Đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn đề số 82

Tham khảo đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn của các trường trên cả nước năm 2012.

I. Trắc nghiệm

Bài tập 1

Khoanh tròn vào chữ cái đầu dòng ghi các ý đúng hoặc đúng nhất :

1. Nguyễn Dữ (tác giả của Truyền kì mạn lục) sống vào thời kì :

A. Triều đình nhà Lê đang phát triển cực thịnh.

B. Triều đình nhà Lê bắt đầu khủng hoảng.

C. Trịnh – Nguyễn phân tranh.

2. Truyện Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ được viết bằng :

A. Chữ Hán.

B. Chữ Nôm.

C. Cả chữ Hán và chữ Nôm.

3. Nhân vật chính trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ  thường là :

A. Những người phụ nữ.

B. Những người phụ nữ đức hạnh, khát khao với cuộc sống bình yên hạnh phúc nhưng các thế lực tàn bạo và cả lễ giáo khắc nghiệt lại xô đẩy họ vào những cảnh ngộ éo le, oan khuất, bất hạnh.

C. Những người phụ nữ đức hạnh, khát khao với cuộc sống bình yên hạnh phúc.

4. Sau khi đi lính về, Trương Sinh trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ ghen và đánh đuổi Vũ Nương vì :

A. Chàng vốn tính đa nghi và có cách xử sự hồ đồ, độc đoán.

B. Chàng có tâm trạng nặng nề do mẹ đã mất.

C. Lời nói về cái bóng của đứa con ngây thơ.

D. Cả 3 ý trên.

5. Lời nói của Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ  :

Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng vì có cái thú vui nghi gia thất. Nay đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió; khóc tuyết bông hoa rụng cuống, kêu xuân cái én lìa đàn, nước thẳm buồn xa, đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa.

Chứng tỏ :

A. Hạnh phúc gia đình, niềm khát khao của cả đời nàng tan vỡ, tình yêu không còn.

B. Nỗi đau khổ chờ chồng đến hoá thành đá trước đây cũng không còn có thể làm lại được nữa.

C. Cả A và B.

6. Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ chết vì :

A. Hành động bột phát trong cơn nóng giận.

B. Nàng đã hoàn thành nghĩa vụ đối với chồng và gia đình nhà chồng.

C. Thất vọng đến tột cùng, cuộc hôn nhân đã đến độ không thể nào hàn gắn được nữa.

D. Cả ba ý trên.

7. Bi kịch của Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ :

A. Là lời khuyên người phụ nữ chống đối chế độ phong kiến.

B. Là một lời tố cáo xã hội phong kiến xem trọng quyền uy của kẻ giàu và của người đàn ông trong gia đình, đồng thời bày tỏ niềm cảm thông của tác giả đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ.

C. Cả hai ý trên.

8. Tình tiết độc đáo nhất trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ là :

A. Trương Sinh phải đi lính.

B. Lời nói về cái bóng của đứa trẻ ngây thơ.

C. Vũ Nương tự tử.

D. Cả ba ý trên.

9. Yếu tố kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ có ý nghĩa :

A. Tạo nên một kết thúc phần nào có hậu cho truyện.

B. Thể hiện ước mơ về sự công bằng trong cuộc đời.

C. Làm hoàn chỉnh thêm những nét đẹp vốn có của Vũ Nương.

D. Cả ba ý trên.

10. Cách đưa những yếu tố kì ảo của Nguyễn Dữ trong Chuyện người con gái Nam Xương :

A. Tách riêng với các yếu tố thực.

B. Xen kẽ với các yếu tố thực.

C. Vừa tách riêng vừa xen kẽ với các yếu tố thực.

11. Cách dẫn trực tiếp là :

A. Nhắc lại nguyên văn lời nói hay ý nghĩ của người hoặc nhân vật.

B. Thuật lại lời nói hay ý nghĩ của người hoặc nhân vật, có điều chỉnh cho thích hợp ; lời dẫn trực tiếp được đặt trong dấu ngoặc kép.

