Điểm chuẩn ĐGNL 2023 ngành cao nhất dự kiến trên 1001 điểm

Năm ngoái, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM có ngành khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) lấy điểm chuẩn cao kỷ lục mức 1.001 điểm. Thạc sĩ Trần Vũ, Trưởng phòng Thông tin - truyền thông trường này, cho biết so sánh phổ điểm với năm 2022, có thể thấy điểm chuẩn ngành này vẫn có thể sẽ tăng nhẹ vài điểm so với năm ngoái.

Vì sao điểm thi có xu hướng giảm qua các năm?

Hôm qua 4/4, ĐH Quốc gia TP.HCM công bố kết quả kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1. Kết quả phân tích 88.052 bài thi cho thấy điểm trung bình của TS năm nay là 639,2 điểm. Đáng chú ý, đợt thi này có tới 152 TS đạt điểm hơn 1.000 và bài thi có điểm cao nhất lên tới 1.091/1.200 điểm.

Đánh giá về phổ điểm của đợt 1, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhận định: "Phổ điểm thi đợt 1 năm 2023 có dạng phân bố chuẩn và trải rộng, thể hiện khả năng phân loại TS cao, thuận lợi cho công tác xét tuyển".

Tuy nhiên, so sánh kỳ thi này trong 3 năm liên tục, có thể thấy điểm thi năm sau có xu hướng giảm so với những năm trước đó. Điều này trước hết thể hiện ở mức điểm trung bình của tất cả TS dự thi từng năm. Ở đợt 1 năm nay mức điểm này là 639,2 trong khi năm ngoái ở mức 646,1. Năm 2021, điểm trung bình của 68.400 bài thi đợt 1 lên tới 688.

Dù tổng số TS dự thi đợt 1 năm nay cao hơn đợt 1 năm ngoái gần 10.000 người, nhưng tỷ lệ bài thi đạt mức điểm từ trung bình trở lên năm nay giảm nhiều so với các năm trước. Cụ thể, số TS đạt từ 601 điểm trở lên năm nay là trên 52.500 người (chiếm 59,6%), trong khi năm ngoái có 49.800 bài đạt mức điểm này (chiếm 62,7%) và năm trước nữa tỷ lệ này ở mức 75,4%.

Ở nhóm TS đạt điểm cao cũng có xu hướng tương tự. Dù đợt 1 năm nay có tới 1.852 TS đạt từ 901 điểm trở lên nhưng chỉ chiếm 2,1% tổng số TS dự thi (năm 2021 là 3,9%).

Lý giải nguyên nhân này, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính cho biết Hội đồng kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM đã có họp và phân tích chi tiết các câu hỏi trong đề thi và kết quả trước khi công bố. Theo đó, phổ điểm thi năm nay gần như tương đương các năm trước đó, điều này thể hiện sự ổn định của đề thi. Tuy nhiên, Hội đồng nhận thấy số lượng câu hỏi có độ phân biệt cao của đề thi năm nay nhiều hơn các năm trước đó. Cụ thể, số lượng câu hỏi có độ phân biệt rất tốt lên tới 74 câu (trong khi năm 2022 chỉ có 59 câu). Ngược lại, số lượng câu hỏi có độ phân biệt tốt của năm nay chỉ 39 câu (năm ngoái là 47 câu).

"Điều này cho thấy đề thi năm nay có độ phân hóa cao hơn các năm, ảnh hưởng đến xu hướng điểm của toàn đợt thi này", tiến sĩ Chính nhìn nhận.

Điểm chuẩn cạnh tranh ở những ngành "hot"

Nhận định về tình hình xét tuyển bằng điểm kỳ thi này, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính cho rằng năm nay số lượng TS dự thi tăng nên nguồn tuyển của các trường cũng tăng. Dù tỷ lệ TS đạt điểm cao có xu hướng giảm so với các năm trước nhưng tổng số bài thi đạt điểm cao vẫn tăng. Cụ thể, số TS đạt điểm trên 1.000 tăng thêm 35 bài, số bài thi trên 900 điểm cũng tăng hơn 200 bài, số bài thi đạt mức trung bình trở lên cũng tăng thêm 2.700 bài…

Do đó, tiến sĩ Chính đưa ra dự báo: "Điểm chuẩn phụ thuộc vào chỉ tiêu, số TS đăng ký từng ngành cụ thể và chất lượng điểm thi của TS. Số lượng TS tăng, tổng số TS đạt điểm cao cũng tăng trong khi chỉ tiêu xét tuyển của các trường tương đối ổn định, thì mức độ cạnh tranh và điểm chuẩn cũng sẽ tăng theo. Tuy nhiên, thực tế xét tuyển qua các năm cho thấy mức độ cạnh tranh gay gắt giữa các TS xét điểm bài thi này tập trung vào những ngành "hot"".

Thạc sĩ Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế - luật, cũng nhận thấy số lượng TS thuộc phân khúc điểm trên 900 năm nay nhiều hơn năm trước nhưng ít hơn năm 2021. Điều này sẽ tác động đến điểm chuẩn các ngành "hot", nếu các trường không tăng chỉ tiêu xét phương thức của các ngành này thì điểm chuẩn sẽ vẫn tiếp tục tăng nhẹ. Không chỉ phân khúc trên, với số lượng TS đạt điểm trung bình tăng lên, điểm chuẩn các ngành trên mức 600 của năm trước cũng có xu hướng tăng theo.

