24/09/2013 08:46 am
Vừa học vừa nản Từ ngày đầu đặt chân vào giảng đường, N.H.Q, sinh viên (SV) năm 3 Trường ĐH Mở TPHCM đã uể oải với chuyên ngành Marketing mình đang theo học. Q. thích về lĩnh vực thiết kế xây dựng nhưng bố mẹ bắt cậu theo học về kinh doanh vì lý do nhà có người quen để gửi gắm xin việc. Trong khi bạn bè cùng lớp háo hức với những khóa học chuyên ngành, đi làm thêm thì với Q. học chỉ để... hết ngày, không hứng thú, cũng không có mục tiêu cụ thể. Trong suy nghĩ, Q. không ít lần định bỏ ngang thi lại Kiến trúc nhưng quá nhiều vấn đề mà Q. thấy mình không thể vượt qua để bắt đầu lại được. Không trả lời được câu hỏi mình học để làm gì, cũng chưa đủ dũng cảm “cắt” làm lại, Q. như buông xuôi theo suy nghĩ, chờ học xong cầm tấm bằng rồi tính tiếp. Chọn sai nghề, nhiều cử nhân ra trường hoang mang và mất định hướng trong công việc. (Ảnh minh họa) Ở giảng đường, SV "đi lạc" với sở thích như Q. thường gặp phải hội chứng “vỡ mộng”. Họ không hiểu được ngành mình đang học và cũng không xác định được mục tiêu học tập. Nhiều bạn hoàn thành việc học đơn thuần chỉ để có tấm bằng mà không hiểu được việc học đó, tấm bằng đó sẽ giúp gì cho mình sau này. Nhiều giảng viên ĐH cho hay, không xác định được mục tiêu của mình là lý do hàng đầu mà nhiều SV không đầu tư, chú trọng đến việc học. Trong đó, phần lớn là do các bạn chọn không đúng ngành nghề yêu thích hoặc không hiểu về nghề mình đang theo học. SV thiếu chủ động trong việc tìm kiếm tri thức, trau dồi chuyên môn nên đã không yêu thích, họ càng thêm “mơ hồ” ngành đang theo học. Ngoài ra, điều này còn xuất phát từ môi trường giáo dục ĐH còn nhiều hạn chế khi giáo trình, phương pháp dạy học chưa thực sự truyền được lửa và lòng yêu nghề cho người học. Nhiều SV học nhưng không hiểu hết được ý nghĩa, giá trị của mỗi môn học. Không chỉ SV đang ngồi trên ghế giảng đường mà nhiều người ra trường, đi làm cũng rơi vào trạng thái khủng hoảng vì chọn nhầm nghề. Học ngân hàng, ra làm tại một ngân hàng có trụ sở tại Q. Bình Thạnh, TPHCM, công việc của cô cử nhân Lê Ngọc B. tưởng như rất thuận buồm xuôi gió. Vậy mà, nhiều năm nay với người thân hay bạn bè, thường xuyên nghe B. than thở là nên tiếp tục công việc đang làm hay bỏ để đi học lại sư phạm do B. thích dạy học từ nhỏ. Chính vì tâm lý dùng dằng đó, nhiều năm nay B không mấy chú trọng cho công việc cô đang làm. Không phấn đấu, thiếu sự đầu tư, nhiều năm nay B. không tạo được dấu ấn trong công việc, thường xuyên có tên trong danh sách chờ... sa thải vì hiệu quả làm việc kém. Điều này làm cô gái càng thêm chán nản, bi quan với lựa chọn trước đây của mình. Sống chung với nghề chưa yêu Chọn sai nghề là một thực trạng tồn tại lâu nay xuất phát từ việc hướng nghiệp chưa được chú trọng một cách đúng mức. Nhiều SV chọn nghề theo yêu cầu gia đình, chọn theo “mốt”, theo bạn bè mà chưa thật sự hiểu rõ khả năng, tính cách của mình có phù hợp với công việc đó hay không. Các chuyên gia tâm lý khẳng định, khi chọn sai nghề và làm công việc mình không yêu thích thì rất khó để đạt được đỉnh cao trong sự nghiệp, dễ rơi vào khủng hoảng tâm lý. Tuy nhiên, việc tiếp tục đeo đuổi công việc mình được đào tạo nhưng không đam mê hay “cắt” để làm lại không dễ có câu trả lời cụ thể. Cử nhân cần một thái độ tích cực, trách nhiệm đối với công việc mình đeo đuổi. ThS Huỳnh Anh Bình, chuyên gia tâm lý giáo dục, Giám đốc chương trình tư vấn hướng nghiệp “Hiểu đúng mình, chọn đúng nghề”, ĐH Bình Dương cho hay, với những trường hợp chọn sai nghề, cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng để không uổng phí bao năm học hành. Cần xem xét ngành mình yêu thích có khác xa ngành mình đang học hay đang làm không để có bước đi tiếp theo phù hợp. Nếu xác định chính xác đam mê của mình và đủ dũng cảm thì sự thay đổi là cần thiết. Tuy nhiên, ông Bình lưu ý, mỗi người phải lường trước được những khó khăn về điều kiện gia đình, sự tự tin ở bản thân... Còn khi xác định tiếp tục làm công việc không đam mê, ông Huỳnh Anh Bình cho rằng mỗi người phải có trách nhiệm với nghề nghiệp, với bản thân và cả những người xung quanh. Không để sự cẩu thả hay sự chán nản làm ảnh hưởng đến công việc mình đang làm. Có một thực tế, trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, tìm được công việc phù hợp hoàn toàn không dễ, nhiều người học đúng ngành nghề yêu thích nhưng ra trường không tìm được việc đúng ngành nghề được đào tạo và phải chấp nhận làm trái ngành. Bởi thế, chính bản thân người lao động cần phải tự điều chỉnh để mình phù hợp, thích nghi với yêu cầu của công việc. Bà Trần Thị Thu Hằng, nguyên giám đốc nhân sự Unilever cho hay, kể cả những người may mắn chọn và theo đúng ngành nghề đam mê của mình thì cuộc sống vẫn có những thay đổi bất ngờ không lường trước được. Sẽ có những lúc chúng ta không có nhiều lựa chọn giữa “không thích” và “phải làm” thì cách tốt nhất là tập yêu công việc mình đang làm. Lời khuyên của chuyên gia này dành cho những người đang làm những nghề không đúng sở thích là phải thay đổi thái độ, cách nhìn một cách tích cực của mình về công việc hiện tại để tạo nên sự đam mê cho mình. “Làm tốt công việc hiện tại cũng là cách lấy ngắn nuôi dài, bạn vẫn có thể đầu tư, dần hướng đến công việc đúng với đam mê. Còn nếu xác định thay đổi ngay, bạn phải lường hết mọi khó khăn để vượt qua”, bà Hằng cho lời khuyên.
Theo Thethaohangngay
NẮM CHẮC KIẾN THỨC, BỨT PHÁ ĐIỂM 9,10 LỚP 1 - LỚP 12 CÙNG TUYENSINH247! Nếu em đang:
Tuyensinh247 giúp em:
Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY |
|