Tư vấn tuyển sinh: Chọn ngành phù hợp, chọn trường vừa sức

Nhiều câu hỏi đã được trả lời trong ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2013 diễn ra tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) ngày 27-1.

Tu van tuyen sinh: Chon nganh phu hop, chon truong vua suc
Sinh viên trường Đại học Quốc tế (ĐHQG, TPHCM) đang giới thiệu thông tin tuyển sinh của trường với các học sinh trường THPT Chợ Gạo (Tền Giang) đến tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh 2013 - Ảnh: NHƯ HÙNG


Chọn ngành phù hợp

* Xin được hỏi ông Trần Anh Tuấn, xin cho biết xu hướng nghề nghiệp trong tương lai?

- Ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM: Bất cứ thanh niên nào cũng mơ ước có nghề nghiệp, thành công, nuôi thân và lo gia đình. Xu hướng nhân lực TP.HCM và các tỉnh phía Nam, xu hướng chung dù kinh tế có khó khăn, một số ngành nghề có vẻ đang bão hòa nhưng nói chung ngành nào cũng có nhu cầu nhân lực. TPHCM từ nay đến 2015 bình quân thu hút 300 ngàn lao động năm, các tỉnh từ 30-50 ngàn/năm. TP.HCM bao giờ cũng nhu cầu công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp.

Tuy nhiên các em nên chú ý một điều trong khi lựa chọn ngành nghề là chúng ta không chạy theo số đông. Nếu vì có bằng ĐH mà chọn ngành không phù hợp sẽ khó khăn trong tương lai. Trong tương lai các nhóm ngành đều đồng loạt phát triển. Người nào chọn đúng nghề, học tốt, có phấn đấu nâng cao năng lực sẽ có cơ hội việc làm tốt hơn.

- TS Đinh Phương Duy, Chủ tịch Hội KH Tâm lý Giáo dục TP.HCM: Các bạn đang quan tâm đến việc chọn nghề như thế nào để phát triển bản thân.  Chọn nghề hay chọn trường cũng phải hết sức bình tĩnh. Chọn một nghề là chọn cho mình chứ không phải chọn cho ba mình, hay cho ai khác. Có một em SV đang học ĐH lại đi dự tư vấn tuyển sinh: em nay nói: năm ngoái em thi cho ba mẹ, năm nay em thi cho em. Để theo được nghề mình yêu thích, bạn này đã lãng phí mất một năm…

Chọn nghề việc rất quan trọng. Chúng ta hết sức bình tĩnh xem mình thích nghề gì, có khả năng làm nghề gì, công việc gì… Ví dụ bạn muốn the nghề kinh tế hoặc làm thầy cô giáo, phi công… phải xem những người đang làm nghề này họ đan làm gì, sống ngư thế nào… Từ đó chúng ta hình dung chúng ta có phù hợp theo nghề đó không Đặc biệt chúng ta phải lượng sức mình để chọn trường phù hợp, vừa sức học của mình.

* Cô Lê Thị Thanh Mai có tham gia nhóm làm phần mềm chọn ngành, chọn nghề. Xin cô chia sẽ một số thông tin về việc chọn nghề này?

- TS Lê Thị Thanh Mai, trưởng ban công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM: Chọn một nghề, nên xem nghề đó có phù hợp với tố chất của mình hay không? Chọn một nghề phải hiểu nghề đó làm gì. Ý thích ai cũng có nhưng mình có hợp với nghề đó không. Các em có thể tự làm trắc nghiệm để biết mình hợp nghề nào? Để làm nghề này phải học ngành nào, trường nào đào tạo, mức điểm bao nhiêu… Như vậy, cơ hội tìm được nghề, trường phù hợp rất cao. Cô có mấy lời khuyên: thứ nhất, các em chuẩn bị tốt kiến thức các môn trong khối thi của mình. Ngoài việc vào ĐH còn có đường nào khác để vào tương lai?

- TS Nguyễn Toàn, Hiệu trưởng trường CĐ Công nghệ Thủ Đức:  Tôi muốn nêu mấy suy nghĩ sau: Một, xem thử năng lực về các môn văn hóa liên quan đến khối thi của chúng ta như thế nào. Nếu sức học ở trường phổ thông không khá lắm, có thể loại ngay mơ tưởng các trường ĐH, nếu học lực khá giỏi chúng ta hướng đến các trường CĐ, ĐH. Khi đã chọn cơ sở đào tạo nào, chúng ta có thể đến đó để tìm hiểu thông tin hoặc tìm hiểu qua mạng để hiểu hơn về ngành, trường mình sẽ học. Khả năng đến đâu, trường nào có ngành mình muốn cứ mạnh dạn hướng đến cơ sở đó.

