30/10/2012 22:58 pm
Không biết kêu ai Thực tế là khi có trục trặc với các công ty tư vấn du học, nhiều người không biết tìm đến cơ quan chức năng nào để phản ánh và đòi quyền lợi.
Ngày 29.10, nhiều phụ huynh đã đến văn phòng Công ty cổ phần giáo dục và đào tạo quốc tế Đại Tây Dương (Atlantic) tại TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) để đòi lại phí đã đóng. Các phụ huynh đã đóng cho công ty từ 4.000 đến hơn 10.000 USD phí tư vấn, làm thủ tục du học. Mặc dù đã đóng tiền hơn một năm nhưng con em họ vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin nào về việc du học. Công ty này còn yêu cầu phụ huynh đóng học phí trước khi có thư mời nhập học, trái với quy định thông thường. Trên mạng VietAbroader.org - diễn đàn của các sinh viên du học tại Mỹ, một thành viên cho biết đã đăng ký làm hồ sơ du học với công ty V. trên đường Lê Văn Sĩ (Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Trong giấy báo giá của công ty, thành viên này chỉ phải đóng 300 USD làm hồ sơ, dịch thuật và sẽ hoàn tất hồ sơ trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên, khi ký hợp đồng với công ty thì phải đóng một loạt lệ phí khác: 250 USD phí dịch thuật và liên lạc với trường, khoảng 700 USD để chuyển tiền qua trường bên Mỹ, hơn 400 USD phí khác và đóng tiếp 1.000 USD cho công ty nếu như người học có thị thực. Tuy nhiên, thành viên này không xin được thị thực. Công ty đề nghị thu thêm 6.000 USD và bảo đảm chắc chắn 100% thành công nhưng rồi lại tiếp tục… rớt. Người này phản ứng dữ dội và đòi lại được 7.000 USD. Những phí khác khó đòi lại được vì chỉ có giấy viết tay của nhân viên công ty đến tận nhà thu tiền. Thành viên này nói rằng mình không biết tìm đến đâu để đòi hỏi quyền lợi. Công an cũng bối rối Năm 2010, Báo Thanh Niên từng đề cập vụ việc hàng loạt người bị Công ty du học Thái (Q.10, TP.HCM) lừa đảo du học. Theo trình bày của các nạn nhân, sau khi nộp đủ các loại phí (khoảng 2.700 - 4.000 USD) với lời hứa sẽ xin thị thực đi du học, lãnh đạo công ty đã ôm tiền “cao chạy xa bay”. Sở Kế hoạch -Đầu tư TP.HCM cho biết công ty này đã làm thủ tục xin giải thể. Có khoảng 20 người bị lừa đã gửi đơn đến Công an Q.10 đề nghị được giải quyết quyền lợi. Tháng 2.1011, Công an Q.3 phải gửi công văn đến Sở GD-ĐT TP.HCM để xác minh và đề nghị cung cấp tài liệu cho quá trình giải quyết khiếu nại Công ty tư vấn du học Đông Dương. Theo tiến trình vụ việc, bà D. - đại diện công ty - có ký hợp đồng thỏa thuận cung cấp dịch vụ du học với bà M. để tư vấn và hướng dẫn du học Mỹ cho người nhà bà M. Do thân nhân không đi du học được nên bà M. gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an cho rằng công ty này không có chức năng tư vấn và hướng dẫn du học nhưng vẫn ký kết hợp đồng. Theo xác minh của công an tại Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM, Công ty Đông Dương đăng ký ngành nghề kinh doanh lĩnh vực tư vấn du học. Tuy nhiên, công ty này có được phép tư vấn và hướng dẫn du học nước ngoài hay không; có cần thực hiện thêm những yêu cầu nào khác theo quy định của pháp luật thì phải hỏi thêm Sở GD-ĐT. Chưa có quy định quản lý Hiện Sở Kế hoạch - Đầu tư có chức năng cấp phép hoạt động cho các công ty tư vấn du học kèm theo quy định phải chịu sự quản lý của Sở GD-ĐT. Tuy nhiên, đến nay chưa có một quy định cụ thể nào khẳng định vai trò, quyền hạn của Sở này đối với các công ty tư vấn du học. Vì vậy, một lãnh đạo của Phòng Giáo dục chuyên nghiệp thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết hiện rất khó khăn trong vấn đề quản lý lĩnh vực du học. Nghị định 115/2010/NĐ-CP quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục cũng chỉ có điều khoản rất chung chung về trách nhiệm của Sở GD-ĐT là “giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước đối với các tổ chức dịch vụ đưa người đi du học tự túc ở ngoài nước theo quy định của pháp luật”. Vì vậy, từ trước đến nay các công ty tư vấn du học không hề có báo cáo hoạt động với Sở, ngược lại, Sở cũng không có thông tin gì về các công ty này. Do đó trong thời gian vừa qua, hầu như các tỉnh chưa thể thành lập bất kỳ đoàn thanh tra, kiểm tra nào đối với các công ty tư vấn du học. Trước thực tế này, ngay từ năm 2010, Sở GD-ĐT TP.HCM có công văn xin ý kiến cho dự thảo “Quy định về quản lý du học tự túc trên địa bàn TP.HCM”. Trong văn bản trả lời, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết đang khẩn trương xây dựng văn bản quy định về quản lý dịch vụ du học tự túc nên đề nghị phải chờ. Hiện tại Bộ chỉ mới có dự thảo lần 2 về Thông tư “Quy định về hoạt động dịch vụ du học” ký ngày 12.1.2012. Thông tư này quy định rõ những điều kiện, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận hoạt động cho người Việt Nam đi học tại nước ngoài (dịch vụ du học); đình chỉ hoạt động dịch vụ du học, thu hồi giấy chứng nhận hoạt động. Thông tư cũng quy định cụ thể quyền hạn của Sở GD-ĐT, như có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra phát hiện dấu hiệu vi phạm, lập biên bản và làm các thủ tục đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận hoạt động dịch vụ du học… Thông tư này chưa được ban hành chính thức nên các sở GD-ĐT cũng chưa có pháp lý để quản lý lĩnh vực tư vấn du học. Trong khi đó, hàng triệu du học sinh đã sang nước ngoài học, hàng ngàn công ty du học được thành lập từ nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có cơ chế quản lý. Điều vô lý này không biết bao giờ mới chấm dứt.
Theo thethaohangngay NẮM CHẮC KIẾN THỨC, BỨT PHÁ ĐIỂM 9,10 LỚP 1 - LỚP 12 CÙNG TUYENSINH247! Nếu em đang:
Tuyensinh247 giúp em:
Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY |
|||