Áp lực và lo sợ mỗi dịp tết đến

Tết Quý Tỵ 2013 đang đến gần. Khác với sự háo hức chờ đợi, những người nghèo có hoàn cảnh khó khăn thì tết đến là áp lực rất lớn đè nặng lên đôi vai của họ. Để có một cái tết đầm ấm, an lành thực sự đang là “bài toán khó” cho người nghèo nên họ đang rất cần sự chung tay của cộng đồng xã hội.

  • Sợ tết!

Làm ngày nào ăn ngày nấy nên tết đối với đại gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Oanh (44 tuổi, phường 4, quận 3), thực sự là một “gánh nặng”. Gần chục thành viên sinh sống trên căn gác gỗ rộng khoảng 10m2 mướn nhờ của một người thân, nằm gần góc đường Nguyễn Thượng Hiền - Nguyễn Đình Chiểu. Gác quá chật chội và lối lên gác vừa hẹp vừa trơn nên để cho an toàn, chị Nguyễn Thị Ngọc An (em gái chị Oanh), đang mang bầu tháng thứ 5 cùng hai người con 13 tuổi và 3 tuổi tối tối phải trải chiếu nằm ngủ ở vỉa hè đường Nguyễn Thượng Hiền.

Hàng ngày, chị An làm thuê cho những tiệm ăn gần đó. Không lấy lương theo tháng mà lấy lương theo ngày “để còn có cái mà cho vào miệng”. Các thành viên trong gia đình đều không có trình độ, không có nghề nghiệp ổn định, nên những ngày tết, mọi người vẫn chực chờ, mong ngóng ai kêu gì làm nấy để có thu nhập, chứ ngừng nghỉ một vài hôm là… đói. Với họ, chỉ mong sao có mâm cơm tươm tất hơn ngày thường là mừng lắm rồi!

Ap luc va lo so moi dip tet den

Người có hoàn cảnh khó khăn ở quận 3 vừa nhận được quà tết sớm do Chi hội từ thiện Huỳnh Mai (Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM) trao tặng.

Ap luc va lo so moi dip tet den
 

Với các gia đình tái định cư, sau khi bị “bứng gốc”, toàn bộ cuộc sống đã bị thay đổi, nhiều hộ gia đình bị “nghèo hóa” nên tết cũng không lấy gì làm vui vẻ. Chị Chiêu Thị Phú (32 tuổi, ngụ lô B1.1 khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh), thảng thốt: “Sợ tết lắm!”. Từ ngày về nơi ở mới, chồng chị thất nghiệp do không mướn được mặt bằng và cũng không có tiền để mua đồ nghề mở tiệm sửa xe. Xa xôi, lạ lẫm, chị Phú cũng không kiếm được việc làm ổn định. Một công việc phụ, giúp việc theo giờ cho một gia đình ở gần đó, mà chị may mắn kiếm được đã trở thành công việc mang lại thu nhập chính (40.000 đồng/ngày), giúp cả gia đình cầm cự qua ngày. Nhà không có tủ lạnh trữ đồ, chợ thì xa mấy kilômét, rất bất tiện. Nước sinh hoạt lại bữa đục, bữa trong, khiến mọi người thường ngứa ngáy, khó chịu.

Trong khi đó, món nợ 220 triệu đồng khi mua nhà tái định cư như tảng đá đè lên tinh thần vợ chồng chị. “Còn hơi sức đâu mà nghĩ đến tết. Sinh hoạt phập phù, thiếu thốn, ngày tết mà trong nhà quạnh hiu thì… không phải là ngày tết còn đỡ tủi thân hơn” - chị Phú buồn bã.

