31/10/2013 13:53 pm
Ngày 30/10 tại Hà Nội, NXB GD Việt Nam đã tổ chức một hội thảo quốc tế về đổi mới, hiện đại hoá chương trình và SGK theo định hướng phát triển bền vững. Hội thảo có sự tham gia của gần 30 nhà khoa học đến từ các nước Ucraina, Đức, Thuỵ Điển, Hà Lan, Australia… và Việt Nam. Quan điểm đổi mới PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Thường trực ban soạn thảo đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015 cho biết: Tiếp nối chương trình (CT) giáo dục Mầm non, nội dung các môn học trong CT giáo dục phổ thông (GDPT) cần được xây dựng một cách tổng thể, xuyên suốt từ Tiểu học đến THPT đảm bảo tính thống nhất, hệ thống và liên thông giữa các cấp học, môn học, hoạt động giáo dục (HĐGD); giữa GDPT với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục sau phổ thông. Các môn học không nhất thiết có mặt ở tất cả mọi lớp. Sách giáo khoa phải gần gũi hơn với học sinh Theo PGS TS Trần Đức Tuấn (NXB GD VN), tổ chức Unesco quan niệm SGK được xem như một trong những yếu tố quyết định nhất đến chất lượng giáo dục của một quốc gia bên cạnh yếu tố giáo viên, hệ thống tổ chức giáo dục và chương trình giáo dục. Trong khi đó, SGK phổ thông hiện hành ở VN bộc lộ nhiều hạn chế, việc đổi mới căn bản, toàn diện SGK là một đòi hỏi cấp bách không thể trì hoãn. Tuy nhiên, việc đổi mới SGK phải bắt đầu từ những đổi mới về tầm nhìn và quan niệm đối với SGK. Sách giáo khoa phổ thông cần phải gần gũi với học sinh hơn Theo PGS Nguyễn Kế Hào, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Giáo dục: “SGK chỉ đạt yêu cầu khi có sự tham gia của đại diện các nhà khoa học thuộc các môn học, nhà giáo dục (tâm lý học, giáo dục học), nhà giáo và do chính học sinh thẩm định. SGK cũng phải đảm bảo được ba nguyên tắc: phát triển, chuẩn mực, tối ưu. Mỗi cấp học có vài ba bộ SGK khác nhau để giáo viên, học sinh lựa chọn.” Chẳng hạn SGK Thụy Điển trước đây cũng được thiết kế và biên soạn theo quan điểm thuần tuý khoa học, có nội dung và cấu trúc mang nặng tính hàn lâm nên học sinh khó tiếp thu; được trình bày một cách đơn điệu thiếu hấp dẫn, các giá trị cuộc sống được đề cập mờ nhạt. Trong những thập kỷ gần đây điều đó đã thay đổi. “Việc tích hợp và lồng ghép các giá trị thực tế đời sống vào SGK, tính sư phạm, tính hấp dẫn và tính bền vững của SGK được họ đặc biệt coi”, PGS Trần Đức Tuấn nói. GS TS Olena Pometun, Viện Hàn lâm Khoa học Giáo dục quốc gia Ucraina, cũng cho biết, SGK giờ đây không còn là “trung tâm của vũ trụ” - nguồn thông tin xác thực duy nhất - nữa mà chỉ là một trong những công cụ dạy và học,trình bày thông tin theo quan điểm của người biên soạn. Sách giáo khoa cần tránh sơ lược, phi thực tiễn Phân tích một số nhược điểm trong thực trạng SGK hiện hành ở VN, một số chuyên gia trong nước cho rằng những lời phàn nàn “quá tải” của dư luận trong thời gian qua chưa hẳn đã do nội dung SGK. Thậm chí, như lời nhận xét của TS Nguyễn Huy Đoan (NXB Giáo dục VN), như môn toán khối lượng kiến thức trong SGK của VN chưa theo kịp nhiều nước trên thế giới. Khi trình bày một số nội dung cơ bản, SGK toán của VN đã bỏ qua nhiều khái niệm liên quan, có ý nghĩa thực tiễn và cập nhật. Một số nội dung được trình bày rất hạn chế, hoặc không đề cập. Sau khi đưa ra một số ví dụ cụ thể của SGK toán ở Đức, TS Nguyễn Huy Đoan nhận xét, tác giả viết SGK của họ chuẩn bị rất kỹ, những vấn đề càng khó, càng tinh tế thì càng được nhấn mạnh và nhắc lại nhiều lần với nhiều hình thức khác nhau và có nội dung gắn với thực tiễn. Trong khi đó ở VN, các tác giả viết một cách sơ lược, tiếp cận một cách vội vàng, phi thực tiễn, và né tránh nhiều nội dung bị coi là khó. Cũng theo TS Nguyễn Huy Đoan, khi xây dựng chương trình sau năm 2015 cần chú ý đến mặt bằng chung về nội dung kiến thức của các nước tiên tiến, liệu pháp “giảm tải” không phải là “cắt bỏ” mà là “thu gọn”, kết hợp với đổi mới phương pháp tiếp cận. Đặc biệt, cần quan tâm đến năng lực tự học, tự đọc và năng lực tự diễn đạt các nội dung chuyên ngành-điều mà SGK hiện hành chưa thực sự quan tâm. Trước đó Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 2 môn, bỏ kỳ thi đại học. Sau năm 2015, lớp 1, lớp 2 sẽ chỉ có ba môn: Toán, tiếng Việt, Khoa học Tự nhiên & Khoa học Xã hội. Số môn học ngày càng nhiều hơn từ lớp 3, nhưng lên đến THCS cũng chỉ có 7 môn bắt buộc (thay vì 11 môn như hiện nay) Ở THCS, so với hiện nay, môn khoa học tự nhiên sẽ được tích hợp chủ yếu từ các môn Lý, Hóa, Sinh học. Cụ thể với cấp THPT định hướng các môn học bắt buộc của lớp 10 sau đổi mới sẽ gồm 11 môn: Ngữ văn, Toán, Giáo dục công dân, Ngoại ngữ 1, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Tin học, Công nghệ. Bên cạnh đó có 2 chuyên đề tự chọn chuyên sâu các môn Ngữ văn, Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học..., môn Ngoại ngữ 2. Theo Thethaohangngay |
>> Sau năm 2015, thi tốt nghiệp THPT còn 2 môn và bỏ thi Đại học
>> Học sinh THPT sau năm 2015 sẽ học những môn nào?