Nắm vững quy chế
Ông Nguyễn Quốc Cường, Chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT, cho rằng để có bài thi đạt điểm cao, trước hết thí sinh cần tuân thủ đúng quy chế làm bài, đặc biệt là trong bài thi trắc nghiệm. Dẫn chứng điều này, ông Cường nêu ví dụ: “Bài thi phải có chữ ký của 2 cán bộ coi thi. Các ô số báo danh, ô mã đề thi, ô trả lời chỉ được tô bằng bút chì đen. Trong trường hợp tô nhầm hoặc muốn thay đổi câu trả lời, thí sinh phải gôm sạch chì ở ô cũ, rồi tô kín ô khác mà mình lựa chọn”.
Cũng theo ông Cường, việc điền chính xác và đủ thông tin vào các mục trống ở phía trên phiếu rất quan trọng. Chẳng hạn, thí sinh phải tô đủ cả 6 ô (kể cả các số 0 phía trước) phần số báo danh. Khi nhận đề thi, thí sinh phải để đề thi dưới tờ phiếu trả lời trắc nghiệm, không được xem đề thi khi cán bộ coi thi chưa cho phép. Đặc biệt, phải kiểm tra đề thi xem đã đủ số lượng câu trắc nghiệm như trong đề chưa, nội dung đề đã rõ ràng chưa, không thiếu chữ, mất nét và tất cả các trang của đề thi đều ghi cùng một mã đề. Nếu có những chi tiết bất thường trong đề thi, hoặc có 2 đề thi trở lên, thí sinh phải báo ngay cho cán bộ coi thi để xử lý.
Thí sinh tại hội đồng thi Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM năm 2012 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Với bài thi tự luận, thí sinh phải viết rõ ràng, không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng. Đặc biệt, bài thi không được viết bằng bút chì (trừ vẽ đường tròn bằng compa), cũng chỉ được viết bằng một thứ mực (không được dùng mực đỏ). Với phần viết hỏng phải dùng thước gạch chéo, không được tẩy xóa bằng bất kỳ cách gì. Ông Cường cũng khuyên, thực tế có nhiều thí sinh làm xong bài thi sớm nhưng không chịu đọc kỹ lại bài làm, do đó không phát hiện được những sai sót nên cũng dễ bị mất điểm đáng tiếc.
Ông Trần Ngọc Danh, Tổ trưởng Tổ sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), cũng lưu ý: “Lỗi mà hầu hết các thí sinh mắc phải khi làm bài thi trắc nghiệm là gôm không sạch. Đó là khi thí sinh tô đáp án đầu tiên nhưng sau đó thay đổi quyết định chọn đáp án khác, nhưng lại gôm không sạch ô đã tô cũ. Nếu vậy máy quét sẽ tự động hiểu là có hai đáp án nên không có điểm. Cũng lỗi này nhưng thí sinh có thể mất tới 2 điểm khi lần một chọn đáp án phần nâng cao hoặc cơ bản, nhưng sau đó gôm đi chọn lại ở phần còn lại. Khi gôm không kỹ, máy cũng tự động hiểu thí sinh đã chọn làm cả hai phần thi”. Cũng theo ông Danh, thí sinh khi làm bài thi trắc nghiệm chỉ nên dùng bút chì dạng tuốt, không nên sử dụng bút chì dạng bấm vì rất sắc, dễ cắn rách giấy thi.
Những lý do mất điểm
Để có thể ghi thêm điểm ở các môn khoa học xã hội, thạc sĩ Nguyễn Kim Tường Vy, Tổ trưởng Tổ sử - địa - giáo dục công dân Trường THPT Nguyễn Hiền (TP.HCM), phân tích: “Đập vào mắt người chấm bài trước hết là cách trình bày. Chữ có thể không đẹp nhưng phải rõ ràng, trình bày sạch sẽ và kỵ nhất là không chừa khoảng trống trong bài thi. Muốn đạt được điều này, thí sinh nên lưu ý khi lựa chọn bút viết tránh loại bị lem mực”. Riêng môn lịch sử, thạc sĩ Vy cho rằng: “Thí sinh cần phải trình bày các vấn đề lịch sử theo đúng trình tự logic thời gian hoặc theo vấn đề. Lỗi mà học sinh thường mắc nhất là trình bày chỉ nêu được sự kiện đơn thuần, trong khi khả năng phân tích, chứng minh, so sánh, đưa ra nhận định mới là yếu tố giúp bài thi ĐH đạt điểm cao nhất”. Bà Vy cho biết rất nhiều thí sinh làm bài rất dài, có khi từ 4 đến 8 trang giấy nhưng chỉ đạt 0,5 đến 1 điểm. Nguyên nhân là các thí sinh này không đọc kỹ nên bị lạc đề, diễn đạt dài dòng, lan man thiếu tập trung, không đi vào trọng tâm. Để tránh hiện tượng này, sau khi đọc kỹ đề thí sinh cần phác họa ngay ra giấy nháp các ý chính và sự phân bổ thời gian từng câu trong khoảng 10 phút trước khi làm bài.
Bà Nguyễn Minh Hằng, Tổ trưởng Tổ văn Trường THPT Marie Curie, chia sẻ: “Nhiều học sinh không có kỹ năng làm bài, thể hiện ở việc thí sinh làm bài mà không hề để ý đến bố cục, trong khi điều này rất quan trọng để có thể tăng thêm điểm. Nếu bài văn được viết với bố cục rõ ràng, từng đoạn văn được chăm chút bằng cách thụt đầu dòng sẽ khiến người chấm bài có cảm tình hơn nhiều”.
Theo Hà Ánh (TN)