  • Công nhân thấp thỏm

Trong khi đó, trên 140.000 công nhân (CN) thất nghiệp đang phải chạy đôn chạy đáo kiếm việc mới. Chị Phạm Thị Hằng, CN KCN Vĩnh Lộc cho biết, 2 tháng qua công ty tập trung tiêu thụ hàng tồn kho nên sản xuất cầm chừng, hàng loạt CN được cho nghỉ việc. Đã 5 năm qua chị Hằng không về quê ăn tết. Theo kế hoạch thì năm nay cả gia đình chị sẽ về quê ra mắt họ hàng vì cưới nhau đã lâu mà chưa về thăm họ hàng hai bên nội ngoại được.

“Nhưng giờ gia đình đang… vỡ kế hoạch, chuyện về quê chắc chắn không thực hiện được vì chồng em đang thất nghiệp, tạm thời đi phụ hồ cho người quen để kiếm thêm tiền chợ, tiền nhà trọ. Còn lương em chủ yếu là dành để đóng tiền học và tiền sữa hàng tháng cho con. Nếu về tết, chỉ vé tàu hai vợ chồng đã mất 4 triệu đồng, chưa tính đến tiền quà cáp, chi tiêu. Đành ngậm ngùi chờ dịp khác vậy” - chị Hằng bùi ngùi.

Còn anh Bùi Công Hoạt, CN KCN Tân Tạo đang phập phồng lo khi tết đến. Mặc dù không đến nỗi phải mất việc nhưng công ty anh Hoạt cũng đang sản xuất cầm chừng. Không có hàng nên CN chỉ làm giờ hành chính và hưởng lương cơ bản gần 2,5 triệu đồng/tháng. “Đứa con lớn thì chuẩn bị vào học, vợ thì sắp sinh. Nhưng trong thời điểm này, muốn tăng ca cũng đâu được nên mình đành chọn cách tranh thủ chạy xe ôm sau giờ làm” - anh Hoạt giãi bày. Trường hợp anh Phan Văn Đức, lại khó khăn hơn khi không may bị tai nạn lao động thương tật một chân. Nhắc đến tết, anh Đức lắc đầu nói: “Chỉ mong sao chủ nhà trọ đừng tăng giá và mình tìm được việc làm phù hợp là mừng rồi chứ không mong gì hơn”.

  • Chăm lo tết cho người nghèo

Trước tình hình khó khăn chung, TPHCM đang nỗ lực để chăm lo cho mọi người có được một cái tết an lành. Trước hết sẽ đề xuất hỗ trợ những người hưởng lương từ ngân sách cho cán bộ, công chức, nhân viên hành chính sự nghiệp không có thu, các tổ chức Đảng, đoàn thể, cán bộ cấp cơ sở; cán bộ, giáo viên, công nhân viên đang công tác tại các đơn vị công lập thuộc ngành giáo dục - đào tạo, y tế thành phố. Các đối tượng chính sách là cán bộ lão thành cách mạng, nhân sĩ trí thức, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương - bệnh binh nặng; thân nhân của liệt sĩ, thương binh.

Năm nay LĐLĐ TPHCM sẽ tổ chức họp mặt các hộ gia đình CN có vợ (hoặc chồng) bị mất việc làm, nữ CN mất việc đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ. Đặc biệt, công đoàn các KCX - KCN tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ vé xe cho CN khó khăn về quê ăn tết. Công đoàn KCX - KCN TP sẽ cân đối nguồn kinh phí để tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các CN có hoàn cảnh khó khăn không thể về quê ăn tết...

Ngoài ra, các cấp công đoàn sẽ tập trung chăm lo cho CN mất việc làm hoặc đang bị bệnh phải điều trị tại các cơ sở y tế... Bên cạnh đó, sẽ tổ chức vui chơi giải trí, thăm hỏi CN ở các khu lưu trú CN, tặng vé tham quan cho gia đình CN hay tổ chức các phiên chợ bán hàng bình ổn giá. 

HỒ VIỆT - ĐƯỜNG LOAN

Viết bình luận: Áp lực và lo sợ mỗi dịp tết đến

  •  
Khoá học lớp 1-12 - Tuyensinh247