17/09/2014 08:28 am
Chia sẻ về vấn đề này, nhiều bạn cho biết khi vào đại học mới thấy ngành học của mình trái với nghề định hướng sau này. Nhưng vì nhiều lý do mà các bạn không thể từ bỏ. Học trái ngành vẫn xin được việc làm phù hợp Trong chương trình hội thảo do Khoa Thương mại - Du lịch - Marketing, Trường đại học Kinh tế TP.HCM tổ chức vào ngày 14.9, tại TP.HCM tổ chức, ông Dương Đình Bảo, Giám đốc Ngân hàng VB Bank (chi nhánh TP.HCM) cho biết : “Riêng về phía ngành ngân hàng không nhất thiết phải yêu cầu bạn học đúng ngành là tài chính ngân hàng mới làm trong ngành ngân hàng. Chỉ cần làm tốt và được việc, có hòa nhập được với môi trường của ngân hàng không mà thôi”. Nhiều sinh viên lo lắng sau khi nhận ra ngành học trái với nghề định hướng của mình. Ông Bảo cũng giải thích thêm rằng các ngành khác như quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, nhân sự, marketing… vẫn có thể làm việc tại ngân hàng. Điều này cho thấy các bạn hoàn toàn có thể tìm được công việc yêu thích khi học trái ngành. Tuy nhiên, cơ hội có được làm việc theo đúng nguyện vọng của mình hơn còn phụ thuộc rất nhiều vào sự nỗ lực, tìm tòi và tự học hỏi của các bạn. Trả lời câu hỏi của một bạn sinh viên: Muốn làm trong ngành Marketing thì cần thay đổi gì để thích ứng khi đang học một ngành khác, ông Ngô Minh Thuận trấn an: “Cái bạn biết, bạn thích thì cứ tham gia, còn nghe người khác tư vấn mới thích thì nên suy nghĩ lại. Nếu mình thích Marketing thì nên chọn làm Freelane hoặc thực tập tại một nơi nào đó ngay khi còn ngồi trên giảng đường. Để có sự trải nghiệm xem mình có hợp với nghề hay không”. Làm gì để gây được ấn tượng với nhà tuyển dụng? Nhiều bạn sinh viên băn khoăn không biết ngành học của mình có đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng hiện nay hay không. Trả lời câu hỏi này, ông Ngô Minh Thuận, Giám đốc điều hành DNA Digital, người sáng lập Công ty DNA Digital chia sẻ: “Các bạn phải chứng minh được mình có thực sự phù hợp với nhà tuyển dụng hay không. Phù hợp với từng vị trí cụ thể nào. Và một yếu tố cần thiết là phải biết khác biệt và tỏa sáng đúng lúc, bắt đầu từ những công việc nhỏ nhất”. Bên cạnh trình độ chuyên môn thì việc gây được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn chính là yếu tố tiên quyết quyết định việc bạn có được nhận vào làm tại một công ty nào đó hay không. Ông Dương Đình Bảo cho biết: “Bạn phải cho người phỏng vấn thấy bạn còn những khả năng nào khác ngoài những cái đã trình bày trong CV xin việc của mình, đặc biệt là những kỹ năng mềm của từng người”. Gây ấn tượng với người tuyển dụng là yếu tố vô cùng quan trọng. Ngoài ra, trong quá trình thực tập, các bạn sinh viên hãy coi mình là một thành viên chính thức của công ty. Hãy xem đây là những bước thử thách nền tảng quan trọng, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và cho nhà tuyển dụng thấy được rằng bạn là một lựa chọn phù hợp với công việc yêu cầu của họ. Sự trưởng thành hơn trong công việc, sự năng động trong thực tập của các sinh viên giúp những nhà tuyển dụng có thể thấy được ưu điểm của từng cá nhân để cân nhắc việc có nên giữ lại tiếp tục công việc hay không. Theo Thethaohangngay |
>> Đăng kí tín chỉ - nỗi niềm của sinh viên
>> Cười ra nước mắt với cảnh sinh viên tìm nhà trọ