Thơ văn, ca dao, truyện cười làm báo tường

các bài Thơ, văn, ca dao, truyện cười hay, ý nghĩa và rất cảm động viết báo tường 20/11 chọn lọc để viết báo tường nhé!

Ca dao, tục ngữ ý nghĩa chủ đề Nhà giáo:

– Tiên học lễ, hậu học văn

– Bán tự vi sư, nhất tự vi sư

– Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy

– Không thầy đố mày làm nên

– Học thầy không tày học bạn

– Một kho vàng không bằng một nang chữ

– Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học

– Ăn vóc học hay

– Ông bảy mươi học ông bảy mốt

– Dốt đến đâu học lâu cũng biết

– Người không học như ngọc không mài

– Trọng thầy mới được làm thầy

– Một gánh sách không bằng một giáo viên giỏi

– Thầy giáo là đường tinh, học sinh là đường đã lọc

– Nhất quý nhì sư

– Mồng một tết cha, mồng ba tết thầy

– Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.”

“Uống nước nhớ nguồn.”

“ Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy.”

“ Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy.”

“Dẫu mai đi mọi phương trời
Những lời thầy dạy trọn đời khắc ghi”

Bộ câu đố hay cho ngày nhà giáo Việt Nam 20/11

Nơi nào Bác sống một thời
Làm thầy giáo dạy trẻ vui học hành ?
(Trường Dục Thanh – TP. Phan Thiết)

————–

Nơi nào nắng biển trong lành
Bác dạy đàn trẻ học hành tiến nhanh ?
(TP. Phan Thiết – Tỉnh Bình Thuận)

————–

Nơi nào thành quách dọc ngang
Theo cha, Bác vượt gian nan học hành ?
(TP. Huế)

————–

Đố ai qua Nhật, sang Tàu
Soạn thành huyết lệ lưu cầu tàn thư
Hô hào vận động Đông Du
Kết đoàn cùng với sĩ phu khắp miền?
(Phan Bội Châu)

————–

Làng Nguyệt Ức, có một người
Khai Xuyên tên chữ, hiệu thì Hạnh Am
Đang làm tri huyện bỏ quan
Lục niên ẩn tích dạy đàn học sinh
Giúp mưu Nguyễn Huệ Bắc Bình
Đố ai biết được tiên sinh tên gì ?
(Nguyễn Thiếp)

Bài hát hay, ý nghĩa dịp 20/11

1. Mong ước kỷ niệm xưa

Thời gian trôi qua mau chỉ còn lại những kỷ niệm
Kỷ niệm thân yêu ơi sẽ còn nhớ mãi tiếng thầy cô
Bạn bè mến thương ơi sẽ còn nhớ những lúc giận hờn
Để rồi mai chia xa lòng chợt dâng niềm thiết tha
nhớ bạn bè, nhớ mái trường xưa

Đặt bàn tay lên môi, giữ chặt tiếng nấc nghẹn ngào
Thời gian sao đi mau xin hãy ngừng trôi
Dù vẫn mãi luyến tiếc khi đã xa rồi
Bạn bè ơi, vang đâu đây, còn giọng nói tiếng cười
Những nỗi nhớ niềm thương gửi cho ai …..!

2. Mái trường mến yêu

Ôi hàng cây xanh thắm dưới mái trường mến yêu
Có loài chim đang hót âm thầm tựa như nói
Vì hạnh phúc tuổi thơ và cho đời thêm sức sống
Thầy dìu dắt chúng em với tấm lòng thiết tha.

3. Trường xưa dấu yêu

Trường xưa yêu dấu biết bao kỷ niệm thân thương,

Bạn xưa cách xa biết đến khi nào gặp lại
Tìm ai trong bóng nắng tiếng cô thầy thân thương,
Người như đang héo hắt hao gầy vì phấn sương
Mùa hè năm ấy đến trong một chiều mưa,
Giờ chia cách xa, những cánh phượng rơi đầy
Giờ đây mơ ước những giấc mơ thần tiên
Cùng em đến trường, những giấc mơ hiền hòa

….

4. Bụi phấn

Khi thầy viết bảng

Bụi phấn rơi rơi
Có hạt bụi nào
Rơi trên bục giảng
Có hạt bụi nào
Vương trên tóc thầy
ĐK:
Em yêu phút giây này
Thầy em tóc như bạc thêm
Bạc thêm vì bụi phấn
Để cho em bài học hay
Mai sau lớn nên người
Làm sao có thể nào quên
Ngày xưa thầy dạy dỗ
Khi em tuổi còn thơ

Những mẩu truyện ngắn về thầy cô giáo để lại ấn tượng sâu đậm.

Người thầy và những tờ tiền cũ

900.000 đồng, nó cứ mân mê những đồng 10.000 đã cũ mà thèm một góc không có ai để khóc.
Cuối cùng nó cũng đậu đại học. Người đầu tiên nó muốn thông báo tin quan trọng ấy không phải là ba hay mẹ nó mà là người thầy kính yêu của nó…

Nhà nó nghèo, lại đông anh em, quê nó cũng nghèo nên từ lâu chẳng có mấy ai dám nghĩ đến chuyện cho con vào đại học. Ba mẹ nó cũng vậy, phần vì quá nghèo, phần là vì nghĩ đến điều kiện của con mình “làm sao mà chọi với người ta”!… Thầy là người duy nhất ủng hộ nó, cho nó niềm tin rằng “mình có thể”.

Vui mừng chẳng được bao lâu, bao nhiêu lo lắng tràn về vây lấy nó… Năm năm trời, hàng trăm thứ tiền như bầy ong vo ve trong đầu nó.

Rồi thầy đến mang cho nó một lô sách, vở mà nó đoán là những bài học “nhân-lễ-nghĩa” của thầy, dúi vào tay nó một gói nhỏ mà thầy bảo là “bí kíp” rồi dặn chỉ lúc nào khó khăn nhất mới được mở ra. Nó đã không “cảnh giác” thừa. Gói “bí kíp” mà lúc nhận từ tay thầy nó đã ngờ ngợ là một xấp những tờ tiền 10.000đ bọc trong hai lớp nilon cũ kỹ, những tờ tiền được vuốt phẳng phiu phần nhiều đã nhàu nát mà nó tin rằng thầy đã để dành từ lâu lắm! 900.000đồng, nó cứ mân mê những đồng 10.000 đã cũ mà thèm một góc không có ai để khóc.

