|
Học sinh, sinh viên tại Sàn giao dịch việc làm ở Thanh Hóa. |
Trung bình mỗi năm Thanh Hóa có tới 20.000 sinh viên tốt nghiệp cao đẳng và đại học (học ở gần 300 trường trên toàn quốc); hàng chục nghìn học sinh tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề.
Đầu năm 2013, ngành chức năng Thanh Hóa đã có số liệu thống kê, toàn tỉnh có tới gần 25.000 học sinh, sinh viên tốt nghiệp từ hệ trung cấp chuyên nghiệp đến thạc sĩ chưa có việc làm. Tuy nhiên, theo một số ý kiến cho rằng, con số này còn có thể cao hơn.
Ông Nguyễn Văn Long - Phó phòng Giáo dục chuyên nghiệp- Sở GD&ĐT Thanh Hóa đưa ra số liệu phân tích: Hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) năm 2011, toàn tỉnh có hơn 90.000 hồ sơ; năm 2012 có hơn 79.000 hồ sơ; năm 2013 có hơn 63.000 hồ sơ.
Như vậy, số hồ sơ ĐKDT giảm dần những năm trở lại đây. “Theo tôi đây là một tín hiệu mừng bởi lẽ đồng thời với việc ngành chức năng vào cuộc định hướng, hướng nghiệp, người dân cũng nhận thức sâu sắc hơn việc cố gắng có “tấm bằng” bằng mọi giá không phải là giải pháp duy nhất để có được việc làm”- ông Long nói.
Để phân luồng học sinh học nghề, định hướng ĐKDT, tại các trường trên địa bàn tỉnh đã thực hiện phân tích điểm bình quân các môn thi đại học (kết quả thi thử hoặc điểm thi kiểm tra, học kỳ) để định hướng cho học sinh nên ĐKDT trường nào là phù hợp, nên học nghề hay dự thi cao đẳng, đại học. Trong khi đó, số học sinh tốt nghiệp THPT giảm dần.
Đáng chú ý, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua đã tác động trực tiếp đến nhận thức của người dân về việc học nghề và học đại học. Tình trạng nhiều thạc sĩ, cử nhân phải đi làm công nhân ở các công ty, khu công nghiệp hoặc bị từ chối khi xin làm công nhân vì hồ sơ có bằng cấp quá cao là một trong những lý do khiến suy nghĩ “cố cùng” phải có “tấm bằng” cao đẳng, đại học thay đổi.
Do đó, nhiều học sinh thi trượt đại học cũng không ĐKDT lại mà chủ động tìm kiếm việc làm; học sinh năng lực yếu cũng không ĐKDT mà đi học nghề, hoặc đi làm lao động phổ thông… Đây là những nguyên nhân khiến số hồ sơ ĐKDT cao đẳng, đại học của tỉnh Thanh Hóa sụt giảm.
Ông Lê Văn Hoa - Phó giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Thực trạng này không chỉ báo động cho tỉnh Thanh Hóa nói riêng mà cả nước nói chung về việc nhìn nhận lại, có chiến lược quy hoạch phù hợp về đào tạo và sử dụng lao động; giảm lãng phí cho xã hội, người dân…
Tâm lý, tư tưởng phải có bằng đại học, cao đẳng khiến cho người người tìm mọi cách đổ xô đi học mà không cần biết tấm bằng mình học xong có hữu dụng hay không. Nhưng nhận thức về vấn đề này của người dân đang được thay đổi do chính thực tế về đào tạo và sử dụng lao động hiện nay tác động.
|
Hoàng Lam (TP)