23/05/2012 13:37 pm
I. trắc nghiệm Bài tập 1 “… Chị Dậu xám mặt, vội vàng đặt con xuống đất, chạy đến đỡ lấy tay hắn : - Cháu van ông, nhà cháu mới tỉnh được một lúc, ông tha cho ! - Tha này! Tha này! Vừa nói hắn vừa bịch luôn vào ngực chị Dậu mấy bịch rồi lại sấn đến để trói anh Dậu. Hình như tức quá không thể chịu được, chị Dậu liều mạng cự lại : - Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ ! Cai lệ tát vào mặt chị một cái đánh bốp, rồi hắn cứ nhảy vào cạnh anh Dậu. Chị Dậu nghiến hai hàm răng : - Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem !” (Tắt đèn – Ngô Tất Tố) Đọc kỹ đoạn trích và thực hiện các yêu cầu sau : 1. Khoanh tròn vào chữ cái trước ý kiến mà em cho là đúng. a) Nội dung đoạn trích là gì ? A. Vạch trần bộ mặt tàn ác, bất nhân của xã hội thực dân phong kiến đương thời đã đẩy người dân đến tình cảnh vô cùng khốn quẫn khiến họ phải liều mạng cự lại. B. Ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ nông dân, vừa giàu tình yêu thương vừa có sức sống mạnh mẽ, tinh thần phản kháng mãnh liệt. C. Cả A và B. b) Tác phẩm “Tắt đèn” ra đời vào năm nào ? A. 1936 B. 1938 C. 1939 D. 1940 c) Tác phẩm “Tắt đèn” thuộc bộ phận văn học nào ? A. Văn học hiện thực 1930 – 1945 B. Văn học yêu nước và cách mạng 1930 – 1945 C. Văn học lãng mạn 1930 – 1945 d) Tác giả Ngô Tất Tố là : A. Một nhà văn chuyên viết về nông thôn và người nông dân. B. Một học giả triết học, văn học cổ ; một nhà báo tiến bộ và là nhà văn hiện thực xuất sắc trước cách mạng tháng tám 1945. C. Một nhà văn hiện thực xuất sắc chuyên viết về nông thôn trước cách mạng. 2. a) Đoạn trích có mấy lượt lời ? A. Hai lượt lời B. Ba lượt lời C. Bốn lượt lời b) Đoạn trích có mấy tình huống giao tiếp ? A. Một tình huống B. Hai tình huống C. Ba tình huống D. Bốn tình huống c) Sự thay đổi trong cách xưng hô của chị Dậu với tên cai lệ thể hiện điều gì ? ………………………………………………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………………………………………. d) Việc chị Dậu xưng bằng bà và gọi tên cai lệ bằng mày có vi phạm phương châm lịch sự không ? A. Có B. Không 3. Sách Ngữ văn 8 đặt tên đoạn trích là “Tức nước vỡ bờ”. a) “Tức nước vỡ bờ” là loại ngữ gì ? A. Thành ngữ B. Quán ngữ C. Tục ngữ D. Tổ hợp từ bình thường b) Trong câu “Vừa nói, hắn vừa bịch vào ngực chị Dậu mấy bịch rồi sấn đến để trói anh Dậu”, có 2 từ bịch. Từ loại của hai từ này như thế nào ? A. Cả 2 từ đều là động từ. B. Cả 2 từ đều là tính từ. C. Một từ là động từ, một từ được dùng như danh từ. c) Các câu : “Tha này ! Tha này !” là : A. Câu đơn bình thường B. Câu đặt biệt C. Câu rút gọn d) Các câu : “Tha này ! Tha này !” thuộc loại câu nào ứng với mục đích nói ? A. Câu trần thuật B. Câu cảm thán C. Câu cầu khiến 4. a) Trong đoạn trích, các từ “bịch”, “bốp” là : A. Từ tượng thanh B. Từ tượng hình C. Không phải cả A và B b) Nhan đề đoạn trích “Tức nước vỡ bờ”, được hiểu theo : A. Nghĩa đen B. Nghĩa bóng C. Cả nghĩa đen và nghĩa bóng c) Sử dụng các từ “bịch”, “bốp” trong đoạn trích có tác dụng : A. Gợi được âm thanh hành động của tên cai lệ đối với chị Dậu. B. Vừa gợi được âm thanh của hành động vừa thể hiện được bản chất hung dữ, hống hách, tàn bạo của tên cai lệ đối với chị Dậu. C. Cả 2 ý trên. d) Tổ hợp từ đồng nghĩa, gần nghĩa với “Tức nước vỡ bờ” : ……………………………………………………………………………………………………………….. ……………………………………………………………………………………………………………….. 