Đã hai năm kể từ cái ngày thầy lặn lội lên Sài Gòn thăm nó, dúi vào tay nó những đồng 10.000 nhọc nhằn rồi lại vội vã trở về. Sau đó thầy chuyển công tác. Hai năm, thỉnh thoảng nó vẫn nhận được những đồng 10.000 của thầy (lạ thay, lại vào những lúc tưởng chừng như nó bế tắc nhất!)… Hai năm, nó vẫn chưa một lần về thăm thầy.

Trưa, mới đi học về, mẹ điện lên báo: “Thầy H. mất rồi!”. Nó chỉ lắp bắp hỏi được ba chữ: “Sao thầy mất?”, rồi sụp xuống khi mẹ cũng nghèn nghẹn ở đầu dây bên kia: “Thầy bệnh lâu rồi mà không ai biết. Ngày đưa thầy vào viện, bác sĩ chụp hình mới biết thầy đã hư hết lục phủ ngũ tạng rồi, chưa ai kịp đi thăm thì thầy đã…”.

Nó bỏ hết mọi sự leo lên xe đò. Trong cái nóng ban trưa hầm hập với cơn say xe mệt mỏi, nó thấy thầy hiền hậu đến bên nó, dúi vào đôi tay nóng hổi của nó những tờ 10.000 đồng lấp lánh… Đến bây giờ nó mới để ý thấy thầy đã xanh xao lắm, bàn tay tài hoa khéo léo ngày xưa đã gân guốc lên nhiều lắm… Nó chợt tỉnh, nước mắt lại lăn dài trên má, trái tim nó gào lên nức nở: “Thầy ơi… sao không đợi con về…!?”.

Vì nó cứ đinh ninh: nếu đổi những đồng 10.000 kia thành thuốc, thầy sẽ sống cho đến khi nó kịp trở về

————–

Ông giáo và tách cafe

Một nhóm sinh viên giờ đã thành đạt trong công việc cùng nhau về thăm thầy giáo cũ. Cuộc nói chuyện nhanh chóng được chuyển sang những vấn đề trong cuộc sống và công việc…

Muốn mời những học trò cũ uống cà phê, ông giáo vào bếp và quay lại với rất nhiều cà phê đựng trong những chiếc cốc khác nhau: cái bằng sứ, cái bằng nhựa, cái bằng thuỷ tinh, cái bằng pha lê, một số trông rất đơn giản, số khác lại có vẻ đắt tiền, vài cái được chế tác rất tinh xảo…

Khi tất cả mọi người đều đã cầm cốc cà phê trong tay, ông giáo nhẹ nhàng lên tiếng: “Không biết các trò có chú ý không, nhưng những chiếc cốc trông đẹp đẽ, đắt tiền luôn được lựa chọn trước, để lại những cái trông đơn giản và rẻ tiền.

Mặc dù rất đơn giản và dễ hiểu khi các trò muồn điều tốt đẹp nhất cho bản thân nhưng đó cũng là nguồn gốc, nguyên nhân của mọi vấn đề căng thẳng của các trò.

Một điều chắc chắn rằng cái cốc không phải là thứ quyết định chất lượng của cà phê đựng bên trong. Một số trường hợp, nó chỉ đơn giản là cái vỏ đắt tiền hơn và một số khác thậm chí che giấu cái mà nó đang chứa đựng.

Điều các trò thực sự muốn là cà phê chứ không phải cái cốc, nhưng các trò vẫn có ý thức lựa chọn cái cốc tốt nhất. Sau đó các trò mới để mắt đến những cái cốc khác.

Cũng như vậy, cuộc sống của chúng ta là cà phê, công việc, tiền bạc và vị trí xã hội là những cái cốc. Chúng chẳng qua chỉ bao bọc lấy cuộc sống. Và loại cốc mà trò có không làm nên cũng như không thay đổi cuộc đời mà trò đang sống…”.

Đôi khi, chúng ta chỉ quan tâm đến cốc mà quên thưởng thức thứ cà phê ông trời đã ban tặng cho chúng ta. Người hạnh phúc nhất không phải là người có những thứ tốt nhất mà là người biết biến những thứ mình đang có thành thứ tốt nhất.

——————————–

Thưa thầy! Em đã thuộc

Thời gian qua đi, có những thứ bị rơi vào quên lãng, có những thứ đổi thay…. Tôi và các bạn phòng G401 niên khóa 1999 -2002 giờ đã là cô giáo…thầy tôi đã ở trên cao xanh …Dẫu biết rằng, thời gian có thể làm lãng quên nhiều thứ nhưng những gì thầy dạy, tôi vẫn ghi lòng tạc dạ…

Ngày đó, phòng G401 là tổng hợp các lớp: Tiểu học, Cao đẳng Văn, Sử, Sinh… Chúng tôi, mỗi đứa một giọng quê, vui lắm tuổi sinh viên không lo nghĩ. Ở được một học kì, cả phòng đều bị mất trộm, những thứ rất lặt vặt. Mua chai dầu gội về, sáng lấy ra gội, đổ ra chỉ thấy nước, chai kem đánh răng cũng bị vắt cạn, bỏ một trăm ngàn trong túi thì mất 20 ngàn, mất một chiếc áo lót…Cả phòng, đứa nào cũng là bạn bè, suốt ngày nói cười, biết nghi ai bây giờ?…

Năm đó, trường tổ chức cắm trại, Hà làm thủ quỹ. Tối lấy ra xăm xoi ngồi đếm, hí hửng bàn tính món này món kia. Sáng, xấp tiền không cánh mà bay. Mất tiền, Hà khóc than thảm thiết. Bác bảo vệ nội trú và thầy cô vào, hết lời giảng giải, đề nghị bạn nào lỡ lấy thì im lặng gửi tiền lại ở phòng trực nội trú hoặc đưa cho thầy cô, sẽ không ai biết việc này, thời hạn là hết buổi chiều. Chờ đợi mãi, vẫn không có kết quả gì, có yêu cầu nhất định khám phòng, tất cả đều gật đầu, đứa nào cũng hăng hái lấy xách đồ mình ra đợi lục, cứ như cả phòng, không có đứa nào là thủ phạm. Vừa lúc đó, bỗng nhiên thầy Vân bước vào và bảo:

– Không phải khám xét gì hết, có một bạn ở lớp thấy Hà bỏ quên xấp tiền trên hộc bàn kìa. Cứ sợ mất nên hay lấy ra xăm soi, quên cất…Cẩn thận khi giữ tiền em nhé!…

Cả phòng thở phào nhẹ nhõm. Tôi bỗng nghĩ, sao Hà học lớp Sinh, thầy dạy Sử mà lại bảo thấy xấp tiền bỏ quên trên lớp ?…Ôi! Không tra cứu nữa, bởi nếu sự việc bại lộ, chắc bạn nào lỡ làm chuyện đó cũng sẽ nghỉ học vì xấu hổ mất.

