Đề thi học kì 1 lớp 9 môn Ngữ Văn năm 2013 (Phần 3)

Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 9 môn Ngữ Văn năm 2013 - 2014 phần 3 gồm 3 đề và đáp án (đề số 6 - đề số 8) của các trường THCS Đà Nẵng, các bạn tham khảo dưới đây.

Cập nhật Đề thi học kì 1 lớp 9 môn Ngữ Văn năm 2013 phần 3 gồm 3 đề (đề số 6 - đề số 8 , ngày 11/12/2013

Đề thi học kì 1 lớp 9 môn ngữ văn - đề số 6

Câu 1: (1 điểm)

          a) Viết hai câu thơ thể hiện tâm trạng của Thúy Kiều trong tám câu cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích - Nguyễn Du. 

          b) Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long được trần thuật chủ yếu qua nhân vật nào trong truyện? Cách trần thuật này nhằm mục đích gì?

Câu 2: (1 điểm)

            a) Giải thích nghĩa của từ tuyệt tác. Đặt câu với từ đó.

            b) Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong ví dụ sau. Tác dụng của biện pháp tu từ ấy.

                                                Cá nhụ cá chim cùng cá đé,

                                                Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,                      

                                                                 (Đoàn thuyền đánh cá - Huy Cận)

Câu 3: (3 điểm)

            Em  hiểu gì về  ý nghĩa  của “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” mà thành phố cũng như trường em vừa mới phát động.

                Hãy viết một văn bản ngắn (khoảng một trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của cuộc phát động ấy.

Câu 4: (5 điểm) Chọn một trong hai đề sau:

           Đề 1:

Đóng vai nhân vật em yêu thích một trong các tác phẩm: Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật), Ánh trăng (Nguyễn Duy), Bếp lửa (Bằng Việt), Làng (Kim Lân), Lặng lẽSaPa (Nguyễn Thành Long) để kể chuyện.

Đề  2:

            Kể một câu chuyện mà qua đó em rút ra được một bài học có giá trị và ý nghĩa.

                       (Kết hợp yếu tố miêu tả, biểu cảm và nghị luận)

Đáp án đề thi học kì 1 lớp 9 môn ngữ văn - đề số 6

Câu 1: (1 điểm)

          a)  Viết hai câu thơ thể hiện tâm trạng của Thúy Kiều trong tám câu cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích- Nguyễn Du. 

            Học sinh viết đúng hai câu thơ thể hiện tâm trạng của Thúy Kiều.

           -  Sai, thiếu 2 từ (trừ  0,25 điểm).

                        -  Sai 2 lỗi chính tả (trừ 0,25 điểm).

                        -  Không ghi tên tác phẩm, tác giả (trừ  0,25 điểm).

          b)  Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long được trần thuật chủ yếu qua nhân vật nào trong truyện? Cách trần thuật này nhằm mục đích gì?

            - Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long được trần thuật chủ yếu qua nhân vật ông họa sĩ. (0,25 điểm)

            - Cách trần thuật này nhằm khắc họa rõ nét vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên.(0,25 điểm)

Câu 2: (1 điểm)  

a)     Giải thích nghĩa của từ tuyệt tác. Đặt câu với từ đó.

- Tuyệt tác: tác phẩm văn học, nghệ thuật hay, đẹp đến mức coi như không còn có thể có cái hay, đẹp hơn (theo SGV) 0,25 điểm. Học sinh có thể diễn đạt khác nhưng đúng ý.

- Đặt đúng câu có từ tuyệt tác (0,25 điểm).    

            b) Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong ví dụ sau. Tác dụng của biện pháp tu từ ấy.

                                                Cá nhụ cá chim cùng cá đé,

                                                Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,

                                                                       ( Đoàn thuyền đánh cá- Huy Cận)

-          Biện pháp tu từ: liệt kê (0,25 điểm)

-           Tác dụng: sự phong phú, đa dạng của các loại cá, của kho tài nguyên thiên nhiên. Ca ngợi sự giàu có của biển. (0,25 điểm). Học sinh chỉ cần trả lời đúng một trong các ý trên.