Đừng nên quá nặng nề chuyện phải học ĐH, CĐ. Với chương trình hiện nay, một người học nghiêm túc chương trình trung cấp hoàn toàn đủ khả năng có việc làm tốt. Ngược lại, chúng tôi đã gặp những người đã tốt nghiệp ĐH nhưng chỉ làm những việc phổ thông. Quan trọng là chúng ta tìm được nghề phù hợp nhất chứ không phải bằng cấp gì?

* Em thích ngành kinh tế nhưng đang băn khoăn giữa hai con đường hoặc vào ĐH Kinh tế học quản trị kinh doanh hoặc em học ĐH bách khoa để có kiến thức chuyên ngành về một lĩnh vực nào đó, sau đó bổ sung kiến thức quản lý kinh tế sau… Em chưa biết chọn hướng đi nào?

- TS Lê Thị Thanh Mai, trưởng ban công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM: Câu hỏi của em rất hay. Với bản tính năng động em có thể học cả hai lĩnh vực. Lĩnh vực kỹ thuật đòi hỏi em yêu thích vấn đề liên quan đến máy móc, tiếng ồn… Em có thuộc tuýp người này không. Trường ĐH Bách khoa có nhiều ngành, vậy em thích ngành nào? Có một ngành liên quan cả kỹ thuật và quản lý. Đó là ngành Quản lý công nghiệp. Em có thể tìm hiểu thêm về ngành này. Em không nên quan niệm học trường này sẽ dễ có việc làm hơn trường kia… Thực tế, xu thế tuyển dụng hiện nay khác trước. Nhà tuyển dụng không chỉ quan tâm đến bằng cấp, họ tuyển kỹ năng, kiến thức xã hội.

- TS Đinh Phương Duy, Chủ tịch Hội KH Tâm lý Giáo dục TP.HCM: QTKD là một ngành học trong nhóm ngành kinh tế. Không phải học ngành này ra làm lãnh đạo ngay, làm quản lý là một việc phải học rất lâu tích lũy kinh nghiệm  kiến thức lâu dài. Trong khi đó, học kỹ thuật sau này hoàn toàn có thể làm quản lý, làm kinh doanh nếu em có khả năng và điều kiện. Điều cuối cùng chúng ta xem mình thích gì, có điều kiện đáp ứng công việc mình thích hay không…

- Ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM: Tôi muốn chia sẻ một câu chuyện từ gia đình tôi. Một người học ĐH Bách khoa ngành hóa hiện nay làm giám đốc nhân sự bốn công ty; một người học ngành xây dựng trung cấp nay kinh doanh vật liệu xây dựng; một người cũng học xây dựng sau học thêm thiết kế giờ làm công việc thiết kế. Trong ba người này, người “thành công” nhất là người từng học trung cấp. Có nhiều người làm trái ngành trái nghề nhưng phát huy được đúng khả năng mình trong công việc. Chỉ có con người giỏi nghề là thành đạt. Người có bằng cấp mà thiếu kỹ năng khó thành đạt lắm.

- TS Nguyễn Toàn, Hiệu trưởng trường CĐ Công nghệ Thủ Đức: Tôi xin bổ sung một ý kiến. Trường chúng tôi có thực hiện học kỳ doanh nghiệp, đưa HS ra “học” ở 8 doanh nghiệp. Trong tám ông giám đốc các doanh nghiệp này chỉ có một người có bằng ĐH ngành kinh tế nhưng anh này hiện đang làm giám đốc một doanh nghiệp cơ khí. Bảy người còn lại xuất thân từ trung cấp, CĐ. Các em cứ mạnh dạn: mình có thể vào trường nào cứ mạnh dạn học. Trong xu thế hiện nay, việc chuyển đổi ngành nghề là xu hướng phổ biến. Trong sự thích nghi đó, ai có năng lực nhất, phù hợp với công việc sẽ thành công. Công việc trong cuộc sống rất rộng, đang chờ các bạn.

* Em muốn làm giáo viên tiểu học thì cần phải có những tiêu chuẩn gì?

- TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM): Các ngành sư phạm đòi hỏi về ngoại hình, giọng nói, không tuyển thí sinh nói ngọng nói lắp, bị dị tật. Dạy tiểu học thì các em tiếp xúc nhiều với trẻ con. Nếu không yêu trẻ thì sẽ khó. Ở lứa tuổi này, hình ảnh đầu tiên về thầy cô sẽ in đậm trong tâm trí các em. Do đó nêu muốn làm giáo viên tiểu học, các bạn phải thực sự yêu trẻ và yêu nghề.

* Các ngành sư phạm đang thừa nhân lực. Em nghe nói các trường sư phạm sẽ giảm chỉ tiêu, tăng học phí phải không ạ?

- TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM): Thực tế ngành sư phạm thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu. Vấn đề quan trọng là em có đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng, đáp ứng được các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng sư phạm hay không chứ không phải học ra là có việc.

Bất kỳ ngành nào cũng có nhu cầu nhân lực. nếu các bạn giỏi thì cơ hội việc làm của bạn sẽ tốt hơn và ngược lại. Nếu em thích mà muốn đi dạy thì em nên chọn ngành sư phạm và lên kế hoạch đầu tư học tập để có kết quả tốt nhất. Một khi mình có kết quả học tập, kỹ năng sư phạm tốt và yêu nghề thì cơ hội việc làm của em sẽ tốt.

* Em có năng lực cả hai ngành, một là ngành báo chí, hai là quản trị kinh doanh… Em không biết học ngành nào trước, ngành nào sau. Em cũng nghe nói học ngành hợp xu hướng tuyển dụng dễ có việc làm hơn học nghề mình thích, vậy nên chọn ngành nào. Em hay bị stress, đau đầu khi học bài, phải làm sao?

- TS Đinh Phương Duy, Chủ tịch Hội KH Tâm lý Giáo dục TP.HCM: Thầy hỏi em vậy em thích ngành nào giữa hai ngành báo chí và QTKD? Học ngành mình thích dễ rèn tay nghề hơn. Đặc điểm tâm lý, sở trường của em gần gũi ngành nào hơn?

- TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM: Nhức đầu khi học bài là bệnh nhiều em gặp phải. Não của mình làm việc nhiều quá, sẽ mệt. Nếu các em cố gắng ngồi học, não sẽ “không theo mình”. Nên có thư giãn, vận động nhẹ giữa giờ học để giảm stress cho não.

* Muốn làm về lĩnh vực tổ chức sự kiện, quan hệ công chúng, em nên theo học ngành nào?

- TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM): Hiện Trường ĐH Văn Lang có đào tạo ngành Quan hệ công chúng. Ở Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) có đào tạo ngành Báo chí truyền thông, ngoài ra sinh viên ngành Quan hệ quốc tế cũng làm về truyền thông rất nhiều.

Tùy vào lựa chọn của bạn mà các bạn chọn ngành học phù hợp. Ngành Quan hệ quốc tế các bạn sẽ có lợi thế nhiều về tiếng Anh, kỹ năng đàm phán trong khi ngành Báo chí có thê mạnh về các kỹ năng báo chí cũng như tổ chức sự kiện.

 * Em không tự tin vào khả năng giảng bài cho người khác. Bạn bè của em cũng nói em giảng bài khó hiểu. Vậy em có nên theo học ngành sư phạm hay không?

- TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM): Theo học bất kỳ ngành nào cũng đòi họi các bạn phải có lòng yêu nghề, nhất là ngành sư phạm, đòi hỏi thêm các bạn phải có kỹ năng giảng bài trước đám đông. Tôi nghĩ trong 4 năm các bạn sẽ học được.

Trong quá trình học ngoài kiến thức các bạn còn học về các kỹ năng sư phạm, kỹ năng giảng bài. Tôi nghĩ là các em sẽ học được từ việc tham gia đội nhóm, các câu lạc bộ... để từ đó trưởng thành hơn, rèn luyện được kỹ năng. Đừng mất tự tin như vậy, hãy mạnh dạn lên để có thể làm được điều mà mình mong muốn, thực hiện niềm đam mê của mình.

Trường nào vừa sức?

* Học lực khá thì có thể thi vào Trường ĐH Y dược TP.HCM hay không? Chỉ tiêu hợp đồng với địa phương của Trường ĐH Y dược TP.HCM là như thế nào? Em ở Bạc Liêu thì liên hệ với ai để theo học chương trình này.

