Tuyển sinh 2013: Trường nghề gặp khó

Dự báo năm 2013 các trường nghề sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc tuyển sinh. Cần kịp thời có những chính sách hỗ trợ học sinh học nghề, các biện pháp nâng cao chất lượng dạy nghề, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về dạy nghề và học nghề…

Nhiều “rào cản” các trường nghề

Ông Phạm Đức Thắng, Phó vụ trưởng Vụ dạy nghề chính quy, Tổng cục dạy nghề cho biết, tính đến hết ngày 15-12, có gần 1,5 triệu học sinh đăng ký vào học nghề, trong đó cao đẳng nghề (CĐN) là 84.381 người (tăng 6% so với năm 2011); Trung cấp nghề (TCN) là 123.000 người (giảm 9% so với cùng kỳ); Còn lại là sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng với xấp xỉ 1,3 triệu người...Trên 80% HSSV sau khi tốt nghiệp có việc làm đúng nghề và có thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, ông Thắng e ngại vấn đề đào tạo nghề trong năm tới gặp nhiều khó khăn hơn bởi vẫn còn một bộ phận khá lớn vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò quan trọng của công tác dạy nghề trong phát triển KT-XH. Năm 2012, nhiều DN lớn bị phá sản nên đã ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động và ảnh hưởng đến tâm lý người học nghề. Khó khăn là vậy nhưng hiện nay, vẫn chưa có cơ chế, chính sách có tính bắt buộc để doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với cơ sở dạy nghề trong quá trình đào tạo và tuyển dụng lao động. Thêm vào đó quy định đối tượng tốt nghiệp THCS muốn học TCN thì phải học bổ sung kiến thức 1 năm dẫn đến thời gian đào tạo kéo dài đã gây ra tâm lý ngại học đối với học sinh sinh viên muốn theo trường nghề.

Tuyen sinh 2013: Truong nghe gap kho
Ngành Kỹ thuật đang “hot” trong các trường nghề

Thầy Trần Văn Đông hiệu trưởng Trường CĐN Cơ điện Hà Nội chia sẻ: Hiện nhà trường có 3 cơ sở đào tạo, 260 cán bộ (210 là giáo viên), 100% trình độ theo quy định, được Bộ GD-ĐT cho phép chỉ tiêu tuyển sinh từ 5000- 6000 học sinh/năm. Thế nhưng, tuyển sinh ngày càng gặp khó khăn, từ tháng 5-2012 đến nay mới có 1250 HSSV hai hệ, trong đó CĐ: 1000; TCN và SCN là 250 em. Khó khăn này sẽ ngày càng chồng chất trong thời gian tới bởi chúng ta vẫn chưa xoá bỏ được kỳ thị bằng cấp; Những ngành Nông- lâm- thuỷ- sản ngày càng ít và khó tuyển HSSV, ảnh hưởng nhiều đến các trường trong việc lên kế hoạch đào tạo. Nhất là gây tốn kém bởi có Khoa chỉ tuyển 6 em nhưng vẫn phải tổ chức đào tạo. Cơ chế chính sách còn thiếu sự đồng bộ, chế độ tiền lương chậm đổi mới sẽ ngày càng tác động tâm lý người học. Thêm vào đó, chủ trương đào tạo liên thông từ CĐ lên ĐH có rồi nhưng 1 số văn bản của Bộ GD-ĐT lại có quy định quá khắt khe, tưởng chừng “bịt chặt” hơn nhu cầu liên thông. 

Dạy  theo nhu cầu

Để nâng cao chất lượng đào tạo, hạn chế những khó khăn trong công tác tuyển sinh trong các trường nghề, hiệu trưởng Đông “hiến kế”: Phải lấy học sinh của trường để tuyên truyền, thu hút học sinh khác, kèm lẫn ít chế độ. Trường cũng đổi mới tuyển sinh trực tuyến, mỗi ngày có 400- 500 truy cập. Ông Đông kiến nghị, Tổng cục dạy nghề không nên cho phép các trường ĐH Sư phạm kỹ thuật được đào tạo nghề bởi chất lượng còn nhiều vấn đề. Cần có sự phân luồng và chính sách hỗ trợ cho người đi học nghề, có chính sách ưu tiên những nghề khó tuyển sinh, nghề độc hại, tăng cường tuyên truyền HSSV sau khi ra trường bằng hình thức trực tuyến để định hướng cho các em khi chọn trường.  

Ông Dương Đức Lân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề cho biết: Năm 2013, Tổng cục sẽ có kiến nghị Chính phủ có chính sách đặc thù dành cho các trường nghề này như hỗ trợ kinh phí độc hại cho học sinh trường nghề. Tổng cục yêu cầu các tỉnh chỉ dạy nghề theo nhu cầu, không theo số lượng và nên có sự phân luồng học sinh. Đồng thời kết hợp nhiều cơ quan chức năng tăng cường giám sát chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tổng cục sẽ xử phạt mạnh các cán bộ làm sai, thậm chí đóng cửa cơ sở dạy nghề không làm đúng quy định. 

Theo thethaohangngay

Viết bình luận: Tuyển sinh 2013: Trường nghề gặp khó

  •  
Khoá học lớp 2-12 - Tuyensinh247