Phân tích vẻ đẹp hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu

Cây xà nu và dân làng Xô Man như hình với bóng, gắn bó mật thiết. Người Xô Man sinh ra dưới bóng xà nu, lớn lên, làm lụng, hò hẹn dưới bóng xà nu, đến lúc qua đời cũng nằm dưới bóng cây thân thuộc ấy. Có thể nói hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn của Nguyễn Trung Thành chính là biểu tượng của con người Xô Man.

Thân Bài

Nếu chúng ta thống kê đầy đủ thì hình ảnh xà nu với những biến thể của nó đã xuất hiện trong câu chuyện này không dưới hai mươi lần. Với số lần xuất hiện như vậy, hình tượng này đã thấm sâu vào nội dung câu chuyện, thâm nhập, đan xen vào đời sống của các nhân vật trong truyện. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đó không thôi thì cây xà nu mới chỉ là một hình ảnh chứ chưa phải là biểu tượng. Muốn biến một hình ảnh thành một biểu tượng, nhà văn cần phải mô tả theo lối tượng trưng hóa. Và Nguyễn Trung Thành đã hoàn thành công việc này một cách hoàn hảo.

Nguyễn Trung Thành đã sử dụng rộng rãi thủ pháp nhân cách hóa. Nghĩa là ông đã mô tả cây xà nu như con người. Chúng ta thấy ở đây những “thân hình xà nu”, “nhựa xà nu như những cục máu lớn", “rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho làng’’... Nhờ đó mà rừng xà nu cũng hiện ra như một nhân vật của câu chuyện. Thực ra lối viết này không phải hoàn toàn mới mẻ. Điều đáng nói hơn là ở chỗ Nguyễn Trung Thành đã biến rừng xà nu thành cả một hệ thống hình ảnh, được mô tả song song với hệ thống hình tượng nhân vật.

Rừng xà nu hiện ra với ba lứa cây chính: lứa những cây già, lứa những cây trẻ và lứa những cây non. Chúng lại hiện ra với những cảnh ngộ và thân phân rất tương ứng với con người: có những cây bị phạt ngang thân mình, có những cây mình đầy thương tích, nhưng không bom đạn nào có thể làm cho nó gục ngã, lại có những cây non mới mọc ra nhưng đã đâm lên khỏi mặt đất nhọn hoắt như những mũi lê. Ba lứa cây xà nu, ba loại thân phận xà nu tương ứng với ba thế hệ người Xô Man được mô tả trong câu chuyện. Trước hết, đó là thế hệ những người già như cụ Mết. Cụ Mết tiêu biểu cho những người già, những người từng trải có sức sống bền bỉ dẻo dai như chính Tây Nguyên kiên cường gan góc. Tiếp theo cụ Mết là thế hệ thanh niên mà tiêu biểu là Tnú, Mai, Dít. Họ là những con người cường tráng, vạm vỡ mang trong mình sức sống mạnh mẽ của làng. Tuổi trẻ của họ đang được thử thách, tôi luyện, dạn dày trong đấu tranh và bom đạn. Nhưng, vượt lên tất cả, họ vẫn kiên cường trụ vững như những cây xà nu, những con chim đại bàng đã đủ lông mao, lông vũ bay thẳng lên bầu trời. Và cuối cùng là thế hệ thiếu niên như thằng bé Heng. Những đứa trẻ này vừa mới sinh ra mà đã cứng cỏi, gan góc, đã tạc mình theo hình ảnh của thế hệ cha anh. Ba thế hệ người Xô Man được mỏ tả rât tự nhiên tạo nên một hình tượng tập thể, thành một khối đoàn kết, gắn bó, trụ vững từ nghìn đời nay. Nếu ở Rừng xà nu, người ta thấy sức sống của xà nu là bất diệt, dòng nhựa xà nu được truyền lại nguyên vẹn từ những cây cổ thụ đến những cây non, thì ở những con người Xô Man người ta cũng thấy dòng máu Tây Nguyên cũng được truyền lại trọn vẹn từ lồng ngực những thế hệ già sang trái tim những thế hệ trẻ. Nó giúp cho tác giả Nguyễn Trung Thành khẳng định một chân lí: sức sống của Tây Nguyên là bất diệt. Và chân lí ấy đã trở thành triết lí của bản thân câu chuyện này. Nguyễn Trung Thành đã gửi gắm điều đó vào lời nói cùa cụ Mết. Phải, chỉ có cụ Mết, chi có cây xà nu cổ thụ ấy mới có toàn quyền để phát ngôn cho sức mạnh của xà nu: “Không cây nào mạnh bằng cây xà nu đất ta. Cây mẹ ngã, cây con mọc lên. Đố nó giết được hết rừng xà nu này”. Và khi người Xô Man đã cầm lầy vũ khí nhất tề đứng lên khởi nghĩa, thì cũng được Nguyễn Trung Thành mô tả như sự nỗi giận của rừng già, như sự nổi dậy của những cánh rừng Xà Nu: “Suốt đêm nghe cả rừng Xô Man ào ào rung động. Và lửa cháy khắp rừng...".

Phan tich ve dep hinh tuong cay xa nu trong truyen ngan Rung xa nu

Cây xà nu trong "Rừng Xà Nu" là 1 biểu tượng nghệ thuật đẹp trọn vẹn

Để biến hình tượng xà nu thành một biểu tượng nghệ thuật trọn vẹn. Nguyễn Trung Thành còn sử dụng một kết cấu rất hợp lí, đó là kết cấu vòng tròn mang tính luân hồi. Câu chuyện mở ra bằng hình ảnh rừng xà nu được đặc tả khá kỹ lưỡng và sắc nét. Cuối cùng Nguyễn Trung Thành lại cũng dùng hình ảnh rừng xà nu để khép lại câu chuyện. Đây là lối kết câu vừa đóng vừa mở, nó khép lại câu chuyện này để mở ra một câu chuyện khác. Khiến cho người đọc có cảm tường rằng đây chỉ là một chương trong lịch sử ngàn đời của người Xô Man, chỉ là một chương trong bản anh hùng ca vô tận của Tây Nguyên. Người Tây Nguyên hôm nay đang viết tiếp bản anh hùng ca muôn thuở của mình. Kì tích anh hùng của Tnú chỉ là sự tiếp tục của những gì mà Đăm San và Xinh Nhã đã làm thuở xưa. Và nó hứa hẹn rằng những kì tích anh hùng ấy còn được viết tiếp bởi những anh hùng trong thế hệ mới của Dít và Heng. Mặt khác người ta cũng thấy với lối kết câu này, câu chuyện còn mở ra cả trong không gian. Sức mạnh quật cường của con người không chỉ bó hẹp ở làng Xô Man mà còn mở rộng ra cả Tây Nguyên, mờ rộng ra mãi ra mãi như là sức mạnh của cả dân tộc này: Đứng ở đồi xà nu cạnh con nước lớn, nhìn “đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp nhau chạy đến chân trời".

Kết Luận:

Hình tượng cây xà nu trong tác phẩm của Nguyễn Trung Thành vừa thực vừa mang ý nghĩa biểu tượng. Đó là một sáng tạo độc đáo của nhà văn - cây xà nu chính là sức sống bất diệt của con người Tây Nguyên và cũng là một hình tượng nghệ thuật bất tử trong văn học kháng chiến chống Mĩ.

Tuyensinh247 tổng hợp

1 bình luận: Phân tích vẻ đẹp hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu

  •  
Khoá học lớp 1-12 - Tuyensinh247