Đề thi tuyển sinh ĐH đã có những đổi mới rõ nét không còn phần chung và phần riêng. Đợt thi thứ hai cũng được dự báo sẽ có sự đổi mới mạnh mẽ trong cách thức ra đề nhằm đánh giá năng lực tư duy, khả năng vận dụng của thí sinh.
Nhiều chuyên gia nhận định qua đợt một kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay cho thấy đề thi không thuộc dạng tủ nào, không mang tính đánh đố thí sinh và không quá sa vào kiến thức nặng nề.
ThS Văn Thị Thùy Dương: Thí sinh nên ăn đủ ba bữa chính, không ngủ ít hơn 6 giờ/ngày để đảm bảo sức khỏe đi thi
Cấu trúc đề đợt 1 làm “mẫu” cho đợt 2?
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH SP Kĩ thuật TP.HCM: "Những thí sinh học theo kiểu “cày”, kém sáng tạo sẽ khó có điểm cao. Thí sinh lưu ý cần tập trung đầu tư cho môn thi chính (nhân hệ số) để tăng cơ hội trúng tuyển"
PGS.TS Trịnh Đình Tùng (khoa lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng xu hướng đổi mới đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ đã bộc lộ rất rõ ở các môn thi của đợt một theo xu hướng thí sinh muốn trúng tuyển ĐH không thể chỉ thuần túy học thuộc lòng. “Theo xu hướng này, đề thi lịch sử trong đợt hai tới đây cũng sẽ phải chạm đến việc giúp học sinh vận dụng kiến thức lịch sử vào đời sống, tránh nặng về kiến thức hàn lâm như lâu nay khiến các sự kiện lịch sử thuộc về quá khứ cứ bị đẩy xa so với thực tiễn” - ông Tùng nhấn mạnh.
Đề thi đợt 2 cũng sẽ chủ yếu kiểm tra năng lực của thí sinh
Điều nhiều thí sinh của đợt thi thứ hai quan tâm là cấu trúc đề thi liệu có giống đợt một để không còn tách bạch hai phần chung (dành cho tất cả thí sinh) và riêng (thí sinh lựa chọn làm một trong hai phần: dành cho chương trình chuẩn, hoặc chương trình nâng cao)? Cho dù lãnh đạo Bộ GD-ĐT khi được chất vấn chưa có câu trả lời thỏa mãn, nhưng nhiều giáo viên từng tham gia ra đề thi ĐH, giảng viên các trường ĐH cũng như các giáo viên nhiều kinh nghiệm của các trường THPT đều tiên lượng cấu trúc đề thi đợt một sẽ chính là “hình mẫu” cho đề thi đợt hai sắp tới. Ông Tùng chia sẻ: “Thực tế việc bỏ đi phần tự chọn là quyết định đúng của Bộ GD-ĐT. Kinh nghiệm chấm thi ĐH bao năm qua của chúng tôi đã thấy rõ đề thi dù có phần tự chọn, nhưng cực kỳ hiếm hoi thí sinh chọn câu hỏi ở chương trình nâng cao”.
TS Nguyễn Kim Quang, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), cho biết chủ trương ra đề của Bộ GD-ĐT năm nay vẫn giữ nguyên tắc không ra ngoài chương trình, qua đợt một thể hiện rõ điều đó. Thí sinh nếu biết kết hợp phương pháp học truyền thống và biết vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề sẽ đạt kết quả cao hơn. “Đề thi đợt hai nhiều khả năng tiếp tục được ra theo xu hướng đó. Với cách ra đề năm nay các câu hỏi chung dành cho tất cả thí sinh, trong đó có những câu hỏi dễ và cũng có nhiều câu hỏi khó. Vì vậy, tùy theo sức học của mình, thí sinh cần tập trung bình tĩnh làm tốt những câu mang tính kiểm tra kiến thức cơ bản trước để kiếm điểm rồi làm tiếp những câu còn lại” - ông Quang khuyên. Cũng theo ông Quang, xu hướng đề thi được tuyển chọn bao giờ cũng dần tăng tỉ lệ các câu vận dụng kiến thức chứ không chỉ đánh giá trên việc thuộc lòng. Tuy nhiên thí sinh cần nắm chắc kiến thức mới có cơ sở để suy luận, giải quyết vấn đề. Với các môn thi trắc nghiệm tỉ lệ câu đòi hỏi suy luận của thí sinh cũng sẽ cao hơn các năm trước.
Không còn “đất” cho học thuộc lòng
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, với xu hướng ra đề hiện nay của Bộ GD-ĐT sẽ không còn “đất” cho việc học thuộc lòng nữa mà đòi hỏi thí sinh có tư duy và biết cách ứng dụng kiến thức của mình vào thực tế. Qua kỳ thi THPT và đợt một kỳ thi ĐH vừa qua có thể thấy xu hướng ra đề sẽ tập trung chủ yếu kiểm tra kiến thức thí sinh đã học trong sách giáo khoa lớp 12. Nếu gặp những dạng đề lạ, thí sinh cần linh động vận dụng kiến thức đã học suy luận, tìm đáp án.
Đối với các môn nhiều kiến thức thí sinh không nên chỉ học thuộc lòng mà nên biết kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tế hơn
TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), suy đoán trong đợt hai đề thi các môn thi khối C cũng có thể sẽ theo hướng tăng các câu hỏi mở, đòi hỏi thí sinh phải biết vận dụng kiến thức để suy luận. “Theo tôi, với việc đổi mới cách ra đề của Bộ GD-ĐT, thí sinh không cần học thuộc lòng từng ý trong sách mà phải biết cách nắm bắt những ý trọng tâm để phân tích, đồng thời cũng cần chú ý đến các sự kiện thời sự, những hiện tượng xã hội... Một đề thi các môn khoa học xã hội bao giờ cũng đòi hỏi khả năng vận dụng kiến thức đã học của thí sinh để phân tích những sự kiện thực tế” - ông Hạ nói.
Trong khi đó thầy Trần Hinh - khoa văn học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội) - khẳng định với môn văn, sự khác biệt rõ nhất ở chương trình nâng cao là có số lượng nhiều hơn chương trình chuẩn 5-6 bài, “trùm” lên nội dung chương trình chuẩn. Do đó khi không còn câu hỏi tự chọn, thí sinh có thể tự khoanh vùng vào các bài học thuộc chương trình chuẩn. Thầy Hinh cũng cho rằng khi đề thi tốt nghiệp THPT đã được cấu trúc lại chỉ còn hai câu đọc hiểu và làm văn thì thí sinh thi ĐH cũng cần lưu tâm đến sự chuyển đổi này trong đề thi khối C, D sắp tới.
Theo Trần Huỳnh - Ngọc Hà báo Tuổi trẻ