Là một thạc sĩ xuất thân từ đồng ruộng, tri thức của thầy có mùi rơm rạ, mùi mồ hôi của ba mẹ, của quê hương, thầy hay nói như vậy. Thầy luôn giữ cho mình nét chân chất, giản dị của một “tri thức nông dân”. Bộ quần áo đơn sơ nhưng gọn gàng sạch sẽ, một phong thái thân thương, mộc mạc… Có lần tôi “ngạo mạn”, ngồi trong lớp nhưng miệng nói luyên thuyên. Thầy không một lời, một tay cốc vào đầu và một tay đặt lên môi. Cái cốc đầu đó làm tôi nhớ mãi…

Cuối học kì I, mấy bạn đi nhận học bổng về bảo: ” Thấy tên cậu cũng có, học bổng loại giỏi, mau lên nhận đi!…”. Tôi lắc đầu bảo với chúng bạn rằng, mình dư điểm giỏi nhưng khống chế vì môn Đại cương tâm lý học chỉ có 4 điểm. Thi lại thì làm sao có học bổng?… Mấy bạn kêu cứ đi nhận đại, trường cho mình mới nhận chứ bộ, mình có sai đâu mà sợ!… Là một cô sinh viên nghèo, mỗi tuần mẹ cho đúng 20 mươi ngàn đi học, chưa bữa nào dám ăn đĩa cơm 2000, hỏi làm sao không ham khi 180 ngàn của tháng học bổng đầu tiên đang chờ mình. Tôi liều mạng đi nhận, tay run run khi nhận được một quý học bổng. Mùa đông năm đó, tôi có chiếc áo ấm mới, một bộ áo dài mới chứ không phải rầu rĩ khi mặc bộ áo dài mà mẹ xin lại từ một cô giáo trong xóm.

Hai tuần sau, tôi bị phòng giáo vụ gọi lên. Lần đó tôi đã khóc vì cô giáo la : ” Em là cô sinh viên Sư phạm không thật thà!. Tại sao biết nội quy xếp loại học lực rồi mà vẫn cố tình vi phạm?”. Tôi chỉ ngồi cúi gằm mặt xuống đất và khóc, tôi khóc không phải vì ấm ức, vì bị oan mà khóc vì xấu hổ, vì nghèo. Chỉ vì nghèo tôi mới ham tiền…Nói như vậy là ngụy biện, không được đổ thừa cho cái nghèo đúng không thầy?… ” Đói cho sạch rách cho thơm”!, thầy luôn nhắc chúng em như vậy…Thấy tôi ngồi khóc sướt mướt, lo lắng vì nghĩ, tiền đâu để trả lại trường đây, nỗi lo đó làm tôi như muốn ngất. Thầy lại ngồi bên cạnh, rất nhẹ nhàng bảo: “Em sai, nhà trường cũng sai. Thôi thì, thầy mong rằng, đây là bài học mà em cần phải nhớ. Chỉ nên hưởng những gì mà mình xứng đáng được nhận em nhé!…Thầy sẽ giúp em đưa lại số tiền này cho trường!”. Tôi lắc đầu ngồi khóc, thầy bảo thầy cho mượn, sau này đi làm có tiền trả thầy sau cũng được!…

Buổi học hôm sau, thầy kết thúc bằng một bài học đạo đức rất ý nhị. Thầy kể câu chuyện về loài hươu. Hươu mẹ đứng sinh con, đứa con phải rơi từ trên cao và nằm đơ dưới đất. Hươu mẹ đá vào con, chú hươu con lòm còm đứng dậy, sau khi hươu con đã đứng được rồi, hươu mẹ lại hất để hươu con ngã xuống, lại phải cố gắng đứng lên lần nữa. Thầy bảo, khó khăn sẽ làm ta trưởng thành, có ai đó từng nói: ” Cuộc sống như đại dương, ai không bơi người đó sẽ chìm”, vậy nên, chỉ có khi, chúng ta vượt qua khó khăn, khi đó chúng ta mới thành công. Các em hãy ghi ra vở và học thuộc câu danh ngôn này của Jim John: ” Thành công – đó không chỉ là những gì ta có, mà còn ở chỗ ta trở thành người như thế nào”. Các em sẽ là người cầm phấn, là những kĩ sư tâm hồn, các em là người chèo đò trên dòng tri thức và sẽ đưa những tâm hồn đến những triền sông đầy hoa nắng. Hãy nhớ lời thầy, các em sẽ là những thầy cô giáo mẫu mực, các em nhé!…Và chỉ khi, các em “thiết kế” nên những tâm hồn đẹp thì khi đó, các em sẽ là những người thành công. Thầy đã kết thúc buổi học cuối cùng bằng những lời tha thiết như vậy. Đó cũng là lần cuối cùng tôi nghe thầy giảng…

Ngày tôi đã trở thành cô giáo, thật bàng hoàng khi nghe tin, thầy đã ngủ một giấc dài. Tôi thả rơi viên phấn khi nghe tin dữ, chỉ muốn bỏ lớp để đi tiễn thầy một đoạn nhưng lời thầy đã thức tỉnh tôi. Em sẽ là cô học trò không biết nghe lời khi không làm tốt nhiệm vụ người cô đúng không thầy? thế là tôi nuốt nước mắt, tiếp tục sống trong tiết học.

Xin mượn mây nhờ gió, mang dùm đến thầy tôi những lời này: “Thầy ơi! Em thật vô tâm khi không nhớ đầy đủ tên họ của thầy. Chưa một lần em đến thăm thầy, lần đầu em định đi thăm thầy cũng là ngày thầy về cõi vĩnh hằng. Xin đọc tặng thầy hai câu thơ, dù không nhớ tác giả là ai, nhưng mỗi lần đọc là em lại nghĩ ngay đến thầy, người thầy đã giúp em trưởng thành:

Dòng sông sâu con sào dài đo được
Lòng người đưa đò ai dò được nông sâu”.

Thầy ơi! Em đã là một cô giáo thành công chưa khi đam mê nghề nghiệp, bước vào lớp là em gạt hết tâm trạng của đời thường mà chỉ sống trong tiết giảng, phải làm sao để các em đến với bài học bằng một tâm thế hứng thú chứ không phải là đối phó. Em kêu học sinh tới nhà, giảng dạy nhiệt tình, mong các em giỏi hơn chứ không lấy tiền của học sinh vùng khó. Em luôn cố gắng, mình sẽ là một tấm gương để các em noi theo. Em đã là một cô học trò ngoan, đúng không thầy?…”.

