PGS Văn Như Cương: 'Bệnh thành tích nằm ngay ở Bộ Giáo dục'

Cho rằng, bệnh thành tích rất nặng nề, làm sai lệch, méo mó cái đích thực của giáo dục, PGS Văn Như Cương khẳng định, phải chống được căn bệnh này thì mới mong đổi mới giáo dục toàn diện.

- Hội nghị Trung ương 6 đã thảo luận, cho ý kiến về Đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục" và cho rằng cần phải tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, bàn bạc một cách thấu đáo, cẩn trọng. Ông suy nghĩ như thế nào về quyết định này?

- Tôi rất quan tâm đến thông báo của hội nghị Trung ương 6, không chỉ vì vấn đề nhân sự mà còn vì đặc biệt quan tâm đến giáo dục. Tôi nhận thấy Trung ương đã thảo luận, đánh giá về giáo dục, những bất cập và chỗ chưa thành công, đồng thời phân tích tại sao cần phải đổi mới, đổi mới những gì.

Tôi tán thành việc chưa vội quyết định các vấn đề trong đề án đổi mới giáo dục đã trình, bởi muốn thay đổi toàn diện phải mạnh dạn nhưng cần thận trọng. Việc đổi mới giáo dục cần cả hệ thống chính trị phải vào cuộc vì giáo dục không phải việc của riêng ai.

Chúng ta thấy năm nào cũng thế, cứ đến mùa khai giảng là lại rộ lên vấn đề loạn thu nhưng không làm thế nào thay đổi được. Nguyên nhân đơn giản vì không ai vào cuộc một cách quyết liệt. Quy định là các khoản thu không được ép buộc mà phải do phụ huynh tự nguyện. Để có được điều này, trường in sẵn ra giấy rồi phụ huynh ký vào, như vậy là tự nguyện một cách bắt buộc. Nói như vậy để thấy rằng, làm việc gì, từ nhỏ đến lớn cũng cần thực hiện một cách đồng bộ.

PGS Van Nhu Cuong: \'Benh thanh tich nam ngay o Bo Giao duc\'
Thầy Văn Như Cương khẳng định, giáo dục phải hướng đến mục tiêu học để làm tốt hơn công việc của mình chứ không phải học để thi, để thăng chức, tăng lương. Ảnh: Hoàng Thùy.

- Hội nghị Trung ương 6 cũng nói đến đổi mới tư duy và mục tiêu đào tạo. Theo ông, hai vấn đề này nên hiểu như thế nào?

- Mục tiêu đào tạo của chúng ta từ trước đến nay chưa có gì sai, chỉ là làm không được thôi. Ví dụ, như nói "giáo dục là quốc sách hàng đầu" nhưng làm chưa đến nơi. Cái cần thay đổi lớn nhất hiện nay là phải xác định ba vấn đề: học để làm gì, học cái gì, học như thế nào?

Về câu hỏi học để làm gì, chúng ta đang nặng vấn đề ứng thí, học chỉ để thi, để lấy bằng, thăng quan tiến chức, tăng lương... Trong khi đó, mục đích cần có của việc học phải là để làm tốt hơn công việc của mình thì lại chưa đạt được. Trong một xã hội chú trọng bằng cấp, muốn thăng chức là phải có bằng nên học sinh chỉ học những gì để thi là điều tất yếu.

Xác định học cái gì cũng chưa tốt, rất nhiều thứ thừa thãi không cần thiết nhưng học sinh đang phải học. Ví như kỹ sư xây dựng không cần đến văn chương phức tạp, học rồi quên ngay vì không ứng dụng trong thực tế, nghĩa là kiến thức đó đang thừa, nhưng các em lại thiếu kỹ năng sống, thái độ đối với cuộc sống và môi trường xung quanh.

Học như thế nào thì càng tệ. Các em học tủ, học lệch, học thêm, thậm chí không học mà vẫn có bằng (mua bằng, đạo văn...). Thế nên cần thay đổi tư duy học để làm gì, học cái gì và học như thế nào.

- Cùng với thay đổi tư duy, nội dung và phương pháp giảng dạy cũng là vấn đề được hội nghị Trung ương nhắc đến. Quan điểm của ông?

