Nhiều Sinh viên cao đẳng năm cuối phải ôn thi đại học cấp tốc để kịp thi liên thông năm 2013. AMH
"Miễn cưỡng" ôn thi vì không còn đường lùi
Gần một tháng kể từ ngày Thông tư 55/2012 của Bộ GD-ĐT quy định lại về việc liên thông cao đẳng (CĐ), đại học (ĐH) hệ chính quy có hiệu lực, nhiều sinh viên (SV) Cao đẳng đang phải “vật vã” ôn luyện lại kiến thức... cấp 3 để chuẩn bị cho việc thi liên thông sắp tới. Cùng với việc ôn thi liên thông, SV Cao đẳng các trường cũng đang phải đối mặt với kỳ thi tốt nghiệp cũng quan trọng không kém. Quá bất ngờ trước quyết định của Bộ GD-ĐT nhưng vì... không còn đường lùi nên phần lớn SV Cao đẳng phải “học lại” với mong muốn tiếp sức cho giấc mơ học ĐH.
Diệu Trang (SV năm cuối, ngành Quản trị Kinh doanh, CĐ Kinh tế - Kế hoạch Đà Nẵng) đã chạy khắp nơi để tìm mượn sách ôn thi ĐH của một vài người bạn cũ. Học 3 năm Cao đẳng, quên kiến thức phổ thông gần hết nhưng cô bạn vẫn kiên trì ôn luyện dù biết là việc mình “đậu ĐH” là... một điều khó tin. Trang chia sẻ: “Giờ chẳng còn lựa chọn nào. Ngành của mình bằng ĐH xin việc còn khó huống gì là bằng CĐ. Nên cố gắng ôn lại, thi lại biết đâu đậu thì sao”. Trang cũng thành thật cho biết: “Phần lớn các bạn trong lớp mình quyết định... bỏ cuộc vì biết chắc thi không đậu. Làm sao mà tụi mình có thể cạnh tranh nổi với các tân binh lớp 12 được”.
Còn T. Hương (SV Cao đẳng Dược) thì đang phải cùng lúc ôn thi cho hai kỳ thi tốt nghiệp và liên thông. Hương thẳng thắn nói: “Cực chẳng đã mới phải ôn thôi chứ thi sao mà lại người ta được. Học 3 năm giờ nhìn vào mấy con số cứ thấy lung tung hết lên. Còn nếu chờ 3 năm sau thi thì cũng hết muốn học rồi, thôi kệ ôn bừa biết đâu được”. Nhiều SV khác cũng mang trong mình tâm lý “hên xui” như Hương, việc các bạn ôn thi liên thông theo quy định mới phần nhiều chỉ là đối phó.
Một nam SV đang học tập tại Hà Nội buồn bã nói: "Trước đây đi học thì nhà trường, thầy cô khuyên nên nỗ lực để có cơ hội đi... đường vòng. Học 3 năm CĐ xong giờ phải ôn thi cùng với các em học sinh lớp 12, tự nhiên thấy kiến thức học của mình lãng phí quá. Biết vậy ở nhà ôn thi ĐH có phải đỡ tốn tiền bố mẹ hơn không?”. Cậu bạn cũng thừa nhận là giờ “không còn tâm trạng nào để học” vì biết sẽ chẳng đâu vào đâu.
“Ôn thi trong thời gian quá ngắn khó đạt hiệu quả”
Thông tư có hiệu lực từ ngày 7/2/2013 nhưng phải chờ đến hơn một tháng sau, nhiều SV cao đẳng mới nắm rõ thông tin trong quy định mới này. Với thời gian ban hành và thực hiện khá ngắn (từ cuối tháng 12/2012 đến đầu tháng 2/2013) thì Thông tư 55 thật sự khiến SV bị "sốc".
Việc ôn thi trong thời gian quá ngắn theo nhiều thầy cô là sẽ không đạt được hiệu quả. (Ảnh minh họa)
Để “chạy kịp” quy định này, SV các trường CĐ đã rất vật vã nếu không muốn nói là chịu áp lực lớn vì cùng lúc ôn luyện nhiều loại kiến thức. Ngoài ra, do thời gian ôn thi quá ngắn (khoảng 3 tháng) thì SV chỉ kịp nhớ lại kiến thức phổ thông chứ chưa thể rèn luyện nâng cao cho phù hợp với nội dung trong đề thi ĐH. Theo cô Dung (Trường ĐH Đông Á, Đà Nẵng) thì: “Việc ôn thi cấp tốc hiện nay chỉ có thể khơi gợi lại cho SV một vài kiến thức cũ mà lâu nay bị lãng quên, chủ yếu SV phải tự học, do đó tôi nghĩ hiệu quả sẽ không cao. Với SV Cao đẳng thì việc ôn lại kiến thức phổ thông để thi ĐH thật sự khó có thể đạt được mục tiêu như nhiều bạn mong muốn”.
Cô Dung nói thêm: “Trên thực tế, với nhiều học sinh lớp 12, thời gian ôn thi có thể lên đến 1 năm tại các trung tâm ôn luyện nhưng lượng kiến thức nắm được vẫn chỉ dừng lại ở mức độ... cần chứ chưa đủ. Vì vậy, SV Cao đẳng năm cuối chuẩn bị thi tốt nghiệp lại phải kiêm thêm ôn thi liên thông với thời gian ngắn như này thì hiệu quả sẽ không cao".
Cùng chung quan điểm này, cô Minh Huyền (hiện là giảng viên khoa báo chí, CĐ Truyền hình, Hà Nội) cho rằng: “Với những SV thiếu kiến thức nền từ trước thì việc ôn thi trong khoảng thời gian ngắn như vậy theo tôi là... khó có thể đạt hiệu quả như các bạn mong muốn được. Thời gian thi tốt nghiệp và thi liên thông (theo lịch thi ĐH do Bộ GD-ĐT công bố) ngắn như vậy thì các em phải rất cố gắng".
Còn hơn 3 tháng nữa là kỷ thi tuyển sinh ĐH năm 2013 sẽ diễn ra, SV Cao đẳng năm cuối vẫn kiên trì “cày ngày, cày đêm” với hy vọng mình sẽ không bị “bằng Đại học” từ chối một lần nữa.
Duy Tài (DT)