14/03/2013 15:48 pm
Chiều 13/3 tại Hà Nội, GS Ngô Bảo Châu đã có bài thuyết trình quan trọng được hàng trăm sinh viên háo hức mong chờ tại giảng đường C2 ĐH Bách Khoa Hà Nội, xoay quanh chủ đề Học như thế nào. Buổi chia sẻ của GS nằm trong chuỗi sự kiện "Cầu nối - Cuộc đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình" lần thứ tư tại Đông Nam Á. Mở đầu bài nói chuyện, GS chia sẻ: "Tôi được rất nhiều phụ huynh hỏi về bí quyết học tập, tôi thường trả lời: Không có bí quyết gì cả, quan trọng là niềm say mê. Trả lời như vậy, thực ra là một cách né tránh. Tôi bắt buộc phải trả lời như thế khi chưa suy nghĩ một cách thấu đáo về vấn đề phức tạp này. Nhưng không thể né tránh mãi được, vì đây là trách nhiệm của những người làm công tác giáo dục". Bài nói chuyện của GS giải đáp những vấn đề quan trọng nhất của việc học: Động cơ căn bản của sự học? Học chữ hay học làm người? Chúng ta học như thế nào? 1. Động cơ học tập trong sáng GS cho rằng, nhiều bạn vẫn nghĩ, học để có một công việc tử tế, một vị trí tốt trong xã hội, mà quên đi mất điều quan trọng nhất của việc học là giúp bản thân hướng thiện, hướng về giá trị tốt đẹp, loại bỏ tính xấu trong con người. Những quan niệm phiến diện của xã hội, việc tôn thờ cá nhân như cầu thủ bóng đá, hay sao Hàn quốc đang làm tha hoá dần đi ý chí tốt đẹp trong việc học của mỗi cá nhân. Học có nhiều lợi ích. Trong đó, học quan trọng nhất để hiểu chính xác bản thân, biết xử lý tốt mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội.
2. Cách học đúng đắn Học sinh bây giờ chỉ cần ngồi nhà xem các bài giảng trên mạng. Thế nhưng, điều đó không thú vị, vì học không có đối thủ, đồng đội, mục tiêu, lộ trình, giải thưởng… Người học cần có tập thể, thầy giáo, lớp học để duy trì việc học dài lâu. Thầy giáo có thể sử dụng tài liệu miễn phí làm tài liệu chính khoá. Trên lớp, các thầy không nhất thiết giảng cả buổi mà dành thời gian trả lời câu hỏi của sinh viên. Cuối cùng là tổ chức thi cử nghiêm túc. Sự trung thực là một trong những điểm quan trọng nhất cho câu hỏi học như thế nào? Trung thực khó học trong sách vở và để trẻ em trung thực, người lớn phải làm gương. Thành công sẽ không đến với những người chỉ tư duy bằng xúc cảm. Anh nhấn mạnh, những trải nghiệm thực tế, dù là đắng cay cũng sẽ tiếp thêm sức mạnh, giúp con người mạnh mẽ hơn. GS nhấn mạnh rằng, các bạn học giỏi không phải để tính toán, mà phải có tư duy khoa học, biết cách lập luận hiểu được những vấn đề của cuộc sống. Thái độ khiêm tốn, chấp nhận thực tại khách quan, chấp nhận sự phủ định của thực tế. 3. Ý chí sắt đá Ít người biết, vị giáo sư của giải thưởng Fields này, từng bị trượt khi thi tuyển vào Viện nghiên cứu ở Pháp. Anh kể lại, trong buổi phỏng vấn đầu tiên, các GS hỏi anh nghiên cứu gì, anh trả lời: "Bổ đề cơ bản", họ cười và đánh trượt anh. GS chia sẻ, trong cuộc sống, sẽ có lúc bạn phải đối mặt với khủng hoảng niềm tin: "Người khác không tin bạn". Và khó khăn hơn, khi chính bạn không tin vào mình. Bí quyết nằm ở đâu? Nằm ở chỗ, bạn phải có một ý chí sắt đá. Ý chí đó không đến từ những điều mơ hồ, mà nó phải có cơ sở, dù chỉ là mầm mống sơ khởi. Chính yếu tố này sẽ giúp bạn vượt qua khó khăn ban đầu. 4. Nuôi dưỡng đam mê Niềm tin, sự quả cảm, biết nuôi dưỡng niềm đam mê, tôn trọng kỷ luật là những đức tính quan trọng nằm trong tủ bí quyết của GS Ngô Bảo Châu. Anh cho rằng, trên con đường học tập, khó tránh cảm giác thiếu lửa nhiệt tình, lúc đó, mỗi người cần phải nhìn vào người khác để cố gắng. Việc học lúc đó là bổn phận, trách nhiệm, dù muốn hay không muốn, người khác cũng sẽ nhìn vào. Lúc đó, chúng ta cần phải có niềm tin, rằng cứ làm đi, thì sự say mê sẽ quay lại với chúng ta. 5. Tôn trọng kỷ luật Học là một quá trình lâu dài, không được vội. Học phải đi từ câu hỏi, người học quyết tâm giải đáp câu hỏi đó đến nơi đến chốn, không bỏ dở giữa chừng. Khi tìm hiểu kỹ, bạn sẽ thấy mọi vấn đề đều có thể hiểu được, GS khẳng định. 6. Học từ thầy giỏi, bạn tốt Để có thành công như ngày hôm nay, tác giả của giải thưởng Fields chịu ảnh hưởng của nhiều người, trong đó phải kể đến thầy giáo người Pháp Gérard Laumon. GS Ngô Bảo Châu tâm sự, đây là người đã hướng dẫn anh làm luận án. Thầy có khoảng 10 học trò, trong đó có 2 người được giải Fields. Thầy luôn duy trì thói quen mỗi tháng một lần gọi điện thoại cho từng người, để hỏi thăm cuộc sống và lên dây cót tinh thần cho học trò. Mỗi lần anh gọi điện là thầy có thể tiếp chuyện cả tiếng đồng hồ, cảm giác như thầy không bao giờ thiếu thời gian.
Theo Thethaohangngay
|
|||