc luôn mang lại vẻ đẹp sang trọng và thời thượng, giúp nâng tầm đẳng cấp thời trang cho người mặc. Tuy nhiên, chất liệu này tác động xấu tới môi trường như ô nhiễm không khí (khí thải metan từ động vật) cũng như làm cạn kiệt tài nguyên rừng (phá rừng để tăng diện tích đất chăn nuôi). Vì vậy, một số công ty thời trang đã tạo ra một quá trình sản xuất da thuộc mà không cần phải sát hại động vật. Nhờ vào việc nuôi cấy collagen - protein được tìm thấy trong da động vật, các công ty đã phát triển chúng thành da nhân tạo, chất liệu này có thể ngăn ngừa được sự tàn phá của ngành thời trang đối với môi trường hiện nay.

[7] Tại Ý, với gần 1 triệu tấn vỏ cam, quýt được thải ra môi trường mỗi năm, một cặp đôi người Ý đã sử dụng vỏ cam, quýt dư thừa để chế biến chúng thành vải. Cách hoạt động của phương pháp này chính là chiết xuất xenlulozo từ vỏ cam, biến nó thành sợi polyme và dệt thành vải. Một thương hiệu đồ da nổi tiếng của Ý là Salvatore Ferragamo cũng đã lần đầu tiên sử dụng chất liệu vải dệt từ vỏ cam. Loại sợi chiết xuất từ vỏ cam được dệt thành loại vải có tính chất không thua kém cotton hay lụa, thậm chí còn có thể dùng làm vải dệt kim. Đây được xem là cách giúp các nhà sản xuất trái cây giải quyết được phần nào vấn đề xử lý rác thải và hướng tới sự thân thiện với môi trường.

[8] Bên cạnh sự thay đổi từ phía các công ty thời trang, Chính phủ của một số quốc gia đang lên kế hoạch cho cuộc cách mạng thời trang vì môi trường. Năm 2023, mọi mặt hàng quần áo được bán ở Pháp sẽ bị yêu cầu gắn kèm các nhãn mác ghi chi tiết tác động môi trường của sản phẩm. Cơ quan Chuyển đổi sinh thái Pháp (Ademe) hiện đang thử nghiệm 11 đề xuất về cách thu thập và so sánh dữ liệu, cũng như cách thể hiện nhãn hàng sản phẩm đối với người tiêu dùng - bằng cách sử dụng 500 mặt hàng quần áo thực tế. Vì vậy, các thương hiệu cần chuẩn bị để làm cho sản phẩm của họ có thể truy xuất nguồn gốc và tổ chức thu thập dữ liệu tự động. Kế hoạch này dự kiến sẽ được áp dụng cho phần còn lại của Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2026. Điều đó có nghĩa là để đánh giá mức độ tác động tới môi trường của từng sản phẩm phải kết hợp nhiều dữ liệu khác nhau như: Nguyên liệu thô của sản phẩm được trồng ở đâu và như thế nào? Cái gì đã được sử dụng để nhuộm màu cho sản phẩm đó? Sản phẩm đó đã đi bao xa? Nhà máy chạy bằng năng lượng mặt trời hay than đá? Có thể thấy, nhu cầu thay đổi về sự minh bạch và đầy đủ thông tin trong lĩnh vực thời trang là rất cấp thiết. Việc yêu cầu các nhãn mác liên quan đến tác động môi trường có thể là một phần quan trọng của giải pháp. Quy định mới sẽ buộc các thương hiệu phải minh bạch hơn, cung cấp thông tin để thu thập dữ liệu và tạo mối quan hệ lâu dài với các nhà cung cấp của họ.

[9] Về phía các công dân trên toàn cầu, nếu thực sự mong muốn trở thành người tiêu dùng thông thái, góp phần chung tay giảm thiểu tác hại của thời trang nhanh đến môi trường, mọi người đều có thể tham khảo một số gợi ý như: lựa chọn các thương hiệu thời trang bền vững; ưu tiên chất lượng thay vì số lượng; quyên góp hoặc bán quần áo đã qua sử dụng; trao đổi quần áo với bạn bè, người thân, tái chế quần áo cũ thành các vật dụng hữu ích khác…

(Nguyễn Hằng, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, số ra ngày 27-03-2023)

Câu 11: Nội dung chính của bài đọc trên là gì?

1. Trình bày những phương án xử lý thời trang nhanh để bảo vệ môi trường.

2. Đề cập đến các phương án xử lý vấn đề môi trường do rác thải từ quần áo cũ.

3. Trình bày tác hại của thời trang lên môi trường và đề cập đến các phương án xử lý vấn đề này.

4. Trình bày tác hại của thời trang lên môi trường và kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường.

Câu 12: Hoàn thành câu hỏi bằng cách chọn đáp án Đúng hoặc Sai.

Thời trang nhanh là thuật ngữ dùng chỉ những loại quần áo được sản xuất nhanh, bắt kịp xu hướng, giá cả phải chăng phù hợp với đa số người tiêu dùng ở độ tuổi trung niên.

Đúng hay sai?

Câu 13: Điền một cụm từ không quá bốn tiếng có trong bài đọc vào chỗ trống.

Thời trang nhanh đang ngày càng chiếm ưu thế vì nhiều ưu điểm của nó: giá cả phải chăng, bắt kịp xu hướng, đa dạng mẫu mã và một trong những yếu tố quan trọng giúp thời trang nhanh ngày càng có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng là nhờ vào sự ra đời của các ứng dụng ________.

Câu 14: Từ thông tin của bài đọc, hãy hoàn thành câu sau bằng cách kéo thả các cụm từ vào đúng vị trí.