- Khi tư duy thay đổi, tất cả cơ cấu giáo dục cũng phải bàn lại, như bậc phổ thông học bao nhiêu năm, trong phổ thông có ngành học thuần túy hay trung học có dạy nghề, rồi vào đại học như thế nào?

Cần đặt ra câu hỏi tại sao bậc THPT học chương trình giống nhau nhưng khi thi vào đại học lại thi các ngành khác nhau. Theo tôi chỉ cần 1/3 học sinh phổ thông thi vào đại học, còn 2/3 đi học nghề để làm thợ. Thế nên cần phải phân luồng, phân hóa, có phổ thông bình thường, phổ thông cấu trúc theo kiểu dạy nghề. Vì là học suốt đời nên các em học nghề đi làm rồi cũng có thể học tiếp.

Gần đây, tôi cũng đọc nhiều ý kiến của những người có tâm huyết với giáo dục như TS Lê Trường Tùng (ĐH FPT) về giáo dục phổ thông 9 năm, hay nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ về giáo dục 11 năm. Tôi thấy nếu bỏ những phần vô bổ của kiến thức phổ thông đi chúng ta có thể rút ngắn thời gian đào tạo. Tôi từng đề nghị cắt 1/3 kiến thức phổ thông, như vậy có thể học 9 năm.

Tuy nhiên, kỹ năng sống chúng ta đang thiếu. Thế nên phần này sẽ được đưa vào thế chỗ cho những kiến thức thừa, và học phổ thông vẫn 12 năm. Chúng ta phải có thời gian cho học sinh đi dã ngoại, rèn luyện, đi thực tế cuộc sống, tiếp xúc với thiên nhiên, cộng đồng. Điều này trước kia có làm nhưng không được duy trì.

Tôi nghĩ rằng, dự thảo về đổi mới giáo dục cần phải đăng công khai cho mọi người góp ý. Tôi rất sợ những người ngồi trong phòng máy lạnh, không đi thực tế viết ra đề án. Ở quê tôi, học sinh nội trú ăn trưa chỉ có cơm trắng chan nước suối. Có người hỏi thì các em nói "bọn em ăn rứa quen rồi". Như vậy, xây dựng cơ sở cho giáo dục là vấn đề lớn, cần phải làm tốt. Nhà ăn, phòng học, nơi ở của học sinh nhiều nơi còn lợp phên nứa, tranh tre, trong khi ở Hà Nội trường Amsterdam xây dựng với 461 tỷ đồng, như vậy là chưa đồng bộ.

- Trước đây, dù điều kiện vật chất khó khăn nhưng chúng ta vẫn đào tạo ra lớp học trò xuất sắc. Phải chăng tâm huyết với nghề của người giáo viên dường như ngày càng giảm sút?

- Chúng tôi là lứa sinh viên sư phạm đầu tiên ra trường. Thời chúng tôi cũng được dạy phương pháp giảng hiện đại, không có thầy đọc trò chép, có cách gợi mở, đặt vấn đề, phát huy trí lực của học sinh. Tuy nhiên, việc áp dụng phương pháp mới phải đồng bộ, số lượng chỉ 20 - 30 học sinh chứ không nhiều như hiện nay.

Giáo dục đang cải tiến, đưa công nghệ thông tin, giáo án điện tử vào giảng dạy nhưng không ăn thua. Tôi quan niệm vị trí của người thầy không nên thay đổi, phải đóng vai trò chủ đạo, là người thiết kế chương trình và đạo diễn bài giảng, dù mỗi người có một cách dạy, đưa kênh thông tin đến với học sinh bằng cách khác nhau.

Tuy nhiên, thu nhập của giáo viên hiện nay đang thấp. Nếu so sánh về lương thì không thua kém các ngành khác, song thời buổi này ít người sống được vì đồng lương. Ví như cảnh sát giao thông có phụ cấp, chứ phần thêm của giáo viên thì không có. Chưa kể những giáo viên lên miền núi, điều kiện thiếu thốn, phải đến từng nhà vận động các em đi học.

Gần đây, dư luận nóng lên và bức xúc với ngành giáo dục vì một số "tai nạn nghề nghiệp" như học sinh nhảy từ ban công phòng học tự tử khi cô giáo mắng hay học sinh cắt gân tay khi không được cô cho nêu quan điểm... Nhiều người cho rằng giáo viên cũng giống bác sĩ, nếu bác sĩ sai sót một chút là hại chết người thì giáo viên sai sẽ làm hỏng cả một thế hệ. Tuy vậy, chúng ta nên chấp nhận những sai sót nhỏ, tai nạn nghề nghiệp không tránh khỏi của nghề giáo, bởi sự việc chỉ nguy hiểm nếu chúng ta không phát hiện ra cái sai, để nó dần ngấm sâu vào học sinh những quan niệm và cách hành xử không đúng.

