Trao đổi với báo chí, ông Bùi Anh Tuấn cho biết, số lượng thí sinh thi vào khối C hiện nay rất khiêm tốn, đây cũng là một thực tế của xã hội. Lượng thí sinh thi vào khối C hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu việc làm. Do đó, muốn tăng số thí sinh thi vào khối C, thì cần quan tâm nhiều đến việc làm đối với các ngành nghề đào tạo khối C. Do vậy, sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ mở rộng và tăng ngành thi theo khối C thuộc lĩnh vực khoa học và xã hội như ngành du lịch vì một số trường đã đề nghị như vậy... Hy vọng sẽ thu hút nhiều thí sinh học khối C”.
Số lượng thí sinh dự thi khối C ngày càng ít.
Ông Vũ Anh Tuấn cho hay, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu nhu cầu về ngành nghề đào tạo và có cảnh báo xã hội một cách xác thực hơn, thường xuyên hơn đối với các trường cũng như thí sinh. Đồng thời với việc xây dựng hệ thống quy hoạch các ngành nghề đào tạo. Bộ GD-ĐT cũng sẽ sắp xếp, cân đối lại các ngành nghề đào tạo, quan tâm đặc biệt tới khuyến khích mở ngành về công nghệ, kỹ thuật, ngành nông lâm và một số ngành nghề khác.
Hiện nay, cơ cấu ngành nghề và quy mô đào tạo giữa các ngành, nghề, lĩnh vực và trình độ đào tạo phát triển chưa cân đối. Phần đông các cơ sở GDĐH, trong đó hầu hết các cơ sở ngoài công lập vẫn tập trung chủ yếu tuyển sinh các ngành dễ dạy, dễ học, ít phải tốn kém đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm, thực hành trong quá trình đào tạo (như các ngành Quản trị kinh doanh, Ngân hàng, Tài chính, Ngoại ngữ...).
Hình thức và trình độ đào tạo cũng không cân xứng, trong đó hình thức đào tạo vừa làm vừa học chiếm trên 65%. Vẫn chưa có cơ chế, chính sách tạo bước đột phá, khuyến khích SV vào học các ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, nông-lâm- ngư cũng như thu hút cán bộ khoa học có trình độ cao ở trong và ngoài nước đến làm việc trong các trường ĐH, CĐ.
Do khó tuyển sinh nên đa số các trường đều cố gắng bám sát quy định của pháp luật để tổ chức hoạt động, phát triển quy mô đào tạo phù hợp với các điều kiện bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh của nhiều cơ sở GDĐH gặp khó khăn. Chất lượng đầu vào của SV còn thấp.
Để có được người học, nhiều cơ sở GDĐH tìm mọi cách để lôi kéo sinh viên như không trả giấy chứng nhận kết quả thi hoặc không cho rút hồ sơ thí sinh… nên chưa quan tâm đúng mức tới chất lượng đầu vào và nguyện vọng của học sinh. Thậm chí tuyển sinh ở mức điểm sàn tối thiểu, thậm chí còn xin vận dụng những quy định ưu tiên để tuyển sinh dưới điểm sàn tối thiểu. Do vậy, một bộ phận người học cũng chưa xác định được động cơ học tập đúng đắn, học không phải vì mục đích tích lũy kiến thức, kỹ năng để làm việc, để cống hiến mà chủ yếu là với mục đích có tấm bằng để xin việc làm, để thăng tiến trong công tác,… làm nảy sinh tiêu cực như học hộ, thi hộ, gian lận trong thi cử…
Hồng Hạnh (DT)