Ngồi viết những dòng này, kí ức về thầy lại hiện lên trong em. Thầy ơi! Cô học trò nghèo ngày xưa vẫn còn nợ thầy, em nợ thầy lời tri ân thành kính. Hôm nay, viết dâng thầy những dòng chữ nghĩa tình, mong rằng, trên cao xanh xa xa, thầy có thể đọc được những lời tri ân này của em. Tha lỗi cho em nhé thầy!

—————————————–

Bài học làm người từ cô giáo dạy Sử

Sau ba năm tôi mới có dịp trở lại trường cũ. Mọi thứ không thay đổi nhiều, sân trường vẫn rợp bóng cây, và những chiếc ghế đá vẫn ở đó, trầm mặc và nhẫn nhịn. Tiếng cô giảng đều đều trên lớp và ánh mắt ngây thơ của đám trẻ học trò khiến tôi nhớ lại những kỷ niệm thời cắp sách. Tiếng trống trường đã điểm, giờ ra chơi đến.

Tôi lại bóng dáng của cô từ trong lớp, vẫn dáng hình ngày xưa khi gieo mầm con chữ cho chúng tôi. Cô vẫn tận tụy đến lớp, vẫn chèo lái những con thuyền mơ ước của những cậu học trò nhỏ chúng tôi đến bến bờ hạnh phúc. Giọng cô nhẹ nhàng phân tích cho học sinh chúng tôi những sự kiện lịch sử đáng nhớ, những chiến thắng vang dội của quân ta khắp các chiến trường. Chốc chốc cô ngừng giảng và nhìn đám học trò đang tròn mắt suy ngẫm. Chính cô cũng không thể nhận ra được những thế hệ học trò đó còn nhớ mãi công ơn của cô tự ngày nào.

Cô về trường tôi từ khi trường chỉ có mái lá đơn sơ. Ngày mưa cũng như ngày nắng cô vẫn đạp chiếc xe Thống Nhất đã bạc màu đến lớp. Có lần những hôm trời mưa bão rất to mà cô vẫn cố đạp hơn chục cây số đến lớp vì sợ học sinh phải chờ. Có khi nước ngập quá bánh xe mà cô vẫn bước tiếp, đến lớp thì cả thầy cả trò đều ướt hết.

Phòng học dột nát không thể theo học. Những khi mưa gió như vậy cô lại nhớ về vùng quê Bình Lục, nơi người ta vẫn “cưỡi trâu đi họp huyện” cô lại thấy xót thương. Cô thường kể cho chúng tôi nghe rất nhiều về miền quê và gia đình cô. Miền quê chiêm trũng, ngập quanh năm những có nghị lực phi thường.

Giờ đây khi mọi thứ đã được thay mới, cô vẫn ngày ngày đến lớp. Là một giáo viên dạy sử nên tính cô rất nghiêm khắc. Cô luôn dạy chúng tôi phải biết tự phấn đấu vươn lên. Cô thường bảo, lịch sử là cái gốc rễ của một quốc gia dân tộc, khi các em hiểu sử cũng hiểu truyền thống quý báu của ông cha ta, biết mà học hỏi, biết mà phát huy những truyền thống quý báu đó. Theo lời dạy đó, mỗi thế hệ học sinh chúng tôi đều cố gắng trở thành một học sinh ngoan trong mắt cô.

Đã 27 năm trôi qua với bao thế hệ học trò đến và đi khỏi ngôi trường này, nhưng hình bóng cô mỗi ngày lên lớp thì vẫn vậy. Những học trò đầu tiên của cô nay đã đầu hai thứ tóc cũng không sao quên được những lời dạy, những kiến thức mà cô đã truyền đạt. Cô luôn dạy cách làm sao để hiểu và nhớ về một sự kiện lịch sử lâu nhất. “Chỉ khi các em hiểu rõ nguyên nhân tại sao và giải thích được những sự kiện, những mối ràng buộc đó thì em mới có thể làm tốt một bài lịch sử”.

Tôi còn nhớ kỷ niệm về cô khi còn đang học phổ thông. Là một học sinh chuyên văn nên tôi rất thích những môn xã hội, đặc biệt là tìm hiểu những kiến thức lịch sử. Khi còn học ở trung học cơ sở tôi đã được nghe những thông tin về cô với phương pháp dạy hay, là một giáo viên giỏi ở trường. Và khi theo học cô tôi thực sự bị thuyết phục bởi cách giảng dạy ân cần và chu đáo.

Trong những giờ giảng, cô nhấn mạnh đến những sự kiện then chốt nhất, có tính quyết định đến giai đoạn lịch sử đang nghiên cứu. Cô thường dặn chúng tôi: “muốn học được lịch sử thì cần phải biết hệ thống kiến thức, tóm gọn vấn đề lại rồi triển khai thật nhỏ ra. Như vậy vừa nhớ lâu lại không bị mất ý”. Theo lời khuyên của cô, mỗi chúng tôi đều nhớ rất rõ những vấn đề lịch sử và không hề bỏ sót chút nào khi làm bài kiểm tra.

Không chỉ cho chúng tôi những bài học lịch sử mà cô còn dậy cách đối nhân xử thế ở đời. Cô cho mỗi chúng tôi biết thế nào là cuộc sống thực tại, nó không màu hồng cũng không trải thảm đỏ mà mỗi trái tim non nớt chúng tôi vẫn hoài tưởng. Cô vẫn ví, cuộc đời như một cuộc chiến đấu chính bản thân mình vậy. Nếu kiên cường thì họ sẽ không bao giờ gục ngã, nhưng chỉ cần sơ xảy họ có thể đánh đổi cả cuộc đời. Tôi mơ hồ hiểu những gì cô nói, nhưng đến giờ thì đó lại là bài học đáng giá theo mãi cuộc đời tôi.

Mỗi một năm trôi qua cô đón một thế hệ học trò tìm đến những điều mới mẻ trong trang sách lịch sử. Nhưng cũng là lúc cô tiễn thế hệ học trò của mình đi. 40 năm như vậy, sau 27 năm mà “tay lái” của cô vẫn vững mái chèo. Cô không còn đạp xe đến lớp như ngày xưa nữa, cô không còn giảng bài khi lớp ngập mưa, nhưng những tiếng giảng của cô vẫn trong trẻo và dịu hiền. Nó vẫn hàng ngày dẫn dắt những thế hệ học trò như chúng tôi tìm đến được những chân trời mới.