[Ô kéo 1]: Đoạn [4]

[Ô kéo 2]: Đoạn [6]

[Ô kéo 3]: Đoạn [5]

[Ô kéo 4]: Đoạn [7]

- [Vị trí thả 1] tái chế rác thải để phục vụ cho sản xuất thời trang.

- [Vị trí thả 2]tạo ra các sản phẩm thời trang dựa trên các phương pháp nhân tạo.

- [Vị trí thả 3] tái chế hàng may mặc và phụ kiện.

Câu 15: Điền những từ ngữ không quá hai tiếng có trong bài đọc vào chỗ trống.

Thời trang nhanh tuy có nhiều ưu điểm đối với người tiêu dùng nhưng lại đang hủy hoại ___________ trầm trọng. Bởi vậy cần có những giải pháp để khắc phục vấn nạn này. Một trong những giải pháp quan trọng là người tiêu dùng cần sáng suốt lựa chọn các xu hướng thời trang bền vững hơn là ưu tiên thời trang bắt kịp ____________.

Câu 16: Từ thông tin của bài đọc, hãy hoàn thành nhận xét sau bằng cách kéo thả các từ vào đúng vị trí.

[Ô kéo 1] tích cực

[Ô kéo 2] tiêu cực

[Ô kéo 3] nhanh

[Ô kéo 4] giới trẻ

[Ô kéo 5] bền vững

Ngành công nghiệp thời trang, đặc biệt là thời trang [Vị trí thả 1] ảnh hưởng đáng kể vào ô nhiễm môi trường thông qua quá trình sản xuất và xử lý chất thải. Còn thời trang [Vị trí thả 2] thường tập trung vào việc sử dụng các phương pháp sản xuất thân thiện với môi trường, giúp giảm thiểu khí nhà kính, và hạn chế xả thải độc hại. Vì vậy, bảo vệ môi trường bằng cách chọn thời trang bền vững là quan trọng vì thời trang bền vững có tác động [Vị trí thả 3] đến môi trường và các khía cạnh xã hội. Chọn thời trang bền vững không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn đóng góp vào việc xây dựng một tương lai bền vững hơn cho thế hệ tới.

Câu 17:

Với việc dẫn ra các số liệu (trong hơn 20 năm qua (2002-2022), số lượng quần áo bị vứt đi của người Mỹ đã tăng gấp đôi từ 7 triệu tấn lên 14 triệu tấn/năm; trung bình một người vứt đi khoảng 36 kg quần áo mỗi năm; trong đó 60% trong bãi rác này là quần áo; Mỗi năm có đến khoảng 39.000 tấn quần áo bị thải bỏ được tập kết ở sa mạc này; khoảng 59.000 tấn quần áo cập cảng Iquique) tác giả muốn làm rõ điều gì?

1. Rác thải đến từ quần áo đang chiếm số lượng cực kì lớn trên thế giới.

2. Thế giới đang sản xuất quá nhiều quần áo dư thừa.

3. Con người đang quá lãng phí trong việc sắm sanh nhiều quần áo.

4. Nước Mỹ là nơi thải ra nhiều quần áo nhất trên thế giới.

Câu 18: Theo bài đọc, đâu là những phương pháp đã được thực hiện trong lĩnh vực thời trang để bảo vệ môi trường? Chọn các đáp án đúng.

1. Tái chế hàng may mặc và phụ kiện.

2. Tạo ra các sản phẩm thời trang dựa trên các phương pháp nhân tạo.

3. Nâng cao hiểu biết cho người tiêu dùng về các sản phẩm thời trang gây ô nhiễm môi trường.

4. Tái chế rác thải để phục vụ cho sản xuất thời trang.

Câu 19: Dựa trên thông tin đoạn [8], hoàn thành câu hỏi bằng cách chọn đáp án Đúng hoặc Sai.

1. Tác động của thời trang lên môi trường không được Chính phủ của các nước quan tâm.

2. Một số nhãn hàng quần áo được đề nghị cần minh bạch về nguồn gốc và các dữ liệu liên quan khác.

3. Việc sản xuất quần áo phải được giám sát và quản lý nghiêm ngặt để tránh những tác động xấu đến môi trường.

Câu 20: Thông tin nào được suy ra từ đoạn trích trên? Chọn các đáp án đúng:

1. Nên lựa chọn thời trang nhanh vì giá cả phải chăng và tính ứng dụng cao.

2. Có thể lập các hội nhóm trao đổi quần áo để có thể tái sử dụng những món đồ còn dùng được.

3. Nên chọn sử dụng những sản phẩm quần áo xịn, đắt tiền, có thương hiệu lớn.

4. Trong thời trang, nên ưu tiên chất lượng hơn số lượng.

Theo TTHN

DÀNH CHO 2K8 – ÔN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC 2026!

Bài thi Đánh giá năng lực 2026 thay đổi toàn bộ từ cấu trúc bài thi, các dạng câu hỏi,.... mà bạn chưa biết phải ôn tập như thế nào cho hiệu quả? không học môn đó thì làm bài ra sao?

Bạn cần phương pháp ôn tập và làm bài thi từ những người am hiểu về kì thi và đề thi?

Bạn cần thầy cô đồng hành suốt quá trình ôn luyện?

Vậy thì hãy xem ngay lộ trình ôn thi bài bản tại ON.TUYENSINH247.COM:

  • Học live, luyện đề cùng giáo viên và Thủ khoa ĐGNL
  • Trang bị phương pháp làm bài suy luận khoa học
  • Bộ 15+ đề thi thử chuẩn cấu trúc mới bài thi ĐGNL

Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

Viết bình luận: Đề thi thử đánh giá tư duy ĐH Bách khoa HN 2025 - Phần Tư duy đọc hiểu (đề 2)

  •  
Đăng ký tư vấn khóa ĐGNL!