ThS Huỳnh Trương Lệ Hồng, phó trưởng ban đào tạo khoa điều dưỡng và kỹ thuật y học Trường ĐH Y dược TP.HCM: Trường ĐH Y dược TP.HCM đào tạo bậc ĐH, CĐ và trung cấp. Tùy vào sức học của học sinh mà chúng ta chọn bậc học phù hợp. Ở bậc ĐH, điểm chuẩn các ngành cũng khác nhau từ cao đến thấp. Nếu tỉnh Bạc Liêu có nhu cầu bác sĩ y đa khoa thì tỉnh sẽ có công văn để hợp đồng đào tạo với trường. Em cần liên hệ với Sở Y tế để biết năm nay tỉnh có nhu cầu đào tạo theo diện này hay không. Điểm chuẩn của hệ này trhường thấp hơn điểm chuẩn vào trường khoảng nửa điểm.

* Em muốn vào học các trường quân đội nhưng gia đình em theo đạo Thiên chúa. Cho em hỏi theo đạo Thiên chúa có được xét tuyển vào các trường quân đội hay không?

- Thượng tá Bùi Xuân Bá, cán bộ phòng tuyên huấn Cục Chính trị Quân khu 7: Yêu cầu tiêu chuẩn chính trị, nhà bạn có theo đạo Thiên chúa nhưng không có các vi phạm pháp luật thì vẫn được xét tuyển vào các trường quân đội.

Gia đình phải có lý lịch rõ ràng (cơ quan quân sự quận, huyện sẽ xác minh lý lịch của các bạn, nếu không đạt sẽ bị loại), sức khỏe tốt (qui định rõ về chiều cao, cân nặng, các yếu tố hình thể...).

* Trường ĐH Luật TP.HCM có rất nhiều ngành luật vậy khi trúng tuyển thì phân ngành thế nào? Trường ĐH Y dược TP.HCM có xét tuyển hệ ngoài ngân sách hay không, mức học phí như thế nào, điểm chuẩn ra sao?

- ThS Lê Văn Hiển, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM: Trường ĐH Luật TP.HCM có 5 khoa. Hiện cả nước có 22 cơ sở đào tạo ngành luật. Khi đăng ký, thí sinh chỉ đăng ký vao 2 ngành duy nhất là ngành luật. Trong ngành luật có các chuyên ngành chuyên sâu như luật hành chính, luật dân sự, luật hình sự, luật quốc tế, luật hành chánh... Khi trúng tuyển, trường cho sinh viên đăng ký chuyên ngành. Tuy nhiên khi tốt nghiệp sinh viên sẽ được cấp bằng cử nhân luật.

- ThS Huỳnh Trương Lệ Hồng, Trường ĐH Y dược TP.HCM: Hiện trường đào tạo theo nhu cầu của địa phương. Học sinh nên liên hệ với sở y tế địa phương mình để biết xem năm nay tỉnh có chỉ tiêu này hay không.

Điểm cao, cơ hội có cao?

* Ước mơ của em muốn trở thành một CEO? Muốn làm lãnh đạo học ngành gì?

- Ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM: Không hiểu sao gần đây thanh niên mình thích làm lãnh đạo quá! (cười). Nhưng cũng tốt thôi. Có điều các em nên hiểu: muốn làm lãnh đạo ra trường phải trải qua nhiều công việc từ thấp đến cao, quá đó mới thử thách coi mình có hợp để làm lãnh đạo không. Làm lãnh đạo cần có năng lực quản lý, có khả năng làm cho người khác phải nghe mình…

- TS Lê Thị Thanh Mai, trưởng ban công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM: Thực tế khi tuyển dụng các vị trí quản lý, nhà doanh nghiệp luôn yêu cầu phải có bắng cấp, kinh nghiệm thực tế. Còn ở các đơn vị nhà nước, khi chúng tax xin việc làm bắt đầu từ những ngạch bậc thấp. Muốn làm lãnh đạo phải có thời gian nhiều năm sau đó khi các em thể hiện mình trong công việc. Ngoài ra muốn làm lãnh đạo, các em phải có sức khỏe, có “vóc dáng” có thể làm lãnh đạo. Để đạt được ước mơ “xa” là làm lãnh đạo, các em nên tập trung vào các mục tiêu trước mắt là học tốt và có sức khỏe tốt.

* Liệu có phải điểm đầu vào càng cao thì cơ hội việc làm? Hiện nay học CĐ, trung cấp dễ xin việc hơn ĐH, có nghịch lý không?

- Ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM: Điểm đầu vào cao tức là những em rất giỏi mới vào được những trường này. Những người giỏi cơ hội việc làm sẽ cao hơn. Nhưng thực tế có nhiều em giỏi đầu vào nhưng sau đó không nỗ lực, thành ra dở. Ngược lại lúc rời trường phổ thông không giói xuất sắc nhưng nỗ lực trong ba năm CĐ hoặc bốn năm ĐH, ra trường giỏi vẫn có cơ hội tốt. Trong xã hội chúng ta đang thiếu lực lượng kỹ thuật nhưng cũng thiếu người giỏi có bằng ĐH. Không có bất hợp lý gi ở đây. Vấn đề là chúng ta có giỏi ngành mình đã học hay không.


* Làm sao chuẩn bị đủ năng lượng cho kỳ thi sắp tới?

- TS BS Trần Thị Minh Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM: Có nhiều em học rất tốt nhưng không được chuẩn bị sức khỏe tốt trước mùa thi. Nhiều em đậu rồi nhưng không có sức khỏe theo đuổi chương trình.

Sức khỏe là vốn quý, phải chuẩn bị rất lâu. Muốn có sức khỏe lâu dài, lịch học hợp lý phải có sự điều độ, phải có nghỉ ngơi hợp lý, phải có các bữa ăn đầy đủ. Nên có những bữa ăn phụ để bổ sung dinh dưỡng cho các bữa ăn chính trong thời gian học thi.

Phải có thời gian nghỉ mới để đầu óc mình “tươi mới” trở lại. Phải có thời gian vận động. Ví dụ như chạy bộ, nghe nhạc, nhún nhẩy theo nhạc cũng là cách giúp học tốt hơn.

* Làm sao đỡ hồi hộp khi học và đi thi?

- TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM: “Hồi hộp” là chuyện nhiều em mắc phải. Cách khắc phục là hít thở thật sâu khi cảm thấy hồi hộp. Các em không nên đặt yêu cầu quá cao cho bản thân mình. Nếu học không kịp, không hết bài, hãy chấp nhận học được đến đâu chấp nhận đến mức đó.


* Ngành sư phạm hiện đang giảm chi tiêu, nếu theo ngành này sau này có xin việc được không?

- Ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM: Ngành sư phạm hiện nay chưa giảm chỉ tiêu, chỉ là đang điều chỉnh chỉ tiêu chi phù hợp. Ví dụ: có nơi đang thiếu GV tiểu học và mầm non nên tăng chỉ tiêu trung cấp, giảm chỉ tiêu CĐ và ĐH sư phạm. Ngành sư phạm luôn cần người. Vấn đề là em nên tìm hiểu địa phương mình đang thiếu giáo viên bậc nào để chọn bậc học phù hợp.

* Cơ hội việc làm ngành Tâm lý học có nhiều không?

- TS Đinh Phương Duy, chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục TP.HCM: Ngành tâm lý học hiện đang mở ra nhiều cơ hội mới. Ở TPHCM có 3 trường đào tạo: ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐHKHXHNV (ĐHQG TP.HCM), ĐH Văn Hiến… Tốt nghiệp ngành này, có thể giảng dạy Tâm lý học tại các trường ĐH,CĐ, trung cấp; làm GV tư vấn tâm lý học đường tại các trường phổ thông; chúng ta cũng có thể làm chuyên gia tư vấn tình yêu, hôn nhân gia đình; làm công tác nhân sự trong các đơn vị hoặc làm nghiên cứu lĩnh vực này.

* Em có anh và chị làm ngành luật, em có rất nhiều sách và tài liệu ngành này. Bản thân em không ghét cũng không thích lắm ngành này. Có khi nào em theo học sau này em sẽ thích ngành đó không?

- TS Đinh Phương Duy, chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục TP.HCM: Gia đình em có người theo ngành nghề này, đó là một lợi thế nếu em theo nghề. Nếu em không có ngành nào khác yêu thích hơn, nên thử nghĩ mình có thể thích nghi với công việc anh chị mình làm hay không. Nếu cảm thấy thích nghi được, em có thể chọn nghề này.

Theo TT

>> Luyện thi TN THPT & ĐH năm 2024 trên trang trực tuyến Tuyensinh247.com. Học mọi lúc, mọi nơi với Thầy Cô giáo giỏi, đầy đủ các khoá: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng; Tổng ôn chọn lọc.

1 bình luận: Tư vấn tuyển sinh: Chọn ngành phù hợp, chọn trường vừa sức

  •  
Điểm chuẩn tất cả các trường ĐH