Đi lễ cầu may và 1001 chiêu trò móc túi dịp Tết

Đi lễ cầu may đầu năm, khi nhiều người khấn vái hay nhoài người đặt đồ cúng lên ban thờ thì kẻ gian đứng bên cạnh rạch túi, trộm tài sản.

Mỗi dịp Tết, anh Mạnh cùng nhóm bạn tại Hà Nội thường hẹn nhau đi lễ ở những nơi có tiếng là linh thiêng... để mong cả năm được may mắn, mọi việc như ý. Không thể quên việc đứng không yên để khấn vái do bị nhiều người đi lại va chạm và đặc biệt là hai cô bạn bị móc ví trong đêm giao thừa năm ngoái, năm nay Mạnh chọn cách an toàn là không vào bên trong mà chỉ đứng ngoài sân thành tâm cầu khấn.

"Tội phạm giờ có rất nhiều chiêu, chỉ cần mình lơ đễnh một chút là chúng móc và rạch túi. Đầu năm mà xảy ra điều không may thì cả năm sẽ xui xẻo, tôi phải phòng trước", Mạnh chia sẻ.

Ngày mùng 1 Tết, lượng người đi lễ chùa khá đông. Ảnh: Thái Thịnh.

Ngày mùng 1 Tết, lượng người đi lễ chùa khá đông. Ảnh: Thái Thịnh.

Không riêng Mạnh, nhiều người từng bị kẻ gian "hỏi thăm" cũng chia sẻ rằng nếu đến những nơi đông người như thế này lần thứ 2 chắc chắn sẽ phải cẩn thận hơn, không để tội phạm có cơ hội giở ngón nghề.

Làm việc ở Phủ Tây Hồ gần 20 năm, ông Trương Tiến Hồi (Phó trưởng Ban quản lý Phủ) cho biết, những năm gần đây người đến làm lễ ngày một đông. Từ mùng 1 Tết đến rằm, trung bình mỗi ngày có khoảng 10.000 khách, đa phần là người Hà Nội.

Vài năm trước, số người trình báo với Ban quản lý về việc bị mất cắp, rạch túi khá nhiều. "Kẻ gian thường ăn mặc lịch sự, đi theo đôi hoặc theo nhóm để hỗ trợ nhau. Khi khách chăm chú cầu khấn hay lúc mải đặt đồ lễ lên bàn thờ là lúc chúng ra tay...", ông nói và cho hay chiêu xô đẩy trong đám đông cũng là mánh khóe của tội phạm mà người đi lễ ngày đầu xuân cần chú ý.

Khi lấy được tiền hay các vật dụng có giá trị, kẻ gian thường vứt lại túi, ví ở nhà vệ sinh trong các khe cửa trong Phủ. Để đảm bảo an toàn cho khách đến làm lễ, Ban quản lý đã đưa ra nhiều biện pháp.

Ngoài việc tăng cường người theo dõi an ninh, Ban đã dán ảnh những "thợ hai ngón" thường lảng vảng ở đây và bị bắt quả tang để mọi người cảnh giác. Thông tin cảnh báo về nạn trộm cắp liên lục được đọc trên loa phóng thanh. Ban quản lý cũng lắp cả chục máy camera ở khắp nơi...

"Ngồi một chỗ, chúng tôi cũng có thể biết được hành tung của kẻ gian. Nhiều lần, chúng vừa cầm ví ăn trộm bước ra cửa thì bị bắt giữ", Phó ban quản lý Phủ cho biết.

Theo ông Trương Công Đức (Trưởng ban quản lý Phủ), với các nỗ lực trên tình trạng móc túi, trộm cắp tiền thờ đã giảm. Tuy vậy, trong những ngày cao điểm, ngoài lực lượng thanh niên tự quản và bảo vệ của Phủ, công an quận cùng cảnh sát hình sự thành phố cũng được tăng cường về đây. Làm nhiệm vụ phía bên ngoài là công an mặc sắc phục; phía trong các cảnh sát mặc thường phục ẩn mình trong dòng người đến làm lễ để "soi" kẻ gian.

Một lãnh đạo công an phường Quảng An (quận Tây Hồ) cho biết, trước Tết các lực lượng cảnh sát của phường, quận và thành phố đã bàn phương án đảm bảo an ninh trật tự tại Phủ, cử lực lượng ứng trực 24/24h.

Theo VnExpress

Viết bình luận: Đi lễ cầu may và 1001 chiêu trò móc túi dịp Tết

  •  
Khoá học lớp 1-12 - Tuyensinh247