5. a) Đoạn trích trên: A. Là cuộc hội thoại. B. Là đoạn văn kể về việc chị Dậu chống lại tên cai lệ để bảo vệ chồng. C. Là đoạn văn miêu tả cảnh chị Dậu đánh lại tên cai lệ để bảo vệ chồng. b) Trong văn bản tự sự, yếu tố quan trọng nhất là: A. Nhân vật, tình huống, ngôi kể B. Nhân vật và cốt truyện C. Nhân vật, cốt truyện và hành động c) Trong văn bản tự sự, người kể có thể thuật lại sự việc theo : A. Ngôi thứ nhất B. Ngôi thứ ba C. Kết hợp cả ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba D. Cả ba phương án trên d) Tác phẩm nào không phải là truyện hiện đại Việt nam : A. Làng B. Tôi đi học C. Bến quê D. Chiếc lá cuối cùng 6. a) Sắp sếp tên tác giả vào ô trống cho thích hợp : Thế Lữ (1) ; Hồ Chí Minh (2) ; Phan Bội Châu (3) ; Vũ Đình Liên (4) ; Tế Hanh (5) ; Tố Hữu (6).
b) Thơ trữ tình bao gồm : A. Ca dao, dân ca dân gian B. Thơ của thi nhân C. Vè c) Tác phẩm thơ trữ tình trung đại nào sau đây không tập trung thể hiện tình cảm nhân đạo ? A. Sông núi nước Nam B. Sau phút chia li C. Qua Đèo Ngang D. Bánh trôi nước d) Sắp xếp các tác phẩm sau theo thời điểm ra đời từ trước đến sau : A. Bếp lửa B. Đồng chí C. ánh trăng D. Con cò 7. a) Khổ thơ nào trong bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh thể hiện rõ nét nhất sự cảm nhận tinh tế, độc đáo của nhà thơ với những chuyển biến của thiên nhiên, đất trời lúc giao mùa ? A. Khổ 1 B. Khổ 2 C. Khổ 3 b) Yếu tố nghệ thuật được tác giả sử dụng thành công và có giá trị cao nhất trong bài thơ “Sang thu” là : A. Các từ láy B. Các từ ngữ diễn tả cảm giác, trạng thái C. Các hình ảnh thiên nhiên D. Biện pháp nhân hóa c) Điền vào chỗ trống các từ ngữ thích hợp để hoàn chỉnh nhận định về bài thơ “Con cò” của Chế Lan Viên. Bài thơ ca ngợi………………………………………………….và ý nghĩa của …………………… ………………………………………………………………………………………..qua việc vận dụng sáng tạo……………………………. ……….và hình ảnh …………………………………………… d) Bài thơ “Con cò” của Chế Lan Viên có âm hưởng như thế nào ? A. Trữ tình tha thiết B. Ngọt ngào, sâu lắng C. Âm hưởng lời ru nhưng đầy suy ngẫm, triết lí. 8. a) Em đồng ý với ý kiến nào dưới đây về văn bản nhật dụng ? A. Văn bản nhật dụng là khái niệm thể loại như kiểu văn bản tự sự, văn bản biểu cảm, văn bản nghị luận. B. Văn bản nhật dụng là khái niệm chỉ đề cập đến chức năng, đề tài và tính cập nhật của nội dung văn bản. C. Văn bản nhật dụng có thể sử dụng mọi thể loại, mọi kiểu văn bản. D. Văn bản nhật dụng cũng giống như những bài học giáo dục công dân, lịch sử. b) Trong văn bản nhật dụng, ngưòi viết thường sử dụng : A. Một phương thức biểu đạt B. Kết hợp nhiều phương thức biểu đạt C. Dùng hai phương thức chứng minh và nghị luận. c) Ghi tên chủ đề mà các văn bản nhật dụng sau đề cập vào chỗ trống tương ứng: A. Ôn dịch, thuốc lá : ……………………………………………………………………… B. Bài toán dân số : …………………………………………………………………………. C. Phong cách Hồ Chí Minh : ……………………………………………………………. D. Đấu tranh cho một thế giới hoà bình :…………………………………………….. d) Văn bản nhật dụng nào dưới đây không viết về chủ đề môi trường : A. Bài toán dân số B. Ôn dịch, thuốc lá C. Thông tin về ngày Trái Đất năm 2000 9. a) Văn bản nào dưới đây không phải là văn bản biểu cảm ? A. Cổng trường mở ra B. Đoàn thuyền đánh cá C. Chiếu dời đô D. Một thứ quà của lúa non : Cốm b) Nối tên văn bản sao cho phù hợp với tên tác giả :
