06/09/2013 08:33 am
Hòa chung không khí cả nước, ngày 5-9, sau buổi lễ khai giảng, gần 1,4 triệu học sinh (HS) ở TP.HCM đã chính thức bước vào năm học mới. Điều kiện, đặc thù mỗi trường khác nhau nên có những lễ khai giảng cũng rất khác… Ngày khai giảng phải… ở nhà Sáng 5-9, cổng Trường Tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt, quận 5 vắng vẻ, không có cờ hoa để báo hiệu hôm nay là ngày khai giảng vì lễ tổ chức tận tầng năm của trường. Nhiều em HS xúng xính bộ đồng phục mới được phụ huynh chở đến trường nhưng phải lên xe quay về ngay vì giáo viên đứng ngay đó nhắc: “Hôm nay khai giảng mà, con về nhà đi, ngày mai đi học nhé”. Phải đến hàng chục lần, bảo vệ và giáo viên phải chạy ra nhắc các em quay về như thế. “Hội trường” nhỏ, chỉ đáp ứng khoảng hơn 300 chỗ ngồi nên chỉ có HS lớp 1 và lớp 5 được dự đầy đủ, riêng các khối lớp khác, mỗi lớp chỉ cử năm bạn đại diện. Hầu hết khoảng trống quanh cầu thang thoát hiểm dù thiếu ánh sáng nhưng đều được tận dụng làm chỗ ngồi cho HS và giáo viên dự lễ. Vì không gian bít kín và hẹp nên những tiết mục văn nghệ, phát biểu hay tiếng trống trường vang lên cũng khiến người nghe bị chói tai. Có lẽ vì thế, chỉ khoảng 45 phút buổi lễ đã kết thúc. Xong, các em được chia thành hai tốp đi cầu thang thường và cầu thang thoát hiểm để về lớp… Dù ngồi chật chội phía sau cầu thang thoát hiểm nhưng gương mặt các em HS Trường Tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt vẫn đầy vui tươi, háo hức trong buổi lễ khai giảng sáng 5-9. Ảnh: PHẠM ANH Rồng rắn dự lễ khai giảng Cũng không cờ hoa rực rỡ, không kèn trống rộn ràng nhưng niềm háo hức của ngày tựu trường vẫn rạng rỡ trên gương mặt của các HS Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Để tập trung được các em vào hội trường, thầy cô giáo phải cho HS xếp thành hàng, em nào nhìn thấy rõ nhất sẽ được đứng trước, cứ thế, các bạn vịn vai nhau, rồng rắn thành một hàng dài vào dự lễ. Lâu lâu có em kêu lên: “Bạn đi chậm thôi, không “đứt dây” hết biết đường đi bây giờ”… Có hiệu lệnh chào cờ, các em đứng nghiêm chỉnh. Đôi mắt nhắm nghiền nhưng tiếng hát quốc ca của các em thì vang lên hùng hồn, mạnh mẽ. Cô Phan Mỹ Tuyệt, đại diện Hội Phụ huynh HS, phát biểu tại buổi khai giảng: “Những buổi lễ thế này thật ý nghĩa với con em chúng tôi. Các thầy cô giáo không chỉ dạy kiến thức mà còn giúp các em tương tác với xã hội nhiều hơn, để các em không cảm thấy bị bỏ quên”. Khai giảng ở trường đông nhất nước “Cô hiệu trưởng lên sâu khấu để nói một vài điều. Cô nói chúng em phải chăm ngoan, học tốt và làm theo chủ điểm “Tiếp bước cha anh, làm nghìn việc tốt”… Đó là những ghi chép của em Lê Anh Thư học lớp 5/6 trên trang giấy học trò vào ngày khai giảng tại Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp). Vì trường có gần 4.500 HS nhưng diện tích sân trường chỉ đáp ứng khoảng 2.700 HS nên HS được dự khai giảng chủ yếu là lớp 1, các lớp học vào buổi sáng và 10 em đại diện cho mỗi lớp học buổi chiều. Thầy Võ Minh Thông, Hiệu phó trường, cho biết: “Trường có số HS đông nhất cả nước nên chúng tôi gặp khó khăn rất nhiều trong công tác quản lý. Nhiều thầy cô phải vất vả xoay sở với sĩ số gần 50 HS/lớp. Cách đây bốn năm, trường có đến 103 lớp. Đến nay, nhờ nỗ lực giảm tải bằng nhiều biện pháp từ lãnh đạo quận, trường còn 93 lớp và đang tiếp tục giảm tiếp. Vì quá đông, trường chưa thể mở lớp bán trú cho khối lớp 1 được, một lượng HS phải đi học nhờ trường bạn mới đủ chỗ”… Nỗi lòng ngày tựu trường Hàng chục năm nay cứ vào lễ khai giảng, lễ tết hay chào cờ đầu tuần là thầy và trò Trường Tiểu học Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại kéo nhau ra ngã tư Bùi Thị Xuân - Tô Hiến Thành, mượn lòng đường, vỉa hè, quán cà phê. Học sinh xếp hàng ngay ngắn dưới lòng đường, còn giáo viên xếp thành hàng dài bên ngoài để quản lý các em. Được biết trụ sở của trường là một ngôi biệt thự ba tầng có kiến trúc Pháp chật chội chỉ với tám phòng học, phần sân rộng chỉ khoảng 10 m2. Trong khi đó, số học sinh của trường lên tới 600 em. Để khắc phục tình trạng thiếu phòng học, ban lãnh đạo nhà trường đã thuê thêm hai điểm lẻ khác. Sau nhiều ngày chuẩn bị cờ, hoa cho lễ khai giảng dưới lòng đường nhưng vì trời mưa to nên trường quyết định hoãn và chuyển sang khai giảng nhờ ở Trường THCS Vân Hồ (số 1 Cao Đạt). Tương tự, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng) có diện tích vô cùng chật chội lại cùng chung với khu dân cư nên cứ đến lễ khai giảng, chào cờ… là ban giám hiệu nhà trường lại mượn Cung văn hóa Thiếu nhi để tổ chức. Thời gian khai giảng cũng khá oái oăm, diễn ra vào lúc chiều muộn, từ 15 giờ đến 17 giờ 30. Nhiều trường tiểu học khác như Lê Ngọc Hân, Ngô Thì Nhậm, Chu Văn An cũng cùng chung cảnh ngộ khai giảng "nhờ˝. Theo PLTP
Cùng like Bí mật 12 cung hoàng đạo trên Facebook
NẮM CHẮC KIẾN THỨC, BỨT PHÁ ĐIỂM 9,10 LỚP 1 - LỚP 12 CÙNG TUYENSINH247! Nếu em đang:
Tuyensinh247 giúp em:
Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY |