Tư vấn tuyển sinh: Làm sao để chọn ngành phù hợp?

Làm sao để chọn ngành phù hợp? Có nên dự thi vào ngành sư phạm? Cơ hội việc làm ngành báo chí hiện nay như thế nào? Học ngành báo chí ra trường thu nhập cao không? Ngành tâm lý học đào tạo những gì?

Tu van tuyen sinh: Lam sao de chon nganh phu hop?
Gần 4.000 học sinh THPT tỉnh An Giang đã đến tham dự chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2013 sáng 16-3 - Ảnh: Minh Đức

Ông Hồ Việt Hiệp, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang phát biểu mở đầu chương trình tư vấn hướng nghiệp năm 2013 tại An Giang cho rằng, điều giá trị và quý nhất của con người là tự do phát triển năng lực của mình. Chương trình tư vấn Tuyển sinh - hướng nghiệp hôm nay giúp các em định hướng và có sự lựa chọn phù hợp nhất với năng lực của mình.

Làm sao để chọn ngành phù hợp với mình?

Một học sinh lo lắng “Thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ đến nay đã trải qua đúng một tuần rồi nhưng chúng em vẫn chưa đưa ra được quyết định chọn ngành, trường để làm hồ sơ. Thật sự, em không biết cách nào để chọn ngành, trường nào phù hợp với bản thân.” 

TS Lê Thị Thanh Mai, trưởng ban công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM chia sẻ với học sinh về cách chọn ngành học. Cô Mai cho rằng việc lựa chọn ngành nghề xuất phát từ việc mình quan tâm đến ngành nghề và trường học. Các em phải biết trường mình quan tâm tuyển sinh như thế nào, mức điểm chuẩn ra sao… Từ đó các so sánh với sức học của mình ở ngành quan tâm xem có phù hợp hay không. Đối với các em có sức học giỏi thì việc lựa chọn ngành học sẽ thuận lợi hơn. Nếu các em chọn ngành yêu thích nhưng điểm chuẩn quá cao, không phù hợp với sức học của mình thì sẽ rất khó có cơ hội trúng tuyển.

"Em có sở thích làm giáo viên từ nhỏ nhưng bạn bè khuyên em không nên thi vào sư phạm. Vậy em có nên dự thi vào ngành sư phạm?"

TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) khuyên: nếu thực sự bạn yêu thích ngành sư phạm từ bé thì đây là thuận lợi. Lời khuyên của là bạn nên mạnh dạn lựa chọn ngành sư phạm. Khi đam mê thì bạn sẽ rất dễ dàng đi đến thành công. Nghề sư phạm là nghề cao quý. Bạn nên theo nghề sư phạm nếu tin lời tôi. Tương lai còn dài phía trước với rất nhiều hướng đi dài trong nghề giáo dành cho bạn.

Bạn Nguyễn Tấn Khang (HS Trường phổ thông Thực hành sư phạm) thắc mắc: “Các công ty tuyển dụng thường chỉ chọn ưu tiên tuyển dụng những ai có bằng ĐH, CĐ từ các trường danh tiếng, còn những người tốt nghiệp từ các trường ít danh tiếng thì không có giá trị cao. Điều này có đúng không?”

TS Trần Thế Hoàng, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng, thắc mắc này không chỉ của riêng em mà rất nhiều học sinh và phụ huynh. Cơ hội lựa chọn trường học các em cần xem lại bản thân mình yêu thích ngành nào, còn chọn trường nào phù hợp với năng lực học tập của mình. Con đường học tập của bạn còn rất dài, trúng tuyển vào ĐH mới chỉ là bước khởi động. Nếu phấn đấu sẽ có kết quả học tập tốt. Nếu kết quả học tập tốt ở trường địa phương bạn vẫn có nhiều cơ hội việc làm.

Cơ hội việc làm ngành báo chí như thế nào?

"Em học lực trung bình khá nhưng rất thích ngành dược bậc CĐ, em có thể trúng tuyển hay không?". ThS Huỳnh Trương Lệ Hồng giải đáp: ĐH Y dược TP.HCM đào tạo đa ngành, đa cấp. Đối với ngành dược hiện tại nhà trường có 3 cấp bậc: ĐH, CĐ và TCCN. Năm nay là năm đầu tiên nhà trường đào tạo bậc CĐ ngành dược. Em phải dự thi một ngành khối B, sau đó xem thông báo của trường để tham gia xét tuyển vào bậc CĐ ngành dược của trường.

Một thắc mắc về việc làm ngành báo chí được chuyển đến TS Phạm Tấn Hạ: "Cơ hội việc làm ngành báo chí hiện nay như thế nào? Học ngành báo chí ra trường thu nhập cao không?". TS Phạm Tấn Hạ chia sẻ, hiện nay Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) đang đào tạo ngành báo chí truyền thông. Ngành này đào tạo lĩnh vực báo chí, xuất bản và truyền thông. Cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành này rất rộng. Các bạn có thể làm việc ở các cơ quan báo chí và cũng có thể làm việc rất nhiều cơ quan, công ty hoạt động trong lĩnh vực truyền thông…

Về thu nhập của những người làm trong lĩnh vực báo chí, truyền thông theo tôi được biết là tùy vào năng lực từng người. Nhưng phần lớn những người làm giỏi nghề có thu nhập khá cao. Nhiều sinh viên báo chí sau 10 năm làm nghề không còn quá lo lắng đến chuyện tiền bạc, thu nhập của họ thuộc loại cao so với các ngành nghề khác.

“Bản thân em tự nhận thấy mình không đủ năng lực để dự thi vào các trường công an, nhưng em rất yêu thích ngành này. Em có thể học ngành nào khác để sau này được tuyển dụng vào làm việc trong ngành công an?”.

TS Phạm Tấn Hạ cho biết: Hiện nay, nhu cầu nữ trong ngành công an ít hơn. Đây là thiệt thòi cho các bạn nữ. Tuy nhiên, theo tôi biết, một số ngành học thường được ngành công an có nhu cầu tuyển dụng là các ngành thuộc nhóm ngôn ngữ như Nhật Bản học, Hàn Quốc học. Bạn có thể chọn những ngành này để học và sau này nếu cơ quan công an địa phương có nhu cầu tuyển dụng thì bạn dự tuyển vào. Nhưng bạn cần lưu ý vấn đề lý lịch và một số yêu cầu về sức khỏe của ngành công an. Bạn có thể liên hệ với cơ quan công an địa phương để biết được những điều kiện sơ tuyển của ngành xem mình có đáp ứng được hay không.

Một số học sinh thắc mắc học ngành nào sau này có thể làm cán bộ công chức. ThS Lê Văn Hiển, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM  tư vấn, muốn làm cán bộ công chức trong các cơ quan nhà nước có rất nhiều ngành, ví dụ học ngành kinh tế có thể làm việc cho các doanh nghiệp nhà nước, sở tài chính; học ngành luật ra trường có thể làm việc ở các UBND, sở tư pháp…

Ngành kinh tế: vẫn rộng cửa với người phù hợp

"Em định thi vào khoa tâm lý học, ngành này dạy những gì?".

TS Phạm Tấn Hạ: Ngành tâm lý rất rộng. Các bạn được trang bị những kiến thức để tiếp cận thân chủ của mình. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, các kỹ năng mềm hết sức quan trọng. Sinh viên nào ra trường có kỹ năng mềm sẽ có rất nhiều lợi thế. Đặc biệt, ngành tâm lý cần rất nhiều kỹ năng mềm. Bên cạnh đó, học ngành này đòi hỏi sinh viên phải có tính kiên nhẫn, biết chia sẻ… để làm tốt công việc. Đây là ngành điểm chuẩn tương đối cao. Nếu em thật sự thích thì cứ mạnh dạn đăng ký dự thi. Ra trường, có thể làm việc tại các công ty kinh doanh, nhân viên tư vấn, làm việc tại các bệnh viện…

Tại khu vực tư vấn nhóm ngành kinh tế, nhiều học sinh tỏ ra quan tâm đến ngành kinh doanh nông nghiệp. TS Trần Thế Hoàng cho rằng tỉnh An Giang là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp nên nếu yêu thích những ngành nghề liên quan tới nông nghiệp sẽ có nhiều thuận lợi. Trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp hiện có nhiều trường đào tạo, các em cần tìm hiểu từng ngành nghề ở trường mình quan tâm để đưa ra quyết định phù hợp. Việc chọn trường nào để thi thì tùy vào năng lực của bản thân.

