Đây là một góc nhìn khác của PGS. Ts Đỗ Văn Xê – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ về các đợt xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2016. Trong bài viết mà chúng tôi giới thiệu dưới đây, PGS. TS Đỗ Văn Xê đã nói lên thực trạng của các kỳ xét tuyển trước đó, những ưu và nhược điểm, với vai trò là lãnh đạo một trường đại học, bản thân ông đã lường trước được vấn đề ảo và có cách khắc phục hiệu quả.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết này.
Trước tiên cần phải ôn lại lịch sử thi "3 chung" để hiểu rõ việc thi và xét tuyển năm nay. Trước đây sau khi thi tốt nghiệp THPT các trường ĐH tự tổ chức thi để tuyển sinh viên vào học. Các trường tự tổ chức nên thí sinh muốn vào trường nào thì phải dự kỳ thi do trường đó tổ chức. Cách thi này làm cho thí sinh phải thi nhiều lần nếu lần đầu không đậu hoặc không có khả năng đậu vào trường khác nếu thi trường này không đậu. Bộ GD&ĐT đã tổ chức kỳ thi 3 chung để giải quyết các khó khăn này.
Sau gần 15 năm tổ chức thi 3 chung mặc dù vẫn còn xảy ra một số điều cần phải điều chỉnh, nhưng nhìn chung điểm của kỳ thi này đạt mức độ tin cậy cao, thể hiện sát năng lực của thí sinh và có thể dùng làm cơ sở để xét tuyển ĐH, CĐ. Nếu so với cách thi "đánh giá năng lực học ĐH của Mỹ" (American College Test - ACT) do Viện khảo thí giáo dục Hoa Kỳ (ETS) tổ chức thì kết quả của kỳ thi 3 chung có thể sử dụng một cách tương xứng.
Vấn đề rắc rối nằm ở khâu dùng kết quả của kỳ thi 3 chung vào việc xét tuyển ĐH, CĐ.
Kể từ năm 2015 kỳ thi 3 chung được kết hợp thành thi tốt nghiệp THPT và dùng điểm thi để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa để xét tuyển ĐH, CĐ đã tạo thuận lợi cho thí sinh hơn trước vì thí sinh biết điểm thi trước khi đăng ký xét tuyển, so với trước đây thí sinh phải nộp hồ sơ dự thi vào chọn ngành trước khi biết điểm thi.
Cách tổ chức đăng ký xét tuyển của kỳ thi này đã tạo sự tự điều chỉnh ngành và trường đăng ký xét tuyển để thí sinh có thể tăng khả năng trúng tuyển; tránh được tình trạng điểm cao mà rớt do rủi ro nộp vào ngành có nhiều thí sinh có điểm cao cùng nộp hồ sơ, hoặc điểm thấp mà đậu do may mắn nộp hồ sơ vào ngành mà đa số người nộp hồ sơ có điểm thấp. Tóm lại cách xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015 đã tạo được sự công bằng, thí sinh đậu hay rớt là do chính điểm thi quyết định. Trường ĐH Cần Thơ đã tuyển được đủ chỉ tiêu ngay trong đợt đầu với điểm chuẩn cao hơn năm trước từ 2-3 điểm. Không có hiện tượng thí sinh ảo vì mỗi thí sinh chỉ được nộp hồ sơ vào 1 trường.
Cho đến nay việc nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đang tiến triển thuận lợi theo đúng dự kiến,
mặc dù số lượng hồ sơ nộp không được dồi dào lắm nhưng vẫn còn thời gian 1 ngày nữa
nên thí sinh cần cân nhắc trước khi quyết định.
Tuy nhiên, vì là lần đầu tiên thực hiện xét tuyển một cách tự do như vậy nên cả thí sinh, phụ huynh lẫn cách trường gặp không ít lúng túng trong việc nộp và chuyển đổi hồ sơ và việc trả hồ sơ của các trường chậm trễ cộng với việc mỗi thí sinh được chọn 4 ngành đã tạo ra lượng hồ sơ ảo rất lớn làm cho thí sinh và phụ huynh hoang mang và ứng xử bằng cách chuyển đổi hồ sơ liên tục, quá mức cần thiết. Hiệu ứng này đã tạo nên sự rối loạn và tạo tâm lý bất ổn trong xã hội. Ngoài ra các chuyên gia giáo dục còn cho rằng được nộp hồ sơ vào nhiều trường cùng lúc là quyền của thí sinh, Bộ GD&ĐT không được hạn chế quyền này.
Quy chế tuyển sinh năm nay (2016) đã được điều chỉnh dựa trên việc rút kinh nghiệm năm trước và ghi nhận một cách đầy đủ ý kiến đóng góp của xã hội, các chuyên gia giáo dục và các trường ĐH, CĐ trong toàn quốc. Bộ GD&ĐT cũng đã gửi dự thảo quy chế các trường góp ý trước khi ban hành. Quy chế mới có 2 thay đổi cơ bản là:
- Thí sinh không được thay đổi sau khi nộp hồ sơ. Dĩ nhiên là kèm theo việc không cho phép thay đổi hồ sơ thì thí sinh không được cung cấp thông tin về tình hình thí sinh nộp hồ sơ để bảo đảm sự công bằng giữa thí nộp hồ sơ trước và sau.
- Thí sinh được quyền nộp hồ sơ vào tối đa 2 trường, mỗi trường được chọn tối đa 2 ngành.
Vì các trường đều đồng ý theo phương án đó có nghĩa là đồng ý chấp nhận thí sinh ảo và chấp nhận sự kém công bằng trong kết quả xét tuyển. Không có giải pháp nào hoàn chỉnh đến mức làm hài lòng tất cả mọi người khi chọn phương án này thì phải chấp nhận đánh đổi ưu điểm của phương án khác.
Ngay từ khi quyết định ban hành quy chế tuyển sinh 2016 Bộ GD&ĐT đã lường trước rằng sẽ không thể tránh khỏi tình trạng thí sinh ảo và đã chuẩn bị sẵn phương án để khắc phục như đề ra phương án tuyển sinh theo nhóm trường, xây dựng phần mềm xử lý ảo,... nhưng vì có rất nhiều trường nên không thể liên kết dữ liệu được nên các trường không đồng ý theo đề xuất của Bộ và Bộ cũng không thể ép được vì theo luật giáo dục xét tuyển là quyền tự chủ của các trường.
Khi đã quyết định như vậy thì cả Bộ GD&ĐT và các trường đều chuẩn bị cho đợt xét tuyển bổ sung. Cho đến nay việc nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đang tiến triển thuận lợi theo đúng dự kiến, mặc dù số lượng hồ sơ nộp không được dồi dào lắm nhưng vẫn còn thời gian 1 ngày nữa nên thí sinh cần cân nhắc trước khi quyết định. Vì vậy các trường không nên lo lắng và đổ thừa lẫn nhau làm cho xã hội hoang mang.
Tôi là người trực tiếp làm công tác tuyển sinh từ nhiều năm qua nên tôi nhận thấy sự cố gắng nỗ lực của Bộ GD&ĐT và có được sự tiến bộ qua từng năm. Cụ thể là hệ thống dữ liệu chung đã hoàn chỉnh, phần mềm hỗ trợ đăng ký xét tuyển online hoạt động thông suốt, phần xét tuyển của Bộ GD&ĐT vận hành chính xác đã giúp các trường xét tuyển đợt 1 rất thuận lợi. Các thành tựu này không thể không ghi nhận.
Nguồn Bộ GD&ĐT