c) Trong văn bản nghị luận, ngưòi viết thường sử dụng phép lập luận nào là chủ yếu ? A. Phép phân tích B. Phép tổng hợp C. Phép so sánh D. Phép giải thích d) Trong văn bản “Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới”, luận cứ nào là quan trọng nhất ? A. Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới thì quan trọng nhất là sự chuẩn bị bản thân con người. B. Bối cảnh thế giới hiện nay và những mục tiêu, nhiệm vụ nặng nề của đất nước. C. Những điểm mạnh và điểm yếu của con người Việt Nam cần được nhận rõ khi bước vào nền kinh tế mới trong thế kỉ mới. D. Bước vào thế kỉ mới thế hệ trẻ cần phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu, rèn những thói quen tốt để đưa đất nước vào công nghiệp hóa, hiện đại hoá. II. Tự luận 1. Kết thúc bài thơ “Qua Đèo Ngang” (Bà Huyện Thanh Quan) và “Bạn đến chơi nhà” (Nguyễn Khuyến) đều xuất hiện cụm từ “ta với ta” nhưng ở mỗi bài lại diễn đạt một nội dung ý nghĩa khác nhau. Em hãy phân tích và làm sáng tỏ điều đó. 2. Vẻ đẹp tâm hồn người nông dân Việt nam trong truyện ngắn “Làng” của Kim Lân. Đáp án I. trắc nghiệm
II. tự luận 1. a) Đảm bảo là một đoạn văn hoặc bài viết ngắn có bố cục hoàn chỉnh ; trình bày gãy gọn, diễn đạt trôi chảy, chữ viết rõ ràng, sạch đẹp. b) Cả hai bài thơ đều sử dụng cụm từ “ta với ta” (từ ta trong Tiếng Việt là đại từ vừa chỉ số ít vừa chỉ số nhiều, vừa là ngôi thứ nhất vừa là ngôi thứ hai) để kết thúc bài thơ nhưng ở mỗi bài thơ lại thể hiện nội dung ý nghĩa khác nhau, diễn đạt được những tâm trạng, tình cảm rất khác nhau : + ở bài thơ Qua Đèo Ngang: “ta với ta” đặt trong câu thơ và cả bài thơ được hiểu là nhà thơ đối diện với chính mình (từ ta chỉ số ít và ngôi thứ nhất), không có ai để giải bày, chia sẻ. Nỗi cô đơn được thể hiện chân thực và sâu sắc. Đó là một nỗi cô đơn tuyệt đối. Cách sử dụng cụm từ này thể hiện một cách rõ nét, tài tình tâm trạng của tác giả, tâm trạng buồn vắng, cô đơn. Đây cũng là nội dung chính của bài thơ. + ở bài Bạn đến chơi nhà : “ta với ta” được hiểu là tôi với bác, khách và chủ tuy hai mà là một (vừa chỉ số ít vừa chỉ số nhiều, vừa là ngôi thứ nhất, vừa là ngôi thứ hai), vì đã hết sức hiểu nhau, thông cảm, đồng cảm với nhau, trở thành tri âm tri kỉ. Cụm từ trên đã tập trung diễn đạt một cách tài tình, tinh tế tình bạn chân thành, thắm thiết, cao đẹp của tác giả – nội dung chính của bài thơ – khiến người đọc xúc động. c) Nhận xét : Trong ngôn ngữ văn chương, các từ về hình thức có thể giống nhau hoàn toàn nhưng nghĩa của chúng lại khác nhau do được sử dụng trong mạch văn khác nhau, văn cảnh khác nhau. Nhà văn, nhà thơ chính là người làm nên điều kì diệu đó giúp cho ngôn ngữ văn chương ngày càng có vẻ đẹp mới, có khả năng diễn đạt phong phú làm cho tiếng Việt thêm giàu đẹp. 2. a) Đảm bảo bài viết là một văn bản nghị luận văn học hoàn chỉnh có bố cục rõ ràng, hợp lí ; có cách diễn đạt trong sáng, gãy gọn, gợi cảm ; không mắc