Bộ GD&ĐT vừa công bố chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020. Bên cạnh việc quy hoạch lại nguồn nhân lực, đào tạo theo nhu cầu xã hội, khắc phục những tồn tại, vấn đề tài chính cũng có nhiều đổi mới. Theo đó, Bộ xây dựng chi phí đào tạo của các ngành trên cơ sở xác định mức học phí và đầu tư của nhà nước.
Từ năm 2013, Bộ sẽ thí điểm cơ chế học phí hỗ trợ tài chính mới để xã hội hóa những ngành có quy mô đào tạo lớn hơn nhu cầu nhân lực và khuyến khích những ngành nhà nước cần phát triển. Bộ Giáo dục cũng xây dựng cơ chế tài chính đối với các trường ngoài công lập.
|
Bộ thay đổi chính sách tài chính, hỗ trợ tối đa cho những trường đại học ngoài công lập hoạt động không vì lợi nhuận. |
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, Bộ đang soạn thảo nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật giáo dục, trong đó có các điều khoản ưu tiên cho trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Những trường này sẽ được cấp kinh phí hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đào tạo giáo viên, đất đai, thuế...
"Bộ sẽ có văn bản chi tiết trong đó xác định tiêu chí, định lượng trường nào hoạt động không vì lợi nhuận. Các trường ngoài công lập có thể chọn đi theo con đường lợi nhuận thì đóng thuế như doanh nghiệp, không vì lợi nhuận thì được nhà nước hỗ trợ", Thứ trưởng Ga cho hay.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục cũng đang sửa đổi nghị định 49 về hỗ trợ học phí cho diện được miễn giảm. Nếu như trước đây chỉ có học sinh công lập được hưởng, thì từ 2013 học sinh tư thục cũng được hưởng chính sách miễn giảm học phí. Theo đó, mức học phí của những em ở trường này sẽ bằng mức học phí các trường công lập.
Ông Ga thông tin, tất cả nội dung đổi mới này đang được soạn thảo trình Thủ tướng và sẽ hoàn thiện văn bản hướng dẫn thi hành luật giáo dục trong năm nay.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết sẽ có chính sách đãi ngộ đặc biệt thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm. Theo ông Ga, giáo viên phải thật giỏi thì mới có thể nâng cao chất lượng giáo dục. Nếu chỉ khuyến khích thí sinh bằng học bổng không thì không được bởi các em có thể vay vốn ưu đãi để học, ra trường làm lương cao có thể trả ngay.
Hiện học sinh giỏi không còn thiết tha với sư phạm bởi các em thấy học xong không có tương lai, không tìm được việc làm. Vì vậy, Bộ sẽ quy hoạch lại nguồn nhân lực. Một chiến dịch rà soát được thực hiện, xác định mỗi năm có bao nhiêu người về hưu, bao nhiêu sinh viên sư phạm ra trường, bao nhiêu trẻ được sinh ra, bao nhiêu trường thành lập... Trên cơ sở đó, Bộ sẽ quy hoạch lại nhu cầu giáo viên ở từng cấp học và mạng lưới các trường sư phạm.
|
Hoàng Thùy (VNE)