Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013: Kinh tế vẫn 'hot', tỷ lệ chọi sẽ 'tăng'?

Trước mùa tuyển sinh 2013, Bộ GDĐT đã lên tiếng cảnh báo tình trạng dư thừa nguồn nhân lực ngành tài chính – ngân hàng, đồng thời tuyên bố sẽ dừng mở mới ngành này. Ngoài ra, một số ngành khác cũng đang đứng trước nguy cơ dư thừa nhân lực trong tương lai không xa.

Tuyen sinh DH, CD nam 2013: Kinh te van \'hot\', ty le choi se \'tang\'?

Dư thừa nguồn nhân lực ngành tài chính – ngân hàng.AMH

Ngành tài chính - ngân hàng: Chỉ tiêu giảm, tỉ lệ “chọi” sẽ tăng?

Với những thông báo mới nhất về tuyển sinh mà nhiều trường vừa công bố, chỉ tiêu khối kinh tế năm 2013 của nhiều trường đã giảm mạnh.

Học viện Bưu chính viễn thông giảm chỉ tiêu ngành kế toán từ 250 năm 2012 xuống còn 150 chỉ tiêu năm 2013; ngành quản trị kinh doanh từ 200 xuống 140...

Trường ĐH Sài Gòn dự kiến năm 2013 sẽ tuyển 3.900 chỉ tiêu, giảm đáng kể so với năm 2012, trong đó lượng giảm nhiều nhất nằm ở các khối kinh tế gồm quản trị kinh doanh, tài chính–ngân hàng, kế toán. Nếu như 3 ngành này đứng đầu bảng về lượng chỉ tiêu trong mùa tuyển sinh năm 2012 với 1.090 chỉ tiêu thì năm nay, ĐH Sài Gòn chỉ tuyển tổng 600 sinh viên cho 3 ngành trên. Trường cũng tạm dừng tuyển sinh hệ cao đẳng 3 ngành quản trị kinh doanh, tài chính – ngân hàng, kế toán.

Trường ĐH Ngân hàng TPHCM giảm 1.000 chỉ tiêu so với năm trước, trong đó các ngành tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán có chỉ tiêu giảm mạnh nhất. Ở hệ CĐ, ngành tài chính ngân hàng giảm 50% chỉ tiêu so với năm 2012.

Năm 2012, Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu có chỉ tiêu ngành kế toán bậc ĐH và CĐ lần lượt là 240 và 220 chỉ tiêu. Nhưng năm 2013 này dự kiến chỉ tiêu ngành này của trường chỉ còn 70 chỉ tiêu ĐH và 100 chỉ tiêu CĐ. Tương tự với ngành quản trị kinh doanh, từ 230 (ĐH) và 220 (CĐ) giảm còn 70 (ĐH) và 100 (CĐ).

Trường ĐH Bạc Liêu cũng giảm chỉ tiêu ngành kế toán còn 120 và quản trị kinh doanh là 60 (năm 2012, trường tuyển 180 chỉ tiêu kế toán và 120 chỉ tiêu quản trị kinh doanh)...

Theo Bộ GDĐT, hiện nay số sinh viên kinh tế đang chiếm 30% tổng số sinh viên cả nước, tức khoảng 570.000 người. Theo một nghiên cứu, năm nay, khoảng 32.000 sinh viên các ngành kế toán, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh ra trường nhưng sẽ có khoảng 1/3 trong số này thất nghiệp hoặc phải làm trái nghề. Còn theo Viện Nhân lực Tài chính ngân hàng, trong vòng 4 năm tới, sẽ có khoảng 13.000 sinh viên tài chính ngân hàng không xin được việc.

Mặc dù đã có những cảnh báo nhưng theo khảo sát của một số chuyên gia giáo dục thì nhóm ngành kinh tế vẫn thu hút thí sinh, đặc biệt là thí sinh khá giỏi. Nhiều học sinh và phụ huynh vẫn cho rằng ngành kinh tế dễ kiếm việc làm và có mức lương cao. Vì vậy, dự kiến năm nay sức hút của nhóm ngành này với thí sinh vẫn chưa “hạ nhiệt”.

Ngành nào còn nguy cơ “ế”?

Hằng năm, chỉ tiêu khối ngành sư phạm vẫn chiếm tỉ lệ 14,4% tổng chỉ tiêu các trường trực thuộc Bộ GDĐT. Tuy nhiên, tình trạng người học không mấy mặn mà với ngành sư phạm và sinh viên sư phạm ra trường rơi vào tình trạng không tìm được việc làm đã kiến cho Bộ GDĐT phải mạnh tay cắt giảm chỉ tiêu sư phạm trong năm 2013: Từ 20.000 chỉ tiêu đại học năm 2012 sẽ chỉ còn 16.000 chỉ tiêu; hệ CĐ cũng chỉ còn 2.900 chỉ tiêu so với 3.220 chỉ tiêu của năm 2012 và sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm trong những năm tới trên cơ sở đánh giá lại thực trạng đội ngũ giáo viên hiện nay so với nhu cầu.

Ngoài hai ngành “nguy cơ cao” nói trên, thì Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng - ông Lê Văn Thành - cho biết hiện có rất nhiều trường đào tạo về xây dựng với trên 30 cơ sở đào tạo kỹ sư công trình. “Với tốc độ này 5 năm nữa sẽ bão hòa nhân lực ngành này, đào tạo ra mà không xin được việc như một số ngành khác hiện nay.

Đây là nghề liên quan đến tính mạng con người. Phải nhanh chóng chấn chỉnh mở trường, mở ngành đặc biệt kiểm tra chặt chẽ khi thời gian tới còn một số trường cao đẳng nâng cấp lên đại học” – ông Thành nhấn mạnh. Về nâng cao chất lượng đào tạo, ông Thành cũng cho rằng “chúng ta kêu gọi, hô hào nhiều, Bộ GDĐT cũng bị “tấn công” nhiều về vấn đề này, nhưng nếu các trường không tự lo thì không ai lo hộ cho được? Đó là sự tồn vong của nhà trường. Sinh viên mất thời gian, gia đình mất tiền mà ra trường các em không làm việc được là các trường có tội”.

Theo LD

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

>> Lộ Trình Sun 2025 - 3IN1 - 1 lộ trình ôn 3 kì thi (Luyện thi TN THPT & ĐGNL; ĐGTD) tại Tuyensinh247.com. Đầy đủ theo 3 đầu sách, Thầy Cô giáo giỏi, 3 bước chi tiết: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng đáp ứng mọi kì thi.

1 bình luận: Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013: Kinh tế vẫn 'hot', tỷ lệ chọi sẽ 'tăng'?

  •  
Điểm chuẩn tất cả các trường ĐH