Giọng hát việt nhí: Thiếu đất để thể hiện sự hồn nhiên đúng lứa tuổi

Được kì vọng chẳng kém gì giọng hát viêt 2013, Giọng hát việt nhí năm nay có khá nhiều tài năng thực sự nổi bật nhưng cách chọn bài quá già dặn không phù hợp với lứa tuổi của các em.

Lan toả từ sức nóng của chương trình The Voice đã làm cho phiên bản The Voice "nhí" (The Voice Kids 2013) được kỳ vọng không kém, thậm chí là nổi trội hơn. Sau khi theo dõi đêm thi đầu tiên, ngoài việc "đã tai, đã mắt" công chúng đều có chung cảm giác giật mình bởi sự già dặn, từng trải và có phần "gắng gượng" khi đa phần các thí sinh đều lựa chọn những ca khúc không phù hợp với lứa tuổi. Điều đó khiến nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng chúng ta đang còn lỗ hổng trầm trọng mảng ca khúc thiếu nhi, dẫn đến các em thiếu đất để thể hiện sự hồn nhiên và tài năng một cách thoải mái?

Giong hat viet nhi: Thieu dat de the hien su hon nhien dung lua tuoi

Việc lựa chọn ca khúc được đánh giá là thiếu sự hồn nhiên và phù hợp với lứa tuổi

Khi thiếu nhi... hát nhạc Trịnh

Dù mới lên sóng tập đầu tiên nhưng The Voice Kids đã thu hút sự quan tâm từ công chúng, nhất là những khán giả hay gia đình có con nhỏ. Vì đây là lần đầu tiên, một chương trình âm nhạc dành cho trẻ em được tổ chức chuyên nghiệp, thành phần ban giám khảo quy tụ những cái tên "hot" như: Nhạc sĩ Thanh Bùi; ca sĩ Hiền Thục và cặp đôi Hồ Hoài Anh- Lưu Hương Giang. Hơn nữa, dù là một cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc nhí nhưng ban tổ chức đã khéo léo kết hợp giữa phần thi tài năng và yếu tố giải trí. So với cuộc thi "Đồ-rê-mí" đậm chất trẻ con thì The Voice Kids được đánh giá cao hơn nhiều, cả ở dàn thí sinh lẫn fomat chương trình. Cùng chung một ê-kip nhà sản xuất, The Voice nhí như một "phiên bản tí hon" của "người anh" The Voice, nên ban tổ chức hi vọng The Voice Kids sẽ "song kiếm hợp bích" cùng The Voice 2013 làm mưa, làm gió trong làng showbiz Việt năm nay.

Vòng "Giấu mặt" của The Voice Kids đã thực sự gây ấn tượng ngay đêm thi đầu tiên khi đồng loạt xuất hiện những gương mặt thí sinh tiềm năng. Dù tuổi nhỏ nhưng các em đã khoe được giọng hát đầy xúc cảm cùng độ tự tin bản lĩnh sân khấu, đặc biệt là vẻ già dặn trong giọng hát lẫn cách xử lý bài thi. Mười hai thí sinh đều lựa chọn các ca khúc tiếng Anh hoặc các nhạc phẩm thiên về "hàn lâm" để thể hiện. Khán giả tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của một ca khúc nào về thiếu nhi hay dành cho thiếu nhi dù tiêu chí đặt ra từ ban đầu của ban tổ chức là: "Thể hiện sự trong sáng và vô tư, hồn nhiên, giúp các em toả sáng nhưng vẫn giữ lại những nét đáng yêu, đúng lứa tuổi của mình".

Chính sự lựa chọn bài có phần quá sức và quá tuổi nên đã xuất hiện những "hạt sạn" trong giọng hát của các em. Trong số các thí sinh hát tiếng Việt, có Vũ Song Vũ- thí sinh quen mặt ở cuộc thi Vietnam's Got Talent lựa chọn ca khúc "Biển nhớ" của Trịnh Công Sơn. Đây là một ca khúc khó với cả những người trưởng thành, những giọng ca gạo cội chứ đừng nói đến một thí sinh 14 tuổi như Vũ. Yêu cầu để  truyền tải tốt cả chiều rộng, lấn chiều sâu trong "Biển nhớ" đã vượt quá khả năng của Song Vũ khiến em bị nhận xét là hát sai lời.