Câu 3:

Em hiểu gì về  ý nghĩa  của “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” mà thành phố cũng như trường em vừa mới phát động.

                Hãy viết một văn bản ngắn (khoảng một trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của cuộc phát động ấy.

               - Viết văn bản nghị luận có nội dung như yêu cầu (1điểm).

               - Đúng thể thức văn bản (1 điểm). Viết đoạn văn (trừ 0.5 điểm).

      - Bố cục chặt chẽ, lập luận thuyết phục (1 điểm)

               - 2 lỗi chính tả, ngữ pháp (trừ 0,25 điểm).

   - Lỗi diễn đạt (trừ từ 0,25- 0,5 điểm).

   - Không có dẫn chứng (trừ 0,5 điểm).

   - Thiếu phần phê phán (trừ 0,5 điểm)

* Gợi ý:

-Ý nghĩa của cuộc vận động: nhằm tôn vinh và phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, đề cao vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học trong việc chiếm lĩnh tri thức. Nâng cao nhận thức, giúp mọi người hiểu rõ giá trị của việc học tập suốt đời.

- Suy nghĩ và hướng hành động của bản thân.

            * Tùy theo mức độ làm bài của học sinh, giám khảo xem xét cho điểm.

Câu 4: (5 điểm)

          Đề 1:

Đóng vai nhân vật em yêu thích một trong các tác phẩm: Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật), Ánh trăng (Nguyễn Duy), Bếp lửa (Bằng Việt), Làng (Kim Lân), Lặng lẽSaPa (Nguyễn Thành Long) để kể chuyện.

                       (Kết hợp yếu tố miêu tả, biểu cảm và nghị luận)

A.Yêu cầu:

          -  Học sinh đóng vai nhân vật yêu thích một trong những tác phẩm trên.

          - Nêu được tình huống truyện. Kể theo trình tự hợp lí. Sử dụng đúng ngôi kể  (ngôi thứ nhất, thay đổi điểm nhìn), biết kết hợp yếu tố miêu tả, biểu cảm và nghị luận phù hợp.

          - Bài làm đầy đủ 3 phần:

* Mở bài: Hóa thân vào nhân vật để giới thiệu truyện kể.

* Thân bài: Diễn biến, tình huống truyện (kết hợp miêu tả, biểu cảm, nghị luận, có sáng tạo.)

* Kết bài: Kết thúc truyện, cảm nghĩ của nhân vật kể chuyện.

Đề 2:

             Kể một câu chuyện mà qua đó em rút ra được một bài học có giá trị và ý nghĩa.

A.Yêu cầu:

- Học sinh kể một câu chuyện sâu sắc được chứng kiến, được tham gia, được xem trên báo hoặc được nghe kể lại… (có thể là một việc tốt, một tấm gương vượt khó, một kỉ niệm đáng nhớ, một lỗi lầm…). Từ câu chuyện ấy, rút ra được bài học có ý nghĩa cho bản thân (bài học về lòng nhân ái, vị tha, sự trung thực, đức tính khiêm tốn, sự dũng cảm…)

- Chọn được tình huống kể hợp lí - Sử dụng đúng ngôi kể, biết kết hợp yếu tố miêu tả, biểu cảm và nghị luận.

- Bài làm phải đủ 3 phần:

* Mở bài: Giới thiệu tình huống, nhân vật và sự việc.

* Thân bài: Diễn biến  sự việc (theo trình tự hợp lí, có kết hợp đan xen yếu tố miêu tả và nghị luận ).

* Kết bài: Kết cục và cảm nghĩ.

B. Biểu điểm:

Điểm

Nội dung

5

Bài làm tốt. Đáp ứng được các yêu cầu trên. Chữ viết rõ đẹp.