Cô trang bị cho mỗi chúng tôi đầy đủ hành trang tri thức và vốn sống của cô để chúng tôi không còn lạ lẫm và bỡ ngỡ khi bước chân vào đời. Những đồng nghiệp của cô vẫn nghĩ sao cô tận tâm với học trò đến vậy. Cô cười nhẹ và nói: “Nó đã theo cái nghiệp mất rồi, thiếu học sinh như thiếu chân tay vậy. Không sao chịu được”.

Có lẽ nhờ cô mà những bài giảng lịch sử vẫn thấm nhuần trong tôi. Mỗi khi tiếp cận một sự kiện tôi không quên tìm kỹ về nguyên nhân của nó. Hiểu nghề để làm nghề như cô vẫn dặn chúng tôi. Sẽ mãi nhớ những kỷ niệm về cô, kỷ niệm về thời học trò và những bài giảng quý báu mà cô đã trao tặng cho mỗi chúng em. Chúng em sẽ luôn trân trọng nó như món quà quý giá nhất của cuộc đời.

Truyện cưởi

Không thể cho

Thầy giáo sau khi dạy cho học trò một bài học về lòng hiếu thảo liền hỏi trò Bi:

Nếu em có hai cái nhà, ba em không có cái nào, em sẽ làm gì?

Em sẽ cho ba một cái nhà.

Giỏi lắm. Nếu em có hai cái xe, ba em không có cái xe nào, em sẽ làm gì?

Em sẽ cho ba một chiếc.

Giỏi lắm. Em hiểu rất rõ bài thầy giảng. Một câu hỏi chót: Nếu em để dành được 20.000 đồng, ba em lại không có đồng nào. Vậy em sẽ làm gì?

Em sẽ không cho ba đồng nào.

Ủa sao kỳ vậy. Em cho ba cái nhà, cho ba chiếc xe, sao em lại không cho ba đồng nào?

Thưa thầy, tại vì thật sự em có để dành 20.000 đ.

——————–

Gọi Tên Sự Vật

Giờ kiểm tra, thầy giáo dạy sinh vật đem đến một cái lồng, bên trong đựng đủ loại chim. Thầy lôi ra một con và giấu sau lưng, chỉ để cho học sinh thấy cái đuôi, và hỏi học sinh:

Đây là chim gì?

Thưa thầy, chim sáo ạ!

Không đúng. Đây là chim gõ kiến. Cho em đoán một lần nữa…

Thầy giáo lại lôi ra một con khác và hỏi:

Con này tên gì?

Dạ…!

Học sinh nọ lúng túng.

Em nghĩ đó là con chào mào ạ!

Không phải, đây là chim hoạ mi. Em không học bài! Tôi thật buồn phiền phải cho em điểm “Không”! Tên em là gì nhỉ?

Em đố thầy biết đấy.

Thầy !!!

——————–

Thầy giáo pro

Thầy giáo bước vào lớp. Quần áo xộc xệch. Mặt hằm hằm. Cả lớp lo lắng. Vào cửa lớp, thầy rút chiếc dép phải ném bay vù xuống góc trái cuối lớp.
Cả lớp sợ. Thầy rút tiếp chiếc dép trái ra ném. Dép bay vèo xuống góc phải của lớp.
Cả lớp run. Tiến lại gần bảng, thầy hỏi:
– Thế nào, các cô, các cậu có sợ không, hả?
– Thưa thầy… sợ, sợ lắm ạ.
– Cả lớp đồng thanh.
– Thế vẫn chưa sợ bằng đại chiến thế giới lần thứ hai. Các em lấy bút, vở ra học bài mới: “Đại chiến Thế Giới lần thứ 2″

——————–

Vấn đáp lịch sử

Trong một buổi thi vấn đáp Lịch sử:
– Anh hãy cho biết, Lê lợi là ai?
+ Dạ, em không biết.
– Thế anh có biết, Trần Hưng Đạo là ai không?
+ Dạ, em không biết.
– Thôi, nếu anh trả lời được câu này, tôi sẽ cho anh qua, anh có biết Trưng Trắc, Trưng nhị là ai không?
+ Dạ em cũng không biết.
– Vậy thì mời anh ra, tôi không thể cho anh qua được.
+ Thế thầy có biết Hùng móm, Minh sẹo, Phúc khùng, Dũng cô hồn, là ai không?
– Hả???
+ Thầy có băng của thầy, em cũng có băng của em chứ, thầy đừng đem băng của thầy ra dọa em nhé…..

——————–

Từ trái nghĩa

Giờ học tại chức, thầy giáo giảng bài và nói với các em học sinh:
– Các bạn đọc từ trái nghĩa với từ tôi nói nhé!
Học sinh lễ phép:
– Dạ vâng, thưa thầy!
– Đen.
Học sinh đồng thanh:
– Không đen.
Thầy giáo tiếp:
– Nóng.
– Không nóng.
Thầy giáo đỏ mặt:
– Không đúng!
– Đúng!
Thầy giáo cáu tiết:
– Im lặng!
Học sinh vẫn khí thế:
– Không im lặng!
Thầy giáo không thể chịu nổi:
– Bọn mày sợ tao không?
Học sinh vẫn ung dung đọc từ trái nghĩa:
– Bọn tao không sợ mày!
– Hả?!
– Không hả!

——————–

Thấy giáo tỏ tình

Hôm nay cuối tuần, thầy giáo trẻ hẹn người yêu. Khi hai người thân mật nói chuyện, thầy chủ động:
– Hôm nay anh gặp em để nói về chủ đề tình yêu. Ý tưởng chủ đề là anh rất yêu em. Anh sẽ thổ lộ với em thành ba đoạn. Mỗi đoạn sẽ có phân tích, lập luận để em hiểu hết tình cảm của anh. Kìa, em vẫn nghe anh đấy chứ! Lát nữa anh sẽ chất vấn đấy! Anh sẽ phân tích cụ thể, sẽ có dẫn chứng sinh động. Qua mỗi phần, sẽ có tiểu kết để em nắm các ý chính. Em hiểu chứ!
Cô gái nhẹ nhàng:
– Dạ, “thưa… thầy”, em hiểu ạ!
– !?!