C. Nhắc lại nguyên văn lời nói hay ý nghĩ của người hoặc nhân vật ; lời dẫn trực tiếp được đặt trong dấu ngoặc kép.

Bài tập 2

Trong đoạn văn sau đây, câu nào có lời dẫn trực tiếp, câu nào có lời dẫn gián tiếp ?

(1) Chờ mãi mới thấy một ông thanh niên nghễu nghện vác một bó tre đi tới. (2) Tôi chào rồi hỏi : “Đi chợ huyện lối nào, ông làm ơn chỉ giúp tôi.” (3) Anh ta trố mắt nhìn tôi chẳng nói chẳng rằng, như nhìn một giống người lạ mới ở hoả tinh rơi xuống. (4) Tôi biết hiệu, rút giấy đưa cho anh xem rồi lại hỏi. (5) Bấy giờ anh ta mới bảo : “Ông cứ đi lối này, đến chỗ có một cây đa to thì rẽ về tay phải, đi một quãng lại rẽ về tay trái, qua một cánh đồng, vào đường gạch làng Ngò, vòng ra đằng sau đình, rẽ về tay phải, đi một quãng nữa thì đến chợ. (6) Đại khái thế, chứ không phải hoàn toàn đúng thế. (7) Chỉ biết là nó lôi thôi rắc rối, nhiều bên phải bên trái quá, đến nỗi tôi không tài nào nhận được. (8) Anh ta bày cho tôi một cách : đứng đợi đấy, gặp ai gánh hàng đi chợ thì đi theo.

(Đôi mắt - Nam Cao)

+ Lời dẫn trực tiếp ở câu . . . . . . . . . . . . . . . .

+ Lời dẫn gián tiếp ở câu . . . . . . . . . . . . . . . .

Bài tập 3

1. Điền vào chỗ trống trong câu sau các từ truyền thống, oan nghiệt, thương tâm, cảm thương sao cho thích hợp :

Qua câu chuyện về cuộc đời và cái chết . . . . . . . . . . . . . của Vũ Nương, Chuyện người con gái Nam Xương thể hiện niềm . . . . .  . . . . . . .  đối với số phận . . . . . . . . . . . . . . . của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến, đồng thời khẳng định vẻ đẹp  . . . . . . . . . . . . . . . . . của họ.

2. Điền các từ : thuật lại, nhắc lại vào câu sau :

Dẫn trực tiếp, tức là . . . . . . . . . . . . . nguyên văn lời nói hay ý nghĩ của người hoặc nhân vật ; lời dẫn trực tiếp được đặt trong dấu ngoặc kép.

Dẫn gián tiếp, tức là . . . . . . . . . . . . . . . lời nói hay ý nghĩ của người hoặc nhân vật, có điều chỉnh cho thích hợp ; lời dẫn gián tiếp không đặt trong dấu ngoặc kép.

Bài tập 4

Viết văn bản ngắn không quá 15 dòng tóm tắt Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh của Phạm Đình Hổ mà em đã được học ở chương trình Ngữ văn lớp 9.

Bài tập 5

Từ hoa trong Truyện Kiều của Nguyễn Du là từ nhiều nghĩa. Hãy xác định : ở câu nào, từ hoa được dùng với nghĩa gốc, nghĩa chuyển. Trong các từ được dùng với nghĩa chuyển, từ nào được chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ ?

a) Sen tàn cúc lại nở hoa,

Sầu  dài ngày ngắn đông đà sang xuân.

b) Lại càng ủ dột nét hoa,

Sầu tuôn đứt nối châu sa vắn dài.

c) Trước sau nào thấy bóng người,

Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.

d) Từ nghe vườn mới thêm hoa

Miệng người đã lắm tin nhà thì không

II. Tự luận

1. Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ để làm nổi bật những vẻ đẹp và thân phận  nhân vật Vũ Nương.

2. Trình bày cảm nghĩ sâu sắc nhất của em về Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ.

Đáp án 

I. Trắc nghiệm

Bài tập 1

Khoanh vào các chữ sau :

Câu 1 : B. Câu 2 : A. Câu 3 : B. Câu 4 : D.
Câu 5 : C. Câu 6 : C. Câu 7 : B. Câu 8 : B.
Câu 9 : D. Câu 10 : B. Câu 11: C.  