Đối với một thí sinh nhí thì lỗi nhỏ này có thể bỏ qua vì sự non nớt trong giọng ca và kinh nghiệm ca hát nhưng công chúng thầm tiếc, nếu Vũ Song Vũ có cách lựa chọn bài hát thông minh và phù hợp thì phần thi của em sẽ xuất sắc hơn nhiều. Còn Nguyễn Lê Nguyên lại lựa chọn ca khúc "hit" của Siu Black "Và, ta đã thấy mặt trời" để xuất hiện trong đêm mở màn. Giọng hát cao vút, chắc khoẻ của thí sinh nhí này khiến cả khán phòng "nổi da gà", nếu như chỉ nghe qua người ta cứ ngỡ rằng đây là giọng hát của một người trưởng thành, từng trải bởi độ thâm trầm, sâu sắc hiếm có.

Còn Đỗ Trí Dũng lại quyết định chọn "Rock con diều" (nhạc sĩ Võ Thiện Thanh) từng được ca sĩ Phương Thanh thể hiện rất thành công. Được đánh giá là giọng hát tốt, có nội lực và được tất cả huấn luyện viên bấm nút chọn nhưng sự thể hiện vẫn bị đánh giá là không phù hợp vì có phần quá sức với cậu bé 9 tuổi như Dũng. Giọng ca 12 tuổi đến từ thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Cao Khánh là trường hợp mắc lỗi tiếp theo trong việc chọn bài hát. Sự gượng gạo trong cách xử lý đã khiến cho bài hát "Bà tôi" thiếu sự nhẹ nhàng, uyển chuyển cần thiết. Khán giả tin chắc, cậu bé này sẽ tiến xa hơn ở các vòng thi tiếp theo nhưng khi nghe Cao Khánh hát, cảm xúc đọng lại nơi người nghe là rất nhiều cung bậc khác nhau, trong đó buồn vui lẫn lộn.

Được đánh giá cao và chuyên nghiệp trong ca hát nhưng cách chọn bài hát của những cô bé, cậu bé còn măng sữa này vẫn khiến một bộ phận công chúng khó tính ngao ngán. Khán giả đang tự hỏi, liệu đây có phải là cuộc thi dành cho các em thiếu nhi hay không khi mà các ưu tiên đều không dành cho những ca khúc phù hợp lứa tuổi hay quá khan hiếm các bài hát thiếu nhi để các em lựa chọn?

Giong hat viet nhi: Thieu dat de the hien su hon nhien dung lua tuoi

Nhạc sĩ Phạm Tuyên: "Lỗi thuộc về người lớn".

Không có ca khúc cho trẻ em, lỗi thuộc về... người lớn

Chia sẻ vấn đề này với PV, nhạc sĩ Phạm Tuyên- người cả đời dành tình yêu cho các em nhỏ, là tác giả của rất nhiều ca khúc thiếu nhi nổi tiếng tỏ ra khá trầm ngâm. "Âm nhạc là một yếu tố quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm hồn và phát triển nhân cách con người, đặc biệt là các em nhỏ. Trẻ em ngày nay được ăn sung mặc sướng, có cơ hội tốt hơn rất nhiều nhưng các em lại thiếu những ca khúc viết riêng cho lứa tuổi của mình. Nên sự thiếu thốn này sẽ dẫn đến những lỗ hổng và lệch chuẩn về văn hoá âm nhạc của cả một thế hệ. Bài hát thiếu nhi mới đang khủng hoảng trầm trọng nhưng chính sự tán thưởng của người lớn đã vô tình khiến các em lầm tưởng về tài năng, dẫn đến những lệch lạc trong suy nghĩ và sự phát triển. Chính vì vậy mà trẻ em đã tìm nhiều hơn những ca khúc của nguời lớn như một sự lựa chọn bất đắc dĩ. Xuất hiện nhiều em bé được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp và chuyên biểu diễn dòng nhạc già dặn hơn tuổi. Tình trạng này đáng được báo động ở tình trạng cấp thiết"- nhạc sĩ chia sẻ.

