Dự kiến giảm câu hỏi môn toán, thêm kiến thức
Ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Q.1), cho hay năm nay, với lứa HS Chương trình GDPT 2018, đề thi tuyển sinh lớp 10 của TP.HCM càng bám sát với định hướng vận dụng thực tiễn, khuyến khích và đánh giá cao tư duy sáng tạo, năng lực phẩm chất.
Tuy vậy, theo ông Khoa, với môn ngữ văn, khi đã học và kiểm tra theo cách không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa thì HS cần tìm, chọn những tác phẩm có cùng chủ đề, chủ điểm để tạo cho mình nguồn ngữ liệu đưa vào bài văn. Việc chuẩn bị này càng sớm, càng kỹ thì càng có chất lượng.
Còn ở môn toán, từ định hướng của Sở GD-ĐT cũng như căn cứ vào nội dung chương trình, tổ trưởng tổ toán một trường THCS tại quận trung tâm cho biết, HS vẫn cần ôn luyện các kiến thức về đồ thị, phương trình, hệ phương trình, định lý Vi-et, các bài toán thực tế, hình học không gian như trước. Tuy nhiên, với lứa HS năm nay thì cần chuẩn bị kiến thức xác suất thống kê do chương trình mới có nội dung này. "Đây là nội dung kiến thức toán học đã học từ lớp 7 đến lớp 9 lần lượt từ mức cơ bản đến nâng cao. Tuy vậy sẽ không yêu cầu quá khó mà đòi hỏi HS hiểu công thức và áp dụng vào tính toán", tổ trưởng này nói và cho hay trong họp chuyên môn, Sở GD-ĐT TP.HCM dự kiến biên soạn đề thi tuyển sinh năm nay có 7 câu (giảm 1 câu so với đề thi tuyển sinh lớp 10 năm 2024).
Theo một GV dạy toán tại Q.1, HS lớp 9 năm nay đã học theo chương trình GDPT 2018 từ năm lớp 6, đã làm quen việc tiếp cận kiến thức lồng ghép với vận dụng thực tế. Sau mỗi chương kiến thức đều có hoạt động trải nghiệm để HS vận dụng kiến thức vào thực tế tính toán. Vì vậy, HS cần chú ý đến các hoạt động trải nghiệm này.
Những môn thi mới
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2025 sẽ được giữ ổn định với 3 môn thi ngữ văn, toán và ngoại ngữ. Tuy nhiên, mức độ phân hóa và đổi mới của đề thi ở từng môn sẽ được Sở tính toán, điều chỉnh nhằm phù hợp với việc dạy và học theo hướng đánh giá năng lực học sinh (HS), bám sát mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 ở bậc THCS.
Với lớp 10 chuyên, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết định hướng của Sở là sẽ thay thế các môn thi chuyên vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý bằng các môn thi chuyên khoa học tự nhiên, lịch sử - địa lý, theo đúng với Chương trình GDPT 2018 ở bậc THCS. Tuy nhiên, ở bậc THPT sẽ có những định hướng phù hợp để HS chọn đúng các môn chuyên lý, hóa sinh, lịch sử, địa lý theo Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT, gắn với định hướng nghề nghiệp.
Người đứng đầu ngành GD-ĐT TP.HCM cho hay, dự kiến trong khoảng tháng 10, sẽ công bố đề thi minh họa ở từng môn thi tuyển sinh để giáo viên (GV), nhà trường có định hướng trong việc đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá bám sát theo hướng đánh giá năng lực HS.
Thay đổi cách dạy, cách học
Theo khung thời gian năm học 2024 - 2025 do UBND TP.HCM ban hành, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2025 sẽ được tổ chức vào tháng 6.2025.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh), cho biết với lịch thi như vậy thì nhà trường có kế hoạch, ngay vào giữa tháng 1.2025, khi bước vào học kỳ 2, GV các môn thi sẽ chủ động lồng ghép dạy kiến thức với ôn tập, làm quen với các dạng bài, dạng đề để HS có thời gian làm quen nhiều nhất có thể.
Đồng thời, từ kết quả của kỳ thi lớp 10 năm 2024, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám cũng yêu cầu GV, HS phải thay đổi cách học, chuẩn bị kiến thức các môn thi cho kỳ thi lớp 10 năm 2025, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến môn toán. Ông Tuấn cho rằng HS không học máy móc các dạng toán, rập khuôn như những năm học trước. GV cũng phải thay đổi triệt để phương pháp dạy học đối với HS.
Còn tại Trường THCS Hà Huy Tập (Q.Bình Thạnh), bà Hứa Thị Diễm Trâm, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay tuy đội ngũ GV lớp 9 đã được nhà trường lựa chọn là những thầy cô "gạo cội", có kinh nghiệm trong việc ôn thi lớp 10 nhưng vẫn lưu ý thầy cô không chủ quan với HS năm nay. Theo cô Trâm, năm nay là năm đầu tiên thi tuyển sinh theo chương trình mới, HS chắc chắn không tránh khỏi những lo lắng, áp lực. Vì vậy đòi hỏi GV phụ trách những môn thi cần nắm chính xác, phân định đối tượng HS để bổ sung, củng cố hay nâng cao một cách phù hợp nhất.
Thầy Trần Tuấn Anh, Trường THPT Thủ Đức (TP.HCM), cũng nhấn mạnh GV cùng HS cần phải thay đổi trong việc dạy và học. Trước hết thay đổi cách nghĩ. Kiến thức toán quen thuộc lâu nay như biến đổi biểu thức, tính giá trị biểu thức, giải phương trình, giải bất phương trình, chứng minh... không phải đích cuối của việc học toán. Đó chỉ là công cụ đắc lực cho việc giải các bài toán thực tế.
Vì vậy, tránh dạy học tủ theo các dạng bài kiểu định ra các bước giải tường minh cho HS học thuộc. Điều này làm hạn chế sự tự do sáng tạo của các em, bó buộc tư duy khiến các em lúng túng khi gặp dạng toán "lạ".
Theo thầy Tuấn Anh, cần tăng khả năng đọc hiểu cho HS trong việc tìm hiểu bài toán, hiểu và tóm gọn giả thiết, hiểu yêu cầu bài toán... bằng cách cung cấp các từ vựng về các lĩnh vực thực tiễn như tài chính, thống kê... Xen kẽ trong bài dạy là các ví dụ thực tế, gần gũi. HS cũng phải học theo bản chất, hiểu các định nghĩa, khái niệm về các đối tượng toán học để sử dụng trong giải toán... Tránh tình trạng học thuộc công thức mà không biết sử dụng.
Theo Báo Thanh Niên