25/10/2012 13:36 pm
Ngày hội "đổ kiện" Đối với những cô nàng nghiện mua sắm thì sẽ có ít nhất trong sổ tay vài địa chỉ đổ hàng "kiện", kèm "thời gian biểu". Lịch "đổ kiện" thường là cố định một ngày trong tuần và khi đã "đổ" thì chuyện bạn "bơi" trong hơn 2.000 loại đồ để chọn ra những món yêu thích của mình là chuyện bình thường. Ở TP.HCM, những địa chỉ quen thuộc để săn hàng "kiện" là khu chợ đồ cũ Hoàng Hoa Thám (Q. Tân Bình), chợ Bà Chiểu (Q. Bình Thạnh), chợ Bàn Cờ (Q. 3), chợ Tân Định (Q. 1), chợ Nguyễn Văn Chiêu (Q. Gò Vấp)... Đến những nơi này, bạn cũng sẽ thấy nhiều kiện hàng được buộc chặt, chỉ chờ cắt dây, chất chồng lên nhau. Bác Hoàng, chủ một gian hàng ở chợ Hoàng Hoa Thám, cho biết: "Ban đầu, "kiện" chỉ bán sỉ cho các shop đồ "si" lẻ. Một "kiện" có khoảng 700 món bên trong. Sau khi lọc ra, còn đồ thừa lại các chủ mới đổ đống bán giá 5.000 - 10.000 đồng/cái. Sau này, khách đến đông nên người bán quyết định đổ luôn một lượt 2 - 3 "kiện" cho khách lựa". Đi mua hàng "kiện" thì giá cả và chất lượng được chia làm nhiều cấp bậc: Hàng "nước 1", hàng "nước 2"... "Nước" ở đây chính là số lần lựa qua của khách. Nếu là dân chuyên kinh doanh đồ "si" thì sẽ canh ngày vừa đổ "kiện" để gom hàng và đi vòng lại lần cuối vào ngày xả hàng "nước" cuối. Nếu may mắn, các bạn trẻ vẫn mua được đồ đẹp sót lại với giá rẻ bèo chỉ 2.000 - 3.000 đồng/món. Tham gia một ngày "đổ kiện", bạn sẽ bị choáng ngợp trước độ đông đúc, dày đặc của rừng các cô gái trẻ đến đây. Các cô nàng trang bị khẩu trang, tay liên tục đào bới, kéo đồ từ dưới đáy sàn. Các chủ cửa hàng phát cho các nàng khách một cái sọt đựng đồ cỡ to và biết chắc, khi đi ra thì chắc chắn sọt nào cũng đầy ắp. Minh Hằng (trường ĐH Sài Gòn), chia sẻ: "Săn đồ "kiện" kiểu này rất vui, nhiều người còn trang bị bao đựng giày mang theo vì sợ mất. Đôi khi, hì hục lựa, thành ra người nắm tay áo người nắm thân áo, tranh cãi ầm ĩ. Lợi thế của việc mua đồ "kiện" chính là số lượng càng nhiều giá càng rẻ nên tốt nhất, bạn nên đi nhóm đông người". Có nơi để giá cố định 10.000 đồng/áo thun, 15.000 đồng/áo sơmi, 20.000 đồng/váy đầm. Nhưng có nhiều nơi niêm giá theo chất lượng mới, cũ... dao động từ 30.000 - 70.000 đồng/món. Điểm hay là tuy giá rẻ nhưng lại mua được nhiều món "độc", còn mới nguyên với "tag" giá (tem giá) hẳn hoi, chưa kể hàng hiệu từ trung bình như Zara, Mango đến cao cấp như Buberry nhiều vô số. Nhiều hội bạn trẻ kéo đến đây nhưng ngại chen lấn, đã hùn tiền mua hẳn một "kiện" về chia nhau. Giá của "kiện" 100 kg khoảng 700 món đủ loại, có giá tầm 7 triệu đồng. Nếu mua "kiện" cao cấp hơn, chỉ toàn váy, áo thì giá lên đến 11 triệu đồng. Dù cực công bơi trong núi đồ đồ sộ nhưng ngày khui "kiện" trở thành một ngày hội shopping đúng nghĩa của các cô gái. Họ sẽ không bao giờ vắng mặt do cảm giác được lựa thỏa thích, không cần lo về số tiền phải trả. Từ chợ đến cửa hàng "vintage" hạng sang Cách đây vài năm, tâm lý bạn trẻ thường không chuộng đồ "si", do cho rằng, đó là đồ cũ, đã qua sử dụng. Thế nhưng xu hướng thời trang cổ điển hiện nay lại khiến loại hàng này trở nên có