Đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn đề số 60

Tham khảo đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn của các trường trên cả nước năm 2012.

I. trắc nghiệm

Bài tập 1

1. Chọn từ ngữ thích hợp điền vào chỗ trống để hoàn thành đoạn văn sau về tác giả Chính Hữu.

Chính Hữu tên khai sinh là (1) ………………………… sinh năm (2) …………. ………. quê ở huyện (3)…………………… tỉnh Hà Tĩnh. Năm (4)…………. ông gia  nhập trung đoàn thủ đô và hoạt động trong quân đội suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, Chính Hữu làm thơ từ năm (5) ……………. và hầu như chỉ viết về (6) …………………………….. Thơ ông không nhiều nhưng có những bài đặc sắc, cảm xúc (7) ………………………….. hàm súc. Chính Hữu đã được nhà nước trao tặng  (8) ………………………………………….. năm 2000.

2. Điền Đ (đúng) hoặc S (sai) vào ô trống  cuối mỗi nhận định sau :

Bài thơ Đồng chí của Chính Hữu sáng tác năm nào ?

A. Đầu năm 1948

B. Cuối năm 1948

C. Đầu năm 1949

D. Đầu năm 1950

3. Khoanh tròn vào chữ cái đứng trước nhận định nêu khái quát và đầy đủ nhất về giá trị nội dung bài thơ Đồng chí :

A. Bài thơ ca ngợi tình đồng chí, đồng đội gắn bó sâu nặng, đồng thời thể hiện vẻ đẹp bình dị mà cao cả của người lính cách mạng trong buổi đầu chống Pháp.

B. Bài thơ viết về cuộc sống sinh hoạt, chiến đấu của những người lính bộ đội Cụ Hồ nơi chiến trường Việt Bắc.

C. Bài thơ thể hiện tình cảm của quê hương đối với những người lính bộ đội Cụ Hồ, đồng thời miêu tả cuộc sống gian lao, thiếu thốn của những người lính.

4.

 
  Trong các trường hợp sau, từ “chân” ở trường hợp nào được dùng với nghĩa gốc, nghĩa chuyển theo phương thức ẩn dụ, nghĩa chuyển theo phương thức hoán dụ.

a)       Đề huề lưng túi gió trăng,

Sau chân theo một vài thằng con con

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

b) Năm học sinh lớp 9A có chân trong đội tuyển của trường đi dự “Hội khỏe Phù Đổng”

c)        Dù ai nói ngả nói nghiêng

Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân

(Ca dao)

5. Khoanh tròn vào chữ cái đứng đầu ý kiến em cho là đúng.

A. Trong văn bản tự sự, người viết cần đưa ra các luận điểm, luận cứ một cách đầy đủ có hệ thống.

B. Trong văn bản tự sự, nghị luận là yếu tố xen kẽ cốt làm nổi bật sự việc và con người, làm cho câu chuyện thêm phần triết lý.

C. Trong văn tự sự, không cần yếu tố nghị luận.

6. Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi :

Về đến nhà, chàng la um lên cho hả giận. Vợ chàng khóc mà rằng :

– Thiếp vốn con kẻ khó, được nương tựa nhà giàu. Sum họp chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh. Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót. Đâu có sự mất nết hư thân như lời chàng nói. Dám xin bày tỏ để cởi mối nghi ngờ. Mong chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp.

(Trích truyện Người con gái Nam Xương)

a) Câu nào sau đây có thể coi là luận điểm chính của đoạn văn ? Khoanh tròn chữ cái đứng đầu ý đúng.

A. Thiếp vốn con kẻ khó, được nương tựa nhà giàu.

B. Dám xin bày tỏ để cởi mối nghi ngờ.

C. Mong chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp.

b) Yếu tố nghị luận trong đoạn văn trên có tác dụng gì ?

A. Lên án tính đa nghi quá mức của chàng Trương.

B. Giúp lời phân trần của Vũ Nương có sức thuyết phục.

C. Nêu lên nỗi khổ của Vũ Nương.

Bài tập 2

1. Điền đúng (Đ) hoặc sai (S) vào ô vuông phía sau mỗi câu khi nói về Chính Hữu.

a) Ông sinh năm 1926 tại tỉnh Nghệ An.

b) Từng tham gia trung đoàn thủ đô.

c) Sáng tác nhiều tập thơ lớn.

d) Trước khi có bài Đồng chí, ông đã có bài thơ viết về anh lính thị thành.

e) Thơ ông đậm chất lính trẻ trung, tinh nghịch, dí dỏm.