Hơn nữa, nhạc sĩ "Cánh én tuổi thơ" cũng cho rằng việc "sính ngoại" khi đưa quá nhiều ca khúc tiếng Anh vào phần thi cũng là một vấn đề đáng bàn. "Trẻ con bây giờ không thích hát tiếng Việt bằng các ca khúc tiếng nước ngoài, điều này không nên cổ suý vì lâu dần sẽ mất đi bản sắc chủ quyền tiếng Việt. Và, ở đây không nên trách các em, vì lỗi thuộc về người lớn. Họ đã định hướng cho các em những bài hát không dành cho lứa tuổi của mình. Còn các em thực sự là "những tờ giấy trắng" nên chỉ biết làm theo chỉ dẫn của người lớn mà thôi. Hãy để các em sống đúng và phát triển đúng với lứa tuổi của mình".

Nếu xét toàn diện "mâm cỗ" âm nhạc Việt Nam hiện nay thì mảng ca khúc thiếu nhi đang được xem là thiếu thốn. Một phần nguyên nhân khiến cho lãnh địa các bài hát thiếu nhi bị thu hẹp chính là do số nhạc sĩ sáng tác cho thiếu nhi đang ngày càng trở nên ít ỏi. Thiếu vì đề tài này khá kén nhạc sĩ, kén người khai thác. Nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ: "Dễ là ở chỗ muốn viết được các ca khúc thiếu nhi, ngoài việc yêu mến trẻ thì phải am hiểu tường tận tâm lý của các em. Còn khó ở chỗ là viết cho các em thì khó nổi tiếng, trẻ con không phải là nhà phê bình- lý luận mà đưa lên báo. Thích thì chúng hát thôi. Hơn nữa, thu nhập khi viết các ca khúc thiếu nhi không cao, vì thế, nhạc sĩ nào tràn đầy tâm huyết mới chịu khó đi sâu khai thác mảng đề tài này".

Còn nhạc sĩ Hoàng Lân từng nói thẳng: "Sáng tác cho thiếu nhi được ít ưu đãi về vật chất. Tôi từng sáng tác nhiều bài hát cho thiếu nhi được đưa vào tuyển tập nhưng mỗi bài hát được in, tôi chỉ nhận được 50 nghìn đồng nhuận bút. Vì vậy khó trách các nhạc sĩ trẻ không mặn mà với việc sáng tác ca khúc trẻ em. Hội Nhạc sĩ hàng năm vẫn trao giải cho bài hát thiếu nhi nhưng không ai có trách nhiệm phổ biến. Còn tác giả thì sao phổ biến được".

Vừa xem, vừa giật mình thon thót...

Trong khi cuộc thi Vietnam's Got Talent 2012 từng bị kêu ca bởi có quá nhiều bài hát quá tầm so với lứa tuổi thiếu nhi thì ngay trong đêm thi đầu tiên của The Voice Kids vào hôm 1/6 vừa qua cũng nhanh chóng nhận được phản hồi tương tự từ dư luận. Khác với các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc nhí "Đồ- rê- mí" trước đây, The Voice Kids thoải mái trong việc cho các em lựa chọn bài hát. Chính vì thế, đa phần các em nhỏ tham gia đều lựa chọn ca khúc người lớn để thể hiện. Dù là sân chơi dành cho thiếu nhi nhưng trong toàn bộ đêm thi, khán giả mỏi mắt vẫn không thể tìm thấy một bài hát thiếu nhi nào đúng nghĩa. Theo dõi phần trình diễn của các mầm non âm nhạc, nhiều khán giả giật mình thon thót khi xem các phần biểu diễn xuất sắc của các thí sinh nhí trong các ca khúc tiếng Anh không phù hợp để dành cho thiếu nhi như: Stronger; That should be me; A moment like this; Set fire to the rain; Price tag...


Gia Lê

Viết bình luận: Giọng hát việt nhí: Thiếu đất để thể hiện sự hồn nhiên đúng lứa tuổi

  •  
Khoá học lớp 2-12 - Tuyensinh247