|
Học sinh chăm chú thực hiện bảng trắc nghiệm nghề nghiệp xem ngành nào phù hợp với bản thân. Ảnh: Đào Ngọc Thạch . |
Mở đầu chương trình, Minh Nguyên (học sinh lớp 12A2) hỏi: “Em dự định thi vào khối ngành kinh tế nhưng thấy nền kinh tế đang rất trì trệ, nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm. Em có nên tiếp tục thi vào ngành này không?”.
Thạc sĩ Trần Duy Can, chuyên viên tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, chia sẻ: “Có thể nói tình hình kinh tế - tài chính chung trên thế giới đang ở giai đoạn khủng hoảng, kinh tế trong nước cũng lạm phát cao nên việc làm cho khối ngành kinh tế - quản trị kinh doanh - tài chính ngân hàng có phần khó khăn. Thêm vào đó, thời gian qua có quá nhiều trường mở nhóm ngành này, hàng loạt sinh viên tốt nghiệp nên đã xảy ra tình trạng bão hòa việc làm từ năm 2012 và sẽ kéo dài sang 2013. Tuy nhiên, nếu yêu thích em vẫn có thể dự thi. Nếu sinh viên chứng minh được năng lực và phẩm chất nhà tuyển dụng đang cần thì vẫn có cơ hội việc làm”.
Thạc sĩ Dương Tôn Thái Dương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Luật, thông tin thêm: “Bất cứ nền kinh tế nào cũng có chu kỳ phát triển mạnh rồi suy thoái và tạo đà cho sự phát triển mới. Nhu cầu lao động đặt ra hiện nay là nguồn lao động chất lượng cao với kiến thức sâu rộng, kỹ năng thông thạo… Sự bão hòa hiện nay chỉ với nguồn nhân lực chưa cao nên đòi hỏi nguồn chất lượng cao hơn trong thời gian tới”.
Tương tự, học sinh (HS) Nguyễn Văn Thái (lớp 12T2), phân vân: “Đất nước đang giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, em có nên thi vào ngành nông nghiệp không? Nếu muốn học ngành nấu ăn em có thể thi vào đâu?”.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, khẳng định: “Nhu cầu nhân lực trong ngành nông nghiệp tương lai đang rất lớn, quan trọng nhất là em phải chọn được ngành học phù hợp với năng lực và sở thích. Dù trước mắt có bão hòa thì 5 - 10 năm sau có thể sẽ phục hưng trở lại”.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Long Giang, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nói thêm: “Nếu yêu thích nấu ăn, em có thể chọn học ngành kinh tế gia đình của trường. Ngành này đào tạo các môn học về ẩm thực, quản trị nhà hàng, khách sạn…”.
Chia sẻ cơ hội việc làm ngành giáo dục mầm non, thạc sĩ Lê Anh Duy, Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Sài Gòn, tiết lộ: “Năm 2013, TP.HCM đã đặt hàng trường đào tạo 500 chỉ tiêu giáo viên mầm non nhưng trường chỉ đáp ứng được 300 chỉ tiêu. Như vậy sinh viên ngành này tốt nghiệp sẽ có việc làm tốt ngay tại TP.HCM”.
Liên quan đến nhóm ngành sư phạm, thạc sĩ Lê Ngọc Tứ, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ thêm: “Với các ngành ngoại ngữ, nếu không học hệ đào tạo sư phạm thí sinh vẫn có thể chọn học ngoài sư phạm để đi dạy. Bên cạnh bằng cử nhân, sinh viên có thể học thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Nếu học chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm của Bộ thì có thể đi dạy THPT, chứng chỉ TESOL có thể dạy tại các trung tâm ngoại ngữ. Đặc biệt, trường có đào tạo loại chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học, đây là ngành học có nhu cầu việc làm rất cao”.
Học lực khá vẫn có thể thi vào y dược
Giải đáp băn khoăn của HS về lực học khá có thể thi vào ngành y dược không, Phó giáo sư - tiến sĩ Đặng Văn Tịnh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, nói: “Điểm chuẩn các năm trước vào trường có nhiều mức, cao nhất là y đa khoa và dược sĩ.
Theo thống kê, điểm chuẩn cho thí sinh khu vực 3 tại TP.HCM từ 25 - 26 điểm. Nếu không thể đạt được mức điểm đó, thí sinh vẫn có thể chọn ngành này tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Khoa Y ĐH Quốc gia TP.HCM với mức điểm thấp hơn từ 2 đến 3 điểm.
Cũng tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM, ngoài y và dược còn có những ngành dành cho thí sinh khá là bác sĩ y học dự phòng và bác sĩ y dược cổ truyền với điểm chuẩn các năm khoảng 21.
Thấp hơn nữa có thể thi vào các ngành cử nhân điều dưỡng, xét nghiệm, hộ sinh… với điểm chuẩn dao động khoảng 20. Đặc biệt, năm 2013 là năm đầu tiên trường tuyển sinh thêm ngành CĐ dược (100 chỉ tiêu), xét tuyển từ thí sinh dự thi ĐH khối B của tất cả các trường trong cả nước.
Sau 3 năm, sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng dược sĩ CĐ. Ngoài ra, thí sinh vẫn có thể chọn học một số trường có đào tạo y dược ngoài công lập điểm thấp hơn nhưng học phí cao, như ĐH Lạc Hồng, ĐH Võ Trường Toản… Cuối cùng, các em có thể chọn học ngành này từ bậc TC, CĐ rồi liên thông lên ĐH”.
Về điểm mới của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo, thông tin: “Nếu năm 2012 trường có 2 ngành điều khiển tàu biển, vận tải khai thác máy tàu thủy không tuyển sinh nữ thì năm 2013 Hội đồng tuyển sinh trường đã họp và quyết định tuyển cả nữ sinh vào 2 ngành này”.
Không nhan sắc, có năng lực vẫn thực hiện được ước mơ
Nhiều câu hỏi bất ngờ và thú vị được nêu ra. Một HS hỏi: “Em xem ti vi thấy hình ảnh các cô thư ký rất đẹp, em cần phải có khả năng gì để theo đuổi ngành này?”.
Thạc sĩ Phan Lê Tường Bích, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Bách Việt, cho biết: “Thư ký văn phòng là ngành học tuyển sinh khối C và D. Tuy nhiên không chỉ nữ sinh, thực tế nhiều doanh nghiệp hiện nay rất có nhu cầu tuyển dụng thư ký nam với thu nhập rất cao. Để làm tốt việc này, ngoài chuyên môn sinh viên cần phải có kỹ năng ngoại ngữ, giao tiếp, làm việc nhóm”.
Một HS giấu tên đặt câu hỏi: “Chiều cao em không có, nhan sắc cũng không nhưng em có ước mơ trở thành lễ tân khách sạn, em phải làm sao?”. Thạc sĩ Bích tư vấn: “Em hoàn toàn có thể thực hiện được mơ ước của mình. Bởi lẽ, ngoài ngoại hình, một số khách sạn vẫn ưu tiên chọn lựa tiêu chí năng lực. Nếu có năng lực và kỹ năng nổi trội, em vẫn có thể tự tin khi xin việc dù không có ngoại hình”.
Theo TN