Vừa qua, các Sở GD – ĐT trên cả nước đã hoàn thành công tác bàn giao hồ sơ cho các trường đại học có tổ chức thi.
Theo ghi nhận, đa số các thí sinh vẫn lựa chọn các trường công lập để nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Về vấn đề này, ông Ngô Văn Sự, Phó trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Hà Nội cho biết, năm nay số lượng hồ sơ đăng ký dự thi cơ bản ổn định như năm trước với khoảng 165.500 bộ. Thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất vào trường ĐH Công đoàn. Còn các đại học, cao đẳng ngoài công lập gần như không được các thí sinh lựa chọn, một vài trường chỉ có một bộ hồ sơ.
Trao đổi trực tiếp với lãnh đạo một số trường đại học ngoài công lập, chúng tôi cũng nhận thấy tình trạng trên không phải chuyện lạ.
Ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh Doanh Công nghệ (Hà Nội), một trong những trường ngoài công lập uy tín, và có tổ chức thi tuyển cho biết: “Tổng số hồ sơ đăng ký dự thi vào trường năm nay là 12.007. Tuy nhiên so với năm 2012, năm nay số lượng thí sinh đăng ký giảm khoảng 3.000 hồ sơ. Trong đó, không phải tất cả các em đều đăng ký nguyện vọng 1 mà còn có tỷ lệ các em mượn trường để thi”.
Vị lãnh đạo cũng cho biết thí sinh dự thi khối A, A1 chiếm 60%, còn lại là khối C, D1. Một thay đổi lớn trong mùa tuyển sinh của trường năm nay đó là các thí sinh đăng ký chủ yếu vào các ngành Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin; còn các ngành như Tài chính, Ngân hàng, Kế toán giảm khoảng 30%.
Trong hệ thống các trường đại học ngoài công lập, số lượng các trường tổ chức thi tuyển rất hạn chế, còn lại chủ yếu đều xét tuyển. Theo lãnh đạo của một số trường dân lập không tổ chức thi, cũng như mọi năm, tình hình thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường cũng không đáng kể.
Cụ thể, ông Đỗ Trọng Tuấn, Phó hiệu trưởng ĐH dân lập Đông Á (Đà Nẵng) cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa nhận được văn bản báo cáo chính thức số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường là bao nhiêu. Nhưng theo thông báo từ phía ĐH Đà Nẵng có khoảng 350 thí sinh”.
Là một trường dân lập có tiếng tại Đà Nẵng, nhưng theo lãnh đạo của trường cho biết, trong mùa tuyển sinh năm 2012 số lượng đăng ký nguyện vọng 1 khoảng 760 thí sinh, và chỉ có 250 em đủ điếm sàn để vào trường.
Đánh giá về vấn đề này, ông Tuấn cho rằng: “Các đại học dân lập thường nằm ở “sân sau” so với các trường công. Đa số thí sinh khi đăng ký nguyện vọng 1 đều lựa chọn các trường công lập. Nếu không đỗ các em mới nghĩ đến nhập học vào trường tư thục”.
Vì vậy, vị lãnh đạo này chia sẻ số lượng thí sinh đăng ký nguyên vọng 1 hàng năm đều không đảm bảo được nguồn tuyển sinh. Số lượng sinh viên đỗ vào trường nguyện vọng 1 chỉ chiếm 12-13%, nguồn tuyển chủ yếu dựa vào đăng ký nguyện vọng 2.
Để nâng cao uy tín, đảm bảo nguồn tuyển sinh, ông Tuấn cho biết: “Từ năm 2012, trường đã đưa vào mô hình dịch vụ chăm sóc sinh viên để đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục. Cụ thể: nhà trường sẽ cung cấp đầy đủ mỗi môn học có 1 giáo trình chính, 2-3 tài liệu tham khảo, hệ thống các bài tập làm việc theo từng tuần, đảm bảo tài liệu học tập cho sinh viên theo đúng quy chuẩn; thứ hai, đưa vào hệ thống các dịch vụ việc làm bán thời gian để giúp các sinh viên của vùng quê nghèo, tạo điều kiện cho các em được làm việc tại thư viện, mở quán ăn trước cổng trường…; thứ ba, tư vấn, hướng dẫn, đôn đốc và kiểm soát việc học tập sinh viên trong từng tuần, khuyến khích sinh viên yếu tham gia vào quá trình học tập”.