lỗi diễn đạt và chính tả. b) Giới thiệu được tác giả, tác phẩm. c) Phân tích, đánh giá được vẻ đẹp tâm hồn của ông Hai – người nông dân Việt Nam, trong truyện ngắn “Làng”. - Xác định vẻ đẹp tâm hồn ông Hai Thu chính là vẻ đẹp của tình yêu làng quê, tình yêu đất nước, trung thành với cách mạng, kháng chiến của ông Hai. - Trước cách mạng, ông Hai là người luôn gắn bó, tự hào về làng chợ Dầu quê ông, tuy nhiên tình cảm đó còn có những hạn chế do chưa được giác ngộ. Bên cạnh niềm tự hào chính đáng về quê hương giàu đẹp, được biểu hiện qua thói khoe làng của ông (học sinh nêu được dẫn chứng và phân tích). Đặc biệt ông còn khoe về cái sinh phần viên tổng đốc làng ông, điều này khi được giác ngộ ông thấy chỉ đáng thù nó vì nó đã làm cho ông và dân làng ông khổ. - Sau cách mạng, lòng yêu làng của ông Hai Thu tiếp tục được phát triển, hoà nhập với lòng yêu nước, yêu cách mạng, trung thành với kháng chiến, với lãnh tụ : + Khi buộc phải xa làng đi tản cư vì hiểu đi tản cư cũng là kháng chiến, ông Hai luôn nhớ về làng và càng hay khoe làng nhưng ông đã khoe khác (học sinh nêu được dẫn chứng và phân tích các dẫn chứng ấy, chú ý thái độ khi khoe làng và nội dung lời khoe của ông Hai). + Ông Hai vô cùng đau khổ, tủi hổ khi đột ngột nghe tin làng ông theo giặc từ người đàn bà tản cư ở dưới xuôi lên. Phân tích diễn biến tâm lí của ông Hai được tác giả miêu tả hết sức cụ thể nhưng tinh tế từ lúc mới nghe tin, lúc trở về nhà. + Phân tích được nỗi ám ảnh nặng nề đã biến thành nỗi sợ hãi trong ông Hai. + Trong lúc lâm vào tình thế đau khổ, bế tắc cùng cực ông Hai càng bộc lộ lòng yêu làng, yêu nước của mình. Khi nghe tin làng theo giặc trong ông diễn ra cuộc xung đột nội tâm sâu sắc: làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây thì phải thù. Tình yêu nước rộng lớn hơn, bao trùm tình yêu làng, tuy nhiên dù xác định như vậy ông vẫn không dứt bỏ tình cảm với làng, và điều này càng làm ông đau khổ. (dẫn chứng và phân tích). Khi mụ chủ nhà biết tin, rơi vào tình thế cùng đường, ông càng bộc lộ rõ tình yêu đất nước. Ông không biết đi đâu, ông cũng không muốn trở về làng vì về làng là chịu quay lại làm việt gian cho thằng Tây… Chú ý phân tích làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn của ông Hai với tư cách công dân bằng cách so sánh đối chiếu với người nông dân trước cách mạng ; chú ý phân tích đoạn đối thoại và độc thoại nội tâm hết sức chân thực thể hiện một cách cảm động tình yêu làng quê – yêu đất nước, trung thành với cách mạng, kháng chiến của ông Hai. + Ông Hai vô cùng sung sướng, hạnh phúc khi nghe tin cải chính. Ông trở lại vui vẻ, linh hoạt như xưa, lại đi khoe cái tin ấy khắp mọi nơi cùng với tin nhà ông bị giặc đốt trụi. - Ông Hai đau khổ hạnh phúc… cuộc sống của ông đều gắn liền với làng quê, đất nước của mình. ở ông tình yêu làng đã thống nhất, hoà nhập với lòng yêu nước, yêu cách mạng. Vẻ đẹp trong tâm hồn ông chính là vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Vẻ đẹp đó kế thừa và phát huy vẻ đẹp, giá trị truyền thống của dân tộc được Đảng và Bác Hồ giác ngộ đưa lên một tầm cao mới, tạo nên giá trị mới, là cội nguồn sức mạnh của dân tộc. |
||||||||||||||||||||||||||||||||||||