——————–

Thấy gì

Lớp học đang yên tĩnh, đây đó vang lên tiếng nói chuyện của lớp bên cạnh. Bỗng có một luồng gió nhẹ hất tung váy của cô giáo lên . Cuộc khẩu cung bắt đầu:
– Dũng! Váy cô vừa bay lên em nhìn thấy gì ?!
– Thưa cô em nhìn thấy bắp chân cô.
– Đuổi học 1 ngày .
– Hùng ! Váy cô vừa bay lên em nhìn thấy gì ?!
– Thưa cô em nhìn thấy đầu gối cô
– Đuổi học 1 tuần .
– Thế Anh! Váy cô vừa bay lên em nhìn thấy gì ?!
– Thưa cô em nhìn thấy đùi cô .
– Đuổi học 1 tháng .
– Cường! Váy cô vừa bay lên em nhìn thấy gì ?! Cường xách cặp táp lên:
– Chào tạm biệt các bạn…hẹn 1 năm nữa tớ quay trở lại ^^

——————–

Số ý nghĩa
Trong một tiết học cô giáo hỏi các học sinh
– “Các em thích con số nào nhất”
– Có nhiều học sinh trả lời với nhiều con số khác nhau
– Riêng Tèo là người trả lời sau cùng
– “Thưa cô : em thích nhất là số 21193″
– Cô giáo hỏi sao em lại thích số đó
– Tèo trả lời “thưa cô con số đó rất có ý nghĩa”
– Ý nghĩa gì: cô giáo hỏi ?
– Thưa cô : 21193 có nghĩa là “nếu 2 người cùng làm chung 1 việc trong 1 giờ thì sau 9 tháng sẽ có một người thứ 3

——————–

Ông nào bay?
Cô giáo hỏi học sinh (là con trai thầy Hiệu trưởng):
– “Trong chuyện Thánh Gióng ai cưỡi ngựa sắt bay lên trời?”
– “Em chịu thôi!” Không thể chịu nổi vì sự kém cỏi của học sinh cô giáo nói:
– “Đừng tưởng cứ là con của hiệu trưởng thì muốn học hành thế nào cũng được. Cầm cuốn sách giáo khoa này lên gặp bố cậu đi!”
Trên phòng hiệu trưởng, ông bố nói với con:
– Sao mày *** thế không biết !! Làm xấu mặt tao. Người cưỡi ngựa sắtbay lên trời là ông BÈN. Đây này, sách viết rất rõ ràng: “Sau khi cúiđầu chào tạm biệt quê hương, ông bèn bay lên trời”.

——————–

”Tôi cũng thế”

Thầy giáo nói:

– Thưa ông, trò Ngốc là một đứa lười không chịu học bài, chỉ chép lại của bạn ngồi bên cạnh.

Người cha hỏi:

– Làm sao thầy biết được?

Thầy giáo đáp:

– Đây, ông cứ coi bài kiểm tra Việt sử này thì rõ.

Câu hỏi: Ai chiến thắng quân Thanh ngày mồng năm Tết?

Trò Tèo ngồi kế bên trò Ngốc trả lời là: vua Quang Trung, trò Ngốc cũng trả lời y như vậy?

Người cha cãi:

– Nhưng đó là câu trả lời mà các em đã học.

Thầy giáo bình tĩnh nói:

– Mời ông xem câu thứ hai. Câu hỏi: Ai là chồng bà Trưng Trắc? Thì cả hai cùng trả lời là Tô Định.

Người cha lại nói:

– Có thể nó nhớ sai giống nhau.

Thầy giáo nói:

– Nhưng câu thứ ba thì ông nghĩ sao? Câu hỏi: Bình Định Vương lên ngôi ngày nào? Trò Tèo trả lời em không biết. Thế ông biết con ông trả lời sao không? Nó viết vô là: “Tôi cũng thế”.

– !!!

——————–

Bài văn tủ

Cô giáo cho học sinh tả về con vật mình yêu thích nhất. Cu Bin 7 tuổi về bắt một con rận nghiên cứu và tả rất chi tiết, tất nhiên là cô giáo không hài lòng, Cô bắt cu Bin làm lại bài văn là hãy tả con chó nhà em.

Cu Bin làm bài văn như sau: “Nhà em có một con chó, con chó có nhiều lông, đã nhiều lông thì ắt phải có rận, sau đây em xin tả con rận: ….”, và chú bắt đầu tả con rận.

Cô giáo đọc bài văn, rất bực mình, liền bắt cu Bin làm lại lần nữa, lần này là tả con cá.

Hôm sau cu Bin nộp bài như sau: “Nhà em có một con cá, con cá sống dưới nước nên nó có nhiều vảy. Nếu nó sống trên cạn chắc hẳn nó sẽ có nhiều lông, đã nhiều lông thì phải có rận, sau đây em xin tả con rận:….”.

——————–

Thầy giáo hỏi: Ai ăn cắp nỏ thần của An Dương Vương ?

Cả lớp im lặng. Thầy giáo chỉ một học sinh: Em biết ai ăn cắp nỏ thần của An Dương Vương không ?

Học sinh sợ sệt: Dạ không phải em.

Vừa lúc đó ông hiệu trưởng đi ngang. Thầy giáo phân bua : Anh xem, học trò bây giờ tệ quá. Tôi hỏi ai ăn cắp nỏ thần của An Dương Vương mà không ai biết.

Thầy hiệu trưởng gật gù: Thôi anh nói anh Vương làm bản báo cáo rồi tôi nói ban giám hiệu xuất quỹ đền cho. Đừng làm rùm beng mang tiếng chết.

——————–

Cáo phó

Tý vừa khóc mếu máo vừa chạy về nhà, mách với bố: “Thầy giáo toàn trù con, bố ạ. Hôm nào thầy cũng gọi con lên trả bài. Thầy cố tình chọn những câu thật khó để phạt con. Hôm nay con lại bị phạt cầm tai đứng ở cuối lớp”.

Bố Tý tức lắm. Hôm sau ông ta dẫn Tý, hầm hầm vào gặp thầy:

– Tôi nghe cháu nó nói thầy trù cháu ghê lắm. Tại sao thầy lại đối xử với con tôi như vậy?

– Tôi trù con ông hồi nào đâu. Ông thử nghĩ xem, hôm nào tôi bảo nó lên bảng trả bài, nó cũng không trả lời được, kể cả câu hỏi dễ nhất.

– Tôi lại nghe cháu nó nói thầy toàn chọn câu khó thôi. Đâu, thầy cho tôi một ví dụ xem nào.

– Này nhé, hôm qua tôi hỏi nó Trần Hưng Đạo chết hồi nào mà nó có trả lời được đâu.

Bố Tý ngẫm nghĩ một lúc, rồi đáp:

– Thôi, thầy thông cảm cho cháu. Gia đình tôi làm ăn buôn bán, lâu lâu coi báo để xem tin tức chứ làm gì có thời gian mà đọc cáo phó.

——————–

Hai học sinh ngồi nói chuyện với nhau. Một học sinh than thở:

– Cô giáo tao thật không ra gì. Cả bài văn tao viết hay như thế, chỉ vì sai một lỗi chính tả mà cho tao ăn trứng.