Mặc dù vậy, trong mùa tuyển sinh năm 2012, ĐH dân lập Đông Á cũng chỉ tuyển được 73% tổng chỉ tiêu. Nhưng đối với các trường ngoài công lập, đây là con số đáng ngưỡng mộ bởi nhiều trường vẫn không đạt được.
Trao đổi với đại diện của ĐH Phú Xuân, được biết khoảng 1 tháng sau khi các Sở GD – ĐT bàn giao hồ sơ thì nhà trường mới có con số chính xác. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng chia sẻ số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường rất ít chỉ khoảng 50-70 hồ sơ.
Là trường thứ 5 gửi phương án tuyển sinh riêng lên Bộ GD – ĐT, ông Nguyễn Văn Nhã, Hiệu trưởng ĐH Nguyễn Trãi cho biết: “Hiện nay số liệu thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường chưa có, nhưng trước kỳ thi tuyển sinh con số này cũng không đáng tin cậy. Mọi năm, nhà trường có khoảng trên 100 thí sinh đỗ nguyện vọng 1”.
Chia sẻ về nguyên nhân đến thời điểm này nhà trường mới trình lên bộ phương án tuyển sinh riêng, vị lãnh đạo này cho biết: “Sau khi có công văn 1308 của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập chúng tôi mới gửi phương án này lên Bộ GD – ĐT. Được biết, ngày 10/5 Bộ sẽ xem xét và quyết định chấp nhận phương án của trường nào”.
Vị lãnh đạo này cho rằng nhiều thí sinh có quá trình học phổ thông rất tốt nhưng trong kỳ thi tuyển sinh đại học lại gặp trục trặc về sức khỏe, đường xá, dẫn tới kết quả thi không như mong muốn. Trong khi đó, kỳ thi tuyển sinh theo phương án ba chung 1 năm chỉ diễn ra một đợt. Vì vậy, Hiệu trưởng ĐH Nguyễn Trãi cũng mong muốn Bộ GD – ĐT xem xét phương án tuyển sinh đa tiêu chí của các đại học ngoài công lập.
Trường thứ 5 đưa ra phương thức tuyển sinh mới
Theo Giáo dục Việt Nam, năm học 2013-2014, trường ĐH Nguyễn Trãi đã gửi phương án tuyển sinh theo hình thức xét tuyển, không tổ chức thi tuyển lên Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tiêu chuẩn xét tuyển
1- Chấp hành nghiêm túc Quy chế tuyển sinh năm 2013 của Bộ GD&ĐT;
2- Nếu không đủ chỉ tiêu như đã công bố thì sẽ tổ chức xét tuyển, lựa chọn các thí sinh với các tiêu chí sau:
Tiêu chí số 1: Điểm thi tốt nghiệp phổ thông trung học, có nhân hệ số đối với môn học tùy theo khối ngành mà thí sinh đăng ký.
Tiêu chí số 2: Kết quả điểm tổng kết 3 năm học phổ thông của thí sinh
Tiêu chí số 3: Kết quả phỏng vấn trực tiếp của Hội đồng tuyển sinh ĐH Nguyễn Trãi về kiến thức tổng hợp, thái độ, kỹ năng, trình độ ngoại ngữ, hành vi, nguyện vọng và sở trường,...của thí sinh.
Đồng thời chú trọng tới chính sách ưu tiên được công bố trên website và các phương tiện thông tin đại chúng, cụ thể như sau:
+ Ưu tiên những thí sinh trong diện chính sách xã hội (…) và các thí sinh nghèo nhưng quyết tâm theo học ở ĐH Nguyễn Trãi.
+ Có trọng số của từng tiêu chí tài năng và định hướng nghề nghiệp để đảm bảo chất lượng đào tạo.
+ Ưu tiên xét tuyển các thí sinh là học sinh các trường THPT mang tên danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi; thí sinh có hộ khẩu thường trú tại quận Hà Đông, huyện Từ Liêm, TP.Hà Nội nơi có dự án của ĐH Nguyễn Trãi.
+ Ưu tiên những thí sinh trong diện chính sách xã hội (…) và các thí sinh nghèo vượt khó, những thí sinh có thành tích cao trong các hoạt động văn thể, hoạt động Đoàn (từ Bí thư chi Đoàn trở lên) và có tài năng, có nguyện vọng quyết tâm theo học ở trường ĐH Nguyễn Trãi.
|
An Hoàng
Theo Infonet