2. Câu thơ “Gian nhà không mặc kệ gió lung lay” (Đồng chí) có thể hiểu ?

A. Cách nói gồng mình lên để  dứt khoát ra đi.

B. Không quan tâm.

C. Tinh thần tráng sĩ bất khuất quyết ra đi. Khoanh tròn vào chữ cái ở đầu câu.

3. Trong số các bài thơ sau, bài nào của nhà thơ Phạm Tiến Duật ? Khoanh tròn vào chữ cái đứng ở đầu câu.

A. Trường Sơn đông, Trường Sơn tây.

B. Gửi em cô thanh niên xung phong.

C. Đồng chí lái chính, đồng chí lái phụ và tôi.

D. Tâm sự người lái xe.

4. Trả lời về bài thơ Nhớ sau đây :

a) Hãy chọn từ ngữ  nào tác giả dùng trong số các từ ngữ cho sau đây để điền vào chỗ trống hoàn thành câu thơ cuối : (gia đình, lưng đèo, con đường)

Cái vết thương xoàng mà đưa viện

Hàng còn chờ đó tiếng xe reo

Nằm ngửa nhớ trăng nằm nghiêng nhớ bến

Nôn nao ngồi dậy nhớ ……………………….

b) Tác giả đã có lời bình ngắn gọn bài thơ như sau : “Người ta khen bài thơ hay ở hai câu sau. Tôi lại thấy hay ở hai câu đầu”. Theo em ý kiến này như thế nào ?

A. Tác giả muốn đối lập cách hiểu với bạn đọc.

B. Một cách bình tinh tế, thông minh.

c) Theo em tác giả bài thơ trên là ai trong số bốn nhà thơ :

A. Chính Hữu

B. Phạm Tiến Duật

C. Hữu Thỉnh

D. Nguyễn Duy

5. Câu thơ : Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

(Phạm Tiến Duật)

Sử dụng biện pháp tu từ nào ? Khoanh tròn chữ cái đứng ở đầu câu đúng.

A. Điệp từ nhìn

B. Nhân hóa và chuyển đổi cảm giác

C. Cả hai ý trên

6. Trong các câu sau đây, câu nào liệt kê đúng về hoán dụ trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính ? Khoanh tròn chữ cái đứng ở đầu câu đúng câu đúng.

A. Con mắt, trái tim, nét mặt, cái nhìn.

B. Con mắt, mái tóc, trái tim, niềm vui.

C. Nụ cười, mặt, tim, mái tóc, con mắt.

D. Không có câu nào đúng.

II. tự luận

1. Phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu

2. Phân tích đoạn thơ :

Không có kính rồi xe không có đèn

Không có mui xe thùng xe có xước

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước

Chỉ cần trong xe có một trái tim

(Bài thơ về tiểu đội xe không kính - Phạm Tiến Duật)

Đáp án 

I. trắc nghiệm

Bài tập Câu (ý) Nội dung trả lơig Điểm
1 1 (1)Trần Đình Đắc ; (2) 1926 ; (3) Can Lộc ; (4) 1946 ; (5) 1947 ; (6) người lính và chiến tranh ; (7) dồn nén ngôn ngữ và hình ảnh chọn lọc ; (8) giải thưởng Hồ Chí Minh  
2 A (Đ) ;       B, C, D (S)  
3 A  
4 a) Nghĩa gốc

 

b) Nghĩa chuyển – phương thức hoán dụ

c) Nghĩa chuyển – phương thức ẩn dụ

 
5 B  
6 a) C ;            b) B  
2 1 Các ý đúng : a, b, d ;        các ý sai : c, e  
2 A  
3 A, B, C  
4 a) lưng đèo ;     b) chọn B ;      c)  chọn B  
5 C  
6 C  

II. Tự luận

1. Phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu

Bài làm

Đồng chí ! Ôi tiếng gọi sao mà thân thương tha thiết quá. Nó biểu hiện thật đầy đủ tình đồng đội của anh bộ đội Cụ Hồ thời kháng Pháp. Cảm nhận được tình cảm vừa thân quen vừa mới lạ trong cuộc sống chiến đấu ấy, Chính Hữu, một nhà thơ – chiến sĩ đã xúc động viết bài thơ Đồng chí. Với lời thơ chân chất, tràn đầy tình cảm, bài thơ đã để lại bao cảm xúc trong lòng người đọc.