- Bệnh thành tích trong giáo dục được đánh giá là căn bệnh trầm kha và cản trở không nhỏ đến đổi mới giáo dục toàn diện. Ý kiến của ông thế nào?

- Bệnh thành tích của giáo dục thì đã thấy rõ ngay trong kỳ thi tốt nghiệp THPT với 98% em đỗ. Như vậy ngay từ Bộ GD&ĐT - cơ quan quản lý cao nhất của ngành giáo dục đã có bệnh thành tích. Tôi cho rằng, nếu đánh giá kết quả giáo dục trên những con số thì không được. Nếu hai cô giáo dạy văn cùng cho học sinh làm bài kiểm tra, lớp này có nhiều điểm 10 hơn lớp kia sẽ đánh giá cô này dạy tốt hơn cô kia thì tội gì cô không cho trò điểm cao?

Bệnh thành tích nặng nề trong giáo dục đã làm sai lệch, méo mó cái đích thực của giáo dục. Năm nay tốt nghiệp 98%, năm sau sẽ là bao nhiêu khi thành tích là phải "năm sau cao hơn năm trước". Thế nên, phải chống được bệnh thành tích thì mới mong đổi mới giáo dục toàn diện.

- Ông đã nghe nhiều chuyên gia bàn về đổi mới giáo dục, vậy nếu chỉ nói một câu về giáo dục hiện nay, ông sẽ nói gì?

- Đổi mới giáo dục là công việc cấp bách, cần phải làm khẩn trương, mạnh dạn và đồng bộ.

PGS Văn Như Cương là nhà cách tân giáo dục, người đi tiên phong trong việc mở ngôi trường phổ thông dân lập đầu tiên của Việt Nam. Ông sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề dạy học. Tốt nghiệp khoa Toán ĐH Sư phạm Hà Nội, ông trở thành cán bộ giảng dạy tại trường. Năm 1971, ông bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ sau khi học chương trình nghiên cứu sinh ngành Toán học tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cũ.

Năm 1989, ông mở trường Lương Thế Vinh, trường phổ thông dân lập đầu tiên của Việt Nam từ khi đổi mới. Ngoài ra, ông chủ biên và trực tiếp biên soạn hơn 60 đầu sách sách giáo khoa, sách tham khảo phổ thông và giáo trình đại học. Phó giáo sư Văn Như Cương còn là nhà giáo nhân dân có nhiều tâm huyết với việc cải cách giáo dục, giảm tải sách giáo khoa hiện hành.

Hoàng Thùy (VNE)

DÀNH CHO 2K10 - LỘ TRÌNH ÔN THI VÀO LỚP 10 NĂM 2025!

  • Em đang lo lắng vì năm đầu tiên thi vào lớp 10 theo chương trình mới?
  • Hoang mang không biết học và ôn thi vào lớp 10 ra sao?
  • Muốn tìm lộ trình ôn thi vào lớp 10 theo chuẩn cấu trúc đề thi vào lớp 10?

Tham khảo Khoá học lớp 9 - Lộ trình UP10 tại Tuyensinh247:

- Đa dạng hình thức học: Học live tương tác, học qua bài giảng quay sẵn

- Ôn thi vào 10 - Luyện đề vào 10

- Bộ 10.000+ câu hỏi, 500+ bài giảng, 300+ đề thi bám sát sườn cấu trúc đề thi từng tỉnh

Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY


Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

>> Học trực tuyến lớp 9 & lộ trình Up 10! trên Tuyensinh247.com Đầy đủ khoá học các bộ sách (Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cánh diều), theo lộ trình 3: Nền Tảng, Luyện Thi, Luyện Đề. Bứt phá điểm lớp 9, thi vào lớp 10 kết quả cao. Hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.

Viết bình luận: PGS Văn Như Cương: 'Bệnh thành tích nằm ngay ở Bộ Giáo dục'

  •  
Bứt Phá Lớp 9 - Tuyensinh247