Bộ Tài chính vừa có báo cáo về tình hình thực hiện các nhiệm vụ tài chính – Ngân sách Nhà nước tháng 11 năm 2012 của ngành Tài chính.
Theo đó, trong tháng 11 vừa qua Bộ Tài chính đã có các văn bản hướng dẫn các địa phương tăng cường kiểm soát thị trường, không để xảy ra đột biến về giá các hàng hóa và dịch vụ quan trọng thiết yếu. Cùng với đó là, quy định chi tiết việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giá để tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.
Đối với công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định pháp luật quản lý giá, trong năm 2012, Bộ Tài chính đã thành lập 3 đoàn công tác kiểm tra tình hình thực hiện công tác quản lý và bình ổn giá tại các tỉnh trọng điểm ở cả 3 khu vực Bắc, Trung, Nam; thanh tra, kiểm tra giá tại 16 công ty sản xuất điện ngoài EVN, 6 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, 4 doanh nghiệp kinh doanh gas.
Riêng về điều hành giá xăng dầu, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh phù hợp với diễn biến thị trường thế giới và theo quy định của Nghị định 84/2009/NĐ-CP. Từ đầu năm 2012 đến nay đã thực hiện 12 lần điều chỉnh đối với giá xăng dầu, trong đó có 6 lần tăng và 6 lần giảm.
Cùng với việc đưa ra những đánh giá về tháng 11 vừa qua, trong báo cáo của Bộ Tài chính cũng đưa ra dự báo về tình hình giá cả thị trường tháng 12/2012 và đầu năm 2013.
Theo đó, trong tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013, mặt bằng giá cả thị trường chịu tác động tăng bởi một số yếu tố như sức mua có khả năng thanh toán tăng do đẩy mạnh giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản, lượng kiều hối, tiền thưởng cuối năm tăng nhu cầu sản xuất, chế biến và dự trữ thực phẩm và hàng hoá phục vụ Tết Dương Lịch, Tết Nguyên đán 2013 tăng có thể tác động tăng giá hàng hóa.
Tuy nhiên, dự báo diễn biến giá cả một số hàng hoá thiết yếu trên thị trường thế giới không có nhiều biến động. Đồng thời với việc triển khai quyết liệt thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, bình ổn giá sẽ tiếp tục phát huy tác dụng, góp phần làm giảm áp lực tăng giá thị trường.
Ngoài ra, với các giải pháp đã triển khai từ đầu năm 2012 tới nay, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2012 so với tháng 12/2011 chỉ tăng 6,52%, tạo điều kiện cho việc hoàn thành mục tiêu kiềm chế CPI cả năm ở mức 8%.
Yến Nhi