– Thế mày viết sai chỗ nào?

– Thay vì viết “cô giáo em say mê trồng người”, tao viết nhầm thành “cô giáo em say mê chồng người”.

——————–

Biết vẽ thế nào?

Để hiểu học trò hơn, cô giáo bảo học sinh vẽ vào một tờ giấy mơ ước mai sau của mình. Khi cô xem, có em vẽ hình máy bay tỏ ý muốn làm phi công, em thì vẽ ống nghe muốn làm bác sĩ… Riêng một em gái để tờ giấy trắng nguyên, cô hỏi:

– Chẳng lẽ lớn lên em không muốn làm gì cả sao?

Em bé băn khoăn đáp:

– Lớn lên em sẽ lấy chồng, nhưng chẳng biết nó hình gì?

——————–

Đang dò xem kết quả điểm thi hết môn học tại chức của mình, người cha chợt reo lên “Ồ! Qua rồi”. Đứa con đang học lớp 2 đứng cạnh bên hỏi:

– Ba ơi! Ba được mấy điểm mà thấy ba mừng quá vậy?

– Ờ, 5 điểm con à!

– Nhưng mấy điểm là cao nhứt?

– Là 10 điểm.

– Vậy mà cũng mừng! Sao hôm qua con được 8 điểm môn toán mà ba lại rầy?!

– !!!

——————–

Trên đường đi học, Tí thường đi chung xe bus với Hồng. Một hôm, Tí lấy hết dũng cảm dúi cho Hồng một mẩu giấy, trên đấy viết:

“Tôi rất thích bạn, nếu bạn đồng ý kết bạn với tôi thì hãy đưa lại mẩu giấy này cho tôi, còn nếu không đồng ý thì hãy vứt nó qua cửa sổ”.

Một lúc sau Hồng chuyển lại mẩu giấy cũ, Tí vui mừng mở ra xem, trên giấy viết:

“Cửa sổ cứng quá tôi không thể mở nổi!”

——————–

Hai thí sinh ngồi trước cổng trường chờ xem kết quả.

– Bố tớ bảo nếu tớ thi đậu sẽ thưởng cho tớ chiếc xe đạp điện để đi học cho đỡ mệt…

– Còn bố tớ lại bảo nếu tớ thi rớt sẽ mua cho tớ chiếc “Quây An-pha”…

– Trời ơi! Sao đã quá vậy?

– À… để chạy xe ôm kiếm cơm ấy mà…

– !!!

——————–

Tình yêu học trò

Học trò ngày nay không chỉ yêu sớm, mà còn yêu… rất sớm.

Năm đó mình học lớp 9, mình có thương một cô nàng học lớp 7. Mình chấp nhận ở lại lớp 2 năm để có thể cùng nàng chung bước đến trường… Nhưng có ngờ đâu… sau 2 năm ở lại lớp… nàng vẫn là học sinh lớp 7.

Bực mình hỏi nàng tại sao, nàng trả lời: “Em xin lỗi, em đã thương một anh học lớp 5″.

Thơ hay ngày 20-11

THƯA THẦY
Tạ Nghi Lễ
Thưa thầy, bài học chiều nay
Con bỏ quên ngoài cửa lớp
Dưới gốc phượng già, nằm nghe chim hót
Con hóa mình thành bướm và hoa

Thưa thầy bài tập hôm qua
Con bỏ vào ngăn khóa kín
Mải lượn lờ theo từng vòng sóng
Cái ngã điệu đàng, sân trượt patin

Thưa thầy, bên ly cà phê đen
Con đốt thời gian bằng khói thuốc
Sống cho mình và không bao giờ mơ ước
Mình sẽ là ai ? Tôi sẽ là ai ?

Thưa thầy, qua ngõ nhà thầy khuya nay
Con vẫn thấy một vầng trăng ấm sáng
Thầy ngồi bên bàn phẳng lặng
Soạn bài trong tiếng ho khan

Thưa thầy, cho là nhận: điều giản đơn
Sao con học hoài không thuộc
Để bây giờ khi con hiểu được
Biết làm sao tạ lỗi cùng thầy

——

THẦY VÀ CHUYẾN ĐÒ XƯA
Nguyễn Quốc Đạt
Lặng xuôi năm tháng êm trôi
Con đò kể chuyện một thời rất xưa
Rằng người chèo chống đón đưa
Mặc cho bụi phấn giữa trưa rơi nhiều

Bay lên tựa những cánh diều
Khách ngày xưa đó ít nhiều lãng quên
Rời xa bến nước quên tên
Giờ sông vắng lặng buồn tênh tiếng cười

Giọt sương rơi mặn bên đời
Tóc thầy bạc trắng giữa trời chiều đông
Mắt thầy mòn mỏi xa trông
Cây bơ vơ đứng giữa dòng thời gian…
những bài thơ hay về ngày 20-11

——

BỤI PHẤN XA RỒI
Thái Mộng Trinh
Ngẩn ngơ chiều khi nắng vàng phai
Thương nhớ ngày xưa chất ngất hồn
Một mình thơ thẩn đi tìm lại
Một thoáng hương xưa dưới mái trường

Cho dẫu xa rồi vẫn nhớ thương,
Nầy bàn ghế cũ, nầy hàng me
Bảng đen nằm nhớ người bạn trẻ
Bụi phấn xa rồi… gửi chút hương!

Bạn cũ bây giờ xa tôi lắm
Mỗi đứa một nơi cách biệt rồi!
Cuộc đời cũng tựa như trang sách
Thư viện mênh mông, nhớ mặt trời!!!

Nước mắt bây giờ để nhớ ai???
Buồn cho năm tháng hững hờ xa
Tìm đâu hình bóng còn vương lại?
Tôi nhớ thầy tôi, nhớ… xót xa!

Như còn đâu đây tiếng giảng bài
Từng trang giáo án vẫn còn nguyên
Cuộc đời cho dẫu về muôn nẻo
Vẫn nhớ thầy ơi! Chẳng thể quên!!!

——

NHỚ CÔ GIÁO TRƯỜNG LÀNG CŨ
Nguyễn Văn Thiên
Bao năm lên phố, xa làng
Nhớ con bướm trắng hoa vàng lối quê
Nhớ bài tập đọc a ê
Thương cô giáo cũ mơ về tuổi thơ

Xiêu nghiêng nét chữ dại khờ
Tay cô cầm ấm đến giờ lòng em.
Vở ngày thơ ấu lần xem
Tình cô như mẹ biết đem sánh gì.

