Được mang gì vào phòng thi ?
Theo Quy chế thi và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, TS chỉ được mang vào phòng thi các vật dụng, gồm: bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có thẻ nhớ cắm thêm vào và không soạn thảo được văn bản; các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin, không nhận được tín hiệu âm thanh và hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.
Đối với thiết bị ghi âm, ghi hình, TS chỉ được mang vào phòng thi các thiết bị không có loa và tai nghe, không có màn hình hiển thị hình ảnh, không có bộ phận chức năng truyền thông tin (bluetooth, wifi...).
Các máy tính được phép mang vào phòng thi không có chức năng soạn thảo văn bản (như tính năng ghi chép, ghi số điện thoại), không có thẻ nhớ cắm thêm vào. Chỉ có những máy tính cầm tay thông dụng (làm được các phép tính số học, các phép tính lượng giác...) theo danh sách hoặc các máy tính tương đương mới được mang vào phòng thi. Cụ thể: Casio FX 95, FX 220, FX 500A, FX 500 MS, FX 500 ES, FX 500VNPlus, FX 570 MS, FX 570 ES, FX 570 ES Plus và FX 570 VN Plus, VinaCal 500MS, 570 MS, 570 ES Plus và 570 ES Plus II, Vietnam Calculator VN-500RS, VN 500 ES, VN 500 ES plus function, VN 570 RS, VN 570 ES và VN-570ES Plus, Sharp EL 124A, EL 250S, EL 506W, EL 509WM, Canon FC 45S, LS153TS, F710, F720.
Xác định bluetooth, wifi thế nào ?
Kỳ thi tuyển sinh 2012 là năm đầu tiên cho phép thí sinh (TS) mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi để phục vụ công tác chống tiêu cực. Do triển khai đột xuất và không có văn bản hướng dẫn nên mỗi trường thực hiện một kiểu khác nhau. Rút kinh nghiệm cho năm nay, trong Văn bản số 3506 ngày 26.5, Bộ đã hướng dẫn các trường kiểm tra các loại máy ghi âm và ghi hình mang vào phòng thi. Theo đó, các thiết bị này phải không có loa và tai nghe, không có màn hình hiển thị hình ảnh, không có bộ phận chức năng truyền thông tin (bluetooth, wifi...). Tuy nhiên, theo nhiều cán bộ coi thi, việc nhận diện các chi tiết này cũng không hề dễ dàng. Kết quả là các trường vẫn xử lý theo những cách khác nhau.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Phó trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết: “Chỉ những thiết bị được xác định rõ không có chức năng truyền phát thông tin tại chỗ, TS mới được mang vào phòng thi. Ngược lại, những thiết bị chưa xác định rõ có chức năng này hay không, cán bộ coi thi sẽ báo với hội đồng tuyển sinh để tạm thu chờ xác định rõ chức năng. Các hội đồng tuyển sinh sẽ có bộ phận chuyên môn thực hiện nhiệm vụ thẩm định các thiết bị này”.
Về khả năng xác định chức năng thiết bị của cán bộ coi thi, tiến sĩ Chính cho rằng: “Cán bộ coi thi chỉ có nhiệm vụ phát hiện các thiết bị lạ mà TS mang vào phòng thi chứ không thể được chuyên nghiệp hóa kiến thức về kỹ thuật số. Thiết bị lạ này bao gồm tất cả mọi thứ không nằm trong danh mục vật dụng TS được phép mang vào”. Cũng theo tiến sĩ Chính: “Nếu không báo cáo với cán bộ coi thi mà mang vào phòng thi, khi sử dụng nếu bị phát hiện không nằm trong danh mục các vật dụng được mang vào, TS sẽ bị xử lý”.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cũng nêu ý kiến: “Với những thiết bị không có loa, tai nghe, màn hình hiển thị hình ảnh thì không quá khó để quan sát bằng mắt. Tuy nhiên, để xác định bộ phận chức năng truyền thông tin như bluetooth hay wifi thì không dễ dàng với một cán bộ coi thi bình thường”. Tiến sĩ Lý cho biết thêm: “Những thiết bị đúng quy định sẽ được phép mang vào phòng thi nhưng TS không được phép di chuyển gây mất trật tự trong giờ thi khi sử dụng các thiết bị này”.
|
Lo ngại thiết bị công nghệ cao
Trong khi đó, thạc sĩ Tạ Quang Lâm, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho hay: “Năm nay, trường sẽ cho TS thoải mái mang vào phòng thi các thiết bị ghi âm, ghi hình. Tuy nhiên, trong phòng thi cán bộ coi thi sẽ kiểm tra chặt chẽ, nếu TS sử dụng thiết bị không đúng quy chế sẽ bị lập biên bản xử lý ngay. Trong ngày làm thủ tục dự thi, mỗi TS sẽ được phát thông tin hướng dẫn chi tiết về các quy định này”.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nói: “Trường cho TS mang vào phòng thi thiết bị ghi âm, ghi hình mà không cần đăng ký. Cán bộ coi thi sẽ kiểm tra kỹ trước khi cho mang vào và giám sát chặt chẽ trong quá trình TS sử dụng”.