4

Bài làm khá tốt. Đủ và đúng 3 phần của văn tự sự, có kết hợp các yếu tố miêu tả, biểu cảm, nghị luận. Có sáng tạo. Diễn đạt khá tốt. Chữ rõ sạch. Mắc từ 1-2 lỗi chính tả, lỗi từ ngữ và ngữ pháp.

3

Bài làm khá. Thể hiện khá rõ các yếu tố biểu cảm, miêu tả, nghị luận. Bố cục rõ ràng. Diễn đạt trôi chảy, từ dùng chính xác. Chữ viết dễ đọc. Mắc không quá 3 lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp.

2,5

Bài làm trung bình. Trình tự kể hợp lí. Diễn đạt đôi chỗ còn vụng. Mắc không quá 4 lỗi chính tả, lỗi dùng từ, ngữ pháp.

2

Bài làm yếu. Diễn đạt lủng củng. Bố cục không rõ ràng. Mắc nhiều lỗi chính tả, lỗi dùng từ, ngữ pháp.

1

Chỉ viết vài dòng. Lạc đề.

0

Bỏ giấy trắng.

Đề thi học kì 1 lớp 9 môn ngữ văn - đề số 7

Câu 1: (2,0 điểm)

Ca dao có câu:

Lời nói chẳng mất tiền mua

    Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

            Câu ca dao trên khuyên chúng ta điều gì? Điều đó liên quan đến phương châm hội thoại nào?

Câu 2: (2,0 điểm)

Trong bài thơ “Ánh trăng” của nguyễn Duy, hình ảnh vầng trăng mang nhiều tầng ý nghĩa.  Hãy chỉ ra các tầng ý nghĩa ấy.

Câu 3: (6,0 điểm)

Kể lại cuộc gặp gỡ tưởng tượng với những chiến sĩ lái xe trong bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật.

Đáp án đề thi học kì 1 lớp 9 môn ngữ văn - đề số 7

Câu 1: Cho 2,0 điểm khi đạt được các ý sau:

- Câu ca dao đã đưa ra lời khuyên: trong giao tiếp, chúng ta nên dùng những lời lẽ lịch sự, nhã nhặn (1,0 điểm).

- Câu ca dao liên quan đến phương châm  lịch sự. (1,0 điểm).

Câu 2: Cho 2,0 điểm khi đạt được các ý sau:

- Biểu tượng của thiên nhiên hồn nhiên, tươi mát (0,5 điểm)

- Biểu tượng của vẻ đẹp bình dị, vĩnh hằng của đời sống (0,5 điểm)

- Biểu tượng của quá khứ nghĩa tình (1,0 điểm).

Câu 3:

1. Yêu cầu về kĩ năng:

- Bài làm cần kết hợp sử dụng yếu tố nghị luận, miêu tả và miêu tả nội tâm.

- Có kĩ năng làm một bài văn tự sự, kết cấu chặt chẽ, hành văn trôi chảy, diễn đạt tốt, không mắc lỗi ngữ pháp, chính tả, dùng từ.

2. Yêu cầu về nội dung:

Đây là một bài văn kể chuyện sáng tạo. Câu chuyện xây dựng dựa trên nhân vật trong một bài thơ đã học. Vì vậy người viết vừa phải tưởng tượng, vừa phải bám sát nội dung bài thơ để xây dựng được một câu chuyện hợp lí. Bài làm có thể trình bày theo nhiều hướng khác nhau nhưng cần làm nổi bật những ý cơ bản sau:

a. Mở bài:

Tạo tình huống cho cuộc gặp gỡ (đi thăm gia đình thương binh; thăm bảo tàng quân đội; thăm nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn…)

b. Thân bài: Cần kể làm nổi bật 2 ý chính:

- Tính chất gian khổ, khốc liệt mà những người lính lái xe Trường Sơn phải chịu đựng trong những ngày chống Mĩ cứu nước (qua hình ảnh những chiếc xe ngày càng méo mó, biến dạng...).