giá. Nhiều cửa hàng đóng mác "2end", "used", "vintage"... được mở cửa với giá vừa rẻ, vừa sẵn đồ "chất" và đặc biệt là không bao giờ tìm được cái thứ hai giống nhau. Đồ "kiện" bán lại rất lời và nhiều người còn biến nó thành đồ hạng sang bằng cách phối đồ hợp mắt. Giá của một món bán lại nâng lên tầm 120.000 -180.000 đồng, cao gấp 5 - 10 lần giá gốc, khi người buôn hàng lấy vào. Nhiều shop chịu bỏ vốn mua luôn cả kiện từ chợ, hoặc lấy trực tiếp từ Nhật, Campuchia, Hàn Quốc... theo đường hải quan về, rồi tổ chức khui "kiện" hằng ngày, hằng tuần, y như một phiên chợ. Điểm cộng là khách được lựa đồ trong một không gian sạch sẽ hơn, có máy lạnh đàng hoàng, ít bị mất cắp. Thanh Thanh, chủ tiệm Vintage Store cho biết: "Trung bình, một tuần shop mình khui hai "kiện" và sẽ thông báo với khách qua Facebook trước tầm 2 - 3 ngày. Hàng được ưa chuộng nhất là áo khoác len, áo kiểu hay đầm. Khui đầu tuần và đến cuối tuần là hết veo". Thường những món tồn đọng lại được các chủ cửa hàng xả bán với giá 5.000 đồng, thậm chí, mở ngày hội "Sale off 1.000 đồng" như cửa hàng Con Quạ Đen. Bên cạnh quần áo, nhiều cửa hàng còn khác ở chợ chỗ: Chủ hàng lấy "kiện" giày, "kiện" nón hay túi xách về bán kèm. Tất cả đều là đồ cũ, được lọc cẩn thận, bán với giá ngang ngửa đồ mới. Một số cửa hàng còn nhận bỏ sỉ "kiện" cho ai muốn mở tiệm. "Khi mua "kiện", bạn có thể an tâm do đồ được đóng tại nước ngoài, buộc bằng máy cực chặt, phải cắt dây cả buổi mới xong. Nếu chủ shop gian lận, khui ra trước để trộn đồ thì mình sẽ biết ngay", Tâm An (trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TP.HCM), một "tín đồ" chuyên mua sỉ kiện chia sẻ. Luật mua "kiện" là bạn sẽ không được khui đồ ra xem trước. Nếu nhầm "kiện gãy" thì chủ "kiện" cũng chỉ bù 50% cho bạn. Vì vậy, nhiều người chấp nhận lấy "kiện" đồ Nhật, Hàn giá có đắt hơn các loại từ nước khác nhưng bù lại, có chất lượng ổn hơn. Nóng hổi kinh doanh Kinh doanh hàng "kiện" đang là cơn sốt đối với những bạn trẻ thích kinh doanh nhưng có ít vốn. Nhưng mua "kiện" ở nơi không đảm bảo bạn có thể bị lừa bởi luật không khui hàng trước. Mạnh Hùng (trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM) kết hợp với nhóm bạn lấy một "kiện" từ shop online về, do thấy giá rẻ (chỉ 4 triệu đồng) nhưng khi bung hàng mới phát hiện toàn đồ rách, không thể sử dụng. Kinh doanh đồ "kiện", ngoài quảng cáo rầm rộ ngày khui hàng, xếp lịch giảm giá từ từ cho hợp lý thì vấn đề quản lý đồ, đề phòng mất cắp dường như không thể thực hiện được, khi bạn phải đổ đống đồ khắp nhà cho khách lựa. Với đồ "kiện", trường hợp bị bẩn, nhiều vết ố hay các loại vải có cái gần mục thì chủ shop cũng phải cẩn trọng, lựa lại trước khi bung lên bán. Ngày khui "kiện" dường trở thành một nét mua sắm của giới trẻ và không thể thiếu trong các dịp Garage sale, Flea market... Những dịp như thế, luôn có một góc đông nghẹt, vốn dành riêng để bán hàng "kiện Mỹ Linh- Trúc Linh (SVVN) NẮM CHẮC KIẾN THỨC, BỨT PHÁ ĐIỂM 9,10 LỚP 1 - LỚP 12 CÙNG TUYENSINH247! Nếu em đang:
Tuyensinh247 giúp em:
Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY |