10/11/2012 08:58 am
Một đứa trẻ lớn lên không có niềm đam mê, ước vọng thì cuộc đời sẽ tẻ nhạt và vô vị dường nào!
Mỗi lần ngồi trước màn hình xem chương trình So you think you can dance, chị Nguyễn Thanh Huệ (30 tuổi) lại nhớ về những cảm xúc ngày nào với niềm luyến tiếc khôn nguôi. Khi còn là cô bé sáu tuổi, được xem chương trình khiêu vũ quốc tế, chị đã mơ ước lớn lên sẽ trở thành vũ công, nhưng niềm đam mê đó bị mẹ dập tắt một cách mãnh liệt với quan niệm học mới là quan trọng và có tương lai, còn chuyện nhảy nhót chỉ làm “hư thân mất nết” mà thôi!
Một trường hợp khác, Lê Minh Hoài, 18 tuổi, trong giờ học ngoại khoá định hướng nghề nghiệp tâm sự với chúng tôi rằng: “Em thật sự không biết mình học để làm gì, mình có ước muốn gì. Thôi thì cuộc đời muốn đến đâu thì đến, em chẳng cần định hướng gì cả!”. Qua bạn bè em, chúng tôi mới biết trước đây Hoài từng đam mê trở thành huấn luyện viên khiêu vũ. Hoài rất có năng khiếu, chỉ cần xem qua trên mạng vài lần là em có thể tự tập những bước nhảy điêu luyện. Nhưng từ khi gia đình biết được mơ ước của em, Hoài phải hứng chịu những lời mắng chửi của ba mẹ. Một lần tranh luận với ba mẹ, khi em cương quyết bảo vệ ý kiến của mình, giá phải trả là cái máy tính của em bị đập vỡ tan tành. Kể từ đó em chẳng còn hứng thú gì trong học tập.
Có một ước mơ để đeo đuổi và phấn đấu sẽ giúp chúng ta tìm thấy được giá trị của cuộc sống bản thân. Thật đáng tiếc cho một người sống mà không biết được mục tiêu phấn đấu của bản thân. Chỉ khi dám mơ ước và theo đuổi, niềm đam mê sẽ thôi thúc mỗi người thể hiện hết khả năng của mình để chạm đến thành công. Điều tồi tệ nhất là đánh mất ước mơ và niềm tin.
Nghề nghiệp là một phần cuộc đời mỗi người, nhiều bậc cha mẹ do muốn con có một tương lai tốt đẹp nên thường bắt ép con cái phục tùng ý kiến mình; họ hay chỉ trích những ước mơ của con với những đánh giá cảm tính chủ quan mà không xét đến sở thích, hứng thú, năng khiếu... của trẻ. Trẻ càng nhỏ càng nhiều ước mơ, nhiều mong muốn và những suy nghĩ đó của trẻ cũng sẽ biến đổi theo hoàn cảnh và thời gian. Sự gần gũi, sẻ chia và đồng cảm với trẻ sẽ giúp cha mẹ có thể lèo lái con mình đi đến một quyết định đúng đắn. Những suy nghĩ chủ quan, không quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của con cái, có thể khiến đôi khi cha mẹ vô tình trở thành người đánh cắp ước mơ của con, áp đặt trẻ thực hiện những ước mơ mà mình chưa thực hiện được. Đừng bắt bé phải thay đổi ước mơ chỉ vì mơ ước đó không phù hợp với mong muốn của cha mẹ. Chẳng ai có thể thực hiện tốt giấc mơ của người khác.
Hãy lắng nghe và tìm hiểu ước mơ của con để có thể vun đắp hay điều chỉnh một cách nhẹ nhàng. Hãy chắp cánh cho trẻ vươn tới ước mơ để bay thật xa, thật vững vào đời.
Theo SGTT NẮM CHẮC KIẾN THỨC, BỨT PHÁ ĐIỂM 9,10 LỚP 1 - LỚP 12 CÙNG TUYENSINH247! Nếu em đang:
Tuyensinh247 giúp em:
Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY |
|