Hệ tại chức: Nhiều ý kiến trái chiều

Hàng trăm bạn đọc cho rằng việc từ chối tuyển dụng người tốt nghiệp hệ tại chức là có cơ sở bởi chất lượng đào tạo hệ này có vấn đề. Trong khi đó, không ít người đánh giá người học tại chức vừa có kinh nghiệm vừa có kiến thức hơn hẳn người học chính quy.

>> Hệ tại chức: đứa con bị từ chối

>> Các trường đào tạo tại chức lên tiếng

He tai chuc: Nhieu y kien trai chieu
Một giờ học của lớp vừa học vừa làm (tại chức) ngành quản trị kinh doanh - Ảnh: như hùng

Đó là một phần nội dung trong gần 600 ý kiến bạn đọc gửi về Tuổi Trẻ bày tỏ quan điểm trước thực tế rất nhiều địa phương nói không với người tốt nghiệp hệ tại chức trong những ngày qua.

Chất lượng thấp

* Tôi là một giảng viên đại học, từng tham gia giảng dạy nhiều lớp hệ tại chức. Nhìn thẳng vào thực tế, trong những năm gần đây vì nhiều lý do khác nhau, chất lượng đầu ra của tuyệt đại đa số sinh viên tại chức là rất yếu. Tôi tán thành chủ trương không tuyển sinh viên hệ này đối với những trường hợp tuyển dụng không tiến hành được việc đánh giá chất lượng ứng viên một cách chính xác.

HÀ HẢI (haviethai@...)

* Hệ tại chức tuy cũng có người giỏi nhưng tỉ lệ rất thấp. Tuyển những đối tượng này sẽ mất thời gian, mất công sức. Nhiều người cho rằng không tuyển người học tại chức thì phải xóa hệ này đi, đừng đào tạo nữa. Rõ ràng cách mà các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Nam Định, Hà Nam... đang làm đã cụ thể hóa yêu cầu đó. Nếu tất cả địa phương trong cả nước đều tuyên bố không nhận hệ tại chức thì hệ này không cần có thông báo dẹp tự nó cũng biến mất.

B.Đ. (mttl1980@...)

* Không phủ nhận có những người không có bằng đại học chính quy vẫn làm việc tốt hơn người có bằng, nhưng đây là số ít. Nhìn tổng thể, học sinh giỏi ở phổ thông mới vào được đại học chính quy. Không vào được chính quy mới qua hệ tại chức rồi khi vào học lại vừa làm, vừa học, vừa chơi. Thế thì làm sao có thể có chất lượng tốt bằng học chính quy được? Hệ đào tạo này đang trở “cửa” cho những người muốn tìm đường vào bộ máy công quyền.

NGUYỄN BÌNH MINH (minhtuong.788@...)

* Tôi đã học tại chức, học thì ít, quà thầy thì nhiều. Nói chung trông đến ngày để nhận bằng cử nhân, có luôn chứng chỉ C tiếng Anh mà chẳng nói một câu nào và chả có ai rớt cả. Học như tôi, bằng của tôi chẳng giúp gì cho xã hội. Tôi nghĩ đến lúc chúng ta cần mạnh dạn nói thật và làm thật để xã hội ngày càng phát triển và công bằng hơn! Nên nhường chỗ cho những người học hành nghiêm túc hơn nhưng đang thất nghiệp.

H.THIÊN (thien@...)

Không nên đổ lỗi cho tấm bằng

* Việc không nhận bằng tại chức là vi phạm pháp luật. Nhà nước đã chấp nhận loại hình đào tạo này thì phải đối xử bình đẳng như các loại hình đào tạo khác. Theo tôi, bằng cấp không quá quan trọng, vấn đề là khả năng làm việc, do đó cách tuyển chọn công bằng khách quan nhất là thi tuyển, ai qua được kỳ thi này thì họ xứng đáng, chẳng cần biết họ tốt nghiệp bằng gì.

QUỐC HÙNG (qhung1979@...)

* Tôi hiện làm quản lý về đào tạo hệ vừa làm vừa học ở một trường đại học. Tôi đồng tình với nhiều ý kiến ủng hộ hệ đào tạo này. Với kiến thức tích lũy được, nếu người học đang làm việc và học đúng ngành mình đang làm thì có thể nói tổng hợp tất cả kiến thức trong quá trình học với thời gian cùng đào tạo như chính quy thì người học hệ vừa làm vừa học tốt hơn rất nhiều người học chính quy. Bởi lẽ về kiến thức chuyên môn, họ không chỉ đến lớp mà còn có cả tám giờ làm việc quý báu nơi công sở, công trường, xí nghiệp. Thực tế có nhiều người học tại chức còn giỏi hơn người học chính quy.

LÊ TUYÊN (tuyenled@...)

* Hiện nay việc xã hội chê sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức là do cách dạy của một số trường đại học đã xem nhẹ và bán rẻ bằng cấp của mình. Nếu cùng dạy một chương trình, cùng một phương pháp dạy và cùng cách tổ chức thi cử như nhau thì hà cớ gì bằng cấp tại chức lại bị phân biệt. Ngày nay, thời đại của việc học theo phương châm “học suốt đời”, cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật chúng ta có thể ngồi một chỗ mà tự học và tự đăng ký dự thi cuối khóa. Cốt yếu là sinh viên đã tiếp thu được bao nhiêu phần trăm mục tiêu của chương trình được đào tạo.

VŨ ĐÌNH THẮNG (vdthang2004@...)

* Người học tại chức không phải tất cả đều kém. Không nên thấy những người “thi hoài không đậu” đi học tại chức để lấy tấm bằng rồi nghĩ ai cũng kém như họ. Vấn đề là làm thế nào để chất lượng tại chức hay đào tạo từ xa đều có chất lượng như nhau. Đào tạo kỹ sư, cử nhân tồi là lỗi của nhà đào tạo. Không nên đổ lỗi cho cái bằng hay người học.

HUỲNH NGỌC GIAO (huynh.ngocigiao@...)

 

Loại hình nào cũng có lợi thế

l Loại hình đào tạo nào cũng giúp người học nâng cao tri thức, hiểu biết về ngành nghề nào đó, cuối cùng để đánh giá bậc hiểu biết thì ta có tấm bằng, giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ. Vậy loại hình đào tạo (dài hạn, tại chức, chuyên tu, liên thông...) chỉ có lợi cho xã hội chứ không có hại. Vấn đề ở đây là chúng ta du di, hời hợt trong dạy và học, trong đánh giá, trong thi tuyển... nên hệ quả cuối cùng tri thức thấp, bằng cấp cao. Vì vậy, cái cần chấn chỉnh không phải là xóa các hình thức học hoặc trách cơ quan tuyển dụng sao quay lưng lại các loại bằng cấp không chính quy, mà phải chấn chỉnh để sao cho dạy và học thật sự nghiêm túc.

Theo thethaohangngay

 

1 bình luận: Hệ tại chức: Nhiều ý kiến trái chiều

  •  
Khoá học lớp 2-12 - Tuyensinh247