Bài tập 2

+   Lời dẫn trực tiếp ở câu 2 và câu 5.

+   Lời dẫn gián tiếp ở câu  8.

Bài tập 3

Điền các từ vào chỗ trống theo thứ tự sau :

  1. 1. thương tâm, cảm thương, oan nghiệt, truyền thống.

2. nhắc lại, thuật lại.

Bài tập 4

Yêu cầu tóm tắt khoảng 15 dòng thể hiện được nội dung của câu chuyện: đời sống xa hoa và thói ăn chơi của của phủ Chúa cũng như những thủ đoạn của chúng để vơ vét của cải trong nhân dân thời kì chúa Trịnh Sâm. Để tóm tắt đúng, phải nêu được các sự việc như sau :

+ Thói ăn chơi xa xỉ của chúa Trịnh Sâm và việc xây dựng đình đài với những cuộc dạo chơi diễn ra liên miên.

+ Chúa ra sức thu nhiều vật lạ, của quí trong chốn dân gian đưa vào cung. Bọn hoạn quan cung giám nhờ gió bẻ măng để quấy nhiễu dân.

+  Nhân dân phải đập phá núi non bộ và cây cảnh để tránh tai vạ.

Bài tập 5

Hoa ở câu 1, 3 dùng theo nghĩa gốc, câu 2, 4 dùng theo nghĩa chuyển và chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ.

II. Tự luận

1. Đây là kiểu văn bản nghị luận văn học, phân tích Chuyện người con gái Nam Xương để làm nổi bật những vẻ đẹp và thân phận của nhân vật Vũ Nương. Về nội dung, có hai yêu cầu chính là vẻ đẹp  và thân phận của Vũ Nương dưới chế độ cũ.

+ Về yêu cầu thứ nhất, thông qua các tình huống của cốt truyện, phân tích để làm hiện lên nhân vật Vũ Nương, một phụ nữ xinh đẹp, nết na, hiền thục lại đảm đang, tháo vát, thờ kính mẹ chồng hết mực hiếu thảo, một dạ thuỷ chung với chồng, hết lòng vun đắp cho hạnh phúc gia đình.

+ Về thân phận của Vũ Nương, qua phân tích nỗi oan khuất của nàng để thấy, người phụ nữ đức hạnh  ở đây không những không được bênh vực, che chở mà còn bị đối xử bất công, vô lí đến nỗi họ không thể sống được nữa mà phải tự kết liễu đời mình.

2. Đây là kiểu văn bản biểu cảm về tác phẩm văn học, cụ thể là văn bản Chuyện người con gái Nam Xương. Đề tương đối tự do, chỉ cần trình bày cảm xúc, tưởng tượng, liên tưởng, suy ngẫm sâu sắc của mình về một hoặc vài vấn đề nào đó của văn bản. Muốn trình bày tình cảm của mình về một vấn đề nào đó, trước hết phải nêu ra đối tượng gợi nên cảm xúc, suy nghĩ sâu sắc nhất cho mình. Nó có thể là một vấn đề về nội dung, về nghệ thuật hay về cả nội dung và nghệ thuật. Cụ thể có thể là  suy nghĩ sâu sắc nhất về : thân phận Vũ Nương nói riêng và người phụ nữ nói chung dưới chế độ xưa; niềm thương cảm sâu xa của nhà văn đối với ngươì phụ nữ; vẻ đẹp của Vũ Nương ; bi kịch của Vũ Nương và lời tố cáo xã hội phong kiến ; tính đa nghi và cách xử sự hồ đồ, độc đoán của Trương Sinh ; lời nói về cái bóng của đứa con ngây thơ ; cách dắt dẫn tình tiết câu chuyện ; yếu tố kì ảo, kết thúc có hậu v.v..

Từ những đối tượng gợi suy nghĩ, phải trình bày được cảm nghĩ một cách sâu sắc, chân thành, phù hợp với đối tượng được nêu ra.

Viết bình luận: Đề thi thử vào lớp 10 môn ngữ văn đề số 82

  •  
Khoá học lớp 1-12 - Tuyensinh247