Tờ i nguệch ngoạc bút chì
Thấm màu mực đỏ điểm ghi bên lề
Thương trường cũ, nhớ làng quê
Mơ sao được một ngày về thăm Cô !
Hình ảnh vẽ đẹp về ngày 20-11

——

HOA VÀ NGÀY 20-11
Phạm Thị Thanh Nhàn
Nụ hoa hồng ngày xưa ấy
Còn rung rinh sắc thắm tươi
20-11 ngày năm ấy
Thầy tôi tuổi vừa đôi mươi

Cô tôi mặc áo dài trắng
Tóc xanh cài một nụ hồng
Ngỡ mùa xuân sang quá
Học trò ngơ ngẩn chờ trông…

Nụ hoa hồng ngày xưa ấy…
Xuân sang, thầy đã bốn mươi
Mái tóc chuyển màu bụi phấn
Nhành hoa cô có còn cài?

Nụ hoa hồng ngày xưa ấy…
Tà áo dài trắng nơi nao,
Thầy cô – những mùa quả ngọt
Em bỗng thành hoa lúc nào.

——

NGHE THẦY ĐỌC THƠ
Trần Đăng Khoa
Em nghe thầy đọc bao ngày
Tiếng thơ đỏ nắng xanh cây quê nhà
Mái chèo nghe vọng sông xa
Êm êm như tiếng của bà năm xưa
Nghe trăng thuở động tàu dừa
Rào rào nghe chuyển cơn mưa giữa trời
Thêm yêu tiếng hát mẹ cười
Yêu thơ em thấy đất trời đẹp ra…

——

KHI THẦY VỀ NGHỈ HƯU
Lá me
Cây phượng già treo mùa hạ trên cao
Nơi bục giảng giọng thầy sao chợt thấp:
“Các con ráng… năm nay hè cuối cấp…”
Chút nghẹn ngào… bụi phấn vỡ lao xao.

Ngày hôm qua hay tự tháng năm nào
Con nao nức bước vào trường trung học
Thương cây lúa hóa thân từ hạt thóc
Thầy ươm mùa vàng, đất vọng đồng dao.

Mai thầy về, sân trường cũ nằm đau?
Hay nỗi nhớ lấp vùi theo cát bụi?
Dẫu cay đắng, dẫu trăm nghìn đau tủi
Nhọc nhằn nào thầy gửi lại ngày sau?

Mai thầy về, mùa gọi nắng lên cao
Vai áo bạc như màu trang vở cũ
Con muốn gọi sao lòng đau nghẹn ứ
Đã bao lần con ngỗ nghịch thầy ơi!

——

GỬI VỀ CÔ GIÁO DẠY VĂN
Nguyễn Thụy Diễm Chi
Có thể bây giờ cô đã quên em
Học trò quá nhiều, làm sao cô nhớ hết
Xa trường rồi, em cũng đi biền biệt
Vẫn nhớ lời tự nhủ: sẽ về thăm.

Có thể bây giờ chiếc lá bàng non
Của ngày em đi đã úa màu nâu thẫm
Ai sẽ nhặt dùm em xác lá
Như em thuở nào ép lá giữa trang thơ ?

Ước gì… Hiện tại chỉ là mơ
Cho em được trở về chốn ấy
Giữa bạn bè nối vòng tay thân ái
Được vui-buồn-cười-khóc hồn nhiên

Em nhớ hoài tiết học đầu tiên
Lời cô dạy: “Văn học là nhân học”
Và chẳng ai học xong bài học làm người!
Chúng em nhìn nhau khúc khích tiếng cười
Len lén chuyền tay gói me dầm cuối lớp

Rồi giờ đây theo dòng đời xuôi ngược
Vị chua cay thuở nào cứ thấm đẫm bờ môi
Những lúc buồn em nhớ quá – Cô ơi!
Bài học cũ chẳng bao giờ xưa cũ…

——

THẦY
Ngân Hoàng
Cơn gió vô tình thổi mạnh sáng nay
Con bỗng thấy tóc thầy bạc trắng
Cứ tự nhủ rằng đó là bụi phấn
Mà sao lòng xao xuyến mãi không nguôi
Bao năm rồi ? Đã bao năm rồi hở ? Thầy ơi …
Lớp học trò ra đi, còn thầy ở lại
Mái chèo đó là những viên phấn trắng
Và thầy là người đưa đò cần mẫn
Cho chúng con định hướng tương lai

Thời gian ơi xin dừng lại đừng trôi
Cho chúng con khoanh tay cúi đầu lần nữa
Gọi tiếng thầy với tất cả tin yêu …

——

LỜI CỦA THẦY
(Xin lỗi vì không rõ tác giả)
Rồi các em một ngày sẽ lớn
Sẽ bay xa đến tận cùng trời
Có bao giờ nhớ lại các em ơi
Mái trường xưa một thời em đã sống

Nơi đã đưa em lên tầm cao ước vọng
Vị ngọt đầu đời bóng mát ca dao
Thủa học về cái nắng xôn xao
Lòng thơm nguyên như mùi mực mới

Dẫu biết rằng những tháng ngày sắp tới
Thầy trò mình cũng có lúc chia xa
Sao lòng thầy canh cánh nỗi thiết tha
Muốn gởi các em thêm đôi điều nhắn nhủ

Một lời khuyên biết thế nào cho đủ
Các em mang theo mỗi bước hành trình
Các em lúc nào cũng nhớ đừng quên:
Sống cho xứng với lương tâm phẩm giá…

Rồi các em mỗi người đi mỗi ngã
Chim tung trời bay bỗng cánh thanh niên
Ở nơi đâu: rừng sâu, biên giới khắp ba miền
Ở nơi đâu có thầy luôn thương nhớ
Thơ về thầy cô

——

NGƯỜI LÁI ĐÒ
Thảo Nguyên
Một đời người – một dòng sông…
Mấy ai làm kẻ đứng trông bến bờ,
“Muốn qua sông phải lụy đò”
Đường đời muôn bước cậy nhờ người đưa …

Tháng năm dầu dãi nắng mưa,
Con đò trí thức thầy đưa bao người.
Qua sông gửi lại nụ cười
Tình yêu xin tặng người thầy kính thương.

Con đò mộc – mái đầu sương
Mãi theo ta khắp muôn phương vạn ngày,
Khúc sông ấy vẫn còn đây
Thầy đưa tiếp những đò đầy qua sông…

Chúc lớp bạn đoạt giải cao trong cuộc thi viết báo tường chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 nhé!

 Theo thethaohangngay

Viết bình luận: Thơ văn, ca dao, truyện cười làm báo tường

  •  
Khoá học lớp 2-12 - Tuyensinh247