Nếu như các năm trước nhiều câu hỏi cho nhóm ngành kinh tế thì năm nay tại đây cũng giảm hẳn. Phần lớn thí sinh quan tâm nhóm ngành này cho biết “yêu thích thực sự lĩnh vực kinh tế” nhưng lại băn khoăn, lo lắng trước khi quyết định làm hồ sơ đăng ký thi. Các thành viên ban tư vấn lần lượt chia sẻ và trấn an thí sinh rằng những thông tin gần đây trên mạng cho rằng các trường sẽ ngừng đào tạo nhóm ngành kinh tế là không chính xác.

Các trường vẫn giữ chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành này như các năm, không thay đổi lớn trong quy mô, chỉ tiêu đào tạo. Thực tế hiện nay nền kinh tế thế giới và Việt Nam đang trong thời điểm khó khăn nên việc nhiều doanh nghiệp phá sản là chuyện bình thường. Nhưng chắn chắn, theo quy luật, sau giai đoạn khó khăn thì nền kinh tế lại khởi sắc. Khi đó nhu cầu tuyển dụng cũng sẽ tăng trở lại theo số doanh nghiệp mới ra đời. Vì vậy thí sinh cần yên tâm. “Chỉ cần có niềm đam mê, yêu thích ngành kinh tế các em nên mạnh dạn thi vào…” - ThS Hứa Minh Tuấn khuyên.

Một số hình ảnh tại buổi tư vấn hương nghiệp và tuyển sinh năm 2013 tại An Giang:

Tu van tuyen sinh: Lam sao de chon nganh phu hop?

Đặt câu hỏi trực tiếp cho các thầy cô trong ban tư vấn - Ảnh: Minh Đức

Tu van tuyen sinh: Lam sao de chon nganh phu hop?

Học sinh THPT tỉnh An Giang tưng bừng dự Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2013 tổ chức tại trường ĐH An Giang - Ảnh: Minh Đức

Tu van tuyen sinh: Lam sao de chon nganh phu hop?
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cung cấp những thông tin mới nhất về kỳ thi tuyển sinh ĐH,CĐ năm 2013 cho các bạn học sinh tỉnh An Giang - Ảnh: Minh Đức

 

Ban tư vấn Chương trình Tư vấn Tuyển sinh - hướng nghiệp tại An Giang

1.PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM
2. PGS. TS Nguyễn Văn Thắng, hiệu trưởng Trường ĐH An Giang
3. PGS.TS Đỗ Văn Xê, phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ
4. PGS.TS Đỗ Văn Dũng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM
5. TS Lê Thị Thanh Mai, trưởng ban công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM
6. TS Nguyễn Kim Quang, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM
7. TS Trần Thế Hoàng, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM
8. TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TP.HCM
9. Thạc sĩ Lâm Tường Thoại, phó chánh văn phòng ĐHQG TP.HCM
10. Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing
11. Thạc sĩ Lê Văn Hiển, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM
12. Thạc sĩ Huỳnh Trương Lệ Hồng, phó ban đào tạo khoa điều dưỡng – kỹ thuật y học Trường ĐH Y dược TP.HCM
13. Đại tá Nguyễn Văn Danh, Phó Trưởng Phòng quân huấn QK9
14. Thầy Lương Tấn Hùng, phó trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp và thường xuyên - Sở GD-ĐT An Giang
15. TS. Trần Văn Thạnh, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH An Giang 16. Thầy Trần Thể,  trưởng khoa sư phạm  Trường ĐH An Giang
17. ThS. Đoàn Văn Hổ, trưởng khoa nông nghiệp - tài nguyên thiên nhiên Trường ĐH An Giang
18. TS. Nguyễn Văn Hòa, phó trưởng khoa kỹ thuật – công nghệ môi trường Trường ĐH An Giang

NHÓM PV TT

 

>> Luyện thi TN THPT & ĐH năm 2024 trên trang trực tuyến Tuyensinh247.com. Học mọi lúc, mọi nơi với Thầy Cô giáo giỏi, đầy đủ các khoá: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng; Tổng ôn chọn lọc.

2 bình luận: Tư vấn tuyển sinh: Làm sao để chọn ngành phù hợp?

  •  
Điểm chuẩn tất cả các trường ĐH