Cả bài thơ thể hiện rõ tình đồng đội keo sơn gắn bó giữa những người chiến sĩ quân đội nhân dân trong cuộc sống chiến đấu gian khổ. Họ là những người xuất thân từ nhân dân lao động chỉ quen việc “cuốc cày” ở những vùng quê nghèo khác nhau, vì có chung tấm lòng yêu nước, họ đã gặp nhau từ xa lạ bỗng trở thành thân quen. Chính Hữu đã kể về những con người ấy bằng lời thơ thật xúc động :

Quê hương anh nước mặn đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau

Họ đều xuất thân từ những vùng đất khô cằn, nghèo khổ “nước mặn đồng chua“, “đất cày lên sỏi đá”. Từ “xa lạ” gặp nhau. Thật là thú vị, nhà thơ không nói hai người xa lạ mà là “đôi người xa lạ“, vì thế ý thơ được nhấn mạnh, mở rộng thêm. “Hai người” cụ thể quá. Đôi người là từng “đôi” một – nhiều người. Trong đơn vị quân đội ấy, ai cũng thế. Hình ảnh những con người chẳng hẹn quen nhau nói lên một sự xa lạ trong không gian và tình cảm. Nhưng khi tham gia kháng chiến, những con người ấy cùng nhau chiến đấu, cùng nhau chịu đựng gian khổ, chung lưng đấu cật bên nhau. Vì thế họ trở thành thân nhau, hiểu nhau, thương nhau và gọi nhau là “đồng chí”.

“Súng bên súng, đầu sát bên đầu

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ

Đồng chí”

Tình cảm ấy thật thân thương, thật tha thiết. Giọng thơ đang liền mạch nhẹ nhàng, thủ thỉ tâm tình, bỗng ngắt nhịp đột ngột. Từ Đồng chí lại được tách ra làm câu riêng, một đoạn riêng. Với cấu trúc thơ khác thường ấy tác giả đã làm nổi bật ý thơ. Nó như một nốt nhấn của bản nhạc, bật lên âm hưởng gây xúc động lòng người. Câu thơ chỉ có một từ Đồng chí - một tiếng nói thiêng liêng. Đồng chí một sự cảm kích về nhiều đổi thay kì lạ trong quan hệ tình cảm. Thế là thành đồng chí.

Tình cảm ấy lại đựơc biểu hiện cụ thể trong cuộc sống chiến đấu. Những lúc kề bên nhau, họ lại kể cho nhau nghe chuyện quê nhà. Chuyện “Ruộng nương anh gửi bạn thân cày”, “Gian nhà không mặc kệ gió lung lay” cả chuyện“Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”… Từ những lời tâm tình ấy cho ta hiểu rằng : Các anh chiến sĩ mỗi người đều có một quê hương, có những kỉ niệm thân thiết gắn bó với quê nhà và khi ra đi hình bóng quê hương đều mang theo trong họ. Các anh lại cùng chia sẻ ngọt bùi, cùng chịu gian khổ bên nhau. Trong gian lao vất vả họ lại tìm được niềm vui, niềm hạnh phúc trong mối tình đồng chí. Làm sao các anh có thể quên được những lúc ướt mồ hôi, cùng chịu với nhau từng cơn ớn lạnh. Cuộc sống bộ đội nghèo vất vả nhưng không thiếu niềm vui. Dẫu áo anh rách vai, quần tôi có vài mảnh vá… dẫu trời có buốt giá thì miệng vẫn cười tươi. Tình cảm chân thành tha thiết ấy không diễn tả bằng lời mà lại thể hiện bằng cách nắm lấy bàn tay. Thật giản dị và cảm động. Không phải là những vật chất của cải, không phải là những lời hoa mĩ phô trương. Những người chiến sĩ biểu hiện tình đồng chí là bàn tay nắm lấy bàn tay. Chính đôi tay nắm chặt ấy đã nói lên tất cả những ý nghĩ thiêng liêng cao đẹp của mối tình đồng chí :

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo

Câu thơ vừa tả cảnh thực vừa mang nét tượng trưng. Tác giả tả cảnh những người lính phục kích chờ giặc trong đêm sương muối. Súng hướng mũi lên trời có ánh trăng lơ lửng giữa trời như treo trên đầu ngọn súng. Đồng thời “Đầu súng trăng treo” còn mang ý nghĩa tượng trưng. Đó là sự kết hợp giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn Vừa thực, vừa mơ, vừa xa vừa gần, vừa mang tính chiến đấu vừa mang tính trữ tình. Vừa chiến sĩ vừa thi sĩ. Đây là hình ảnh đẹp tượng trưng cho tình cảm trong sáng của người chiến sĩ. Mối tình đồng chí đang nảy nở, vươn cao, tỏa sáng từ cuộc đời chiến đấu. Hình ảnh thật độc đáo gây xúc động bất ngờ, thú vị cho người đọc. Nó nói lên đầy đủ ý nghĩa cao đẹp của mục đích lí tưởng chiến đấu và mối tình đồng chí thiêng liêng của anh bộ đội Cụ Hồ.