Tuy nhiên, tiến sĩ Dũng cảnh báo: “Điều lo ngại hơn chính là sự xuất hiện của nhiều loại thiết bị điện tử công nghệ cao mà TS có thể sử dụng để gian lận trong thi cử”. Vừa rồi Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM phát hiện một sinh viên sử dụng đồng hồ thông minh (smartwatch) để quay cóp trong kỳ thi học kỳ. Đồng hồ này nhìn đơn giản nhưng có khả năng chép và mở file ảnh để xem tài liệu thông qua màn hình cảm ứng. Trường đã cảnh báo cho toàn bộ cán bộ coi thi cũng như gửi công văn báo cáo ra Bộ để có biện pháp đối phó.
Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính Marketing, cũng cho hay: “Trường không yêu cầu TS đăng ký cũng như không cần kiểm tra TS mang vào phòng thi thiết bị ghi âm, ghi hình như thế nào. Trước mỗi phòng thi, trường sẽ dán thông báo danh sách các vật dụng được mang vào phòng thi để TS nắm rõ. Tuy nhiên, cán bộ coi thi sẽ kiểm soát nghiêm nhặt, nếu TS nào vi phạm quy chế sẽ bị xử lý ngay”. Còn tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, chia sẻ: “Không chỉ thiết bị ghi âm, ghi hình mà bất cứ vật dụng nào TS muốn mang vào phòng thi, nếu thấy nghi ngờ cán bộ coi thi sẽ tịch thu để chờ xác minh làm rõ”.
Hôm nay, thí sinh các khối A, A1, V làm thủ tục dự thi ĐH Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, kỳ thi năm nay có 256 lượt trường ĐH, 134 trường CĐ tổ chức thi và 132 trường chỉ xét tuyển, không tổ chức thi. Trong đó, đợt 1 (ngày 4-5.7) có 132 trường tổ chức thi ĐH khối A, A1 với khoảng 838.037 thí sinh đăng ký dự thi; đợt 2 (ngày 9 - 10.7) có 124 trường tổ chức thi ĐH khối B, C, D với 838.291 thí sinh đăng ký dự thi; đợt 3 (ngày 15 - 16.7) thi cao đẳng tất cả các khối với 354.765 thí sinh đăng ký dự thi. Cả 3 đợt thi, toàn quốc có 2.031.903 thí sinh đăng ký dự thi. Xét theo khối thi, số lượng hồ sơ khối A vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối với 39,1%. Tuy nhiên, so với năm 2012, tỷ lệ này đã giảm tới 8% (năm 2012: 47,2%). Khối A1 tăng nhiều nhất, đạt 10,2%, tăng 5% so với năm ngoái. Bộ GD-ĐT cho hay: đến nay công tác chuẩn bị thi tuyển sinh đã hoàn tất, đảm bảo các điều kiện và sẵn sàng cho công tác tổ chức thi. Các trường đã chuẩn bị 2.513 điểm thi, 58.083 phòng thi và huy động 166.337 lượt cán bộ tham gia công tác tuyển sinh. T.Nguyễn |
Theo Thanhnien
Đón đọc gợi ý bài giải và nhận xét đề thi trên Tuyensinh247.Com Nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc, Tuyensinh247 sẽ liên tục cập nhật thông tin đầy đủ, phân tích sâu về đề thi, tình hình mùa thi năm nay, dự kiến điểm sàn cũng như nhiều tin tức hữu ích liên quan đến kỳ thi. Tuyensinh247 sẽ cập nhật liên tục gợi ý giải đề thi, nhanh chóng có đáp án các môn thi của Bộ. Tuyensinh247 sẽ mời các chuyên gia là giáo viên, giảng viên từ các trường THPT, ĐH nhận xét đề, tư vấn nhiều thông tin bổ ích cho thí sinh các môn tiếp theo. Chúc thí sinh đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh ĐH CĐ năm 2013! |