"Điểm chuẩn năm nay dự báo sẽ không thay đổi nhiều, TS đạt mức điểm chuẩn năm ngoái có thể tự tin nộp hồ sơ vào trường", thạc sĩ Tiến khuyên.

Năm 2022, lần đầu tiên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM có ngành khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) lấy điểm chuẩn cao kỷ lục với mức 1.001 điểm. Thạc sĩ Trần Vũ, Trưởng phòng Thông tin - truyền thông trường này, cho biết so sánh phổ điểm với năm 2022, có thể thấy điểm chuẩn ngành này vẫn có thể sẽ tăng nhẹ vài điểm so với năm ngoái.

Cũng theo ông Vũ, năm 2022 so với năm trước đó, trường ĐH này có 14 ngành tăng điểm chuẩn. Điểm tăng cao nhất thuộc về nhóm ngành toán học, toán ứng dụng, toán tin, tăng 80 điểm, còn lại tăng nhẹ từ 10-30 điểm. Năm nay, chỉ tiêu xét điểm kỳ thi này không thay đổi trong khi phổ điểm thi tăng, số lượng TS dự thi cũng tăng khiến điểm chuẩn các ngành cũng có thể sẽ tăng nhẹ 10-30 điểm.

Hôm nay thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển

Theo thông tin mới nhất, số lượng cơ sở giáo dục sử dụng điểm kỳ thi này để xét tuyển năm nay lên tới 91, tăng hơn 10 đơn vị so với năm ngoái.

Từ hôm nay (5.4), ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ mở cổng đăng ký xét tuyển bằng điểm kỳ thi đánh giá năng lực vào các trường có sử dụng chung hệ thống xét tuyển này. TS thực hiện đăng ký xét tuyển trực tuyến không giới hạn số lượng nguyện vọng nhưng chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất theo thứ tự ưu tiên. Ngoài ra, TS cũng đăng ký xét tuyển vào các trường khác theo quy định riêng.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính lưu ý: "Dù vậy, đến khi TS được thông báo đủ điều kiện trúng tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực vào các trường theo phương thức sớm, TS vẫn chưa thực sự trúng tuyển. Sau đó, các em cần tiếp tục thực hiện các bước theo quy trình đăng ký xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT".

Theo kế hoạch của ĐH Quốc gia TP.HCM, dự kiến từ ngày 14.4 giấy chứng nhận kết quả thi đánh giá năng lực sẽ được gửi đến TS qua đường bưu điện. TS chỉ sử dụng giấy chứng nhận này để xác nhận nhập học vào trường mong muốn sau khi có kết quả trúng tuyển chính thức.

Nhiều ngành điểm chuẩn sẽ rất cao

Phân tích chung, thạc sĩ Phùng Quán, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, nêu năm 2023 số TS có điểm thi đánh giá năng lực đạt từ 650 điểm trở lên là 38.046 (năm 2021 là 32.469; năm 2022 là 37.098). Số lượng TS đạt từ 801-1.200 điểm mặc dù giảm nhiều so với năm 2021 nhưng xấp xỉ so với năm 2022.

Từ đó, ông Quán dự báo điểm chuẩn các trường ĐH xét điểm kỳ thi này sẽ tương tự năm ngoái nếu không tăng đột biến số TS đợt 2. Trong đó, TS có xu hướng tập trung vào các ngành "hot" như: công nghệ thông tin, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kinh tế quốc tế, kinh doanh quốc tế, quản trị kinh doanh, báo chí, truyền thông, tâm lý học, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Hàn Quốc… Khả năng các ngành này sẽ tiếp tục giữ vững ngôi đầu. Đặc biệt những ngành như khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu điểm sẽ rất cao so với các ngành khác. Nhiều ngành khác điểm chuẩn sẽ từ 680 - 800 điểm.

Theo Báo Thanh niên

DÀNH CHO 2K7 – LỘ TRÌNH ÔN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC 2025!

Bạn đang không biết bài thi ĐGNL theo chương trình GDPT mới sẽ như thế nào?

Bạn cần lộ trình ôn thi bài bản từ những người am hiểu về kì thi và đề thi?

Bạn cần thầy cô đồng hành suốt quá trình ôn luyện?

Vậy thì hãy xem ngay lộ trình ôn thi bài bản tại ON.TUYENSINH247.COM:

  • Học live, luyện đề cùng giáo viên và Thủ khoa ĐGNL
  • Tổng ôn toàn diện, trang bị phương pháp làm bài hiệu quả
  • Bộ 20+ đề thi thử chuẩn cấu trúc theo chương trình GDPT mới

Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

>> Lộ Trình Sun 2025 - 3IN1 - 1 lộ trình ôn 3 kì thi (Luyện thi TN THPT & ĐGNL; ĐGTD) tại Tuyensinh247.com. Đầy đủ theo 3 đầu sách, Thầy Cô giáo giỏi, 3 bước chi tiết: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng đáp ứng mọi kì thi.

Viết bình luận: Điểm chuẩn ĐGNL 2023 ngành cao nhất dự kiến trên 1001 điểm

  •  
Đăng ký tư vấn khóa ĐGNL!