Bằng ngôn ngữ cô đọng, hình ảnh chân thực gợi tả có sự khái quát cao, Chính Hữu đã cho ta thấy rõ quá trình phát triển của một tình cảm cách mạng trong quân đội. ở đây nhà thơ đã xây dựng hình ảnh thơ từ những chi tiết thực của cuộc sống thực trong đời thường của người chiến sĩ, không phô trương, không lãng mạn hóa, thi vị hóa, chính những nét thực đó tạo nên sự thành công của tác phẩm. Bài thơ đánh dấu một bước ngoặt mới trong phương pháp sáng tác và cách xây dựng hình tượng người chiến sĩ trong thơ thời kì chống Pháp.

2.   Phân tích đoạn thơ :

Không có kính rồi xe không có đèn

Không có mui xe thùng xe có xước

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước

Chỉ cần trong xe có một trái tim

(Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phạm Tiến Duật)

Bài làm

Phạm Tiến Duật là một trong những gương mặt xuất sắc của thơ ca Việt Nam thời chống Mĩ cứu nước. Ông được gọi là “Viên ngọc Trường Sơn của thơ ca” bởi thi sĩ đã mang cả hào khí thời đại cùng dãy Trường Sơn vào thơ. Đặc biệt mảng thơ về người lính lái xe của ông đã để lại ấn tượng thật thú vị, đó là “Vết xe lăn” nóng bỏng trong những bài thơ Trường Sơn thời chống Mĩ.

Trong số những vần thơ thông minh, dí dỏm về người lính lái xe Trường Sơn của Phạm Tiến Duật, phải kể đến Bài thơ về tiểu đội xe không kính.

Bài thơ được viết năm 1969, in trong tập “Vầng trăng – Quầng lửa“. Hình tượng thơ hết sức độc đáo : những chiếc xe không kính băng băng ra trận bất chấp hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh. Để cuối bài thơ, tác giả đưa ra một ý tưởng thật bất ngờ – đó là “trái tim cầm lái”:

Không có kính rồi xe không có đèn

Không có mui xe thùng xe có xước

Xe vẫn chạy vì Miền Nam phía trước

Chỉ cần trong xe có một trái tim

ở phần đầu bài thơ, Phạm Tiến Duật đã giải thích rất đơn giản mà sắc sảo : “Không có kính không phải vì xe không có kính” bởi vì : “Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”. Thật là đơn giản ! Chiến tranh bom đạn tàn phá. Xe không kính chắn gió vẫn ra trận thanh thản mà ung dung. Hai câu đầu khi kết, tác giả một lần nữa tả hình dáng của chiếc xe quân sự thời chống Mĩ :

Không có kính rồi xe không có đèn

Không có mui xe thùng xe có xước

Đã không kính – gió, bụi, mưa tuôn vào buồng lái, khó khăn chồng chất hơn khi xe lại không có đèn, rồi không có mui xe thùng xe có xước. Một hình ảnh trần trụi do chiến tranh gây nên. Người lái xe phải huy động mọi giác quan, năng lực để lái xe trong mạo hiểm, phiêu lưu. Tất cả đều vượt qua bởi :

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước

Chỉ cần trong xe có một trái tim

Đây là chủ đề sâu thẳm của bài thơ. Đây mới là điều hệ trọng và thiêng liêng mà cả bài thơ vui nhộn chưa hé lộ. Nhà thơ đã nói đúng tinh thần thời đại : Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước – Mà lòng phơi phới dậy tương lai (Tố Hữu). Cả nước lên đường đánh Mĩ vì miền Nam ruột thịt. Vậy là trái tim đã giúp những người lính vượt qua gian khổ trên những chiếc xe không kính, không đèn, không mui xe… Trái tim rực lửa căm thù giặc Mĩ và nóng bỏng yêu thương đồng bào miền Nam ấy chính là vẻ đẹp sâu thẳm của tâm hồn Việt Nam thời đánh Mĩ, là trái tim nhân hậu, thủy chung  của cả dân tộc .

Thơ là thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp. Phạm Tiến Duật đã thể hiện thành công tâm hồn thế hệ trẻ Việt Nam yêu nước trong những năm tháng đánh Mĩ hi sinh gian khổ mà vĩ đại của dân tộc ta.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng thơ Phạm Tiến Duật và những “Vết xe trên dãy  Trường Sơn” sẽ còn nóng bỏng trong tâm hồn của những người Việt Nam yêu nước. Những chiếc xe độc đáo  ấy của một thời đã góp phần làm nênhuyền tích  Trường Sơn.

Viết bình luận: Đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn đề số 60

  •  
Khoá học lớp 1-12 - Tuyensinh247