Giáo dục chuyên nghiệp: Làm sao để sống sót?

Mùa tuyển sinh 2013 không chỉ các trường ngoài công lập hay cao đẳng mới gặp khó khăn, những trường trung cấp chuyên nghiệp cũng đang đứng trên "bờ vực".

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, mùa tuyển sinh năm 2012 trên cả nước có tới 33 trường TCCN không tuyển được học sinh, nhiều trường chỉ tuyển được khoảng 20-30%, tổng số học sinh vào học hệ TCCN của cả nước chỉ đạt được 60%, trong đó số học sinh nhập học tại các trường TCCN chỉ đạt 44,9%. Hiện tượng học sinh đã nhập học, rồi lại bỏ học gây ảnh hưởng đến công tác đào tạo của nhà trường. Vậy giải pháp nào để những lo lắng trên không lặp lại ở mùa tuyển sinh năm 2013 này?

TS Hoàng Ngọc Trí – Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường CĐ, TC kinh tế kỹ thuật: Tuyển sinh là một thỏa thuận dịch vụ, đây là thỏa thuận giữa một cá nhân với nhà trường cung cấp dịch vụ đào tạo. Cơ sở đào tạo công lập muốn thành công thì cần phải có phương pháp thống nhất và chủ động để thực hiện các dịch vụ khách hàng, phương pháp này phải đảm bảo rằng người học đăng ký tuyển sinh sẽ được đáp ứng khóa học mà họ muốn, họ cần và họ có thể hoàn thành.

Trước khi tuyển sinh, cần tư vấn cho người học cả các kết quả của khóa học, các yêu cầu về học tập, đánh giá và các quá trình tiến hành khóa học. Cần trao đổi kỹ với người học về các mong muốn và yêu cầu của khóa học để người học lựa chọn khóa học cho phù hợp, điều này sẽ mang lại khả năng thành công cho cơ sở đào tạo.

Giao duc chuyen nghiep: Lam sao de song sot?
Giáo dục chuyên nghiệp đối mặt với nhiều thách thức. AMH

 

Ông Nguyễn Trung Hiếu - Hiệu trưởng Trường Trung cấp KT – KT Hà Giang:  Việc tuyên truyền quảng bá tuyển sinh của các trường phải được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng và thường xuyên. Bằng việc tuyên truyền trên các kênh phát thanh, truyền hình; bằng các pa-nô, áp-phích và đặc biệt là đưa các thông tin trực tiếp đến các đối tượng do cán bộ tuyển sinh thực hiện. Xây dựng hệ thống cộng tác viên tuyển sinh là cán bộ đang công tác tại các xã, huyện. Huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể trong trường.

Đồng thời, cần tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, trường học trong và ngoài tỉnh. Tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo về tuyển sinh trong nhà trường và xã hội. Ngoài ra cũng cần đa dạng hóa các kênh, các hình thức quảng bá rộng rãi về các hoạt động đào tạo, ưu tiên những nghề mà thị trường lao động đang cần.

Đặc biệt coi trọng công tác tuyển sinh tại các trường phổ thông, các khu công nghiệp và từ chính đối tượng học sinh của trường; Tích cực phát triển và mở rộng các quan hệ đặc biệt là quan hệ phối hợp đào tạo với doanh nghiệp nhằm giải quyết đầu ra cho học sinh hệ TCCN; Ký kết các hợp đồng đào tạo theo địa chỉ theo nhu cầu của doanh nghiệp, bám sát và đáp ứng nhanh chóng, có hiệu qua nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của ngành và các chương trình của tỉnh và khu vực.

 Ông Hà Lê Bình – Hiệu trưởng Trường Trung cấp KTKT Tuyên Quang: Để khắc phục những khó khăn khách quan trong tuyển sinh, các nhà trường cần chủ động tuyên truyền mạnh mẽ, thực hiện công tác tuyển sinh với đối tượng tốt nghiệp THCS; đặc biệt là các trường vùng sâu, vùng xa, miền núi; các trường THCS năm học trước còn có học sinh không tốt nghiệp hoặc tỉ lệ trúng tuyển lớp 10 THPT ở thứ hạng thấp trong từng địa phương.

Đồng thời có những hình thức phát thưởng, trao học bổng thông qua Quỹ thi đua khen thưởng và Quỹ khuyến học tới các trường THCS. Thông qua các hoạt động này định hướng - tư vấn hướng nghiệp cho học sinh - lượng sức học bản thân, lựa chọn con đường đăng kí dự tuyển vào TCCN ngay từ khi đang học lớp 9. Tôi cũng đề xuất với Bộ GD&ĐT: Điều chỉnh quy định về đào tạo liên thông, nếu có thể giảm thời gian ràng buộc học sinh tốt nghiệp TCCN sau 36 tháng mới được dự thi liên thông.

Và các UBND tỉnh, các ban ngành liên quan tiếp tục có sự ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường trong việc hoàn thiện, xây dựng mới, trang bị cơ sở vật chất phục vụ đào tạo. Sở GD&ĐT tiếp tục thực hiện chương trình tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS và THPT với những giải pháp, chỉ tiêu cụ thể cho từng trường THPT, từng trường THCS (thông qua Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố)..

Nguyễn Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật công nghệ GTVT: Thực tế cho thấy nhu cầu lao động có tay nghề ở các doanh nghiệp hiện nay rất lớn, vì thế cơ hội có việc làm cho học sinh TCCN là không ít. Tuy nhiên, muốn thu hút người học, các trường TCCN cần phải phối hợp với các doanh nghiệp để đổi mới chương trình đào tạo, để nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo theo nhu cầu xã hội, có như vậy học sinh sau khi tốt nghiệp từ trường TCCN mới có việc làm.

Hạn chế việc thành lập quá nhiều trường ĐH, CĐ, TCCN, trung cấp nghề… có ngành nghề đào tạo trùng lắp trên cùng một địa bàn. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, nên quy hoạch lại ngành nghề đào tạo, tăng cường công tác tuyên truyền để người học và gia đình hiểu đầy đủ về bậc học này. Có như vậy mới làm thay đổi được nhận thức trong xã hội và người học về việc chọn học các trường TCCN theo năng lực học tập của các nhân thay vì phải gắng sức theo học ĐH, CĐ.

Đồng thời, các trường TCCN cần quan tâm đến chất lượng công tác giáo dục hướng nghiệp và đặc biệt phải phối hợp với doanh nghiệp trên địa bàn để đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp.

Theo thethaohangngay

Viết bình luận: Giáo dục chuyên nghiệp: Làm sao để sống sót?

  •  
Khoá học lớp 1-12 - Tuyensinh247