- Những phẩm chất cao đẹp của người lính, cần kể về:

+ Tư thế ung dung, hiên ngang.

+ Tinh thần dũng cảm, thái độ bất chấp khó khăn.

+ Tinh thần đồng đội.

+ Ý chí chiến đấu vì miền Nam.

c. Kết bài:

+ Kết thúc câu chuyện.

+ Suy nghĩ vế thế hệ cha anh, về người lính, về trách nhiệm của bản thân.

Đề thi học kì 1 lớp 9 môn ngữ văn - đề số 8

Câu 1. (2 điểm)

            Nêu hai cách phát triển về số lượng từ ngữ tiếng Việt được học trong chương trình Ngữ Văn lớp 9. Với mỗi cách, hãy cho 01 ví dụ

Câu 2. (3 điểm)

            Viết một đoạn văn trình bày cảm nhận của em về khổ thơ đầu trong bài Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận:

            Mặt trời xuống biển như hòn lửa.

            Sóng đã cài then đêm sập cửa.

            Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,

            Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

                                    (Ngữ văn 9, tập 1, trang 139, NXBGDVN, 2010)

Câu 3. (5 điểm)

            Có lần em đã làm một việc không tốt khiến cha, mẹ (hoặc thầy, cô) buồn lòng. Hãy kể lại chuyện đó.

Đáp án đề thi học kì 1 lớp 9 môn ngữ văn - đề số 8 

Câu 1

- Cách thứ nhất: Tạo từ ngữ mới để làm cho vốn từ ngữ tăng lên 

Ví dụ: Điện thoại di động; đặc khu kinh tế; sở hữu trí tuệ; ... 

- Mượn từ ngữ của nước ngoài 

Ví dụ: thanh minh; trinh bạch; hắc mã; hoàng kỳ; ra-đi-ô; vi-rút;... 

Câu 2:

        Đoàn thuyền đánh cá của huy cận là một bài ca ngợi hành trình đánh cá ra biển khơi của những người ngư dân ở vùng biển khơi Quảng Ninh. Ngay mở đầu bài thơ, ta đã nghe thấy âm hưởng bài ca lao động ngân vang, khỏe khoắn cho đoàn thuyền ra khơi. Mở đầu bài thơ là cảnh hoàng hôn trên biển, vừa diễm lệ huy hoàng, vừa đầy sức sống: 

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa” 

        Điểm nhìn của nhà thơ ở đây là điểm nhìn tưởng tượng, phải ở rất xa mới nhìn được vùng biển phía Tây, nơi mặt trời đang lặn xuống giống như 1 hòn lửa khổng lồ đang rực cháy. Đây là 1 liên tưởng so sánh thật bất ngờ, thú vị. Vũ trụ bao la, huyền bí như 1 cái nhà nhà khổng lồ mà đêm tối là cánh cửa sập xuống mà những con song chạy ngang trên biển là những then cài. Cảm quan vũ trụ của nhà thơ thật kì lạ, độc đáo, mở ra sự phong phú trong trí tưởng tượng của người đọc. Quang cảnh kết thúc thật kì vĩ, tráng lệ của 1 chu kì thiên nhiên ấy lại là sự mở đầu 1 ngày lao động mới của con người: 

“ Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.” 

        Từ “lại” cho thấy đây chỉ là sự tiếp diễn nhịp điệu lao động của người đánh cá, cảnh ra khơi khi hoàng hôn buông xuống đã diễn ra thường xuyên liên tục qua nhiều đêm. Trên hành trình ra biển ấy, cũng như mọi lần, tiếng hát của họ vút cao, vang xa trên song nước mênh mang. Ở đây, “ căng buồm” là thật ( vì gió thổi mạnh trên biển khơi), nhưng “câu hát” căng buồm lại là ảo. Tuy vậy, chính cái ảo ấy lại hiển hiện cái thực: đó là khí thế mạnh mẽ của người đánh cá khi ra khơi. Tiếng hát của họ là tiếng hát của những con người dám chinh phục biển khơi

Câu 3:                                      

Đọc sách, tôi rất thích một câu nói của nhà văn người Úc: “Không có gì là hoàn hảo, có chăng chỉ là sự đề cao mà thôi”. Đúng, thử hỏi trong chúng ta có ai dám tự nói mình chưa mắc lỗi dù chỉ một lần không? Tôi cũng vậy, có lẽ tôi không thể quên lỗi lầm mình gây ra hôm đó, khiến người tôi yêu quý nhất - mẹ tôi, buồn lòng... 

        Hôm ấy, đất dát vàng ánh nắng, trời mát dịu, gió khẽ hôn lên má những người đi đường. Nhưng nó sẽ là ngày tuyệt đẹp, nếu tôi không có bài kiểm tra khoa học tệ hại đến như vậy, hậu quả của việc không chịu ôn bài. Về nhà, tôi bước nhẹ lên cầu thang mà chân nặng trĩu lại. Tôi buồn và lo vô cùng, nhất là khi gặp mẹ, người tôi nói rất chắc chắn vào tối qua: "Con học bài kỹ lắm rồi". Mẹ đâu biết khi mẹ lên nhà ông bà, ba đi công tác, tôi chỉ ngồi vào bàn máy tính chứ nào có ngồi vào bàn học, bởi tôi đinh ninh rằng cô sẽ không kiểm tra, vì tôi được mười điểm bài trước, nào ngờ cô cho làm bài kiểm tra mười lăm phút. Chả lẽ bây giờ lại nói với mẹ: "Con chưa học bài hôm qua" sao? Không, nhất định không. 

        Đứng trước cửa, tôi bỗng nảy ra một ý "Mình thử nói dối mẹ xem sao". Nghĩ như vậy, tôi mở cửa bước vào nhà. Mẹ tôi từ trong bếp chạy ra. Nhìn mẹ, tôi chào lí nhí "Con chào mẹ". Như đoán biết được phần nào, mẹ tôi hỏi: "Có việc gì thế con"? Tôi đưa mẹ bài kiểm tra, nói ra vẻ ấm ức: Con bị đau tay, không tập trung làm bài được nên viết không kịp”... Mẹ tôi nhìn, tôi cố tránh hướng khác. Bỗng mẹ thở dài! “Con thay quần áo rồi tắm rửa đi!”. 

Tôi "dạ" khẽ rồi đi nhanh vào phòng tắm và nghĩ thầm: "Ổn rồi, mọi việc thế là xong". Tôi tưởng chuyện như thế là kết thúc, nhưng tôi đã lầm. Sau ngày hôm đó, mẹ tôi cứ như người mất hồn, có lúc mẹ rửa bát chưa sạch, lại còn quên cắm nồi cơm điện. Thậm chí mẹ còn quên tắt đèn điện, điều mà lúc nào mẹ cũng nhắc tôi. Mẹ tôi ít cười và nói chuyện hơn. Đêm đêm, mẹ cứ trở mình không ngủ được. Bỗng dưng, tôi cảm thấy như mẹ đã biết tôi nói dối. Tôi hối hận khi nói dối mẹ. Nhưng tôi vẫn chưa đủ can đảm để xin lỗi mẹ. Hay nói cách khác, tôi vẫn chưa thừa nhận lỗi lầm của mình. Sáng một hôm, tôi dậy rất sớm, sớm đến nỗi ở ngoài cửa sổ sương đêm vẫn đang chảy "róc rách" trên kẽ lá. Nhìn mẹ, mẹ vẫn đang ngủ say. Nhưng tôi đoán là mẹ mới chỉ ngủ được mà thôi. Tôi nghĩ: Quyển "Truyện về con người" chưa đọc, mình đọc thử xem". Nghĩ vậy, tôi lấy cuốn sách đó và giở trang đầu ra đọc. Phải chăng ông trời đã giúp tôi lấy cuốn sách đó để đọc câu chuyện "lỗi lầm" chăng ! "... 

Khi Thượng đế tạo ra con người, Ngài đã gắn cho họ hai cái túi vô hình, một túi chứa lỗi lầm của mọi người đeo trước ngực, còn cái túi kia đeo ở sau lưng chứa lỗi lầm của mình, nên con người thường không nhìn thấy lỗi của mình". Tôi suy ngẫm: "Mình không thấy lỗi lầm của mình sao?". Tôi nghĩ rất lâu, bất chợt mẹ tôi mở mắt, đi xuống giường. Nhìn mẹ, tự nhiên tôi đi đến một quyết định: Đợi mẹ vào phòng tắm, rồi lấy một mảnh giấy nắn nót đề vài chữ. Mẹ tôi bước ra, tôi để mảnh giấy trên bàn rồi chạy ù vào phòng tắm. Tôi đánh răng rửa mặt xong, đi ra và... chuẩn bị ăn bữa sáng ngon lành do mẹ làm. Và thật lạ, mảnh giấy ghi chữ: "Con xin lỗi mẹ" đã biến đâu mất, thay vào đó là một chiếc khăn thơm tình mẹ và cốc nước cam. Tôi cười, nụ cười mãn nguyện vì mẹ đã chấp nhận lời xin lỗi của tôi.

Đến bây giờ đã ba năm trôi qua, mảnh giấy đó vẫn nằm yên trong tủ đồ của mẹ. Tôi yêu mẹ vô cùng, và tự nhủ sẽ không bao giờ để mẹ buồn nữa. Tôi cũng rút ra được bài học quý báu: Khi bạn biết xin lỗi bố mẹ, bạn sẽ có nhiều hơn một thứ bạn vẫn đang có, đó là tình thương.
"Từ thuở sinh ra tình mẫu tử trao con ấm áp tựa nắng chiều". 

Trên đây là tổng hợp 3 đề thi môn ngữ văn phần 3, Tuyensinh247 sẽ tiếp tục cập nhật phần 4 các em thường xuyên theo dõi tại đây: 

https://thi.tuyensinh247.com/de-thi-hoc-ki-1-lop-9-e45.html 

 Tuyensinh247 tổng hợp

DÀNH CHO 2K10 - LỘ TRÌNH ÔN THI VÀO LỚP 10 NĂM 2025!

  • Em đang lo lắng vì năm đầu tiên thi vào lớp 10 theo chương trình mới?
  • Hoang mang không biết học và ôn thi vào lớp 10 ra sao?
  • Muốn tìm lộ trình ôn thi vào lớp 10 theo chuẩn cấu trúc đề thi vào lớp 10?

Tham khảo Khoá học lớp 9 - Lộ trình UP10 tại Tuyensinh247:

- Đa dạng hình thức học: Học live tương tác, học qua bài giảng quay sẵn

- Ôn thi vào 10 - Luyện đề vào 10

- Bộ 10.000+ câu hỏi, 500+ bài giảng, 300+ đề thi bám sát sườn cấu trúc đề thi từng tỉnh

Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY


Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

>> Học trực tuyến lớp 9 & lộ trình Up 10! trên Tuyensinh247.com Đầy đủ khoá học các bộ sách (Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cánh diều), theo lộ trình 3: Nền Tảng, Luyện Thi, Luyện Đề. Bứt phá điểm lớp 9, thi vào lớp 10 kết quả cao. Hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.

17 bình luận: Đề thi học kì 1 lớp 9 môn Ngữ Văn năm 2013 (Phần 3)

  •  
Bứt Phá Lớp 9 - Tuyensinh247